Biết hãnh diện thì cũng phải biết xấu hổ |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Chúa Nhật, 04 Tháng 1 Năm 2009 21:44 | |||
Ðộc giả Nhật báo Người Việt ở Mỹ đã viết thư về tòa báo chia vui khi đọc bản tin đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan trong giải bóng tròn AFF Suzuki. Kể từ năm 1959 khi đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa thắng Giải Ðộc Lập (Merdeka) đến nay, Việt Nam mới thắng một trận đá banh quan trọng như vậy. Cho nên chúng ta hiểu tại sao nhiều đồng bào trong nước đã ăn mừng vui nhộn tới mức gây ra tai nạn làm 4 người chết và mấy trăm người bị thương. Tội nghiệp những người bị nạn và gia đình họ, những tai nạn này đáng lẽ có thể tránh được nếu xã hội Việt Nam quen sống có trật tự và trọng kỷ luật hơn. Tất nhiên có những người lợi dụng chiến thắng của đội tuyển bóng tròn, lấy cớ đó mà tổ chức ăn nhậu vui say hoặc lái xe biểu diễn lấy le. Nhưng tâm trạng vui mừng tập thể là điều không thể dồn nén được. Mọi đám đông người trên thế giới đều chờ khi có dịp thì xác nhận tính chất cộng đồng, xác định tính tập thể của mình, diễn tả bằng hành động. Nhất là trước những tin vui, mọi người muốn hòa nhập làm một để biểu lộ một niềm hãnh diện chung. Nhiều quốc gia cũng lợi dụng các cuộc tranh đua thể thao quốc tế để kích thích tinh thần quốc gia, dân tộc. Các nước độc tài thường đề cao thể thao, từ thời Ðức Quốc Xã tới chế độ cộng sản ở Nga Xô, Ðông Ðức. Năm nay đảng Cộng Sản Trung Quốc đã huy động tài nguyên và nhân lực của hơn một tỷ người biến Thế Vận Hội Bắc Kinh thành một cuộc trình diễn tuyên truyền lớn; họ cũng giúp cho cả nước Trung Hoa cùng hãnh diện, ít nhất trong một tháng trời. Cho nên giữa mọi người Việt Nam cùng chia sẻ cùng một niềm vui khi đội tuyển nước ta chiếm một giải đá bóng quan trọng trong vùng Ðông Nam Á, sau gần một nửa thế kỷ là chuyện tự nhiên. Một người, một đội tuyển, làm được một việc tốt, cả nước có thể cùng chia sẻ niềm vui. Ðây là một tình tự rất đáng khuyến khích. Vì niềm hãnh diện tập thể là một nền tảng, một động cơ kích thích con người tập sống theo đạo đức và giữ đạo đức. Như trong xã hội Việt Nam, tổ tiên chúng ta vẫn đề cao danh dự gia đình cũng như tiếng tăm của làng xóm. Nhiều người Việt muốn sống đúng đạo lý không phải chỉ vì danh dự cá nhân mình, nhưng còn vì muốn giữ tư cách xứng đáng với dòng họ, với quê hương bản quán của mình. Bảo vệ tiếng thơm của tổ tiên, cố giữ tiếng tốt cho làng, tỉnh mình, cho địa phương của mình, các tình tự đó có khả năng kiềm thúc con người, không dễ để mình phạm vào đạo lý. Truyền thống đó chịu ảnh hưởng của Nho Giáo đề cao gia tộc, nhưng cũng phù hợp với tinh thần làng xã đặc thù của văn hóa Việt Nam. Hiện nay trong các nước Á Ðông thuộc văn hóa Nho Giáo, chỉ có Nhật Bản vẫn bảo tồn khái niệm danh dự tập thể nhiều nhất; ít nhất họ còn giữ được tinh thần đó nhiều hơn Trung Quốc hay người Việt Nam. Một lý do có lẽ là vì dù đã canh tân theo lối Tây Phương nước Nhật vẫn bảo vệ đạo lý cổ truyền đặt trên nền tảng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín. Các nước Việt Nam và Trung Quốc đều đã trải qua các chế độ cộng sản, đã “cách mạng văn hóa,” xóa bỏ nền nếp luân lý cũ một cách khá tàn bạo. Về hình thức, người Nhật vẫn giữ thể chế quân chủ lập hiến, mặc dù thiên hoàng chỉ giữ ngôi vị tượng trưng. Họ vẫn duy trì tôn giáo cổ truyền là Thần Ðạo dù chỉ còn hình thức tượng trưng, họ cũng vẫn giữ chữ viết cũ và lối dậy luân lý, công dân giáo dục, đã được cải tiến từ thời Minh Trị. