Ba Cái Lăng Nhăng Nó Quấy... |
Tác Giả: Hà Bắc | |||
Thứ Năm, 24 Tháng 2 Năm 2011 21:28 | |||
Vụ “lăng nhăng” ở Tòa Bạch Ốc thời TT Clincton trước đây đã là đề tài cho các hãng truyền thông và báo chí khắp nơi khai thác tận tình. Có thể đây chỉ là trò chính trị bẩn như thường xảy ra trong chính trường Mỹ, cũng có thể là chuyện thâm cung bí sử đã được “bật mí” và kết thúc hoàn toàn. Nhân năm hết Tết đến, ta thử mổ xẻ một trong ba cái “lăng nhăng” mà cụ Tú Trần Tế Xương đã “xuất khẩu thành thi”:
“Một trà, một rượu, một đàn bà Chuyện lăng nhăng thì thời nào chẳng có; nơi nào chẳng đầy dãy. Nhưng dĩ nhiên người ta chỉ biết được những chuyện lăng nhăng nào xảy ra trong phạm vi không gian giới hạn như gia đình, địa phương nơi cư trú... Ngay cả những chuyện lăng nhăng được biết qua tòa án hay mục “từ thành đến tỉnh” của các nhật báo cũng chỉ là chuyện nhỏ. Ai hơi đâu mà nhớ cho mệt óc. Vậy thì chuyện lăng nhăng nào mới đáng kể, mới đáng nhớ? Chắc hẳn chỉ có chuyện lăng nhăng nào được trịnh trọng đăng trên trang nhất báo chí; được phát hình, phát thanh trên những đài truyền thông lớn tăm tiếng. Và vô hình chung, các ông bà “ký thật” mang danh “ký giả” đã biến chuyện lăng nhăng thành ‘’chuyện lớn’’ cho thêm phần ‘’lớn chuyện’’. Tình sử của Caesar-Cléopatra, của Bonaparte-Joséphine đã có hàng thế kỷ để điều tra mà vẫn còn khối chi tiết chưa được tìm ra thì tình sử Bill-Monica ắt hẳn còn quá mới để kết luận thực hư mặc dù Bill có căn cứ vào định nghĩa để chối và ... hết chối! Thời cụ Tú Xương có lẽ ảnh hưởng “văn minh” Trung Hoa còn nặng nề quá nên ngoài cái chữ Nho ra, cái gì cũng có thể là lăng nhăng, lít nhít cả. Thời nay khoa học mọi ngành đã chứng minh nhiều điều đáng suy nghĩ. Nhiều vật tầm thường về hình thái đã có khả năng phi thường về chức năng. Tiêu diệt con vi trùng khó hơn giết một con cọp. Do đó con vi trùng gây tác hại hơn con cọp. Tương tự, theo tài liệu y học gần đây, trà là vị thuốc trị bá chứng. Trà có mặt tại tất cả các đại tiệc và các buổi ăn uống lớn nhỏ khác. Bởi tính cách đại chúng và tính chất thông dụng của nó nên trà đã được bày bán ở khắp nơi thay vì chỉ có ở tiệm thuốc. Các buổi ma chay, cưới hỏi ở xứ ta, trà phải là sính lễ chính của buổi tiệc. Rượu vẫn được coi là ‘’lăng nhăng’’ cho đến khi các ông “bợm” ta được định cư tại các xứ mà xe ô tô nhiều hơn xe lô-ca-chân tuyệt đại đa số. Và dĩ nhiên các ngài được Sở Giao-thông và các hãng bảo hiểm xe cộ chăm sóc “sức khỏe” đặc biệt ân cần. Bản thân Rượu không xấu. Trái lại, rượu là chất tinh luyện của một loại ngũ cốc hay cây trái nào đó. Nó là thức uống “cao cấp” vì nó đắt tiền và quí phái. Nó chỉ bình dân và rẻ khi ta được dùng “free” hay uống “chùa”, hoặc nó xuất hiện ở các quán “cóc” các hẻm phố. Rượu còn là một vị thuốc bổ và tiêu hóa có hiệu năng cao và cấp thời. Những thảm kịch trong gia đình cũng như ngoài xa lộ xảy ra do lỗi ở người dùng nó không đúng liều lượng, không đúng lúc, không đúng cách, không theo “toa” bác sĩ, không “bệnh” mà cũng cứ đòi uống “thuốc”. Có người còn tự coi mình là con bệnh kiêm luôn thày lang: băm thêm củ sâm Cao-ly hảo hạng bọc thiếc hoặc sang hơn nữa, “đế vương” hóa rượu đế bằng toa thuốc Minh Mạng có tên “Nhất Dạ Lục Giao Sinh Ngũ Tử”. Còn bình dân thì cứ ngâm đế vài anh rồng biển, rắn rết hay một bộ “ngầu pín” là cũng bổ chán lại còn “sê” mó-ney nữa. Trà và rượu đã rõ như ban ngày là chẳng phải thứ lăng nhăng tí nào. Đàn bà lại càng là một “cái” không nên được đánh giá sai bét là thứ yếu; là phụ; là lăng nhăng. “Lăng nhăng” ở đây theo cụ Tú có lẽ là cái liên hệ bên ngoài quan hệ hôn nhân với chánh thất của các “đấng” tu-mi nam tử. Vào thời cụ Tú, bốn ngàn năm văn hiến đồng lõa với quan niệm trọng nam, khinh nữ “Nam viết Hữu, Nữ viết Vô” và cái luân lý Khổng Mạnh là Tam Tòng: Tòng phụ chứ không cần tòng mẫu (mẹ), tòng tử (con) phải hiểu là con trai dù là con trai thứ. Khối đấng trượng phu mũi tẹt ở xứ Huê kỳ quốc này hàng ngày nói tiếng Mẽo; ăn hăm-bơ-gơ, hót-đóc; ăn cả nho chùm, nho xanh, nho đỏ, nho khô, nho tươi mà trong bụng vẫn cứ đầy ứ cái chữ Nho viết chưa đủ nét, nhét chưa kịp tiêu hóa cho nên lắm ngài cao hứng ngâm câu “Nam nhi tri chí” hoặc “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Rồi thì phu nhân các ngài nói nặng, nói nhẹ thế là các ngài nổi cơn sĩ diện nhà “nho” bèn dùng “Vô Vi Nam” tự do giáng phu nhân vài ba “trượng”. Chả là “trượng phu” mà lị. Có “võ” thì phải “văn ôn, võ luyện”. “Luyện” nhiều lần quá nên có đấng phải xách chiếu ra hầu tòa án nhân dân Mẽo rồi thì áo thung, xà lỏn tươm tất ra ngủ xe, ngủ đường với hộ khẩu Hôm-Lét từ đó. Trở lại cái khái niệm lăng nhăng, dù là ám chỉ cái liên hệ bên ngoài hôn nhân của các ông, nó cũng không đứng vững trên thực tế. Nhiều trường hợp điển hình trong lịch sử cho thấy cái “phụ” lại là chánh; có khi nó phải trả bằng giá đắt. “Nói có sách, mách có chứng” để tránh “tam sao thất bổn” bằng cách đi ngược dòng lịch sử cận đại nhất để chiêm ngưỡng cái lăng nhăng hay là thâm cung bí sử của các đại lãnh tụ “khả kính” nhất thời đại.
Napoléon lăng nhăng với hai cô bồ tèo là Eléonore Denuelle de la Plaigne và cô Marie Walewska. Mỗi cô đều cho ông ấy một hoàng nam. Ông có hai bà vợ. Bà chính thức là bà sau gốc Áo tên Marie Louise cũng cho ông một hoàng nam. Nhưng ông ta chỉ có hạnh phúc thực sự và lâu dài với gái già Joséphine đã có một đời chồng. Anh hoàng Edward VIII chẳng thà bỏ ngai vàng năm 1937 còn hơn là không được “lăng nhăng” với một bà thường dân Mỹ đã có chồng. Lénin có tiếng là giết kẻ thù không gớm tay cũng đã tỏ tình và lăng nhăng với cô Apolinaria Iakoubova trước khi lấy vợ là bà Nadejda Kroupskaia. Sau đó ông ta lăng nhăng với một nữ văn sĩ sau khi lấy vợ. Tiếp theo là người tình Inessa Armand kém ông ta 4 tuổi, đã bỏ chồng và dẫn 5 con về ở với em trai của chồng trước khi bồ với Lénin. Các tài liệu lưu trữ được công bố sau ngày Liên Xô sụp đổ cho thấy đây là hạnh phúc thực sự của Lénin mặc dù cả Inessa lẫn người vợ cả đều không cho ông ta đứa con nối “dõi ác ôn” nào. Hiếm muộn là