Tam Đại Gia xin cứu mạng |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Chúa Nhật, 07 Tháng 12 Năm 2008 15:08 | |||
Tam đại gia đây là ba đại công ty chế tạo xe hơi Mỹ General Motor, Ford Motor và Chrysler LLC hôm thứ ba tuần này đã ra trước Quốc hội Mỹ để khẩn cầu xin cấp 25 tỷ đô-la như một sợi dây thòng cứu người sắp chết đuối. Lời khẩn cầu cứu mạng này còn kèm theo một sự hăm dọa ngầm: Nếu không cứu, đó sẽ là một tai họa lớn cho cả nước chớ không riêng gì cho ba đại công ty xưa nay vẫn tự hào là rường cột cho sức mạnh kinh tế của nước Mỹ. Nếu họ sụp đổ, hàng triệu công nhân sẽ mất việc làm. Và họ cũng không quên một câu: Cả nền an ninh quốc gia cũng sẽ lâm nguy. Robert Nardelli, Tổng giám đốc Chrysler tuyên bố trước Ủy ban Ngân hàng Thượng Viện: “Sự què quặt của kỹ nghệ xe hơi sẽ có những hậu quả lan rộng khắp nền tảng kỹ nghệ Mỹ, phá hư luôn khả năng của đất nước chúng ta chống lại những thách thức về quân sự, do đó hăm dọa đến an ninh quốc gia”. Sở dĩ có những lời lẽ đao to búa lớn đó là vì kế hoach cứu trợ kỹ nghệ xe hơi đã được đặt ra từ trước ngày bầu cử Tổng Thống, nhưng cho đến nay nó có vẻ bị kẹt ở Quốc hội. Trước hết những cấp đầu não của đảng Cộng Hòa và chính phủ Bush nói số tiền 25 tỷ này không thể lấy từ quỹ bơm tiền cứu nạn tài chính 700 tỷ đô la đã có sẵn, vì ngân quỹ khổng lồ này chỉ để giúp các ngân hàng, các hãng bảo hiểm tài chính như đã được quy định từ đầu, không phải giúp các công ty kinh doanh hay công ty sản xuất. Vì thế cái gọi là “thương người sắp chết đuối”, có lẽ còn lâu mới được nhắc tới. Thượng nghị sĩ Chris Dodd (Dân Chủ) Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện nói: “Các nhà lãnh đạo ba đại công ty phải hiểu rằng kỹ nghệ xe hơi của họ đang tìm cách chữa vết thương mà phần lớn tự nó đã gây ra cho nó”. Nhưng ông cũng nói “hàng trăm ngàn công nhân sẽ thất nghiệp” nếu để cho kỹ nghệ xe hơi sụp đổ. Các Thượng nghị sĩ Dân Chủ tham gia cuộc thảo luận bác bỏ điều mà tòa Bạch Ốc và các Thượng nghị sĩ Cộng Hòa có vẻ tán thành là để cho kỹ nghệ xe hơi sử dụng số tiền 25 tỷ, nguyên là ngân sách nhằm giúp các công ty phát triển thêm những loại xe hơi chạy ít tổn hao nhiên liệu, đã được Quốc hội chuẩn y từ tháng 9. Bà Nancy Pelosi (Dân Chủ), Chủ tịch Hạ Viện cùng các dân biểu đảng Dân Chủ, chống lại việc sử dụng số tiền nói trên vào việc cứu trợ ba đại công ty vì các công ty này sản xuất đa số là các loại xe hạng sang, chạy rất tốn xăng. Bởi vậy các nghị sĩ Dân Chủ muốn lấy số tiền 25 tỷ từ ngân sách 700 tỷ cứu nguy tài chính đã sẵn có. Kế hoạch của Dân Chủ cấp 25 tỷ còn kèm theo một khoản đặc biệt giúp đỡ thêm các công nhân bị mất việc. Theo chương trình dự liệu, Thượng Viện có thể sẽ họp vào thứ Năm để biểu quyết kế hoạch của Dân Chủ. Nhưng các nhân viên phụ tá của hai bên đã thấy không bên nào hội đủ đa số để thông qua. Sáng thứ ba Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, tường trình trước Ủy ban Hạ viện, tuyên bố quỹ 700 tỷ nhằm mục đích cứu nguy các định chế tài chính nên kỹ nghệ xe hơi không được đụng tới quỹ này. Lập tức tại Quốc hội, phía Dân Chủ đã có