Người và rác |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Tư, 10 Tháng 12 Năm 2008 15:01 | |||
Rác trong đô thị nào cũng là một vấn đề lớn, một vài ngày rác không được dọn sạch là một ngày đại họa vì rác sẽ lấn người. Người ta coi thường rác là thứ bỏ đi và mắng người khác một cách khinh miệt là “đồ rác rưởi.” Trước khi người Mỹ hiện diện tại miền Nam, rác được người ta xem thường là thứ phế thải, không có thứ gì quý giá để nhặt nhạnh ngoài chuột chết, băng vệ sinh và những thứ được loại ra từ cuộc sống hàng ngày của con người. Người Mỹ đến Việt Nam đã cho người dân nghèo đói lạc hậu xứ này biết quý rác. Không phải những căn cứ Mỹ phải trả tiền cho người phục vụ đổ rác, mà dần dà những người này phải “đấu thầu” rác, trả tiền cho những nhân vật môi giới để có thể độc quyền hốt loại rác này. Người ta nói rác là vàng không phải là lời nói quá đáng, vì trong rác Mỹ có TV, máy phát thanh, đồng hồ, điện thoại, áo quần, giày dép và hàng ngàn thứ linh tinh nhưng chắc chắn có thể bán được tiền, kể cả những thứ lớn cồng kềnh như tủ lạnh, máy điều hòa không khí. Theo những người thầu và phân loại rác, có khi trong rác còn có súng, lựu đạn và... tay chân người nữa, nhưng cũng không sao! Những nhà thầu rác ngày ấy là những nhà triệu phú và có thế lực. Có thế lực mới thầu được rác Mỹ và khi có tiền rồi thì người ta trở thành có thế lực. Dù có đau xót thì cũng phải công nhận rằng những gì dính dáng đến Mỹ thời đó đều có tiền, từ anh chị đi làm sở Mỹ, me Mỹ, bán bar cho Mỹ, công nhân hãng thầu Mỹ cho đến những nghề dịch vụ như hớt tóc, giặt ủi... cho người Mỹ, và cái lạ lùng ngày ấy là... rác Mỹ cũng hái ra tiền. Năm Mậu Thân, tại Sài Gòn khi tiếng súng tổng tấn công đợt I của Cộng Sản vừa dứt, chính là lúc dân chúng rất có cảm tình với quân đội. Buổi sáng hôm ấy tôi đang đi công tác với một vài anh em trong đơn vị trên chiếc xe Jeep, chạy sau xe chúng tôi là một chiếc xe vận tải do một người Việt lái, đang ra dấu cho xe chúng tôi dừng lại. Ðây là một chiếc xe mui trần chất đầy các vỉ trứng gà như chúng ta thường thấy trong các siêu thị trên đất Mỹ ngày nay. Xe trứng này từ một căn cứ quân đội Hoa Kỳ trên đường đem đi đổ vì quá hạn. Các anh ấy muốn chúng tôi lấy một ít trứng trên chiếc xe này, vì dù có muốn, các công nhân này cũng không thể đem xe trứng đi bán công khai. Kể lại chuyện này, để các bạn thấy xe trứng này là một xe... rác Mỹ, vì trứng đã quá hạn đóng dấu trên hộp. Món trứng gà đối với người Việt ở quê hương, cho đến bây giờ vẫn là một món ăn cao cấp. Ở quê nhà, chúng ta không bao giờ nghĩ đến sự quá hạn của một quả trứng, một bình sữa, cho mãi đến lúc may mắn chúng ta sang được đây, rồi chúng ta cũng phải vứt bỏ vào thùng rác những thực phẩm còn tươi tốt, nếu có dùng cũng chẳng sao, những món đồ không vừa ý, lỗi thời, hay có hư hao chút đỉnh mà tiền sửa cũng nặng gần bằng tiền mua loại mới. Nhiều khi cũng nghĩ bà con ở quê nhà thiếu thốn, nhưng chẳng biết làm sao hơn! Rất nhiều người thích đi chợ trời để sưu tầm những thứ vặt vãnh về bày đầy ra nhà, rồi cuối cùng cũng phải đem đi vứt bỏ. Những người khác mua ở đây những thứ đồ dùng rẻ, giá cả không bằng 1/10 hàng mới. Một cái điện thoại $5 vẫn còn dùng ngon lành, một cái bình hoa cũ rất mỹ thuật giá $2, một cái áo ấm hay một cái “car seat” còn tươm tất chỉ $10, một bộ nệm giường khá tốt, sạch sẽ chỉ có $30, đôi khi là một cái kệ sách, một “coffee