căn bệnh di truyền của dòng họ nhà Lénin, không phải lỗi tại các bà. Tưởng Giới Thạch sinh năm 1887, con một thương gia buôn muối. Mẹ ông ta là vợ thứ ba và tuổi bằng nửa tuổi cha ông. Ông ta lấy vợ chính thức năm 14 tuổi theo lệ tảo hôn nên vợ già hơn ông ta 4 tuổi tên Phúc Mai, người đã cho ông ta đứa con trai đầu lòng là Tưởng Kinh Quốc, nguyên Tổng Thống đảo quốc Đài Loan sau khi ông ta từ trần. Họ Tưởng chạy chọt để được đi học Võ-bị ở Nhật. Về nước ông ta chỉ huy các băng đảng của nhóm Lục Hội; chơi bời trác táng; giết người không gớm tay. Ông có nhiệm vụ bảo vệ các đường dây buôn lậu nha phiến và các nhà thổ. Bà vợ cả thường bị ông ta đánh đập tàn nhẫn nên chỉ mong ông ta vắng nhà để khỏi bị đòn. Bà vợ thứ hai là Trần Khiết Như có học, cao, đẹp bị ông ép sang Mỹ để ông ở nhà làm đám cưới với Tống Mỹ Linh là vợ thứ ba. Bà Trần tốt nghiệp master tại Đại Học Columbia, New York và sinh sống tại San Fransisco. Trước khi cưới Mỹ Linh, Tưởng còn ngỏ lời cầu hôn chị của Mỹ Linh là Tống Khánh Linh, quả phụ của Tôn Dật Tiên vừa qua đời. Mục đích chính của Tưởng khi cầu hôn bà quả phụ Khánh Linh không gì khác hơn là vì tương lai chính trị của ông ta. Chẳng có tình yêu gì trong âm mưu này. Tuy ăn dầm nằm dề tại các nhà thổ suốt ngày đêm và sống trong vòng tay hàng ngàn gái điếm và ba bà vợ chính thức, ông ta cũng chỉ là hạng đàn em của Mao về mặt lăng nhăng này. Ông anh cột chèo Tôn Dật Tiên thì cũng “anh minh” như ai! Ông là lãnh tụ của các nhóm chống Mãn Thanh và đã được các nhóm này bầu làm Tổng Thống đầu tiên của Trung Hoa năm 1912. Vì không đủ tài chính và nghị lực nên ông đã bị Viên Thế Khải lấn lướt. Để giúp ông vượt qua khó khăn này, bạn thân của ông và cũng là nhà ái quốc tên Tống Giáo Nhân đã cưu mang ông từ vật chất đến tinh thần. Tin tưởng ở tình bạn, họ Tống đã cho con gái là Ái Linh đến làm thư ký riêng cho lãnh tụ. Lãnh tụ thấy gái trẻ đẹp bèn đòi cưới làm vợ. Chuyện ấy thất bại khi Ái Linh bỏ về nhà lấy chồng. Dù tình bạn đã tẻ nhạt sau vụ này, họ Tống vẫn say sưa với hoài bão ách-mạng nên lại cho em gái của Ái linh là Khánh Linh đến giúp lãnh tụ thay chị. Đang thất tình cao độ lại rút kinh nghiệm vồ hụt con mồi lần trước, lần này lãnh tụ anh minh 50 tuổi, vợ 3 con bèn chiếm” luôn cô con gái 20 tuổi non dại của ông bạn chí thân; đặt ông bạn trước một sự đã rồi. Ông bạn họ Tống biết chuyên lăng nhăng này bèn dọn nhà về Thượng Hải để mong ly gián con gái. Ông nhốt con gái trong nhà và khóa cửa nhưng đã muộn. Cô con gái giàu tinh thần “cách mạng” này đã leo cửa sổ, nhảy rào trốn sang Nhật sống với lãnh tụ anh minh. Ông bố khốn khổ họ Tống bèn dùng tàu và xe lửa đuổi theo nhưng đã quá trễ. Bọn “trẻ” đã tự làm đám cưới trước đó. Họ Tống mắng ông bạn lãnh tụ anh minh một trận lôi đình: nào là đồ phản bạn, đồ dụ dỗ gái tơ, đồ bệnh hoạn... Lãnh tụ gục đầu lặng thinh chịu đấm ăn xôi trước ông bạn ái quốc cả tin khốn khổ. Sau đó ông bạn họ Tống về nhà buồn rầu sinh bệnh mà chết. Âu cũng có lắm cách “hy sinh”, lắm cách chết vì “cách