Home Phiếm Các Tác Giả Chuyện ông sếp sòng Nam Phi

Chuyện ông sếp sòng Nam Phi PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh (từ Johannesburg)   
Thứ Tư, 16 Tháng 6 Năm 2010 09:43

1. Thế giới chắc chỉ có mỗi mình ông này. Ông đang lãnh đạo một nước, từng hoạt động bí mật từ thủa còn niên thiếu,

ngồi tù nhiều năm vì tranh đấu cho quyền tự do và bình đẳng của tập thể người da màu ở vùng đất bị cai trị bởi người da trắng và chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, ông cũng từng phải sống lưu vong, từng là đảng viên đảng Cộng Sản, leo lên chức Ủy Viên Bộ Chính Trị trước khi bỏ đảng để quay về với chủ nghĩa quốc gia. Ông từng giữ nhiều vai trò quan trọng trong chính quyền và từ năm 2009 đến giờ ông là nhân vật số một của quốc gia.

Với người dân, ông là biểu tượng của nhiều chuyện khác nhau và hoàn toàn trái ngược với nhau. Trong danh sách anh hùng của quốc gia tên ông đứng hàng đầu, bề dày cách mạng chẳng mấy người bằng ông, nói năng chững chạc, hùng hồn, thu hút người nghe, ông cũng chẳng thua ai, ngay cả chuyện mang tiếng xấu cũng không ai hơn được ông.

Bằng chứng vẫn được nói đến là ông từng bị đưa ra tòa về tội hãm hiếp con gái một đồng chí - sau đó được tòa tha bổng vì không đủ chứng cớ - từng bị đưa ra tòa và kêu án về tội tham ô - sau đó bản án bị hủy bỏ vì Hội Ðồng Thẩm Phán cho rằng tòa bị áp lực chính trị áp lực nên không thể xét xử công minh.

 Ông cũng nổi tiếng về nếp sống xa hoa, và đặc biệt nhất là chuyện ông có quá nhiều vợ, 5 bà chính thức, trong đó có một bà vợ cũ đang nắm chức Bộ Trưởng Nội Vụ, quá nhiều hôn thê - 2 cô, quá nhiều con - 20 đứa được ông thừa nhận, chưa kể khoảng chục đứa khác không nằm trong danh sách được hưởng phụ cấp đặc biệt dành cho con của vị nguyên thủ, và ông có quá nhiều đào - đếm không xuể.

Tên ông là Jacob Zuma, tổng thống xứ Nam Phi.

Jacob Zuma, tổng thống xứ Nam Phi. (Hình Getty Images)
 
2. Chuyện đang gây ồn ào ở Nam Phi là chuyện ông tổng thống bị vợ... cắm sừng. Theo dân chúng và giới truyền thông, bà vợ thứ nhì mới cưới của ông - tên là Nompumelelo Ntuli - tằng tịu với cậu thanh niên Phinda Thomo, một nhân viên trong đoàn cận vệ của Phủ Tổng Thống.

 Kết quả: bà mang bầu, cậu Thomo tự tử chết chỉ ít ngày sau khi tin đồn về cuộc tình duyên ngang trái được tung lên mặt báo. Cũng cần nói thêm, trước ngày tin này được đồn thổi, nghe bảo bà Ntuli cũng đã có thời “gần gũi” với tài tử nổi tiếng Châu Phi Joe Mafela, và cả nước đều tin bà này “thích” các chàng trai trẻ tuổi hơn ông chồng quyền uy một cõi nhưng đã gần... bảy bó.

Không biết chuyện này đúng sai như thế nào, nhưng các nhà báo nước ngoài bắt đầu chán săn tin World Cup, thích ngồi nghe chuyện “thâm cung bí sử xứ Nam Phi” đều được nghe kể chuyện một người anh trai của bà này dẫn một con dê đến gặp ông Số Một.

