Càng khoe có Nhân Quyền, dân càng mất quyền |
Tác Giả: Phạm Trần | |||
Thứ Sáu, 12 Tháng 12 Năm 2008 14:50 | |||
11/12/2008 “… Nhân quyền mà cũng có thứ này, thứ khác hay màu này, màu nọ thì đâu phải là quyền của con người? Chỉ có người Cộng sản mới nhìn nhân quyền ra nhiều màu sắc như thế …” Quyền dân không bằng quyền đảng Kế hoạch đề cao đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều thành tích bảo vệ quyền con người đã bị các cơ quan tuyền truyền của đảng vạch áo cho người xem lưng ngay trong ngày Việt Nam kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (10-12-1948 – 10-12-2008). Báo điện tử của Chính phủ viết: “Trong 60 năm qua, Việt Nam luôn tôn trọng, thúc đẩy, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người theo nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia… Sau khi trở thành thành viên các công ước nhân quyền đầu tiên từ năm 1981, Việt Nam tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, từng bước thể chế hóa quyền con người phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn về quyền con người được cộng đồng thế giới thừa nhận”. Tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng khoe: “Sau hơn 30 năm đấu tranh để giành lại chủ quyền dân tộc, từ năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc, và cũng từ đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt của cộng đồng thế giới, trong đó có việc tham gia vào các công ước quốc tế về nhân quyền, và tích cực đóng góp vào các hoạt động bảo vệ nhân quyền trên phạm vi thế giới. Nhân 60 năm Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, chúng ta hướng tới các giá trị cao quý về quyền con người, ủng hộ các hoạt động mang lại nhân quyền ở mọi quốc gia, phê phán bất kỳ hành động nào xâm hại tới quyền con người. Đồng thời chúng ta quyết tâm phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tới thắng lợi mới, để mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" trở thành một hiện thực trên Tổ quốc của chúng ta”. Trúc Thanh viết trên báo điện tử của Trung ương Đảng: “Con người được coi là nhân tố tạo dựng xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh”. Nhà nước thực thi pháp luật, công dân thực hiện tốt các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo hưởng thụ nhân quyền của tất cả mọi người… Có thể khẳng định hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân”. Ba hình ảnh tiêu biểu này có nói được gì về quyền con người ở Việt Nam ngày nay ? Trước hết, khi nói chỉ có “quyền con người” khi những quyền này “phù hợp với điều kiện trong nước” không có gì là bất hợp lý nếu tất cả mọi người dân, kể cả những người có chức, có quyền và từ trên xuống dưới đều được hưởng như nhau và cùng chia sẻ trách nhiệm giống nhau theo hoàn cảnh của đất nước. Nhưng ở Việt Nam, trong chế độ cộng sản độc tài đảng trị như hiện nay thì “điều kiện” được hưởng “quyền con người” lại do đảng quyết định và nhà nước quản lý bằng quyết định hành chính theo những điều kiện có lợi cho đảng cầm quyền và những người được lòng chính quyền. Tỉ dụ như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do báo chí đều có ghi trong Hiến pháp và Luật pháp là quyền của mọi công dân, nhưng nhà nước chỉ cho các tổ chức tôn giáo được phép hoạt động nếu những người cầm đầu các tôn giáo này chịu làm theo điều kiện của nhà nước. Còn về hoạt động báo chí thì nhà nước không cho tư nhân ra báo. Chỉ có Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội của đảng mới được quyền ra báo. Các đài phát thanh và truyền hình cũng do nhà nước làm chủ. Và những người làm báo, dù là đảng viên hay không, đều phải phục vụ và tuyên truyền cho đảng và chính sách của nhà nước. Do đó khi Việt Nam nói những quyền mà người dân trong nước đang được hưởng cũng phù hợp với những “tiêu chuẩn về quyền con người được cộng đồng thế giới thừa nhận” là nói gian. Không có “cộng đồng thế giới” nào lại thừa nhận những thứ quyền giả vờ, quyền bánh vẽ như thế. Thứ hai, việc tờ Nhân Dân nói Việt Nam từng tham gia các hoạt động bảo vệ nhân quyền với cộng đồng thế giới hay đã “ủng hộ các hoạt động mang lại nhân quyền ở mọi quốc gia, phê phán bất kỳ hành động nào xâm hại tới quyền con người” là những hành động ngoại giao phô trường đầy kịch tính diễn ra tại các diễn đàn quốc tế. Bởi vì từ khi Chính phủ Cộng sản Việt Nam trở thành thành viên các công ước nhân quyền từ năm 1981, chưa có năm nào Việt Nam thoát khỏi bị cộng đồng thế giới, đặc biệt các Tổ chức Nhân quyền, Tự do Tôn giáo, Liện hiệp Châu Âu, Quốc hội Hoa Kỳ, chỉ trích đã vi phạm các Công ước này. Còn lập luận của cán bộ Tuyên Giáo, Trúc Thanh, cho rằng “hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân” là nói đãi môi, chỉ lọt lỗ tai những công dân đảng viên và những người trong các tổ chức theo đảng trong Mặt trận Tổ quốc. Quyền công dân của người Việt Nam đã bị đảng tước bỏ từ khi họ lên 18 tuổi. Các quyền bầu người đại diện cho mình điều hành việc nước cho đến quyền tự quyết định thể chế chính trị cho mình cũng do đảng quyết định theo theo điều kiện “đảng cử dân bầu” thì người dân có quyền gì trong chế độ độc tài hiện nay? Bài ca nhân quyền Do đó mà ta không lấy làm lạ khi phải đọc nhan nhản đó đây, trong ngày kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, nhiều “bài ca” Tuyên ngôn nhân quyền “một chiều ” của đảng CSVN như đã viết trong “Chỉ thị 12/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII ngày 12/7/1992”. Văn kiện cơ bản này định nghĩa về nhân quyền theo quan niệm của CSVN như sau: “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại; khái niệm quyền con người có tính giai cấp sâu sắc; giải phóng con người gắn liền với giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội; lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội gắn kết chặt chẽ với nhau; quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân; quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia; và quyền con người luôn gắn với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. (Báo điện tử ĐCSVN, 10-12-08) Từ lập luận phản dân chủ này, Hương Giang còn không biết ngượng khi viết trên báo điện từ Chính phủ (10-12-2008): “Thực thi nhân quyền phải gắn liền với bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và an ninh quốc gia. Đảng, Nhà nước kiên quyết chống lại luận điệu thù địch coi nhân quyền cao hơn chủ quyền; nhân quyền không biên giới quốc gia; quá nhấn mạnh tính phổ biến của nhân quyền mà coi nhẹ các yếu tố có tính đặc thù về lịch sử, văn hoá, dân trí, trình độ phát triển kinh tế, xã hội hay coi tự do, lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia, dân tộc…, để đi đến sao chép một cách máy móc mô hình dân chủ, nhân quyền của nước này áp đặt cho nước khác, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định từ bên trong”. Vậy thế nào là “nhân quyền” không chia rẽ dân tộc, không gây mất ổn định bên trong ? Nhân quyền mà cũng có thứ này, thứ khác hay màu này, màu nọ thì đâu phải là quyền của con người ? Chỉ có người Cộng sản mới nhìn nhân quyền ra nhiều màu sắc như thế. Đào Duy Quát, chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung Ương, Tổng Biên tập báo điện tử ĐCS Việt Nam cũng cố “tát nước theo mưa”: “Hiện nay đâu đó có một số tổ chức cá nhân phê phán chúng ta vi phạm dân chủ nhân quyền. Về cơ bản và tổng thể các loại ý kiến đó là xuyên tạc, vu cáo, với ý đồ can thiệp vào nội bộ của ta, phá hoại sự ổn định công tác của nước ta. Về vấn đề này chúng ta cần kiên định quan điểm: quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Quyền con người trong thời đại ngày nay phải gắn với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Bảo đảm quyền con người cho dân tộc ta phải dựa trên bản chất của chế độ xã hội, đặc thù về cộng sản và văn hóa của dân tộc. Chúng ta không chấp nhận sự áp đặt mô hình dân chủ nhân quyền của nước ngoài cho Việt Nam”. (Báo điện tử Trung ương đảng, 10-12-2008) Ông Quát viết tiếp: “Những khác biệt nào đó về quyền con người giữa các quốc gia dân tộc chỉ có thể được giải quyết trên nguyên tắc đối thoại, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chúng ta đã tổ chức đối thoại nhân quyền với EU, Mỹ, Australia… Đối với chúng ta quyền con người, cũng như quyền công dân, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ. Không thể hiểu nhân quyền chỉ có quyền tự do mà không có trách nhiệm và nghĩa vụ”. Các tổ chức nhân quyền trên thế giới, Quốc hội Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên hiệp Châu Âu đã mất khá nhiều thời giờ đối thoại với Nhà nước Việt Nam về những vi phạm nhân quyền và hạn chế các quyền tự do ở Việt Nam, nhưng phiá Việt Nam vẫn trơ như gỗ đá. Phiá các viên chức Việt Nam đã chứng minh họ bị dị ứng mỗi khi phải đương đầu với các vấn đề nhân quyền và các quyền tự do nên không ai ngạc nhiên khi thấy trong ngày kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, luận điệu chống quan điểm nhân quyền “không theo ý của đảng CSVN” đã đồng loạt bùng lên trong các cơ quan báo chí của Ban Tuyên giáo. Trúc Thanh là một trong số cán bộ tuyên truyền làm nhiệm vụ chống chế này: “Trong tình hình hiện nay giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội cần cảnh giác với những luận điệu sai trái, thù địch coi nhân quyền cao hơn chủ quyền, nhân quyền không biên giới quốc gia, quá nhấn mạnh tính phổ biến của nhân quyền mà coi nhẹ các yếu tố có tính đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân trí, trình độ phát triển kinh tế-xã hội hay coi tự do, lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng quốc gia dân tộc để đi đến sao chép một cách máy móc mô hình dân chủ, nhân quyền của nước này áp đặt cho nước khác hay lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội…” Nhưng không chỉ viết trơ trẽn như thế, Trúc Thanh còn khoe nhiều “thành tích” không có thực của đảng CSVN: “Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đường lối đổi mới đã khẳng định lấy dân làm gốc, thực hiện công khai dân chủ. Năm 1998, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra “Quy chế dân chủ ở cơ sở” mà nội dung cơ bản là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hội nghị lần thứ ba (khóa X) của Trung ương Đảng đã chủ trương mở rộng công khai, nghiên cứuban hành luật về quyền được thông tin của công dân. Luật Báo chí nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí”, “Báo chí không bị kiểm duyệt”.Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo, dựa trên quan điểm “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại, cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Ai cũng biết những điều được gọi là “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, hay “tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí” chẳng qua chỉ là những khẩu hiệu để tuyên truyền, chúng không có giá trị gì trong đời sống hằng ngày của 83 triệu người dân Việt Nam. Chỉ bằng đó vấn đề thôi, không cần phải đợi người Cộng sản vạch áo cho người xem lưng thì mọi người mới biết có dân chủ, tự do và nhân quyền ở Việt Nam hay không?
|