table” giá $5 hoặc $10, rất tiện dụng. Tất cả những vật dụng kể trên đây đều là “rác Mỹ.” Cũ người, mới ta, có sao đâu! Rác Mỹ ở đây không cần đi thầu, nếu trong giai đoạn đầu định cư, cần cù, siêng năng biết khai thác “rác Mỹ” trên đất Mỹ, tuy không làm giàu, nhưng ít ra cũng đủ sống sung túc. Cứ vài buổi sáng một lần, rất sớm trước giờ xe lấy rác hoạt động, trong khu nhà tôi ở đã có những người Mỹ da vàng, với một cái xe pickup truck đến tìm những thứ còn dùng được để bán lại cho chợ trời hay chính họ có những gian hàng “tạp lục” tại đây. Thì cũng những cái điện thoại, cái đồng hồ để bàn, một hai cái ghế bọc nệm, chiếc TV hay máy điện toán đời cũ, giày dép áo quần mà gia chủ đã có nhã ý bỏ riêng ra cho sạch sẽ. Ở trước những căn nhà loại sang trong thành phố thiếu gì những bộ nệm loại đắt tiền, cái bàn ăn, một bộ máy điện toán để trên bãi cỏ trước nhà với tấm bảng “free,” và họ cũng chỉ mong sao có người đưa đi cho đỡ tốn công thu dọn. Trừ những người có diễm phúc, sung sướng ngay kể từ khi đặt chân đến xứ này, còn thì những người khác đến định cư, trong giai đoạn chưa ổn định thì ai cũng phải dùng “rác Mỹ,” đó là nệm giường, bộ sofa, bộ bàn ăn và chiếc TV, đôi khi cả áo quần, cả cái xe chạy đi kiếm cơm, tất cả đều là những thứ đã dùng rồi. Trong những ngày đầu chân ướt chân ráo đến Mỹ, từ tù tội, thiếu thốn hay trải qua những ngày sóng gió trên đại dương và tù túng trong trại cấm, chúng ta phải cảm ơn rác Mỹ, ít ra cũng cho chúng ta những phương tiện căn bản những ngày đầu. Nhiều thứ rác Mỹ được sống qua với vài đợt gia đình, có khi còn ở lại với chúng ta cho đến hôm nay. Trước kia, thì những thứ dư dùng, cũ kỹ này còn để dành cho gia đình những người đồng hương mới đến hay cho nhà thờ, 20 năm sau ai cũng khá lên rồi, bộ nệm cũ, cái TV, bộ bàn ăn... bây giờ không biết cho ai, lại phải khiêng ra khu thùng rác để cho những người bây giờ, ngay trên nước Mỹ, khốn khó hơn mình, còn cần dùng đến. Ðôi khi chính tôi cũng đứng tần ngần trước thùng rác khi nhìn thấy những con thú nhồi bông, những con búp bê gãy tay hay chiếc đầu máy xe lửa nho nhỏ đã bong sơn, quả là những món đồ chơi quý giá mà một đứa trẻ nhà nghèo nào của đất nước mình cũng mơ ước. Trong các quốc gia nghèo, chậm tiến, ở đâu chúng ta cũng nhận ra những đống rác khổng lồ, ruồi nhặng, bốc mùi hôi hám, nhưng ở đó lại là nguồn sống của hàng trăm người đói khổ, một cách nói Việt Nam, đó là những chén cơm mà họ kiếm được hằng ngày. Rất nhiều gia đình sống, ăn và ngủ cùng rác từ đứa trẻ nhỏ cho đến bà cụ già trong những mái lều làm bằng những vật dụng từ rác, đó là những miếng bìa, những tấm gỗ, những mảnh ni lông. Ðó cũng là nơi sinh hoạt của những trẻ em đói khổ sau giờ học ở trường hay có thể là toàn thời gian cho việc bới, móc, gắp... những thứ gì có thể nuôi sống bản thân. Ở những đô thị của những nước nghèo trên Trái Ðất này, đâu cũng có những đống rác, cũng có những đám trẻ em sống với rác, nhưng chỉ ở một nước xã hội chủ nghĩa “tuyệt hảo” như Việt Nam mới có việc nhà cầm quyền “chõ mũi,” “ghé mắt” vào rác vì họ bắt đầu ngửi được mùi thơm của đồng tiền, thoát ra từ cái không khí oi ả, xú uế, nồng nặc của những đống rác vĩ đại đang lan tràn trên khắp các thành phố. Tưởng nơi đây, đống rác là nơi nghèo hèn tận cùng của kiếp sống rồi, không ngờ còn có kẻ tranh ăn với những người khốn cùng. (*) (*) Những đống rác sắp được vào hợp tác xã.
|