..trong thế giới tư bản cá lớn nuốt cá bé này, chẳng có gì “chùa” hết... Trung tuần tháng 12 vừa qua, giới tài phiệt Wall Street ở New York bị rúng động bởi một trận động đất kinh hồn. Không phải động đất sập nhà rớt cầu gì. Cũng chẳng phải thị trường chứng khoán lại tuột cả ngàn điểm như hồi tháng 10. Lần này là tin một đại tài phiệt bị bắt vì tội lừa đảo thuộc loại siêu cao cấp. Quá cao cấp đối với dân tỵ nạn chúng ta. Nhưng chúng ta cần biết vì kiểu lừa gạt này thật ra rất thông thường, nhiều người tỵ nạn nghèo mạt cũng đã là nạn nhân. Và nhiều người sẽ tiếp tục là nạn nhân nếu cả tin mà không chịu tìm hiểu. Ông Bernard Madoff bị FBI bắt ngày 11 tháng 12 vừa qua vì tội lừa gạt một số tiền vô tiền khoáng hậu ước lượng là hơn 50 tỷ đô la. Hãy tưởng tượng là 50 tỳ đó gồm toàn giấy 100 đô và mình mà nhẩn nha đếm cả 50 triệu tờ giấy trong tám tiếng một ngày mỗi giây một tờ (lẹ hơn tiêu hay đốt) thì phải mất hơn bốn năm! Nhiều lắm. Sáu ngày trước khi bị vồ, ông ta còn chộp được 10 triệu đô la của một nạn nhân là đại gia tại New York. Chưa bao giờ lịch sử nhân loại lại có chuyện một người lừa tiền thiên hạ đến mức kinh khủng như vậy (lừa tiền thôi, chứ lừa xương máu cách mạng hay độc lập dân tộc thì có nhiều lắm, khỏi nói ở đây cho lạc đề!) Ông Madoff này là một đại gia tài chánh ở New York. Là Chủ Tịch một công ty đầu tư tuy ít người biết nhưng rất thành công và có tiếng trong giới tài chánh cao cấp. Trước đây có lúc ông đã là Chủ Tịch Thị Trường Chứng Khoán NASDAQ, nơi giao dịch cổ phiếu của các công ty phần lớn hoạt động trong ngành kỹ thuật cao cấp điện toán, mạng internet… như Yahoo, Google, Microsoft, Apple, Cisco, … Nhờ địa vị đó, ông là một trong các tài phiệt nặng ký, có uy tín rất lớn trong thế giới tài chánh, từ Nữu Ước đến Luân Đôn, Ba Lê, Mu Ních, Đông Kinh, Thượng Hải, … Ta không cần đi vào chi tiết chuyện lừa đảo của ông, nhất là khi nhà chức trách còn điều tra, chưa có gì rõ ràng. Chỉ cần biết là cái mánh ông Madoff dùng thường được gọi là “Ponzi scheme”, mánh Ponzi, sau này biến thể ra thành một “pyramid scheme”, mánh kim tự tháp. Ponzi là tên một di dân trẻ gốc Ý Đại Lợi. Đầu thế kỷ, anh di cư qua Mỹ lập nghiệp. Anh nghĩ ra một mánh khoé làm ăn nhờ đó từ hai bàn tay trắng, trở nên triệu phú trong vòng chưa đầy sáu tháng. Đại khái, anh mở một cái bi-di-nét mua qua bán lại phiếu tem bưu điện. Rất thường. Nhưng anh hứa với những người hùn hạp làm ăn với anh là họ sẽ được lời cỡ 50% trong vòng 45 ngày, tức là vốn đầu tư sẽ tăng gấp đôi trong vòng ba tháng. Nhiều người phiêu lưu muốn thử thời vận bèn nhẩy vào và quả nhiên, đúng như anh hứa thật, lời 50% trong 45 ngày. Không sai. Tiếng đồn bung ra, hơn 40.000 người xúm lại tặng tiền cho anh, anh thu được khoảng 15 triệu (tương đương với mấy trăm triệu tiền ngày nay) và anh trở thành triệu phú trong vòng sáu tháng. Trên căn bản, cái mánh này thật là giản dị. Anh thu tiền mặt của thiên hạ, ghi vào sổ, kiểu như sổ tiết kiệm ngân hàng vậy. Bốn mươi lăm ngày sau, anh