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi người Nhật Bản tỏ ra ngạc nhiên trước những bản tin nói về quan chức Việt Nam tham nhũng, về cảnh nhân viên hãng hàng không Việt Nam âm mưu ăn cắp cùng với các người đi học việc, gọi là “tu nghiệp sinh.” Trong blog của một người Việt Nam sinh sống bên Nhật mang tên Minh T., anh kể rằng, “Một cảnh sát viên Nhật Bản tên là Tanaka Masao, tham gia cuộc điều tra các nhân viên Vietnam Airlines chứa hàng ăn cắp, đã ngạc nhiên hỏi rằng không hiểu tại sao một nước văn hiến lâu đời như nước Việt Nam mà đám công nhân cháu lại có những người chịu đi làm nô lệ và đi tổ chức ăn cắp như vậy.” Câu hỏi trên cho chúng ta thấy thái độ tiêu biểu của một người Nhật về trách nhiệm tập thể: Khi nhìn thấy những cá nhân làm điều sai trái, họ nghĩ tới danh dự của cả tập thể. Văn hóa Nhật Bản đã tạo ra cho họ thói quen nhìn vào cả tập thể đó. Chúng ta cũng không thể trách họ thiên lệch, chê họ đã chỉ trích oan cho một dân tộc khác chỉ vì một vài cá nhân. Vì ở đây người ta thấy cả một đám đông người, có tới 50 nhân viên hàng không Việt Nam và các người “tu nghiệp sinh” bị điều tra; lại có đủ các cơ sở thương mại, ngoại giao của chính quyền cộng sản Việt Nam bị khám xét bắt hàng ăn cắp. Nếu chỉ bắt được một hai người Việt ăn cắp thì không ai được phép lên án cả dân tộc Việt Nam. Nhưng khi các quan chức ngoại giao đại diện cho một nước phạm lỗi lầm thì người ta thắc mắc là phải. Những quan chức này lại phạm những lỗi lầm đạo đức thuộc loại đơn giản nhất, những tội lỗi mà trẻ con nước nào cũng được dạy dỗ từ bé rằng làm như thế là sai trái, đứa trẻ nào cũng nhớ suốt đời không cần ai nhắc lại! Khi đó, nếu người ngoại quốc lên án cả nước hoặc ít nhất cả chính quyền nước đó, điều này không thể trách cứ người ta được. Vì người ta sẽ tự hỏi cái quốc gia sinh ra đám người phạm tội này đã dậy dỗ trẻ em cách sống thế nào, không giống như nhân loại hay sao? Một lần đi du lịch bên Nhật, tôi đã có kinh nghiệm đó. Một bữa ở gần chân núi Phú Sĩ, tôi thấy một đoàn du khách ồn ào đang vào phòng ăn. Tôi hỏi người Nhật hướng dẫn đoàn chúng tôi không biết mấy người này thuộc nước nào mà nói nhiều như vậy? Anh ta cho tôi biết, đó là một nước Á Ðông tôi xin miễn kể tên. Vì đã đi chung hơn một tuần lễ với nhau và trò chuyện nhiều lần đã khá thân, anh Tanaka lắc đầu nói nhỏ với tôi: Mấy người nước này họ thường ăn ở dơ bẩn lắm! Tôi trợn mắt tỏ ý không hiểu. Anh bèn làm điệu bộ cho tôi hiểu: Anh đưa hai ngón tay lên miệng hít một hơi như người hút thuốc, xong làm bộ ném tàn thuốc xuống đất, rồi lấy chân day day trên mặt đất! Ðối với một người Nhật thì hút xong vứt tàn thuốc xuống đất đã là ăn ở thiếu trật tự, thiếu vệ sinh. Cho nên, một người Nhật phải nhìn cảnh người dân nước khác ăn ở như vậy nhiều lần, thì họ kết luận dân tộc này không biết cách sống vệ sinh! Cách phán đoán đó cũng hơi khe khắt, ít nhất là đối với người Việt. Nhưng tôi biết anh Tanaka đã thấy rất nhiều người hành động trái với phong tục thuần hậu của xứ anh, cho nên mới kết luận. Tôi hy vọng anh Tanaka khi sang Việt Nam hoặc tới Little Saigon không phải trông thấy cảnh nhiều người Việt Nam cũng làm như vậy. Hoặc tệ hơn nữa, nhiều người bỏ điếu thuốc hút dở dang bốc khói tiếp tục cháy trong cái gạt tàn hoặc trên mặt đất, cho người khác bị sặc vì khói! Nhưng cái tội vứt tàn thuốc bừa bãi có thể coi là một “thói quen xấu” mà người phạm lỗi không biết, có thể vì không được ai dạy dỗ để biết như thế là xấu. Mọi người có thể tập bỏ những thói xấu đó dần dần, giống như ở Singapore người ta tập không