Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào |
Tác Giả: Cali Today News | |||
Chúa Nhật, 28 Tháng 12 Năm 2008 10:38 | |||
Căn phòng của vợ chồng ông Nguyễn và Lê ở trung tâm thành phố, căn nhà dành cho những người cao niên. Đứng ở bao lơn nhà có thể nhìn suốt con đường Santa Clara St., và cả dãy phố phía dưới. Ông bà dọn về đây đã hơn năm năm nay, vợ chồng hủ hỉ với nhau sớm tối. Ông thì đã quá cái tuồi 80 còn bà hơn "thất thập". Căn phòng chưng dọn đơn giản nhưng bắt mắt đâu vào đó. Ai đến nhà cũng khen, tuy nhiên theo lời bà Lê "buồn lắm" Không buồn sao được khi mà con cháu đã ra riêng và Xuân Thu nhị kỳ mới đến thăm viếng. Ông Nguyễn thì an phận và vui cảnh đời, nhưng bà vợ thì "Buồn nẫu ruột chú ơi!" Mùa Giáng Sinh nào bạn bè đều đến thăm, và ông bà rất vui mừng tổ chức những bữa ăn để tập họp bạn bè. Trong số đó có những người đáng tuổi con cháu. Ông nói "Tuổi tác đâu có nghĩa gì hử chú. Mình vui thôi mà." Được nghe kể lại ông bà trước ở Bình Quới, có công việc làm ăn vũng chắc. Ông bà đến Mỹ vào những ngày cuối tháng 4/75. Từ bấy dến nay chưa về VN lần nào. Lý do "Về làm gì nữa chú. Có còn ai đâu mà về." Nhưng thật ra thì ông bà còn một người con lớn đang sống tại Sài Gòn. Ông buồn vì chuyện làm ăn thất bại ở Mỹ, còn bà thì vui với đám con cháu bên nầy nên cũng chẳng muốn về "Về làm gì cho tốn kém. Đề tiền đó gửi về cho con cháu nó sống còn lợi hơn." Nhưng hơn năm nay bà cứ nằng nặc đòi về. Bạn bè của ông bà cho biết "Bả buồn mấy đứa con ở Mỹ nên muốn về sống luôn ở bển đó mà." Bà Lê, tuy cao niên nhưng sức khoẻ còn tốt, ham thích hoạt động. Sau khi con cháu nên gia thất, ông bà sống chung với con và giữ cháu….Đến vài năm trở lại đây ông bà ra riêng…câu chuyện cũng bắt đầu tù đó. Câu chuyện của bà Lê tuy không có gì đặc biệt, nhưng qua câu chuyện, qua lời kể cũng có thể tóm tắt như vầy: Khi vui thì muốn sống dai, Cuộc đời có lắm nổi truân chuyên, buồn vui khó nói. Mới được đó, rồi mất đó; vừa mới cười xong thì bổng chốc nước mắt nó lưng tròng. Cuộc đời vốn nó là vô thường mà. Ai ai không muốn vui nhiều buồn ít, có phải vậy không? Bà Năm tự hỏi trống không, đám cháu bà ngơ ngác tản ra, chúng nó không hiểu được tâm cảm của bà. Vì đời không thường còn mãi mãi nên khi vui thì mình muốn sống dai, sống hoài để hưởng, nhưng lúc buồn thì muốn chết quách đi cho rồi. Vật đổi sao dời, ruộng lúa biến thành nương dâu mấy hồi! làm sao đem cái chuyện được thua còn mất để mà định giá trị con người? Người Việt lúc nào cũng một lòng nhớ tưởng quê-hương, dù cho quê hương có rách nát tơi bời, dù cho đất mẹ có ba chìm bảy nổi, chín linh đinh. Chắc chắn một ngày nào đó sẽ "hết cơn bỉ cực, đến hồi thới lai" Bà Năm nói chuyện không có đầu không có đuôi, bà ngẫm nghĩ và có đôi lúc cũng buồn cho cái vận nước của mình. Càng nghĩ càng cố gắng làm sao để giử cho cái nền, cái nếp của ông bà không bị mất trong đời sống ôi sao mà nó xô bồ hổn độn ở cái xứ tiền nhiều mà tình nghĩa không có bao nhiêu. Thằng con trai bà nói tếu với bè bạn rằng "Tình là chín(h) nhưng tiền là mười còn vàng nó tới 24 lận, mà kim cương thì vô giá.' Bà Năm nghĩ thằng con bà nói ra như vậy có vẻ như bi quan, chán đời nhưng nó là chuyện có thật. Bà Năm cà kê cho lũ nhỏ trong nhà nghe và đôi khi chúng nó đã ngủ gục dưới sàn nhà. Bà Năm ấm ớ nói như trong cơn mê... Gia đình bà Tư kia được qua Mỹ bằng giấy bảo lãnh của con, những ngày đâù vui vẻ sao nó qua mau quá. Đời sống mới hoàn toàn không có giống bên nhà