cũng ghi vào sổ số tiền lời 50% thật. Người đầu tư mê quá, chẳng những không rút tiền ra, mà lại bỏ thêm vào nữa, và cứ như thế thấy số vốn đầu tư của mình tăng vọt mau chóng… trên sổ sách. Có những người đa nghi hơn, rút tiền ra ngay sau khi thấy lời. Và anh Ponzi này trả tiền cho họ ngay, rất sòng phẳng, với số tiền lời vĩ đại đúng như anh hứa. Anh lấy tiền mấy người mới tham gia vào để trả cho họ. Có người chắc ăn, lấy tiền ra rồi đi luôn. Nhưng chỉ là thiểu số. Phần đông những người đầu tư khác thấy có lời lớn thật, thì tin tưởng lại, bỏ tiền vào trở lại, rồi lại bỏ thêm nhiều hơn nữa để hy vọng có lời thêm nữa. Mấy người khác nhìn vào cái gương này, an tâm, cũng bỏ thêm tiền vào. Cái mánh của anh Ponzi là thuyết phục được các tay đầu tư tiếp tục đưa tiền cho anh, càng ngày càng nhiều. Thêm vào đó, càng ngày sẽ càng có nhiều người nhẩy vào cuộc, đưa thêm tiền cho anh. Nền tảng của cái tính toán của anh Ponzi này chỉ là đánh vào lòng tham của thiên hạ. Nhưng anh lại trở thành nạn nhân của chính sự tham lam, thành công quá nhanh của anh. Cái kim tự tháp xây trên cát sụp đổ mau lẹ và anh bị xộ khám mau chóng, chưa kịp ăn hưởng gì. Chỉ để lại cho đời cái tên: "mánh Ponzi". Ông tài phiệt tân thời Madoff cũng làm ăn theo mánh đó. Qua trung gian công ty đầu tư của ông, ông cũng hứa lời lớn. Nhưng ông rất khôn khéo, rào trước đón sau rất kỹ lưỡng, một cách rất quy củ, rất khoa học, nghĩa là khó tính, chọn lọc khách hàng, chứ không phải là ai muốn góp tiền đầu tư cũng được!. Số tiền lời của ông trả lại thiên hạ không lớn quá như của cái anh Ponzi, nhưng rất chắc nịch, năm này qua năm khác, khiến các nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng đầu tư có lời của ông. Lấy ví dụ, Nasdaq có lên 5% thì ông cho các nhà đầu tư của ông ăn 8%-10%. Nasdaq có xuống 5% thì đầu tư của ông chỉ sụt theo 2%. Ăn ít no dai. Ông Madoff này làm ăn như vậy từ 1960 đến giờ mới bị bắt! Điểm đặc biệt của ông là ông không phải tay làm ăn cò con. Madoff có tôn chỉ là "chọn mặt lấy vàng"! Chỉ nhận làm ăn với các triệu phú, tỷ phú, các đại công ty đầu tư, các đại ngân hàng. Rất ít nhà đầu tư chứ không dựa vào số đông quần chúng. Nhưng số người này bỏ vào cho ông những số tiền bạc triệu, bạc tỷ, càng ngày càng lớn. Theo tin báo chí, một nhà đầu tư Pháp đã tự tử vì bị mất hết gia tài của cả họ hàng trong nhà, đâu một tỷ rưỡi đô. Một số ngân hàng lớn nhất thế giới cũng bị lỗ cả tỷ bạc. Công ty đầu tư của ông trên sổ sách hiện nay có khoảng 17 tỷ đô tài sản, nhưng khi cảnh sát coi lại thì… chẳng có gì hết, ngoại trừ các văn phòng, máy điện toán, bàn ghế nhân viên. Chưa ai biết ông Madoff này đã tẩu tán tiền lời của ông đi đâu hết. Cái mánh Ponzi này đã được một số tay ma đầu biến chế và quần chúng hóa thành cái mà người ta gọi là "mánh kim tự tháp". Cái mánh kim tự tháp rất thông thường, và có dịp phát triển mau chóng trong giới dân trung lưu hay nghèo, ít hiểu biết về những khúc mắc tài chánh. Chỉ thấy dễ ăn, có lời nhiều là rủ rê bạn bè, thân