nhổ bậy, không vứt rác ngoài đường. Nếu có quyết tâm, cả xã hội có thể cùng nhau tập bỏ những thói xấu như thế. Còn những tội như ăn cắp, ăn trộm của các cửa hàng, hoặc ăn hối lộ của nặng hơn nhiều, thuộc phạm vi đạo đức. Tệ hơn nữa là phần lớn những người phạm tội ăn cắp đều biết làm như vậy là xấu nhưng vẫn cố ý làm. Khi Nhật báo Người Việt đăng bài về những cảnh ăn cắp, ăn hối lộ trong đám nhân viên hàng không, tu nghiệp sinh và quan chức ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản, tất cả các vị độc giả viết thư về đều than là chính mình cũng cảm thấy nhục, trừ một vài vị. Một trong hai vị đó biện luận rằng mình không cảm thấy nhục, vì đây là nỗi nhục riêng cho chính quyền cộng sản Việt Nam, chứ người Việt Nam nói chung không cần phải xấu hổ. Nhưng chúng ta sợ rằng người ngoại quốc họ không biết phân biệt tinh tế như vậy! Một quốc gia mà có các “tu nghiệp sinh” ăn cắp, các nhân viên hàng không ăn cắp, đến nhân viên ngoại giao cũng bán hộ chiếu và ăn chặn tiền, một nước đông người ăn cắp tập trung cùng một nơi như vậy, mà lại biểu diễn những tội lỗi đó ở ngoại quốc, thì làm sao người nước ngoài họ phân biệt được trong đám này ai là người dân còn ai là chính quyền? Người ngoài họ nhìn chỉ thấy người Việt nào cũng là người Việt thôi! Dù những người Việt sống hoàn toàn ở ngoại quốc, cũng không vì thế mà được “miễn nhiễm!” Một vị thứ hai, chắc là một nhân viên công an làm bổn phận, thì lên giọng mắng tờ báo Người Việt thậm tệ, cốt để bênh vực chế độ cộng sản. Vị đó phán rằng: Chúng mày hãy đọc tin này đi! Mở cái địa chỉ “link” ra thì thấy bản tin báo Lao Ðộng viết, “Ngày 26.9, Bộ Trưởng Bộ LÐTBXH VN Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Kyoei Yanagi Sawa - chủ tịch Hiệp Hội ... IMM Japan đã ký lại bản thỏa thuận về chương trình hợp tác đưa tu nghiệp sinh (TNS) VN sang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Năm đầu tiên, TNS sẽ được nhận trợ cấp tu nghiệp là 80.000 Yen, năm thứ hai và ba, mức trợ cấp tối thiểu là 90.000 Yen và 100.000 Yen. Sau khi hoàn thành, IMM Japan sẽ hỗ trợ cho mỗi TNS 600.000 Yen (tương đương với 5.000 USD) để tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới. Ðược biết, qua hơn 2 năm triển khai hợp tác với IMM Japan, hơn 400 TNS VN đã được chọn, trong đó 320 TNS đã sang Nhật.” Bản tin cũ từ Tháng Chín, với những con số như 80,000 Yen một tháng và không khác gì những con số đăng trong báo Người Việt (ở Nhật số lương đó không đủ sống). Cũng không nói gì đến những khoản ăn chặn của quan chức trong công ty độc quyền nhà nước làm việc “xuất khẩu” này. Không nói gì đến vụ cảnh sát Nhật khám xét các văn phòng đại diện hàng không Việt Nam để tìm hàng ăn cắp, trên mạng lưới có hình ảnh hàng đống hàng được phơi ra. Không hiểu người gửi email trên đã làm bổn phận chửi báo Người Việt xong rồi, anh có cảm thấy cũng xấu hổ khi đọc bản tin về đồng bào mình phạm tội ở nước ngoài hay không? Cảm thấy xấu hổ là một nguồn gốc của đạo đức, Mạnh Tử đã dạy như vậy. Biết xấu hổ là có mầm mống tốt để biết thế nào là Nghĩa khí, là Dũng cảm. Khi biết chia sẻ nỗi xấu hổ vì đồng bào mình phạm tội, thì tự nhiên chính mình sẽ cố tránh không phạm tội, để tránh cho cha mẹ, tổ tiên, đồng bào mình khỏi phải xấu hổ lây. Trẻ em Việt Nam được giáo dục như vậy trong cả ngàn năm nay. Chúng ta cần làm sống lại đường lối giáo dục cho trẻ em biết hãnh diện về tập thể mà cũng biết xấu hổ vì tập thể. Nếu người dân một nước không biết tự mình xấu hổ mà chỉ biết chia sẻ cái vinh dự do người khác tạo ra thì nguy lắm.
|