tí nào ráo trọi. Chuyện ăn chuyện ở nó khác huơ, khác hoắc. Nó ba mớ làm sao, người quê mùa chỉ còn có nước cười đau khóc hận để than câu "ai có qua cầu mới hay" và ai có hiểu thì cảm thông cho cảnh bà Tư lắm. Mấy người không đồng ý kiến thì chê bai. Họ nói "ai biểu già rồi qua làm gì, sao hổng dzìa bển cho rồi." Có nhiều người còn nói xa nói gần bếm nhẻ bà Tư "đứng núi nầy trông núi nọ." Họ còn biểu là "được voi đòi tiên" .... Bà Năm qua nhà bà Tư an ủi "Thôi hơi sức đâu mà cãi. Ông bà mình dạy chín người mười ý mà. Thiệt đúng lắm." Nhưng người đời đâu có "ở trong chăn mà biết chăn có rận" Mặc dù có bà Năm tỉ tê hủ hỉ tâm tình nhưng bà Tư buồn lắm. Chồng bà, ông Tư, còn có chút thú vui cà-phê, cà-pháo, lâu lâu cũng phì phèo đôi điếu thuốc lá "Mâm-bô-rô". Ông Tư hút thuốc lá nhưng len lén như ngưòi làm chuyện "quốc sự" vì sợ con trai rầy rà, con dâu ra vào nhìn ngó. Trời lạnh như vầy nếu ông có thèm, ông phải "lủi" vào nhà xe để nhả khói tìm chút hơi ấm. Ông nói với bà Tư "Thôi thì bỏ tiệt đi cho nó xong. Riết rồi hút thuốc lá như một cái tội." Bà Tư không biết làm gì cho qua ngày dài đăng đẳng? Đi đâu cũng phải nhờ con cái nó chở. Khi vui thì được, hôm nào nó lỡ thua cá độ "phút-bôn", trong mình khó ở thì coi như bửa đó 'huề tiền' là may lắm đó. Mà bà Tư đâu có muốn gì cho lắm. Chỉ muốn đi chùa, đi lễ ngày chủ nhật, ra chợ mua sắm chút gì đó để nấu cúng ông bà ngày giỗ, ngày quải, chỉ có vậy mà con cái nó cứ chê. Con đâu chê "mê tín dị đoan" , mùi nhang khói hôi nhà, vàng vách... Bà nói với bà Năm hàng xóm: - Con cái nó đâu có biết người mình thờ cúng tổ tiên là việc "uống nước nhớ nguồn" Sách Trung Dung có nói "Tấu cách vô ngôn thị mỵ hữu tranh " (Tận tâm cúng vái mà không nói là không có tranh luận) nhưng nó có bằng lòng đâu mà cúng với vái. Cái gì cũng mang tới chùa hết thảy. Mà cúng Chùa thì lại hổng có tiền. Đàng nào cũng kẹt. Ôi làm cái thân chùm gửi sao mà nó thấm thía làm vậy? Bà Năm nhổ nước cốt trầu, bà nhìn đám cháu nằm lăn trên mặt thảm mượt như tơ, bà lẫm bẩm: "đâu phải ai cũng bị như cảnh của bà Tư!? có lẽ bà Tư là trường hợp đặc biệt đó thôi! thôi thì rán cầu nguyện. Bà Tư cũng là người có đọc sách thánh hiền; bà tâm sự với bà Năm rằng: "Tại mình vô phước vô phần, chớ thiệt ra thì kinh Lễ đã dạy rồi:"Duy thánh nhân vi năng hưởng Đế. Hiếu tử vi năng hưởng Thân. Hưởng dã, hưởng dã. Hướng chi nhi nhiên hậu năng hưởng yên" Việc cúng bái, việc thờ lạy tổ tiên là việc từ Vua chí Dân đều phải làm hết. Chỉ có bậc Thánh nhân mới biết tế lễ cho xứng đáng, chỉ có những đứa con hiếu thảo mới tế cho song thân. Chỉ có sự thành tâm mới có sự hiệu quả của việc cúng tế. Nước mình là nước thuộc phạm vi văn hóa Phương Đông mà. Có kiêng thì có lành. Cổ nhân có dạy: " Hữu thành tắc hữu kỳ thần,vô thành tắc vô kỳ thần." Có tin kính thành tâm thì có thần có thánh, ngược lại hổng tin là hổng có Thần linh gì ráo. Ông Năm nói với bà: - Nhưng bên mấy người trẻ họ không có hiểu. "Thiên hạ chi lễ dã chí phản thủy dã. Chí phản thủy dã dĩ hậu kỳ bổn dã" . Thiệt ra cái lễ nghĩa đi đến cùng cực là trở về với cái cội cái nguồn. Trở lại với cội nguồn đó chính là làm cho cái gốc của mình không bị mất,và mình không vong bản. Bà Năm chỉ là người hủ lậu, khi nghe chuyện chồng nói, bà chỉ biết thở dài chớ làm gì hơn được. Bà Tư suy đi nghĩ lại thiệt chín rồi nói với chồng: - Ông à, ông nghĩ sao khi thằng con mình nó lo cho con vợ nó. Nó quý con vợ nó còn hơn hai vợ chồng già? Ông Tư thở