mạng”! Làm bố vợ nhà đại cách mạng oai thế mà còn không chịu?! Hay là họ Tống lẩm cẩm, họ Tống sướng muốn “chết”! Mao Trạch Đông, theo nhân chứng sống là ông Li Zhisui, bác sĩ riêng của Mao trong 22 năm thì Mao chết vì các tế bào tủy sống không sinh sản kịp, gây tê bại ở các cơ lưỡi, thực quản, tim mạch khiến bệnh nhân không nói và không ăn được. Mao chỉ cho Bác sĩ Li nghỉ có một tuần trong suốt 22 năm hầu hạ Mao. Cũng như Tưởng hay bất cứ lãnh tụ Trung Hoa nào từ trước tới nay, Mao lấy vợ ở tuổi vị thành niên để cha mẹ có thợ cấy không công trong nhà. Mao lấy vợ hai năm 1920 được 3 con trai đều chết yểu. Mao lấy vợ ba năm 1928 đẻ sáu đứa chỉ sống được có một. Mao lấy vợ bốn là Giang Thanh năm 1938. Thanh 26 tuổi là kịch viên đã có hai đời chồng. Càng về già Mao càng ham hành lạc. Mao bắt các cô gái trẻ quê mùa tuổi vị thành niên vào phòng riêng để phục vụ sinh lý với danh nghĩa là hộ lý, y tá, thư ký... Lúc nào trong phòng Mao cũng có năm ba cô gái. Mao có lần tâm sự với bác sĩ Li rằng lần đầu tiên trong đời Mao đã hiếp dâm một cô bé 12 tuổi. Mao tin rằng chơi gái càng nhiều thì càng tăng tuổi thọ vì “đa âm thì bổ dương”. Các cô gái quê thì sùng bái lãnh tụ một cách mù quáng nên tranh giành nhau để được Mao “chiếu cố” trước, chiếu cố nhiều lần và chiếu cố lâu hơn... Mao suốt ngày đêm chỉ ngụp lặn trong nhục dục đê hèn. Giang Thanh thì biết phận già nên quay sang gánh vác mọi việc triều chính cho chồng, lại còn phải quà cáp, o bế một cô “thư ký” riêng của Mao để được có dịp cho gặp lãnh tụ khi cần. Mao thường chỉ mặc một áo choàng loại đồ ngủ, không có quần áo lót bên trong, kể cả khi tiếp các quần thần trong chính phủ. Mao làm việc và tiếp khách cũng tại phòng ngủ mờ ảo thiếu ánh sáng này. Mao ăn, ngủ và làm việc tùy hứng. Giờ giấc thì bất thường. Mao đi chân không trong nhà; không bao giờ đánh răng. Mao chỉ súc miệng bằng nước trà vì cho rằng cọp nhờ không đánh răng nên răng trắng và sắc. Mao cũng hiếm khi tắm rửa. Thỉnh thoảng Mao có tắm sông, tắm hồ vì cho rằng các cô gái trẻ đã “mát-sa” và lau chùi “bó-đì” Mao mỗi ngày cũng đủ sạch chán! Mao chỉ đi cầu trong bô như con nít; không chịu vào nhà cầu và nhà tắm. Dĩ nhiên phải có người đi đổ bô. Mao không bao giờ rửa ráy bộ sinh dục của mình vì cho rằng nó thường xuyên cọ xát với quá nhiều bộ sinh dục của các cô gái nên cũng đủ cờ-lin lắm rồi, vả lại rửa ráy thì mất toi cái âm khí đóng bợn chồng lớp lớp quanh của quí thì thất sách và tổn thọ mất! Sau mỗi lần giao hoan xong, Mao thường xúi các cô về rủ thêm chị em gái, bạn gái, con gái chòm xóm hay kiếm gái cho Mao để Mao gia ân cho họ. Mao cướp chính quyền từ năm 1949 nên có nhiều thời gian để ăn chơi hơn Hồ. Tuy long đong lận đận vì Pháp và Mỹ và sốt rét quanh năm nhưng họ ‘’Hồ’’ của CSVN cũng lăng nhăng cho đáng là đệ tử ruột của các đồng chí vĩ đại anh em. Tài liệu mật được tìm thấy trong kho tàng 72 năm ‘’cắt mệnh zdô sản’’ của Liên-xô vĩ đại sau khi sụp đổ tan tành thành 15 mảnh cho thấy Hồ Chí Minh (HCM); còn có các tên