Về Việt Nam ăn Tết thì ăn gì? |
Tác Giả: Việt Bảo | |||
Thứ Năm, 01 Tháng 1 Năm 2009 02:14 | |||
Tết này, nếu quý vị về quê thì chuyện ăn Tết mà chúng tôi đề cập trong bài viết này thật sự là chuyện... ăn. Ðây là điều thật sự đáng lo khi thực phẩm ở Việt Nam dư thừa chuyện mất vệ sinh. Ðáng phàn nàn hơn khi phần lớn nơi có món ăn ngon lại là những quán bình thường chứ không phải nhà hàng lớn, có vẻ dễ làm người ta an tâm hơn về chuyện vệ sinh. Nói khác đi, trong chuyện ăn Tết khi về quê, quý vị sẽ phải chọn giữa ăn ngon và ăn an toàn. Tất nhiên quý vị sẽ không thể thấy ngon như tôi hôm nay, khi người bán hàng quên cho đậu phộng vào bịch gỏi vịt nên gọi người khác giúp. Người được gọi, đang giữ xe cho khách bên ngoài, bước vô, thản nhiên dùng tay trần, bốc một nhúm đậu phộng rang sẵn, gói cho tôi. Cũng sẽ không thể thấy ngon khi sát bên hàng bán thịt heo quay vàng rộm, có cả những thanh chả bọc giấy xanh láng, thẩu cá cơm kho giòn nâu rộm... là lù lù một cái xe ba gác hở, chở rác đầy cả ngọn. Ðủ thứ rác ở chợ, bốc mùi phát kinh và nhỏ nước ròng ròng nhưng người bán vẫn bán, vẫn chặt thịt bằng tay trần, bốc thịt cho bạn cũng bằng bàn tay đó kèm theo vài lát dưa leo thái sẵn! Những hàng chè đủ món, thơm lựng, bốc hơi, sóng sánh nước cốt dừa, cũng xềm xệp bên lề đường, với những cái xoong nắp mở tơ hơ, ngay bên cạnh đường, nơi xe cộ qua lại nườm nượp và đôi khi còn rất gần một cái... miệng cống. Xe bánh mì thịt đặc biệt Việt Nam, thứ bánh mì thịt kẹp đủ thứ, có cả hành lá, ớt, thơm giòn đã từng đánh bật bánh mì baguett nổi tiếng, dễ tìm ở các ngã ba, ngã tư, sát lề đường để người đi làm tiện ghé vào mua một ổ, treo vô tay lái chạy tiếp, cũng... vậy. Hàng hủ tiếu, hàng phở nước sôi sùng sục thì tô chén lại dơ. Nhất là Hà Nội, người ta quen thói múc đầy tô cho nước sánh ra ngoài, người bưng phở khuyến mãi thêm nguyên ngón tay cái vào miệng tô, rồi đặt lên một cái ghế, để khách ngồi ở một cái ghế khác và húp xì xụp ngay bên lề đường. Có biếu kẹo, tôi cũng không dám khen ngon. Bánh bao đậy kín trong nồi hấp, chắc sạch nhưng không ai dám chắc nhân bên trong là thịt tươi hay thịt... con “mickey” trong... cống hàng xóm (?!) Rau sống, thơm, tươi, ăn vào mát hết cả ruột, nằm xanh mởn trên dĩa cũng không ai dám cả quyết nó được tưới bằng thứ nước nào và được rửa bằng loại nước ra sao (?!) Ốc len xào dừa vừa ngọt, vừa béo, cay, mỹ vị miền Nam đã ăn sâu vào tâm hồn (đúng hơn là vào bao tử) đến nỗi mấy năm ở Hà Nội, tôi khổ sở vì thèm nhớ, lần nào về Sài Gòn cũng tức tốc đi ăn thì cũng vậy: được xào, sóng sánh nước cốt dừa ngay bên lề đường. Một thời, ra Huế, ăn cơm hến thì phải kiếm gánh cơm của một cụ bà gần đường Lê Lợi, ngay góc tối ở ngã tư gần ga. Rồi một hôm, sau khi đã được “bồi dưỡng” bằng quá nhiều thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm, tôi tỉnh ra: Cơm gánh thì có bao nhiêu nước để rửa chén. Thường thì người bán chỉ tráng qua rồi lấy khăn lau lại là... múc cho người khác. Bò Cầu Móng vốn nổi tiếng ở xứ Quảng. Tạt vào quán được kháo là ngon nhất thì quán lại nằm sát quốc lộ. Mái gần ngang với mặt