nhân vào. Điển hình là ta thấy có nhiều chương trình bán hàng dựa trên mánh kim tự tháp, nhất là trong những ngành bán mỹ phẩm, thuốc tễ dưỡng sinh, và bảo hiểm nhân thọ. Đây là những ngành kinh doanh phổ biến trong đó có rất nhiều công ty lớn và uy tín hoạt động. Do đó, không tránh được chuyện vài tay mánh mung, lợi dụng nước đục thả câu, chui vào khai thác. Nhìn vào, chẳng có cách nào biết được công ty nào chân chính, công ty nào mánh mung. Trên căn bản, các công ty mánh mung này đi thu dụng một người bán, và đòi hỏi họ đi thu dụng nhiều người khác gia nhập. Mỗi người đi bán đều được ăn huê hồng. Và mỗi khi họ kết nạp được một người mới vào, thì họ cũng ăn huê hồng của người mới này luôn. Cứ như thế tiếp tục, mỗi khi có một lớp người mới vào là họ lại “lên cấp”, ăn thêm huê hồng. Sự khác biệt giữa Ponzi và kim tự tháp là mánh Ponzi phần lớn dựa vào một người chủ chốt, thuyết phục được những người đầu tư không rút tiền ra mà cứ tiếp tục bỏ thêm tiền đầu tư vào. Một người chủ chốt liên hệ trực tiếp với những người đầu tư. Ngược lại, mánh kim tự tháp dựa trên căn bản hạ tầng càng ngày càng phát triển, càng ngày càng nhiều người tham gia. Một người thu dụng ba người, rồi ba người này thu dụng thêm ba người nữa, thành ra chín người, từ chín người thành 27 người, v.v… Đun lên như hình cái tháp. Những người tham gia chỉ biết người đã giới thiệu mình mà không biết những người chủ chốt là ai. Để nhóm chủ chốt lấy tiền của người sau trả cho người trước. Và lý tất nhiên là đến một lúc nào đó, nền tảng đó sẽ không lớn mạnh mãi mãi được, càng ngày sẽ càng ít người mới tham gia. Để rồi đến lúc số tiền trả cho những người lớp trước lớn hơn số tiền thu được nơi những người vào sau. Và rồi toàn thể kim tự tháp sụp đổ. Thông thường thì mấy người chủ chốt lúc đó đã biến mất từ lâu rồi. Hay số tiền thu được cũng đã bị tẩu tán đi mất hết rồi. Hay anh chủ chốt chỉ cần khai phá sản là… huề. Hay có bị bắt đi tù thì cũng đã ăn hưởng quá no nê rồi. Cái ông Madoff năm nay 70 tuổi, sống cuộc đời vương giả của một triệu phú từ gần 50 năm nay, bây giờ có vào tù vài năm rồi chết trong tù cũng… chẳng sao. Vợ con vẫn còn cả triệu sống đời này qua kiếp khác. Mánh kim tự tháp này có rất nhiều hình thức. Điển hình nhất là các phong trào bán hàng thông dụng, ví dụ mỹ phẩm. Mỗi người tham gia đều phải bỏ tối thiểu vài trăm, vài ngàn mua một lô mỹ phẩm về bán. Hàng đã trả tiền trước rồi, nên công ty không cần biết, muốn bán sao cũng được, cách nào hay giá nào cũng được, hay nuốt lấy cũng được (tức là để trong nhà). Sau khi đã lấy lô mở hàng rồi thì có quyền mua thêm, và bắt đầu được ăn huê hồng. Mức huê hồng càng ngày càng cao. Mặt khác, nếu giới thiệu bạn bè, thân nhân vào làm chung thì lại còn được ăn huê hồng tiền giới thiệu, rồi huê hồng trên số hàng của người mới vào bán được. Rồi cứ thế tiếp tục “lên cấp”, càng ngày càng nhiều huê hồng. Và theo lời hứa hẹn, đến lúc nào đó, không cần bán gì nữa, chỉ ngồi nhà chơi, ăn huê hồng trên đầu những người mình