nguyên thủy là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc.v.v.. đã lăng nhăng với hằng tá đàn bà: đĩ điếm, gái tơ, vợ chính thức, vợ hờ, vợ của các đồng chí và đệ tử, cán bộ cấp thấp... Đầu tiên là vụ lăng nhăng với hai gái điếm ở Pháp tên Marie và Brière (Devèze 27/12/1920) trước khi sang Nga ngày 30/6/1922 với visa giả tên Chen Vang. Tên HCM sau đổi thành Lin và Aikvak khi ở Nga để rồi có một con rơi với một phụ nữ Nga tên Vera. Khi công tác ở Tàu, HCM dùng tên Lý Thụy và chính thức cưới Tăng Tuyết Minh người Tàu năm 1927 có hôn thú và một con gái. Vợ con của HCM đã bị bỏ rơi hẳn từ khi ‘’Thụy’’ phải trốn sang Hong Kong ngày 5/5/1927. Tại đây “Thụy’’ quen Nguyễn Thị Minh-Khai, vợ của Lê Hồng Phong sau này (cưới nhau năm 1936). Mật vụ Pháp biết và bật mí “áp-phe’’ lăng nhăng này khi Minh-Khai nhận lời cầu hôn của họ Lê và từ chối lời tỏ tình của “Thụy’’; lúc này đã dùng tên Nguyễn Ái Quốc; nên “Quốc’’ và đảng CSĐD hồi đó đã phải nhờ Pháp “thanh minh thanh nga’’ dùm để giữ thể diện cho cá nhân và đảng của mình. Sau này Quốc tâm sự rằng việc để mất người tình Minh-Khai là nỗi thất bại chua cay và nhục nhã nhất trong cuộc đời mình! Để trả hận tình này, HCM sau đó đã chỉ điểm cho mật thám Pháp nơi trú ẩn của tình địch, cũng là đồng chí, bí thư đầu tiên của đảng để mượn tay Pháp bắt giết chồng của Minh-Khai. “Ăn’’ không được thì phải đạp đổ cho bõ ghét! Khi đã công thành danh toại; ngồi chễm chệ ở Bắc-bộ-phủ, HCM đã lăng nhăng với cán bộ hộ lý tên Hoàng Thị Xuân (không phải Nông T. Xuân). Khi cán bộ này có thai và xin chính thức được làm vợ thì HCM sai Trần Quốc Hoàn đập đầu vỡ sọ rồi quăng xác cô ra đường để công an của đảng lập báo cáo tai nạn giao thông! (xem Vũ Thư Hiên: Đêm Giữa Ban Ngày). Tên Hoàn bộ trưởng nội vụ này trước khi giết Thị-Xuân cũng đã cưỡng hiếp nạn nhân theo đúng đạo đức truyền thống cách mạng vô sản quốc tế Bôn-sơ-vích! Đệ tử của HCM phải thế chứ! Bí thư Lê Duẩn cũng nhiều ‘’vợ’’ đâu kém: Đào cải lương Thanh Nga là một; đã bị tay chân của vợ lớn thanh toán sau 1975. Lê Đức Thọ có hai vợ chính thức sống đề huề chung chăn chung giường như hai chị em. Chỉ tội cho Phạm Văn Đồng có vợ bị đồng chí “đè’’ mà vẫn phải cắn răng vẩu ngậm mồm để tránh “xì-căng-đan’’ cho đảng và cho bản thân! Cũng như Lenin và các xếnh-xáng Tàu như Tôn, Tưởng, Mao, danh sách đàn bà và các tác phẩm do đệ tam khoái “lăng nhăng’’mà có trong đời HCM còn dài lắm! Chỉ HCM và only HCM “ừa-lôn’’ (alone, tiếng Mẽo - cấm đọc lái) mới biết hết thảy bồ bịch và bầy con rơi của mình ở Pháp, ở Nga, ở Tàu, ở Bắc Việt...; mới biết mẹ đẻ của đứa con rơi Nguyễn Tất Trung và mụ người Tày mẹ đẻ của Nông Đức Mạnh từ mối tình trong hang Pắc-bó năm xưa là những ai?!
“Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên, “HCM, The Missing Years” của Quinn Judge, “HCM: A Life” của William J. Duiker, “The Private Life of Chairman Mao” của Dr Li Zhisui, “Chang Kai-shek, China’s Generalissimo and The Nation He Lost” của Jonathon Fenby và các tài liệu khác.
|