Home Phiếm Các Tác Giả Làng nói phét “gia truyền”

Làng nói phét “gia truyền” PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Năm, 24 Tháng 3 Năm 2011 08:21

Hoà Làng nói phét có ca ... Dương Sơn nói phét bằng ba Hoà Làng"

Thường nghe người ta nói hoặc viết trên biển hiệu:
 chữa bệnh gia truyền, phở gia truyền, bánh cuốn gia
 truyền, cùng lắm là tẩm quất gia truyền, chứ nói phét
 gia truyền thì thực chưa bao giờ “đích mục sở thị”.
 Vậy mà ở xã An Dương, huyện Tân Yên, Bắc Giang lại có
 một ngôi làng có cái "nghề" lạ lùng này, bằng chứng là
 nó đã đi hẳn vào... ca dao... 

Dương Sơn hội quán, nơi người làng Dương Sơn tụ họp thi “nói khoác” .
















Đến làng đụng cao thủ
 
 Những con đường liên huyện, liên thôn ở Tân Yên dẫn
 tôi vào Dương Sơn (tên ngôi làng trứ danh nêu trên) lúc
 nào không hay. Thật tiếc, cái cổng làng Dương Sơn đã bị
 phá khá lâu, tất cả dấu tích chỉ còn lại trong sử
 sách. Nhưng vẫn còn may vì dường như khả năng nói khoác
 thì con cháu Dương Sơn vẫn còn "kế thừa" được ông cha.
 Gặp một lão nông đang đang đi chăn bò, tôi đánh bạo
 hỏi một câu:
  - Bác ơi, đây có phải là làng "nói khoác" Dương Sơn không
 ạ?
 
 Lão nông này chợt dừng phắt lại, nhìn tôi chằm chằm
 rồi nói giọng nghiêm nghị:
 
 - Đúng là Dương Sơn rồi, nhưng ai bảo các chú Dương Sơn
 nói khoác?
 Tôi nhanh nhảu:
 - Dân gian chả lưu truyền câu ca:

Hoà Làng nói phét có ca
Dương Sơn nói phét bằng ba Hoà Làng"

là gì ?
 
 Cùng đi chung con đường ra đồng mỗi ngày, dân Hòa Làng
 khoe nói khoác giỏi, dân Dương Sơn bảo: "Chúng tôi nói
 khoác còn giỏi bằng ba". Thế mới có chuyện người cháu
 ở Hòa Làng khoe với ông ngoại ở Dương Sơn rằng: "Nhà
 cháu có củ sắn bò qua sân vào thềm nhà, bố cháu đào
 lên xay được tám thúng". Ông cười bảo: "Thấm vào đâu,
 sắn nhà ông, cậu mày vừa đào lên có củ chạy qua
 đường tàu, chạy qua bãi tha ma, cắm xuống ao bùn, xay
 được hai mươi bốn thúng". Đúng là vừa gấp... ba lần.
 Lão nông giãy nảy rồi đằng hắng giọng tuyên bố:
 
 - Đó là người Hoà Làng "vu" cho Dương Sơn như thế đấy.
 Chú không biết, trước đây cũng có người vào làng nói
 câu chú vừa nói, không may đến tai các bậc trưởng lão,
 các vị ấy đã lồng lên đòi bắt giữ, đám thanh niên
 làng còn doạ đánh. May mà ông nọ trốn đi được. Các
 chú thừa hơi đến đây muốn bị "oánh" à?
 
 Giọng của ông lão nghiêm nghị, mặt tỉnh bơ, khiến tôi
 cũng thấy gai gai sống lưng. Bất giác nhìn sang bên
 đường, thấy mấy cô gái đứng gần đó tủm tỉm cười
 tôi mới hiểu ra. "Ăn quả lỡm rồi, đúng là dân Dương
 Sơn chính hiệu đây rồi", tôi tự nhủ. Hỏi ra mới biết
 tôi vừa đụng "cao thủ" Ba Duy, một người hài hước và
 nói khoác có tiếng ở làng.
 
