Home Tin Tức Bình Luận Nước Mỹ và Thế giới sau thời Tổng thống Bush

Nước Mỹ và Thế giới sau thời Tổng thống Bush PDF Print E-mail
Tác Giả: VOA   
Chúa Nhật, 22 Tháng 2 Năm 2009 09:21

 20/02/2009
Thế giới này đã trở thành một nơi khác hẳn với thế giới trước khi có các cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, và chỗ đứng của Hoa Kỳ trong đó cũng đã đổi thay. Trong cuốn sách mới nhan đề 'Great Powers', có nghĩa là 'Những Quyền lực lớn', nhà phân tích quân sự Thomas Barnett trình bày một kế hoạch giúp Hoa Kỳ lấy lại sự tin cậy của thế giới và phục hồi cương vị của mình trong một thế giới được toàn cầu hóa.

 Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Theo ông Thomas Barnett, toàn cầu hóa là một khái niệm dựa trên các hệ thống kinh tế và xã hội Mỹ.

Ông Barnett nói: “Theo suy nghĩ của tôi, toàn cầu hóa là một mô hình trong đó các nhà nước hợp quần lại, các nền kinh tế hội nhập với nhau, với một nền an ninh tập thể và một sự phát triển các mạng lưới chung, mức giao dịch cao và sau cùng, và đây cũng là điểm gây tranh cãi nhiều nhất, một toàn cảnh về sự cạnh tranh tín ngưỡng trong đó mọi người tự do thay đổi tôn giáo của mình.”

Nhưng, Hoa Kỳ đã bị vuột mất vị thế đứng đầu trong tiến trình toàn cầu hóa, về cả 2 phương diện kinh tế và xã hội. Theo ông Barnett, nhận ra điều này là bước đầu tiên tiến tới khôi phục thanh danh của Hoa Kỳ.
 Ông Barnett nói tiếp: “Bạn phải hiểu một điều, cơ bản thì Mỹ không có quyền lực gì về toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đã trở nên quá rộng lớn, quá phức tạp, tất cả những loại hình sinh hoạt tạo ra biết bao nhiêu mã số, biết bao nhiêu qui luật. Hoa Kỳ không thể nào đảm trách tất cả những qui luật đó. Vậy thì có thể nói toàn cầu hóa đi đôi với những qui luật, nhưng không phải là thước đo các qui luật, và chúng ta phải tập quen với ý niệm đó. Phải thừa nhận rằng chúng ta không còn nắm quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống đối với phương Tây như chúng ta đã từng nắm, cách đây khoảng 30, 40 năm.”

Ông Barnett nói thêm rằng Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị làm việc với cộng đồng quốc tế trong một đường lối hoàn toàn mới. Ông đề xuất Tổng thống Obama hãy đảo ngược xu hướng nghiêng về chủ nghĩa đơn phương mới đây của Hoa Kỳ.

Ông Barnett nói: “Khi chúng ta tới Iraq và nói 'Chúng tôi muốn biến đổi Trung Đông' thì điều đó đã gây ra một viễn ảnh đáng sợ đối với một thế giới phải lấy một lượng dầu lớn từ khu vực đó. Hãy nhìn vào châu Á, bạn sẽ thấy họ phải phụ thuộc vào dầu của vùng vịnh Ba Tư, hơn rất nhiều so với sự phụ thuộc của Hoa Kỳ. Chúng ta chỉ dùng một trong số 10 thùng dầu mà Vịnh Ba Tư xuất khẩu mỗi ngày, ấy vậy mà chúng ta ôm lấy trách nhiệm biến đổi vùng vịnh; thì đúng đó là một mục tiêu tốt bởi vì vùng Trung Đông ít liên hệ tới ý niệm toàn cầu hóa, rất ít, và chỉ liên hệ bằng dầu của họ, và ở đó có nhiều chính thể chuyên chế thiếu dân chủ. Điều đó sẽ cần phải thay đổi. Đẩy mạnh sự thay đổi đó là điều tốt chớ! Nhưng mà rồi Hoa Kỳ lại nói: Nè, bây giờ một mình nước chúng tôi sẽ làm điều đó! Kiểu đơn phương hành động đó đã đưa chúng ta tới tình huống được mô tả một cách hợp lý là một sự sa lầy. Và điều đó thật sự là thiển cận, vì hãy nhìn xem ai đang xây dựng hạ tầng cơ sở tại Iraq bây giờ: đó là người Thổ Nhĩ Kỳ, người Iran, người Ấn Độ, người Trung quốc. Không hề có nước nào trong số đó từng tham chiến ở đó, vậy thì thái độ kiêu kỳ của chúng ta khi tuyên bố đơn phương can dự vào Iraq chỉ cô lập hóa chúng ta trong vấn đề phục hồi hậu chiến.”

Theo ông Barnett, đường lối ngoại giao và những phương tiện hợp tác khác có thể thay đổi tình huống cô lập vừa nói và giúp tìm ra một giải pháp cho sự can dự của Hoa Kỳ ở cả 2 nơi Iraq và Afghanistan.