giới thiệu vào, và những người được giới thiệu vào sau, theo kiểu giây chuyền chồng chất. Mỗi năm đều có “đại hội” tổ chức tại những nơi mà chỉ nghe không là đã phải mê, như bồ biển Hạ Uy Di, Cancun… để nghe tuyên dương những người đã thành công lớn, lãnh văn bằng, chức vị mới, tiền thưởng, tên tuổi hình ảnh được đưa lên bản tin của công ty, mang về khoe với con cháu, bạn bè… Đi dự đại hội ở những thiên đường như vậy mà chỉ có trả tiền tượng trưng, rẻ mạt, không hấp dẫn sao được? Nhưng thiên hạ quên mất là tiền đi là do chính họ đã trả trước rồi khi bỏ cả trăm, cả ngàn để nhập cuộc. Không thiếu gì trò cám dỗ. Những người tham gia sẽ được giới thiệu làm quen với những người đã thành công vượt mức, bây giờ đều triệu phú hết. Nhìn vào đó làm gương. Cũng có những người thành công thật, trở thành giàu có thật. Trong cái mánh nào thì cũng có người được hưởng thật. Nếu không thì làm sao chiêu dụ được số đông? Nhưng thực tế là trong cả chục ngàn người tham gia thì những người thành công chỉ đếm trên một bàn tay. Còn lại toàn là dân lao động không công, nếu chưa mất hết vốn lẫn lời là may lắm rồi. Một hình thức khác cũng khá thông dụng. Cách đây khoảng mười mấy hai chục năm gì đó, có một lúc có phong trào xâu chuỗi trong một cộng đồng tỵ nạn Việt (xin miễn nói là cộng đồng ở nơi nào). Đã khá lâu, nên kẻ viết này cũng không nhớ rõ hết chi tiết. Đại cương thì không biết từ đâu bộc phát ra một cái nghề mới. Đi mua hột về xâu chuỗi, làm vòng cổ, vòng tay cho mấy bà đeo; hay làm chuỗi tràng. Mỗi người tham gia phải bỏ vào đâu vài ngàn đô cho một công ty tự xưng là chuyên sản xuất xâu chuỗi, làm vốn tiên khởi để lấy dụng cụ, đồ nghề về nhà làm việc tại gia. Rồi sau đó bỏ tiền ra mua một số hột mang về nhà ngồi xâu, xâu xong mang những xâu chuỗi đó giao lại công ty, ăn lời gấp đôi. Ví dụ như bỏ một ngàn đô mua hột, mang giao lại, lãnh hai ngàn đô. Khi phong trào mới bộc phát, chỉ có vài người phiêu lưu nhào vô xem thử. Thấy có ăn thật. Bỏ năm trăm đô, mấy ngày sau lãnh về một ngàn ngay. Bỏ thử ra một ngàn nữa, mấy ngày sau cũng thu về hai ngàn ngay. Chắc hơn đinh đóng cột. Rất nhiều điều lợi. Lời gấp đôi, lãnh tiền mặt chẳng khai thuế má gì, việc làm quá dễ, ai cũng làm được, mấy bà ngồi nhà vừa coi phim bộ vừa làm, với sự phụ giúp của mấy đứa con gái, cháu gái. Thế là cơn sóng thần tsunami xâu chuỗi tràn ngập cộng đồng. Thiên hạ nhẩy bổ vào. Bao nhiêu tiền tiết kiệm trong ngân hàng, hay giấu dưới gầm giường được lôi ra, năm ngàn, mười ngàn, hai chục ngàn, không cần biết. Lời gấp đôi trong có mấy ngày, mấy tuần mà. Ông chồng nào không đồng ý sẽ bị bà xã lải nhải "giấu tiền cho vợ bé hay sao vậy? là hết hồn. Bà vợ nào không đồng ý thì bị chồng chê là làm biếng, kiếm cớ không chịu cầy cuốc kiếm tiền. Rồi lại rủ thêm bạn bè thân nhân, cùng nhau ăn lời, lại được huê hồng giới thiệu người mới vào. Chẳng ai thắc mắc là sao không thấy mấy xâu chuỗi này bán ở đâu cả! Có hỏi thì được trả lời là bán ở tiểu bang khác, hay bán ở Á Châu, Phi Châu