đường. Thịt và đủ thứ khác được phơi cho bụi bám, bàn ghế mốc meo. Ra Hà Nội, trời lạnh, đi ăn xôi giò chả, thịt kho cũng vậy. Xôi được đậy kín cho nóng song thịt thì không. Tính ra, còn món gì nữa để ăn? Sài Gòn, Hà Nội không thiếu nhà hàng. Tuy nhiên nhà hàng thì mắc, quá mắc, ngay cả đối với “Việt kiều”, dù có khi chẳng nhằm nhò gì với “Việt cộng”. Ăn ở nhà hàng sẽ thiếu cái khề khà, lân la từ bàn nọ qua bàn kia, ngắm nghía, bàn tán... như khi đi ăn chỗ dì Ba, dì Bảy ở đầu xóm. Phở 24 - một thương hiệu nổi tiếng, chắc là sạch thì chẳng dân sành ăn nào vô đó xơi. Nó nhạt nhẽo, thiếu cái gì đó, ngay cả về gia vị chứ chưa nói tới phong vị. Cà phê Trung Nguyên cũng vậy, thua xa lắc cà phê tự pha ở nhà và có lẽ không cần phải đổ đường về Việt Nam mới có máy lạnh và cà phê pha sẵn mà ngồi. Chưa kể chuyện nhạc dộng ầm ầm. Xa xứ, nhiều người thèm không khí cà phê lề đường nhưng không ai dám chắc cà phê ở đó có trộn hóa chất hay không. Làm một ly cà phê đặc sánh, bọt nổi mịn màng nhưng uống vô, ruột cũng... nổi bọt thì... khốn nạn! Bánh bèo quán Ngon, vốn nổi tiếng và có thể yên tâm về vệ sinh thì nước mắm không bao giờ pha ngon bằng cái quán Huế rặt trong một con hẻm ở Phú Nhuận, mà tôi vẫn ăn và chỉ 7 hay 8 giờ tối là đã hết sạch. Ðúng là chẳng có gì toàn bích. Cứ được cái này thì mất ngay cái khác. Chuyện ăn ở nhà còn những điều kinh dị, hãi hùng như lấy heo chết đem quay, mang chó ghẻ đem nướng làm nhựa mận,... Một thời, người ta bảo “ăn bẩn sống lâu” nhưng nay ăn bẩn đã quá... ngưỡng tới mức, dân trong nước cũng sợ. Sự hoảng sợ lên cao tới độ, người ta thi nhau tự trồng rau để ăn. Những gia đình mà nhà thiếu khoảng trống dành cho chuyện trồng rau thì cứ mua rau về là ngâm nước muối, rửa đi, rửa lại cả chục lần. Cây rau mà nói được chắc cũng phải lẩy Kiều về thân phận của mình: “Ruột sao, ruột héo như... rau”! Lạm dụng hóa chất đã thành nếp, không chỉ rau, trái cây cũng bị nhiễm độc. Trái thanh long, vỏ dày đến mức không ai sợ bị nhiễm khuẩn từ ngoài vô cũng... “giả”. Ở Bình Thuận, nhiều nhà vườn trồng thanh long, uất ức: Sau khi ngã giá xong, chiều đó, lái đem hóa chất ra vườn thanh long để xịt. Sáng hôm sau, trái thanh long nở căng, tròn quay, láng bóng. Nếu ăn thử thì ruột nhạt thếch bởi trái hút hết nước từ trong dây. Ðó là lý do tại sao sau khi xịt thuốc, dây thanh long rũ liệt và nhà vườn rất sợ lái “kích” trái như vậy. Cũng vì vậy mà bây giờ, người trồng thanh long ở Bình Thuận và dân sành ăn chỉ chọn ăn trái nhỏ, vỏ nhám sần. Gần Tết, thời điểm mà sự ăn trở thành nô nức thì sự ẩu tả của người sản xuất, chế biến đủ loại thực phẩm càng tưng bừng. Ðến nỗi, ở Hà Nội, giới hữu trách phải răn đe: Từ nay tới Tết sẽ liên tục kiểm tra an toàn, vệ sinh thực phẩm. Vậy thì Tết này, về quê ăn Tết bạn sẽ ăn gì? Không lẽ bỏ bánh bèo, bánh lá, hủ tíu, rau sống? Không lẽ bỏ thú ngồi hút từng con ốc béo ngậy chấm muối ớt thơm, cay tê tái cả đầu lưỡi? Tiền đâu mà đi nhà hàng hoài hoài, chưa kể nhà hàng nào có mấy thứ bình dân mà ngon thấu trời đó? Thôi thì chỉ dám nhắc bạn ráng o bế cái bụng thiệt kỹ và... tới đâu tính tới đó thôi!
|