Không biết các thầy tử vi Việt Nam đoán số mệnh ông tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ như thế nào, nhưng rõ ràng ông này số không được sung sướng cho lắm. Ông lên nhậm chức vào đúng thời điểm kinh tế khó khăn, số người thất nghiệp vừa tăng thêm hơn nửa triệu hồi tháng rồi và có thể tăng... dài dài trong 12 tháng tới. Bên cạnh đó là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, cuộc chiến xây dựng dân chủ, tự do ở Afghanistan và Iraq. Tất cả những điểm vừa nêu nằm trong danh sách những việc ông phải làm, chưa kể những chuyện hoàn toàn có tính cách cá nhân trong suốt thời gian ông sống tại Tòa Bạch Ốc, trong đó có chuyện mỗi ngày sau khi rời Phòng Bầu Dục để về tư dinh, ông sẽ gặp 3 bà: bà vợ, bà mẹ vợ và bà bếp. Trong gia đình ông tân tổng thống Hoa Kỳ, bà mẹ vợ Marian Robinson chiếm một vị trí rất quan trọng. Không chỉ đóng vai "bà ngoại" trông hai đứa cháu gái còn nhỏ, bà Robinson còn giữ vai "cố vấn bán chính thức" cho đệ nhất phu nhân tương lai của nước Mỹ. Bà là người đóng góp ý kiến cho cô con gái Michelle về mọi vấn đề -đồng thời cũng là người đầu tiên trong nhà khuyến khích cậu con rể Barack "nên tranh chức tổng thống". Chính ông Obama từng xác nhận mỗi khi gia đình gặp khó khăn "người đứng ra hòa giải chính là bà mẹ vợ". Những người thân với gia đình kể thêm ngày đầu đôi trẻ gặp nhau, cô Michelle không biết tính tình anh chàng đang tán tỉnh mình như thế nào, phải tham khảo ý kiến của bà mẹ, "bà cố vấn" từ khi cô mới lớn. Chính bà đề nghị "sao con không mời cậu ta về nhà chơi", sau đó gọi điện thoại cho người con trai lớn bảo "con đưa anh này đi đánh bóng rổ và về kể cho mẹ nghe". Cô con gái học giỏi ngạc nhiên không hiểu mẹ mình muốn gì, trong lúc bà mẹ điềm tĩnh giải thích: "Con à, khi thi đấu thể thao đàn ông lộ hết tính tình". Sau ngày ông Obama đắc cử, báo chí đã từng đặt câu hỏi không biết bà Marian có dọn vào ở với con rể và con gái hay không. Trả lời phỏng vấn của CBS, ông Obam từng nói đùa "bà cụ muốn thế nào cũng được, tôi chẳng dại gì mà đề nghị hay bảo cụ phải làm thế này hoặc thế khác". Bà Marian không phải là bà mẹ vợ tổng thống đầu tiên dọn vào Tòa Bạch Ốc, trước đó mẹ vợ ông Eisenhower và mẹ vợ ông Truman đã sống nhiều năm trời trong tòa nhà này. Sử sách Hoa Kỳ cũng ghi ông Harry Truman và bà mẹ vợ cãi nhau hầu như hàng tuần, nhưng may mắn cho ông Obama: bà mẹ vợ của ông rất quý cậu con rể. Cũng chỉ một tuần lễ sau ngày ông đắc cử, giới đầu bếp của Hoa Kỳ đã đồn đãi với nhau về người gia đình Obama có thể chọn làm đầu bếp. Từng có tin đồn người được chọn là ông Rich Bayless của nhà hàng nổi tiếng Frontera Grill tại Chicago, cũng có lời đồn cho hay bà Michelle sẽ chọn ông bếp Art Smith, người từng nấu ăn cho Oprah. Dân Chicago còn đồn đãi nếu không chọn hai ông có tên vừa nêu, có thể ông Obama sẽ mời một đầu bếp chuyên nấu "soul food" (món ăn của người da đen, khá nhiều chất béo) đi D.C. nấu cho gia đình ông ăn. Tất cả mọi lời đồn đãi, dự đoán đều sai. Theo đề nghị của ông bà George W. Bush, bà Obama quyết định giữ bà đầu bếp Cristeta Comerford ở lại. Bà Comerford, 46 tuổi, từng làm phụ tá bếp chánh của Tòa Bạch Ốc cả chục năm trước khi được bà Laura Bush chọn làm "chef" từ hồi 2005. Tại sao bà Obama lại giữ bà bếp của gia đình ông Bush? Tin từ Tòa Bạch Ốc tiết lộ trước đây ông Bush thích ăn hamburger, chuộng những món có nhiều chất béo và chất đường. Sau này theo lời bác sĩ khuyên, bà Bush quyết định chọn một đầu bếp khác chuyên môn về rau đậu, và chính điểm này "phù hợp với ý muốn của bà Obama". Làm đầu bếp ở Tòa Bạch Ốc có khó không? Ông Walter Scheib, từng 8 năm đứng bếp cho gia đình Clinton và 4 năm nấu cho gia đình Bush trả lời "rất khó" vì "phải có 3 diều kiện: thứ nhất phải nấu giỏi, thứ nhì phải có sáng kiến và niềm tự hào rất cao và thứ ba phải biết giữ bí mật, không được phép tiết lộ cho người ngoài biết ông bà tổng thống thích món gì, cách nấu ra sao". Thông thường ai là người cho phép tiết lộ bí mật "nhà bếp"??? Ông Scheib trả lời: "luôn luôn là bà chủ". Dĩ nhiên điều quan trọng nhất "vẫn là làm hài lòng gia đình tổng thống" phải biết "pha chế sao cho ông bà chủ ăn ngon miệng, hài lòng với những món được bày trên bàn". Ông Scheib nói thêm mỗi năm vào dịp Lễ Giáng Sinh, tổng thống và phu nhân khoản đãi hàng chục bữa tiệc với tổng số khách tham dự lên đến 10,000 người, "lo cho họ ăn và làm cho họ hài lòng là điều không dễ". Bà Nina Zagat, chủ nhiệm tạp chí Zagat chuyên điểm các nhà hàng ở thủ đô đi xa hơn: "đầu bếp Tòa Bạch Ốc là người chẳng bao giờ được gọi là đại sứ nhưng đảm nhận vai trò của một vị đại sứ". Tại sao vậy??? "Khách được mời ăn tiệc do tổng thống khoản đãi sẽ đánh giá văn hóa của nước Mỹ qua các món ăn được bày trên bàn". Vì thế, "đầu bếp phải biết thể hiện văn hóa Mỹ, biết nấu món ăn Mỹ, trưng bày theo lối Mỹ". Bà bếp Cristeta Comerford từ chối trả lời phỏng vấn báo chí. Tất cả điện thoại gọi đến đều được trả lời "bà bếp đang bận tay, không thể tiếp chuyện quý vị được". Nữ ký giả Jane Black của tờ The Washington Post khoe "tìm được số cell-phone của bà bếp" nhưng "gọi mãi, nhắn mãi bà cũng không trả lời".
|