 Theo phong tục bộ tộc KwaZulu-Natal, điều đó có nghĩa là “gia đình nhà gái xin lỗi nhà trai,” thừa nhận con gái mình đã phạm lỗi lầm không thể chấp nhận được. Cũng theo phong tục, ông chỉ cần hỏi vợ “đứa bé trong bụng là con ai” và bà vợ ngập ngừng không muốn... thành khẩn khai báo, là đã đủ có cớ để ông xé giấy hôn thú, mời bà xách valise ra khỏi dinh và tình nghĩa đôi ta kể như chấm dứt, hai đứa không còn liên hệ gì với nhau nữa.

3. Rất tiếc chuyện không đơn giản như vậy! Luật Gia Ðình được chính phủ Nam Phi ban hành hồi tháng 11, 2000 quy định rất rõ: không thể đem phong tục bộ tộc ra để giải quyết hôn nhân - tức ông không được quyền tự ý bỏ vợ mà phải nộp đơn ra tòa xin ly dị, và dù cuộc hôn nhân kết thúc về mặt pháp lý, hai người vẫn phải nhờ tòa chia số tài sản đang có - dựa vào lý do trước ngày hư hỏng bà Ntuli đã có công góp sức với chồng.

Ðiều đó có nghĩa là có thể ông phải chia gia tài cho bà vợ và chính phủ vẫn phải cung cấp cho bà ta cho đến khi bà chết hoặc bà tái giá, vì luật quy định tổng thống lãnh lương trọn đời, gia đình tổng thống cũng trọn đời được hưởng mọi điều kiện phụ cấp đặc biệt. Bộ Tài Chánh Nam Phi cho hay năm rồi ông Zuma lãnh gần 300,000 dollars tiền lương, chi phí cho gia đình tổng thống lên đến gần $2 triệu, dân chúng phải cong lưng làm việc, đóng thuế để nuôi cả ông lẫn các bà và quý cô cậu.

4. Giả sử ông Tổng Thống Zuma đưa bà vợ ra tòa, chuyện gì sẽ xảy ra? Người dân Nam Phi dự đoán hầu như chắc chắn bà Ntuli sẽ trình bày trước tòa về đời sống trác táng của ông chồng để bênh vực chuyện bà làm, theo kiểu “nếu ông được phép ăn chả thì bà cũng được quyền ăn nem.” Lúc đó, có khả năng các bà vợ khác của ông sẽ được tòa mời ra làm nhân chứng và chuyện sẽ ầm ĩ cả lên, làm xấu mặt quốc gia.

Còn nếu bà Ntuli nhìn nhận mọi tội, ông tổng thống xứ Nam Phi sẽ được hưởng những gì? Trước hết, ông không phải chia tài sản cho bà vợ, đồng thời được quyền yêu cầu tòa bắt gia đình bà phải trả lại “lễ cưới” -tiếng địa phương gọi là “lobolo,” và xin tòa cho ông được quyền hưởng tài sản của tình địch - tiếng địa phương gọi là inhlawulo - vì tên này đã làm mất mặt ông, can tội gian díu với một phụ nữ có gia đình và cho bà vợ ông cái bầu làm kỷ niệm.

Nhưng giải pháp thứ ba cũng được nói đến: biết đâu chừng ông bà sẽ ở lại với nhau cho đến ngày răng long đầu bạc, vì đừng quên ông bà tổng thống sẽ được quốc gia chu cấp trọn đời, mang nhau ra tòa chỉ mang tiếng xấu cho cả hai người, lại còn bị thiệt hại lỗ lã về vật chất.

5. Không rõ giải pháp nào sẽ được Tổng Thống Jacob Zuma của Nam Phi và bà vợ “ăn ốc bắt chồng đổ vỏ” tính đến. Xin kể một câu chuyện nghe được từ các ông nhà báo Nam Phi lắm chuyện: Trong một cuộc tiếp tân, các nhà báo đua nhau hỏi ông Zuma về những đồn đãi ông có tính lăng nhăng có thể làm bẽ mặt quốc gia. Câu trả lời của lãnh tụ là “Tớ với các cậu đều là đàn ông cả, bắt bẻ nhau làm gì!” Nói xong ông bỏ đi một bước, ai muốn hiểu sao thì hiểu.