 Men theo con đường bê tông, chúng tôi vào thôn Húng, nơi
 được cho là có nhiều người "nói khoác cao tay". Ngay đầu
 thôn là một hàng cây bàng cổ thụ, bên kia là ngôi nhà
 làm theo kiến trúc cổ có ghi tên "Dương Sơn Hội quán".
 
 Dưới những tán cây cổ thụ đầu thôn là quán máy xát
 gạo của ông Nguyễn Văn Lục. Trưa đến, bà con trong thôn
 thường tìm ra nơi đây uống trà, tán chuyện với nhau. Có
 thể nói ít nơi đâu lại giữ được những nét cổ xưa
 như ở nơi này. Chính ngọ, đang ngồi nghỉ dưới những
 gốc cây bàng rợp bóng, thấy bác nông dân vác cái cào năm
 đinh đi qua, tôi hỏi:
 
 - Bác đi làm đồng cả trưa thế này ạ?
 
 Người đàn ông này trả lời ngay:
 
 - Sáng nay đi câu cá. Một con cá rô dính lưỡi. Nó quẫy
 ghê quá. Giằng co nhau mà đuôi cá phá nát mất sào mạ.
 Tôi phải về lấy cái cào năm đinh này ra để hạ nó.
 Nhất định có bữa chiều khao cả làng.
 
 Ông Lục cho tôi biết người đàn ông đó có tên Nguyễn
 Văn Tần, cũng là người thôn Húng. Ông Lục bảo, những
 chuyện nhặt nhạnh dọc đường kiểu như của ông Tần
 nói vừa rồi là chuyện thường ngày, thống kê không hết
 được.
 
 Dương Sơn hội quán, nơi người làng Dương Sơn tụ họp
 thi “nói khoác” .
 
 Nói khoác đến mức “nghệ nhân”
 
 Làng Sơn Dương trước đây còn có tên là Kẻ Nẻo, vốn
 là một ngôi làng lâu đời có truyền thống học hành khoa
 bảng. “Người làng tôi nói khoác không phải là đi lừa
 đảo thiên hạ. Nói khoác cho vui, cho người ta quên đi mệt
 nhọc trong lao động. Nói người Sơn Dương có tài nói
 khoác, ai mới lần đầu nghe vậy đều ác cảm, nhưng có
 đến làng chúng tôi một lần mới thấy ở đây là những
 con người hài hước”, ông Lương Ngọc Lâm ở thôn Cả
 nói. Ông Lâm là một cao niên trong làng, những chuyện hài
 hước ở Dương Sơn ông đều thuộc như cháo chảy.
 
Chỉ tay về phía "Dương Sơn Hội quán", ông Lâm cho biết:
 "Đó là nhà để người xưa bình văn, trổ tài nói khoác.
 Lúc mới lớn, tôi thấy căn nhà này cổ kính và đẹp
 lắm. Chiến tranh qua đi, bây giờ xây lại chỉ để làm di
> tích, chứ không thể tái hiện lại nguyên vẹn kiến trúc
 xưa được". Theo ông Lâm, nổi danh về tài nói khoác nhất
 làng là cụ Cả Tam. Cụ nói vừa hay, vừa có duyên, mỗi
 câu chuyện đều mang tính hài hước. Theo ông Lâm, cụ Cả
 kể chuyện mà mặt cứ tỉnh bơ, dù không có văn bằng
 chứng chỉ nào công nhận, nhưng cụ được dân tôi phong
 làm "nghệ nhân" nói khoác hay "trạng bố".
 
 Chuyện của cụ Cả Tam đã thành giai thoại ở Dương Sơn.
 Một trưa hè, ngồi với mấy người trong thôn, cụ Cả Tam
 muốn khoe tai mình thính mới kể rằng: "Thời đánh Mỹ,
 bọn phi công nó ném bom ta nên cho máy bay bay thấp lắm. Có
 lần tôi đang đi làm đồng, tàu bay Mỹ bay qua đỉnh đầu,
 tôi còn nghe bọn phi công nó nói chuyện rầm rầm với
 nhau". Rồi cụ khoe tài săn bắn: "Tôi vác cung đi săn. Bắn
 một phát tên trúng bụng con hươu cái, trúng dái con hươu
 đực, trúng ức con hươu con. Ba con chết co tròn một
 đống". Mới nghe chuyện đã thấy cụ nói khoác, nhưng
 ngẫm lại cũng có lý bởi con hươu có mang, thai của hươu
 thường là một đực một cái, nằm giở đầu đuôi và
 còn trong bụng nên "co tròn một đống" là đúng rồi.
 
