Lời Mẹ Dặn |
Tác Giả: Trần Hùng (VNN) | |||
Thứ Hai, 24 Tháng 11 Năm 2008 01:09 | |||
Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Phùng Quán đã viết bài thơ "Lời Mẹ Dặn" trong đó có những câu: "Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu". Vì muốn làm "nhà thơ chân thật", ông đã bị chế độ cộng sản đầy đọa suốt cuộc đời. Tuy nhiên, do bản tính quật cường, bất khuất, ông đã khẳng định: "Bút giấy tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá". Xem như vậy, làm người chân thật dưới chế độ cộng sản thật khó, nhưng có cái tâm chân thật, người ta vẫn có thể dứng thẳng. Đối với những người không có cái tâm chân thật thì lại khác, dù có rêu rao hàng ngàn lần lời hay ý đẹp. Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trong một dịp đối thoại trực tuyến với người dân vào đầu tháng 2 năm 2007, khi được hỏi "ông yêu điều gì nhất và ghét cái gì nhất", đã trả lời: "Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối". Nghe thật cảm động, nhưng vì không có "lời mẹ dặn", hành động của ông Dũng lại ngược lại với những điều tốt đẹp mà ông khoa trương, mặc dù ông không bị ai đe dọa, không bị ai "cầm dao dọa giết"! Trong cuộc họp quốc hội bù nhìn vào ngày 13-11 vừa qua, khi được hỏi về việc chính phủ Nhật Bản xử án 4 nhân viên của công ty PCI vì đã hối lộ một thành viên cao cấp của Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng nói rằng: "Phía Việt Nam đã chủ động yêu cầu chuyển hồ sơ cho chúng ta quản lý, xử lý, không thể để công dân Việt Nam cho cơ quan tư pháp nước khác xử lý". Cũng theo ông Dũng, "phía Nhật dù đã được yêu cầu, nhưng mất một thời gian dài mới cung cấp lại một hồ sơ chưa đủ cơ sở pháp lý". Vì thế, đến nay nhà nước "sẽ cho điều tra", đồng thời "làm rõ tới đâu, xử lý tới đó". Những lời biện bạch của Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn sai sự thật. Vụ án PCI nổ ra vào mùa hè năm nay, do chính phủ Nhật Bản truy tố 4 nhân viên cao cấp của công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International PCI) về tội "hối lộ cán bộ Cộng sản Việt Nam để được trúng thầu". Bốn bị cáo này gồm Masayoshi Taga, 62 tuổi, nguyên chủ tịch PCI. Kunio Takasu, 65 tuổi, nguyên giám đốc điều hành PCI. Haruo Sakashita, 62 tuổi, nguyên giám đốc PCI và Tsuneo Sakano, 59 tuổi, nguyên trưởng văn phòng PCI tại Hà Nội. Những viên chức này vi phạm luật pháp của Nhật Bản là cấm hối lộ viên chức chính phủ nước ngoài. Theo tin tức của cơ quan điều tra Nhật Bản thì kẻ nhận tiền hối lộ là Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn, kiêm trưởng ban quản lý dự án Đại Lộ Đông Tây. Số tiền hối lộ mà PCI đã đưa cho ông Sĩ là 650.000 đôla trao hồi tháng 1/2002 và 7/2002; 860.000 đôla năm 2003; 540.000 đôla năm 2004; 160.000 đôla năm 2005 và 220.000 đôla năm 2006. Tổng cộng gần 2,5 triệu đôla. Tuy nhiên, toà án Nhật Bản mới chỉ truy tố về các khoản 600.000 đôla năm 2003 và 220.000 đôla đưa năm 2006. Đây là một phần trong những chương trình viện trợ phát triển của Nhật Bản dành cho Việt Nam, mỗi năm lên đến trên dưới 1 tỷ đô la, nhằm góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Đại lộ Đông Tây là dự án xuyên tâm Sài Gòn đi qua các quận 1, 2, 3, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với chiều dài tổng cộng 21,89 km. Tổng mức đầu tư khoảng hơn 600 triệu đôla trong đó phần vay tiền ODA của chính phủ Nhật trên 400 triệu đôla. Dự án này từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là "chắp thêm đôi cách phát triển cho thành phố Sài Gòn". Công ty PCI đã ký được hợp đồng để tư vấn cho dự án này vào cuối năm 2001. Vào tháng 6-2008, tòa án quận Tokyo đã thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra về những vụ hối lộ này, và khởi sự thẩm vấn 4 thành viên của PCI. Đồng thời, cũng trong tháng 6, toà án Tokyo gửi CSVN "Giấy đề nghị hợp tác điều tra", trong đó có phần tóm tắt nội dung sự việc và lời thú tội của các bị cáo, nêu rõ tên người nhận tiền hối lộ là Huỳnh Ngọc Sĩ trong khoảng 10 lần đưa và nhận hối lộ. Đầu tháng 8, toà án Tokyo ký trát tống giam 4 nghi can. Ngày 17-8, nghĩa là gần 2 tháng sau khi toà án Tokyo gửi "giấy đề nghị hợp tác điều tra", CSVN mới đề cập đến vụ án này. Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí nhà nước, thứ trưởng Ngoại Giao CSVN Hồ Xuân Sơn nói rằng "trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin." Báo chí và dư luận Nhật Bản vô cùng kinh ngạc trước lời tuyên bố của Hồ Xuân Sơn về yêu cầu bịt miệng báo chí. Ngày 25-8, viện công tố Tokyo ký quyết định khởi tố bốn cựu viên chức của công ty PCI. Ngày 15-10, ông Tsuno Motonori, trưởng cơ quan đại diện hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam họp báo ở Hà Nội cho biết chính phủ Nhật vào tháng 9 đã đề nghị thành lập một uỷ ban hỗn hợp giữa hai nước để chống tham nhũng các dự án viện trợ ODA. Cho tới thời điểm này, Hà Nội vẫn không nhận là có tham nhũng trong dự án Đại Lộ Đông Tây ở Sài Gòn. Báo chí nhà nước vẫn loan tin "Ban Quản lý dự án nói là không có hành vi tiêu cực như báo chí Nhật Bản đã đưa." Ngày 12-11, trong phiên xử đầu tiên tại toà án Tokyo, 4 bị cáo đã thú nhận về các tội danh bị cáo buộc. Ngày 13-11, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ cho điều tra vụ quan chức Việt Nam bị tố cáo nhận hối lộ của công ty PCI Nhật Bản. Những lời phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng có nhiều điểm dối trá. Trước tiên, chính Nhật Bản đã chủ động yêu cầu CSVN hợp tác điều tra, chứ không phải "Việt Nam đã chủ động yêu cầu chuyển hồ sơ để xử lý" như ông Dũng nói. Yêu cầu này được Nhật Bản đưa ra vào tháng 6-2008, trong đó nêu lên nhiều công việc cụ thể và hợp lý, nhưng Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng. Tiếp theo, cũng chính Nhật Bản đã đòi lập Uỷ ban hỗn hợp giữa hai nước, chứ không phải như ông Dũng mập mờ nói rằng "Việt Nam đang cùng Nhật Bản thành lập Uỷ ban hỗn hợp". Vì thái độ bất hợp tác của CSVN mà cho đến nay Uỷ ban này vẫn chưa hoạt động. Thêm nữa, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng "nhà nước quyết tâm diệt trừ tham nhũng", nhưng trên thực tế, CSVN không hề có thiện chí này. Gần nửa năm sau khi toà án Tokyo cung cấp rất nhiều chi tiết cụ thể và xác thực, CSVN vẫn chưa hề bắt tay vào việc, mà vẫn chỉ hứa hẹn và chỉ thị suông. Mãi đến ngày 19-11, Huỳnh Ngọc Sĩ mới bị "tạm đình chỉ chức vụ". Đó là tất cả "quyết tâm diệt trừ tham nhũng" của nhà nước hay sao? Trong lời phát biểu ngày 13-11, Nguyễn Tấn Dũng còn âm mưu khích động tinh thần dân tộc để bao che tham nhũng. Ông ta nói rằng "không thể để công dân Việt Nam cho cơ quan tư pháp nước khác xử lý". Câu nói này nghe tưởng như thể hiện tinh thần yêu nước cao độ, nhưng thực ra chỉ là yêu tiền mãnh liệt. Trong tương quan quốc tế hiện nay, việc khích động tinh thần dân tộc cực đoan như thế không còn phù hợp, mà ngược lại, các nước rất tích cực hợp tác với nhau trong việc ngăn chặn tội phạm liên quốc gia. Trong trường hợp PCI, Nhật Bản không hề đòi dẫn độ Huỳnh Ngọc Sĩ, mà chỉ yêu cầu Việt Nam hợp tác. Lẽ ra, CSVN đã phải có thái độ chân thành và tích cực để giúp Nhật Bản điều tra về phần của họ, cũng như chủ động đề ra những biện pháp điều tra về phiá mình, chứ không thể viện dẫn một cách mù lòa tinh thần dân tộc để trốn chạy trách nhiệm. Chính thái độ trốn chạy mới khiến quốc tế thêm coi thường hình ảnh của Việt Nam, nhất là sau khi đã xẩy ra hàng loạt những vụ tham nhũng dính líu đến tiền viện trợ của nước ngoài như vụ PMU18 cũng với Nhật Bản, vụ Siemens ở Đức, hay vụ Nexus Technologies liên quan đến Hoa Kỳ... Sự trốn chạy này càng cho thấy rõ thêm chính sách "ăn cắp tập thể" của CSVN. Tóm tắt lại, dù mất nhiều nỗ lực tuyên truyền, nhưng những người lãnh đạo cộng sản vẫn không thể che dấu những hành động tham ô và cướp đoạt của họ. Chính họ đã tự phơi bầy bản chất xấu xa của chế độ qua những lời dối trá như của ông Nguyễn Tấn Dũng vừa qua. Và cũng chính họ đã khiến người Việt Nam cảm thấy hổ thẹn khi tiếp xúc với ánh sáng văn minh!
|