Dị ứng, bệnh khó chữa! |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Ba, 15 Tháng 3 Năm 2011 19:59 | |||
Mỗi lần “Xuân đã về, Xuân đã về! Ngàn hoa hé môi cười...,” thì người bị dị ứng lại bắt đầu thấy ngứa mắt, chảy mũi, hắt hơi. Người ta có nhiều thứ dị ứng, có thứ có thể đưa đến chuyện chết người nhưng cũng có thứ khiến người ta khó chịu phải tránh xa. Nhiều thứ dị ứng thông thường chúng ta vẫn thường gặp, nhưng cũng có nhiều thứ rất lạ lùng. Thông thường như phấn hoa, bụi bặm, lông thú vật, thức ăn, trái cây, cỏ hay rơm rạ, gỗ, thuốc trụ sinh, nhưng cũng có người dị ứng cả với sữa, chocolate, trà, cà phê, rượu và cả máy điện thoại di động. Ông Darren Young, một người Anh 45 tuổi cứ mỗi lúc gần vợ là da nổi mẩn đỏ và ngộp thở, vì bà này hay dùng một loại kem dưỡng da có chất polyethylene glycol. Không phải gần bà, cảm động ngây ngất mà tim ông tăng nhịp, mà chỉ vì loại kem của bà khi hít phải, có thể làm tim ông ngừng đập. Cậu Jamie Steward, 17 tuổi thì té ngửa sau cú hôn với cô bồ, vì cậu dị ứng với đậu phụng mà cô Liza thì mới ăn hết một túi đậu phụng xong. Một cô bé người Úc thì từ lúc sinh ra đã dị ứng với nước, nên đời cô không biết tắm là gì, một cậu bé khác thì dị ứng với mặt trời và cả với ánh sáng nên chỉ sống trong căn nhà mà những căn phòng đều được che kín. Những chuyện dị ứng này tuy lạ lùng nhưng ai cũng biết, nhưng thật ra chuyện dị ứng chưa hết, vì đời chúng ta còn nhiều chuyện rất... dị ứng khác. Trong thời đại và hoàn cảnh hiện nay, bệnh dị ứng được xem như khá trầm trọng, tuy không đến nỗi phải vào bệnh viện hay nằm liệt giường, nhưng thật là khó chịu. Có người dị ứng với màu sắc, nói rõ là màu đỏ, từ cái áo dài màu đỏ, cho đến cái cà vạt đỏ. Thấy màu đỏ là áp huyết lên cao, đôi khi làm xây xẩm mặt mày. Chúng ta rất thông cảm mà không dám trách cứ điều gì vì màu đỏ này khiến cho người ta liên tưởng loại cờ “in máu chiến thắng”, “thề phanh thây, uống máu quân thù” đã để lại trong lòng những người này bao nỗi hãi hùng khó quên. Từ hồng quân, hồng kỳ, đông phương hồng, công trường đỏ, khăn quàng đỏ cho đến cơ quan “lưỡi liềm đỏ”, thứ nào cũng mang sự dị ứng tối đa cho những người đã từng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản... Cũng có người dị ứng với những ngôi sao, dù là sao Macy's hay sao McDonald's, thấy sao là đã ghét rồi. Ngôi sao dù ở trên dây nịt một ca sĩ cũng đã thấy ghét, huống gì ở Dallas, tiểu bang Texas, có một cây cầu xa lộ mang tên High Five, ở những chân cầu người ta trang trí hình những ngôi sao “lone star”, biểu tượng của tiểu bang. Những ngôi sao này đã làm cho người Việt tỵ nạn ngứa mắt, nên ông chủ tịch một đoàn thể tại thành phố này đã làm văn thư lên Hội Ðồng Thành Phố xin đập bỏ đi. Lẽ cố nhiên đây là một yêu cầu rất vô lý, nhưng để cho mọi người thấy những ngôi sao đơn độc như ngôi sao màu vàng trên ngọn cờ máu đã dị ứng như thế nào đối với một người đã chán ghét chế độ Cộng Sản Việt Nam. Lại cũng có người dị ứng với khăn rằn. Khăn rằn là thứ khăn phổ biến của phụ nữ Nam phần để choàng cổ, trùm đầu, lau nước trầu đâu có gì mới lạ, nhưng từ hồi có “nữ tướng” Nguyễn Thị Ðịnh đi đâu cũng choàng cái khăn rằn, rồi khăn rằn đi theo nón cối, dép râu, ghét Việt Cộng, người ta đâm ghét luôn thứ khăn này. Bây giờ ở hải ngoại, các cô thử mặc áo bà ba đen, choàng khăn rằn lên sân khấu múa men, xem sao! Chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Hiện nay, mỗi ngày chúng ta bỏ rất nhiều thì giờ để truy cập Internet. Trong đống thư từ bất đắc dĩ chúng ta phải nhận hằng ngày ngoài ý muốn, có những lá thư mà vừa đọc thấy tên, chúng ta đã muốn hắt hơi sổ mũi vì dị ứng. Ðó chính là những gói