 Tòa Bạch Ốc đang xem xét lịch trình triệt thoái binh sĩ khỏi Iraq
Ông Barnett nhận định: “Chúng ta sắp rút bớt quân tại Iraq, chúng ta sẽ để lại một số ít. Tôi chắc rằng ở Kurdistan. Còn tại Afghanistan thì ta nên kêu gọi sự tham gia của người Nga, người Trung quốc và người Ấn độ. Ta phải làm cho giải pháp có tính cách hết sức khu vực. Vấn nạn nằm giữa 2 tình huống tại Iraq và tại Afghanistan chính là Iran. Iran đã đạt được một địa vị cường quốc liên quan tới liên hệ năng lượng giữa Iran với Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, cho dù ta có muốn hay không. Vậy thì ta cần phải tìm ra một cách nào để đáp ứng với Iran.”

Ông Barnett gợi ý rằng Mỹ cũng nên duyệt lại mục tiêu đẩy mạnh tiến trình dân chủ một cách quá hăng hái.

Ông nói: “Dân chủ không phải là điều chúng ta lúc nào cũng nên đeo đuổi. Nhìn lại lịch sử, dân chủ thường phát sinh tại các nước có những tầng lớp trung lưu mạnh. Nó phát sinh tại những nước mà giới trẻ không chiếm ưu thế. Về mặt dân số, thì xu hướng là các nền dân chủ tập trung vào giới trung niên. Vậy thì, giai cấp trung lưu và thành phần trung niên, chính là những gì liên kết với các thể chế Dân chủ. Cho nên khi ráng thiết lập một nền dân chủ trong một sớm một chiều tại một quốc gia quá non trẻ, lại có rất ít thu nhập, thường thì sau cùng chúng ta phải đi đến những giải pháp quá khích. Cho nên tôi nghĩ rằng về điểm này chúng ta cần phải nhẫn nại hơn. Đúng là chúng ta muốn thấy Dân chủ. Chúng ta cần phải tận lực tạo ra Dân chủ mọi nơi, nhưng đừng cố gắng áp đặt nó tại bất kỳ nơi nào.”

Ông Barnett cho rằng nếu muốn chiến lược toàn cầu hóa thật sự bao trùm toàn cầu, Hoa Kỳ phải tạo ra những mối liên minh chiến lược với các cường quốc đang lên, qua những liên hệ ngoại giao và qua sự hợp tác giữa quân đội nước này với quân đội nước kia. Ông Barnett tin rằng điều đó sẽ giúp tạo ra một sự toàn cầu hóa sáng suốt.

Ông Barnett nói: “Chúng ta thật sự cần tới một cột trụ thứ 3, một thứ tiền tệ dự trữ thứ 3, một loại chỉ tệ chung phát xuất từ châu Á để cân bằng với đồng Euro, để cân bằng với đồng đô la, bởi lẽ bối cảnh kinh tế toàn cầu đã bành trướng quá rộng. Chúng ta không còn có thể dựa vào đồng đô la như là một loại tiền tệ dự trữ duy nhất. Sẽ không phải Âu Châu là đồng minh số một của chúng ta trong tiến trình này. Họ không có các cơ chế, họ không có tiền, họ cũng không có ý chí làm điều đó. Nếu nhìn về tương lai, thật sự sẽ là những nước như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng vai trò chính yếu trong quá trình hội nhập này. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ cần phải coi họ như những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của mình trong tương lai.”

 Nga cũng cần được xem là một cường quốc đang lên
 
Ông Barnett nói thêm rằng Nga cũng có thể được coi là một cường quốc đang lên cần phải hội nhập vào tiến trình này.

Ông giải thích: “Nga có khả năng và ý muốn giữ một vai trò nào đó tại Trung Á và vùng Caucase, tuy rằng mới đây ông Putin đã đóng vai trò này không được tốt lắm khi can thiệp quá nhanh vào Gruzia. Tuy vậy, Nga không có loại sức mạnh to tát kiểu như Ấn Ðộ và Trung Quốc, trước tiên là về vấn đề dân số. Tuy nhiên, sau cùng Nga vẫn là một nước rất phong phú về tài nguyên với một nhân lực giỏi giang, những nhà lập trình giỏi nhất thế giới trong công nghệ thông tin chính là người Nga. Như vậy chúng ta thật sự cần Nga để dìu dắt thế hệ sắp tới là những người cần nắm được những kiến thức tinh vi hơn. Tuy nhiên, tôi cũng không lo lắng nhiều về Nga bởi vì hiện nay họ thật sự không có một ý thức hệ.”

Sau cùng, ông Barnett nói, không những cần tự thích ứng với với những thách thức đề ra bởi sự bành trướng nhanh chóng của vấn đề toàn cầu hóa, Hoa Kỳ cũng cần tỏ ra nhẫn nại hơn nữa với các nước khác. Ông nói toàn cầu hóa đề ra những thách thức xã hội và tinh thần mới cho những xã hội cổ truyền, và Hoa Kỳ cũng nên dành cho những nước đó thời gian cần thiết để thích nghi với những thực tế mới của thế giới hiện đại.