 Phân tài cao thấp

Từ xa xưa đã có sự so sánh giữa 2 làng nói khoác nổi
 tiếng ở Bắc Giang là Dương Sơn và Hoà Làng. 2 ngôi làng
 này cách nhau vài quả đồi, cùng thuộc huyện Tân Yên.
 Người dân làng nào cũng cho rằng người làng mình có tài
 nói phét giỏi hơn cả. Ấy thế mới có những câu chuyện
 tranh tài nói phét giữa Dương Sơn và Hoà Làng. Như chuyện
 người Dương Sơn và Hoà Làng khoe vợ mình da trắng.
 Người Hòa Làng nói:
 
 - Da vợ mình thật trắng khủng trắng khiếp, trắng từ
 chân lên đến cổ. Cô ấy mà xắn quần lên thì thôi, ai
 muốn gọi là đùi cũng được, ai muốn gọi là khúc sắn
 bóc vỏ cũng được...
 
 Người Dương Sơn bĩu môi nói:
 
 - Thế đâu đã trắng bằng vợ tớ. Tớ nhớ, hồi máy bay
 Mỹ còn đánh phá khắp nơi, hôm ấy vợ mình đi ăn cưới,
 cô ấy diện chiếc áo pôpơlin Nhật trắng, mới nguyên.
 Đang đi giữa cánh đồng thì nghe tiếng máy bay, cô ta đang
 trên đường chạy tới bờ mương để nấp thì những
 người ở dưới mương đã kêu lên: Cởi ngay cái áo ra,
 không máy bay nó trông thấy mất. Nghe vậy cô ấy vừa
 chạy vừa cởi áo. Nhưng vừa cởi áo xong mọi người ẩn
 dưới lòng mương lại gào to hơn: Mặc áo vào, mặc ngay áo
 vào, không nó bắn chết cả đám bây giờ! Cậu thấy
 không, da vợ tớ trắng đến thế kia mà!
 
 Rời Dương Sơn mà dư âm của những câu chuyện phóng đại
 của người dân nơi đây khiến chúng tôi không nhịn
 được cười. Nói khoác ở Dương Sơn là kho tàng quý của
 văn hoá vùng Kinh Bắc, nơi những người nông dân còn
 nghèo, lam lũ nhưng sống mộc mạc lam lũ và lạc quan yêu
 đời. 
 
 Bắc Giang "vô địch" làng cười
 
 Bắc Giang là tỉnh có nhiều làng cười nhất cả nước,
 trong số 14 làng cười xứ Bắc, thì Bắc Giang có tới 8
 làng. Các làng cười ở đây đã tồn tại qua nhiều thế
 kỷ. Ở những vùng nông thôn, cuộc sống lao động quanh
 năm vất vả, vì vậy đã hình thành nên một "môn nghệ
 thuật" làm cười để xua đi những mệt nhọc, khốn khó,
 trong những mùa vụ vất vả.
 
 Trong 8 làng cười truyền thống ở Bắc Giang thì 3 làng
 dùng nghệ thuật khoa trương, dân gọi là "nói khoác" hay
 "nói phét", đó là các làng: Hòa Làng, Dương Sơn (huyện
 Tân Yên); Tiên Lục (huyện Lạng Giang). Hai làng dùng nghệ
 thuật châm biếm "nói tức", đó là Đông Loan và Nội Hoàng
 (huyện Yên Dũng). Một làng nói nước đôi (hiểu theo cách
 nào cũng được), dân gian gọi là "nói ngang", đó là làng
 Phụng Pháp (tục gọi là làng Cua). Một làng nói phô
 trương "nói khoe" là Cao Lôi (tục gọi là làng Kẻ Chối).
 Một làng nói bài bác "nói giễu" là Khả Lý (tục gọi là
 Kẻ Xe).