phân, mà nếu chúng ta vô tình click vào, gói phân mở ra sẽ tung mùi xú uế nồng nặc. Nội dung không có gì khác hơn là những thứ rác rưởi dơ bẩn mà người viết đã chịu khó, có khi nhiều lần trong ngày, với những đề tài khác nhau, đưa lên lưới, để chửi bới bất cứ ai bằng những lời lẽ thô tục, hạ tiện nhất. Những nhân vật được nêu ra có thể là một nhân vật hoạt động cộng đồng, kể cả một người có khuynh hướng chống Cộng hay thân Cộng, hoặc một ông anh, bà chị nào đó lỡ có thù oán, xích mích với tác giả, nghĩa là chửi tuốt luốt. Khổ một nỗi, là những lá thư này không đi thẳng đến địa chỉ duy nhất của đối thủ mà lan tràn trên tất cả địa chỉ của những người cần sử dụng đến hộp thư Internet của mình. Chúng ta cũng biết rằng mỗi lần đổi địa chỉ e-mail là mỗi lần chúng ta mất đi bao nhiêu bạn bè, tin tức hay những điều mới lạ, có khi là những bông hoa trong đống rác Internet mà chúng ta phải nhận hằng ngày. Chuyện dị ứng này làm cho chúng ta mất nhiều công sức thời giờ để quăng trở lại vào những thùng rác, gọi cho lịch sự, chữ nghĩa là “recycle bin”. Trong cuộc giao tiếp hằng ngày, chúng ta thỉnh thoảng cũng phải dị ứng với những người và việc mà chúng ta không ưa. Thưa, có một quý phu nhân, được phúc nhà, có ba đứa con tốt nghiệp bác sĩ y khoa, nói cho đúng là đứa thứ ba đang là sinh viên chưa ra trường. Bạn bè của bà ai cũng biết, nhưng thỉnh thoảng sợ người ta quên, nên đến đâu bà cũng nói xa nói gần đến chuyện này, kể cả đối với những người chưa hề quen biết. Chúng ta có thể không dị ứng với nghề bác sĩ, nó chỉ là một nghề khó học, kiếm được nhiều tiền, nhưng thật dị ứng với những bà mẹ, ông bố khoe khoang như kiểu trên. Nếu có dị ứng với nghề bác sĩ là như thế này: Tôi bị một ông “lương y” ăn gian, bills cho tôi một dịch vụ mà tôi không hề bước đến văn phòng của ông. Từ năm năm nay, mỗi lần nghe giọng nói “tử tế”, rao giảng nhân nghĩa, “phục vụ” cộng đồng của ông qua một chương trình quảng cáo trên đài phát thanh là tôi tắt máy. Ðang lái xe mà tiếp tục nghe ông, thế nào cũng có ngày gây ra tai nạn. Chúng ta thường không để ý, chứ thật ra nhiều người mang bệnh dị ứng rất nặng. Có người dị ứng với ông MC này hay cô ca sĩ kia, nên vừa thấy mặt trên TV là vội chuyển sang băng tần khác. Có người dị ứng với bà dân biểu này hay ông nghị viên nọ, câu trước câu sau đã nói những lời ghét bỏ, khinh miệt. Trong thời gian gần đây, vì nhu cầu của các bài viết, tôi có trích mấy câu: “Sức mấy mà buồn, buồn chi, bỏ đi Tám!” (PD), “Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này.” (TCS), và “Rồi sẽ có một ngày.” ( NCT), không ngờ những câu văn của các tác giả này đã làm cho một độc giả của tôi nổi giận. Trong một bức thư gởi từ tiểu bang Hawaii, tự xưng là một người “lính già”, người này không những đã thóa mạ hết lời các tác giả mà tôi đã trích dẫn, mà đã kết án tôi đã “không tôn trọng khối người Việt quốc gia và đồng đội”, “lấy một xô nước lạnh tạt vào mặt đồng đội”. Cuối thư, ông này kết luận: “Tôi cũng xin tạ từ một người tên Huy Phương trước đây là đồng đội của tôi dưới cờ vàng ba sọc đỏ nhưng bây giờ đã lột xác trở thành nằm vùng và đứng bên kia chiến tuyến.” Thì ra vị này dị ứng với các nhân vật PD, TCS, NCT nên đã nặng lời với tôi, một người viết tạp ghi có tiếng “hiền lành” (!)lâu nay, trở thành nạn nhân của một thứ đại họa dị ứng, bỗng dưng bị đẩy qua chiến tuyến khác, bị chụp một cái nón cối “nằm vùng”. Có ông bác sĩ nào chữa được bệnh dị ứng này, xin lên tiếng giúp. Người không bao giờ biết dị ứng cũng như người vào chợ cá mà không nghe mùi tanh, nhưng người mắc bệnh dị ứng nặng cũng như con nhím xù lông bắn hết bộ lông mình vào những kẻ thù tưởng tượng.
|