dài an ủi: - Bà nói sao mới lạ. Vợ nó nó thương như tui thương bà vậy chớ. Mình phải mừng cho nó mới phải chớ! Bà Tư ngó ngang nhìn lên bàn thờ: - Ong nói một câu nếu ai nghe được tưởng đâu tui đi ghen với vợ chồng nó. Ong nghĩ coi nè, cái bàn thờ nó không cho để chỗ nầy, nó bắt mình dọn vô trong góc kia. Còn con của nó là cháu của mình vậy mà nó không cho mình ôm, nó nói sợ lây bịnh. Chời ơi, một tay tui ẵm tui bồng nó nuôi nấng bú mớm cho nó bịnh hoạn gì đâu cà? Bà Tư xuống giọng khàn khàn làm như sắp tắt tiếng. Bà ngưng ngang, ông Tư không biết nói gì hơn nên bỏ ra ngoài nhà xe hút thuốc. Một ngày kia bà Tư quyết định để dành tiền mua sẳn giấy máy bay về Việt Nam. Bà chuẩn bị một cuộc "vượt biên" ngược về nhà. Bà Năm tưởng bà Tư hù con cháu, ai dè bà Tư đi thiệt, đám con khi biết chuyện không hiểu họ nghĩ thế nào mà chúng nó không đi tìm. Nhưng chỉ tội nghiệp ông chồng già ngày đêm lủi thủi ra vô, nhớ thương bà vợ. Bà Năm chợt thở dài, bà ngó mấy đứa cháu ngáy pho pho. Bà đứng lên bước vô nhà bếp bật đèn. Mâm cơm bà đã dọn sẵn còn để đó vì mấy đứa cháu không chịu ăn. Hai vợ chồng đứa con chưa về. Bà Năm bước lại bàn thờ ông Năm thắp một cây nhang. Bà thở dài. - Tui cũng còn được cái phước phải không ông. Tui còn vui với đám cháu trong nhà. Ông đợi đó, chắc không còn bao lâu nữa đâu, tui sẽ dzìa với ông. - Nhà không có cây rau sao ngó nó giống nhà hoang. Mấy đứa con bà, nhứt là thằng Ba, người con bảo lãnh cho bà sang Mỹ, cứ cằn nhằn: - Sao má không nghỉ cho khoẻ, mấy cây rau của má trồng không lại tiền nước má tưới cho nó. Má muốn ăn thì con ra ngoài chợ thiếu giống gì ngoài đó. Trồng vừa mệt mà không thấy có lợi gì hết ráo má ơi. Bà Năm chỉ cười, những đứa con bà đâu có biết. Phải, mà làm sao nó biết được niềm vui của bà khi đứng nhìn những bông cà chua vàng rực rỡ như ánh mặt trời khi cây mới đâm bông, nó cũng không thể nào hiểu được bà vui sướng như thế nào khi nhìn thấy cây rau quế nhảy mầm non nhú ra lộc mới, con bà lại càng không thể hiểu được cái mùi của đất. Bà Năm không thể nào diễn tả cho con cho cháu bà hiểu đươc cái vị hăng hăng nồng ấm của đất mới, mùi cỏ, mùi cây, những thứ mùi bà hít hoài không thấy chán. Màu đất ở đây đen đen trộn phân ngái ngái, nhưng bà đã thêm đất mới thêm lá cây phong nên dịu bớt; nơi đó cây cuốc nhỏ của bà xới lên có những con trùn đen láng ngo ngoe làm bà nhớ. Bà Năm không biết, không hiểu tại sao nếu mỗi ngày bà không dẵm chưn trên đất là bà phát bịnh. Bà Năm đi đi lại lại quanh vườn, sau trận mưa đầu mùa đất có mùi nồng nồng xông vô lỗ mủi, mấy cây rau quế rau thơm bà phải lấy bao ny long trùm kín, đang lùng bùng những hơi ấm bên trong. Bà Năm cười một mình. Bà lẩm bẩm: "Ngộ thiệt, cây mà phải bận áo che sương." Rồi một ngày cuối tuần như mọi ngày rổi cũng sẽ qua. Bà Năm bước vô nhà, mùi của đất đi theo Bà Năm vô tận giường ngủ. Và sáng hôm sau mấy đứa con gõ cửa phòng mới hay bà đã ra đi." Bà Lê đã kể mấy lần câu chuyện nầy cho bạn hữu nghe, và nhiều người cho là bà Lê lẩm cẩm. Câu chuyện đó có thể không giống như sự thật đã xảy ra, nhưng nó cũng hao hao giống cảnh của Lê bây giờ. Nguyễn nâng ly và nói "Thôi đi, bỏ qua mấy chuyện đó đi, tới đây nên vui, các ông mà nghe bà nhà tui riết hồi các ông cũng điên luôn thì khổ. Ông bà mình đã nói rồi "Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào" hơi sức đâu mà đi trách con trách cháu. Thôi nè, dzô cái cho ngọt coi nè. Chúc mừng năm mới sức khoẻ dồi dào nghen hông."
|