gì đó. Sự thật, chẳng có ai bán xâu chuỗi gì hết. Những xâu chuỗi mang về giao lại cho công ty, được công ty gỡ ra, lấy hột ra đưa lại cho thiên hạ về xâu tiếp. Cứ thế đến lúc nào đó, mấy anh đầu nậu hết hột để xâu, hay ăn no quá rồi, và quyết định đóng màn, chấm dứt tuồng hát, đi qua nơi khác làm ăn. Những người “đầu tư” bỏ ra cả ngàn, cả chục ngàn, mang cả thùng xâu chuỗi đến công ty, thì mới hay công ty đã dọn đi mất rồi, điện thoại không ai trả lời. Hỏi nhau thì chẳng ai biết công ty biến đâu mất rồi. Cũng chẳng biết ai là chủ nữa. Thế là mất toi hết vốn lẫn lời, ôm một đống hột không biết làm gì. Làm gì bây giờ? Đi thưa kiện à? Thưa ai, thưa ở đâu? Dân tỵ nạn tiếng Anh tiếng Mỹ mù tịt, biết thưa gởi gì? Giấy tờ đâu? Bằng chứng gì? Chẳng may thưa gởi, ông thuế vụ lại hạch hỏi “thế mấy trăm mấy ngàn bà ăn lúc đầu đó có khai thuế chưa” thì chỉ có chết. Ngậm bồ hòn thôi. Dĩ nhiên là mánh mung lừa đảo thì nhiều vô kể và cũng hết sức đa dạng, chẳng thể nào biết hết, kể hết được. Bình luận gia kinh tế trên cột báo này là ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì nêu vấn đề với người viết, là dù không thể biết hết mình vẫn cố gắng thông tin cho mọi người cùng hiểu để khỏi bị lừa. Đành cố gắng trình bày vài ý kiến ở đây cho "phải đạo": Điều cần biết là trong thế giới tư bản cá lớn nuốt cá bé này, chẳng có gì “chùa” hết. Người Mỹ có câu “there’s no free lunch” - chẳng có bữa ăn nào miễn phí cả. Nếu thấy cái gì quá dễ ăn, chẳng tốn công tốn sức bao nhiêu mà lại lời to thì tốt nhất nên tránh xa, hoặc... tới gần mà hỏi - nhưng không đem tiền theo. Chẳng hạn như hỏi xem hệ thống đầu tư đó hoạt động từ bao lâu rồi, có cơ quan kiểm toán (kiểm tra kế toán), có khai thuế không, bao nhiêu, và tiền đầu tư đó - kể cả các hạt xâu chuỗi - do cơ sở nào quản lý để sanh lời?... Một điều quan trọng nữa cần để ý: không phải là mình nói chuyện với một đại diện của một công ty lớn là chắc ăn; không ai có thể nói công ty đầu tư của ông Madoff là nhỏ cả. Cho nên, nếu có lòng tham muốn thử thời vận thì cũng được, nhưng gặp họa vào thân thì phải chịu thôi. Mà nói về họa thì có nhiều mối họa khó tránh lắm! Đầu năm mới, không dám làm độc giả mất vui mà dẫn lại cái giọng cười cười của ông kinh tế gia trên cột báo này: chạy theo tiền là ra! Phải xem tiền từ đâu rót vào đâu, dùng làm gì để sanh lời cho chúng ta như được quảng cáo hay hứa hẹn? Mà cả một chuỗi xoay vần ấy có sổ sách luật lệ minh bạch không? Theo lý luận đó thì ta sẽ hết tưởng bở nếu nghĩ đến tiền hưu bổng Social Security: tiền từ mình đóng thuế, thí dụ như FICA, được giao cho nhà nước hay ai đó quản lý để trả lại cho mình sau này khi ta về già. Các chính trị gia đều hứa vậy để lấy phiếu cử tri cao niên nhưng sự thật là khi mình lãnh tiền thì đấy là tiền của thế hệ về sau đóng vào một cái quỹ có nguy cơ phá sản từ lâu. Nếu ông Madoff lại là nhà làm luật và hứa hẹn trả lại thuế cho mình từ một cái quỹ lủng thì các thế hệ về sau sẽ kiện ai khi tiền đã bị xài trước từ lâu rồi?
|