Tách trà và tô phở |
Tác Giả: Tạp ghi Huy Phương | |||
Thứ Hai, 25 Tháng 4 Năm 2011 14:30 | |||
Tôi xin khoe với quý bạn là tôi vừa đi ăn phở về. Hàng ngày đã ăn cơm nhà, lâu lâu đổi món ăn bát phở, tôi chắc các bạn cũng thông cảm. Ở Little Saigon này muốn ăn phở ngon thì phải xếp hàng, nhất là đối với những tiệm phở có tiếng. Ở Việt Nam người ta nói XHCN là “xếp hàng cả ngày”, nhưng sang đây mới thấy Mỹ là “sư” xếp hàng. Ở các tiệm ăn, người ta không xếp hàng rồng rắn như ở chỗ trả tiền trong tiệm buôn hay ở các chỗ “fast food”, nhưng đứng ngồi lố nhố trông rất thiếu thẩm mỹ không khác gì mấy quầy vé số, có để cái radio trực tiếp các cuộc xổ số ở Saigon, khoảng sau năm 1980. Mấy hôm nay trời quá lạnh, khách ngại đứng ngoài trời, tràn cả vào trong tiệm, cạnh cả bàn của người đang ăn. Ðang húp bát phở, nhìn lên thấy cái giây nịt bụng bằng da của một người, nhìn cao hơn nữa thì thấy có đôi mắt đang nhìn thẳng vào mặt mình, tự dưng đâm ra ngượng về cái mồm của mình đang nhai. Hôm nay là một ngày Thứ Bảy, ngủ nướng, dậy trưa, đến tiệm phở đã một giờ chiều, nhưng còn thấy khách đứng chờ lố nhố bên ngoài rất đông. Ði một mình, vào ghi danh thì nhận ra mình được xếp hạng 16. Ðang thất vọng muốn về, thì gặp một ông bạn già cũng đi ăn một mình, cho biết đứng đợi đã 45 phút, nhưng cũng sắp được “xướng danh” rồi. Từ khi đỗ xe cho đến khi được vào ngồi bàn, đã mất 45 phút. Từ khi được ngồi cho đến lúc bát phở được bưng ra, lâu hơn nửa giờ nữa. Tôi thấy một bà cụ ở bàn cạnh bên vào sau, cụ đang móc một cái nón len dang dở trên tay. Tôi mỉm cười với cụ và khen cụ có nhiều kinh nghiệm, cụ bà cười hiền nói với tôi: “Tuổi già vừa có kinh nghiệm, vừa thừa kiên nhẫn, ông ạ!” Tôi nghĩ ngày xưa, tôi phải đợi bao nhiêu năm mới được cái sướng đi Mỹ, bây giờ bốn mươi lăm phút hay một giờ để được cái khoái ăn một bát phở nóng cũng chẳng sao. Hai chúng tôi ăn bát phở xong, uống tách cà phê, nhưng không thấy nhà hàng đem nước trà ra, bèn gọi trà, nhưng biết ý nên hỏi: “Nước trà có tính tiền không?” Nhà hàng cho biết: “Trà nóng $0.75.” Tôi nói với bạn là tôi vốn ghét cái lối tính tiền nước trà để móc túi thêm khách, thà tô phở tính thêm $0.50, khách không hề phàn nàn, nhưng tính tiền trà thì chỉ phát sinh ra ở một vài tiệm mới đây thôi. Người bạn tôi nói: “Không sao! Tôi có tiền đây! Thay vì mình bỏ tiền “tip” $2.00, bây giờ uống hai tách trà $1.50, còn lãi $0.50, sao mình không uống trà cho ấm bụng!” Anh bạn tôi có lý. Không trả tiền nước trà, nhà hàng níu áo, nhưng không ai bắt buộc khách phải trả tiền “tip” khi ăn xong, xem như mình là người bên Sydney mới sang Cali lần đầu, chưa quen với phong thổ. (Úc không có thói quen cho tiền “tip”.) Miền Nam trước năm 1975, trong tiệm ăn không ai tính tiền nước trà. Khách vào tiệm, việc trước tiên là rót trà mời khách, sau đó mới hỏi khách đặt món ăn. Chúng ta đi, mang theo lối sống ấy. Ở Nam Cali, cách đây khoảng 10 năm, nhóm kịch trẻ “Cup O’ Noodle” đã “đùa” ông Tony Lâm lúc đó là chủ nhà hàng Viễn Ðông, với cử chỉ và lời mời: “Mời trà! Nước trà đây!” Ai cũng biết là ông Lâm rất hiếu khách, khách vào tiệm, ông mời trà liên tục từ lúc vào cho đến lúc đứng dậy đi ra. Ðó là văn hoá của những người tử tế. Chúng ta cũng biết trà ở các nhà hàng cho khách uống không phải là trà Thiết Quan Âm, Ô Long hay Kim Ngân Trà... mà là loại trà xổi bán kí lô, không đáng giá bao nhiêu đến phải tính tiền. Nhưng đến thời mà “không xin, không cho, chỉ bán,” phát sinh từ cái thời quái thai “bao cấp” thì người ta chủ trương kiếm được càng nhiều càng tốt, với suy nghĩ, ai vào ăn bát phở, tô bún mà để miệng... mỡ đi ra. Từ ngày các tay tài phiệt trong nước bung ra làm ăn ở Mỹ, thì theo phong tục “ở ngoài ta”, nước trà bắt buộc phải tính tiền, không như người Việt, lâu nay không nói chuyện trà đã hoàn toàn miễn phí, mà khách ăn còn được mời chén chè hay ly nước mát để mời khách trở lại. Tô phở đắt thêm năm bảy chục xu, khách hàng ít khi lưu tâm miễn là phở ngon, nhưng du nhập lối tính tiền từ chút giá trụng, chén hành trần... có vẻ thiếu chút lòng hiếu khách. Ly trà là sự tử tế đón khách, sự giao tiếp đầu tiên. Chắc bạn còn nhớ ở các quán “cóc” Saigon, năm ba ông khách ngồi uống cà phê buổi sáng, tán chuyện gẫu, ly cà phê đã cạn, nhưng bình trà vẫn được chủ châm đều, vui vẻ xem nhưng chuyện đương nhiên. Lửa trên bếp đang đỏ, ấm nước vẫn sôi đều, chốc chốc chủ quán lại châm nước vào bình trà, không tính toán đó là bình trà thứ mấy. Tôi đến Mỹ đã hai mươi năm, mà mãi đến gần đây mới thấy quán xá có nơi bắt đầu tính tiền trà, vậy là họ bắt đầu đuổi theo chúng ta đến nơi rồi. Trong khi thiên hạ bàn chuyện quốc gia đại sự, tôi lại nói chuyện đi ăn phở, bàn chuyện ly trà, không đầu không đuôi, không biết có lẩm cẩm không? Vả lại, sáng nay đi ăn phở, tưởng vui, hoá ra mang thêm mấy chuyện bực mình. Từ nhà, lái xe đi về ăn tô phở, chờ đợi, xếp hàng tính ra mất hơn hai tiếng đồng hồ, quả là không bõ công cho một tô phở, cũng gọi là ngon, nhưng không phải quá đỗi cần thiết đến phải bỏ công lao và thời gian như thế. Ăn phở phiền thật, sợ xương hầm nhiều cholesterol, sợ bột ngọt, thì thôi cứ “cơm nhà” cho xong. Thế mới biết tuổi già, răng yếu, cơm nhà thì thích nhão, mà giờ ra đường thấy phở sáng mắt cũng ngại ăn. (Viết nhân buổi đi ăn tại một tiệm phở mới khai trương).
|