nhiều người nhận định không lẽ chỉ một mình ông Paulson có quyền quản trị ngân quỹ 700 tỷ hay sao. Tuần này cuộc họp của Quốc hội là cuộc họp của nhiệm kỳ cũ. Hiện nay, trước khi Quốc họp nhiệm kỳ mới, đảng Dân Chủ chỉ có một đa số tương đối nhỏ nên rất có thể đề nghị của tam đại gia xe hơi sẽ bị bác bỏ. Cứu nguy kinh tế như cứu hỏa, chờ đến hai tháng nữa, ngày 20-1-09, Barack Obama tựu chức Tổng Thống, e rằng ba đại gia này sẽ hết sống. Một số các nhà lãnh đạo Cộng hòa ở Quốc hội hiện nay lại cho rằng tốt hơn hết hãy cho 3 đại công ty xe hơi khai phá sản, để các công ty này tổ chức lại, trở thành những công ty quy mô nhỏ hơn, làm việc hữu hiệu hơn và có khả năng tồn tại lâu dài. Ý kiến này cũng có phần xác thực vì ba đại gia xe hơi đều là những công ty khổng lồ, tổ chức cồng kềnh năng xuất yếu kém, thua xa những công ty xe hơi nước ngoài như Nhật Bản có xưởng máy chế tạo ở Mỹ, mướn công nhân Mỹ làm ăn rất phát đạt. Vậy ba đại gia Mỹ muốn thế nào? Họ yêu cầu chính phủ cho họ vay 25 tỷ đô-la để giúp họ sống còn đến năm 2010. Những người chủ trương kế hoạch này nói nếu ráng sống được đến thời đó, ba đại công ty sẽ có đủ tư thế để cạnh tranh hiệu quả. Và cũng vì đến thời điểm đó, hàng tỷ đô-la tiền tiết kiệm theo thỏa ước đạt được năm 2007 với nghiệp đoàn Liên hiêp Công nhân Xe hơi sẽ thu lời, kể cả việc chuyển trách nhiệm về bảo hiểm sức khỏe của các công nhân hồi hưu cho quỹ tín dụng của nghiệp đoàn công nhân. Hơn nữa hiện nay xe hơi ế ẩm không bán được, nên hy vọng vào năm 2010 kinh tế bắt đầu hồi phục, xe hơi lại bán được nhiều. Lúc đó ba hãng xe hơi lớn của Mỹ sẽ có khả năng cạnh tranh hiệu quả hơn trước để phát triển mau lẹ. Nếu 3 đại gia không vay được tiền thì sao? Trước hết GM sẽ hết sạch tiền vào cuối năm nay hay đầu năm 2009. Chrysler và Ford cần tiền nhiều hơn cho nhu cầu của họ, nhất là tiền họ đã vay ngân hàng trước khi có tình trạng khủng hoảng hiện nay. Nói chung cả ba hãng đều hết tiền vào khoảng giữa năm 2009. Theo luật Mỹ có hai loại phá sản của các tổ hợp công ty. Chương 11 của luật này cho phép một công ty được tiếp tục kinh doanh nếu rũ bỏ được nợ và các khế ước không thể cáng đáng nổi. Ở chương 7 luật phá sản, công ty chấm dứt kinh doanh khá mau lẹ trong khi sản nghiệp bị đem bán để trả nợ. Sự phá sản của các đại công ty xe hơi sẽ có nhiều ảnh hưởng khác lớn hơn về mặt kinh tế nói chung. Gần 2 triệu người dân Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế trực tiếp từ một trong ba đại công ty xe hơi. Phần lớn số người này sẽ mất bảo hiểm sức khỏe khi công ty phá sản. Sự thất bại của một trong ba đại gia sẽ kéo theo một loạt những sự phá sản của các hãng thầu cung cấp cho các đại công ty. Thêm vào đó, sự phá sản các đại công ty chế tạo xe hơi sẽ đưa đến sự mất việc làm ở các trạm bán xe hơi, các hãng thầu cung cấp, những giới truyền thông mà phần lớn sống về ngành phổ biến quảng cáo, đưa đến nạn sa thải công nhân trên cả nước. Ba đại công ty xe hơi có thể được cứu giúp khỏi bị phá sản với điều kiện phải chấn chỉnh cấu trúc, sửa đổi kế hoạch hoạt động và hiện đại hóa phương pháp lãnh đạo.
|