Home Tin Tức Bình Luận Trung Quốc U Ám

Trung Quốc U Ám PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA   
Chúa Nhật, 08 Tháng 3 Năm 2009 22:19

Trong cảnh sa sút kinh tế toàn cầu, sau kinh tế Hoa Kỳ thì dư luận chú ý đến tình hình Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo ước tính của chính phủ Bắc Kinh, đã có hơn 20 triệu người Trung Quốc bị mất công ăn việc làm do ảnh hưởng của tình trạng kinh tế sa sút.

Quy ra toàn năm thì sản lượng ba tháng cuối năm vừa qua của Nhật đã giảm 12,7%, là đà suy thoái nặng nhất kể từ năm 1974 đến nay. Còn tình hình Trung Quốc ra sao?

Phép lạ kinh tế "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa" có còn ý nghĩa gì không? Trong tiết mục chuyên đề hàng tuần của Diễn đàn Kinh tế, Việt Long trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về các câu hỏi trên.

Ngổn ngang sau Thế vận

Việt Long: Xin chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trên diễn đàn này, ông thường nhận định khá bi quan về kinh tế Trung Quốc. Cách đây sáu tháng, nhân khi Thế vận hội Bắc Kinh vừa khai mạc được một tuần, ông có tiên đoán rằng - và chúng tôi trích nguyên văn - "khi nhạc lắng mây chìm và tự ái được xoa dịu, dân chúng Hoa lục mới phát giác là mình còn quá nhiều vấn đề ngổn ngang của đời sống, và sau những ngày hồ hởi lạc quan, bong bóng Thế vận sẽ bể." Bây giờ, khi kinh tế toàn cầu đang bị suy trầm, thậm chí là suy thoái, thì kinh tế Trung Quốc hiện ra sao? Và có câu hỏi rộng lớn hơn và liên hệ đến Việt Nam, là mô thức phát triển của Trung Quốc đã chứng tỏ sự bất toàn của nó hay chưa?

Nguyễn Xuân Nghĩa:   Đến tháng Tám vừa qua, ít ai đoán ra là kinh tế toàn cầu sẽ bị suy trầm đồng loạt dù có biết là kinh tế Hoa Kỳ bị đình đọng sau sáu năm tăng trưởng đều. Khi kinh tế thế giới bị suy trầm đồng loạt thì quốc gia nào mà có nhược điểm kinh tế xã hội bên trong sẽ bị chấn động nặng nhất. Đó là quy luật chung và đang chi phối hoàn cảnh của Việt Nam, với nhiều nhược điểm mà chúng ta đã nói tới quá nhiều lần.

Nhưng giữa khung cảnh đó tình hình Trung Quốc mới là đáng ngại nhất vì nhiều nan đề kinh tế xã hội đặc thù của xứ này. Theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc từ lâu, chúng ta có nói về các nan đề ấy mặc dù hầu hết dư luận Tây phương vẫn còn ca tụng phép lạ kinh tế Hoa lục và một số lãnh đạo tại Hà Nội vẫn coi đó là tấm gương sáng.

 Sau ba chục năm cải cách, Trung Quốc bắt đầu thoái trào và có khi sẽ bị loạn to trong những năm tới.
 
Nguyễn Xuân Nghĩa:Bây giờ là lúc thủy triều rút và phơi ra sự thật đen tối bên dưới. Một cách ngắn gọn, tôi trộm nghĩ là sau ba chục năm cải cách, Trung Quốc bắt đầu thoái trào và có khi sẽ bị loạn to trong những năm tới.

Việt Long: Trước khi đi vào kết luận đó, xin đề nghị ông trình bày lại những sự kiện cụ thể về tình hình kinh tế Trung Quốc để chúng ta cùng thấy ra cơ sở của những dự báo nghiêm trọng đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, ta cần biết một thực tế là sự thiếu khả tín của thống kê Trung Quốc. Con số vốn không biết nói dối nhưng những người báo cáo thì vẫn có thể dối trá được nên báo cáo kinh tế xứ này thường tô hồng sự thật, nhất là số liệu về thất nghiệp hay nhân dụng.

Vậy mà Bộ An sinh Xã hội đã báo động về nguy cơ thất nghiệp tăng và Tổng cục Thống kê còn đưa ra nhiều sự kiện đáng ngại. Như trong quý bốn năm ngoái, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quy ra toàn năm chỉ còn là 6,8%. Nếu nhớ lại con số tuần tự của cả bốn quý 12 tháng thì đó là 10,6% rồi 10,1% rồi 9,0% trước khi tuột đến 6,8%, dưới mức 7%, vào ba tháng cuối năm.

Nhìn lại như vậy thì kinh tế Trung Quốc sa sút liên tục và ngày một nặng hơn trong suốt năm ngoái, trước khi thế giới bị chấn động vì vụ khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Chiều hướng này báo hiệu sự suy thoái bắt đầu từ lâu và sẽ còn kéo dài rất lâu vì nhiều vấn đề nội tại của họ.

Xe chậm dễ đổ

Việt Long: Qua nhiều chương trình trước đây, ông có ví von rằng kinh tế Trung Quốc cũng như người đi xe đạp, xe mà chậm lăn bánh là dễ đổ, và ông còn nói tới tốc độ hiểm nghèo là 7% một năm?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, lãnh đạo Trung Quốc biết rõ như vậy và tự đặt ra một chỉ tiêu về chính trị và xã hội hơn là thuần túy kinh tế, là phải đạt mức tăng trưởng tối thiểu là 8% nếu không thì xã hội sẽ mất ổn định vì hàng năm phải đón nhận thêm hai triệu người đến tuổi lao động. Con số 7% tôi trình bày là còn có sự gia giảm vì sức chịu đựng của người dân.

Nếu kinh tế Trung Quốc lại chỉ tăng trưởng có 5-6% như người ta dự đoán năm nay, động loạn sẽ bùng nổ vì số thất nghiệp sẽ không chỉ có bốn năm chục triệu người, chưa kể tới 150 triệu người họ gọi là "dân công", lang thang từ nông thôn về kiếm việc tại thành thị.

Thời gian qua có vài ba sự kiện xã hội khác cũng đáng chú ý. Đó là Bộ Công an được lệnh cảnh giác để dẹp loạn. Còn cơ quan kiểm soát thông tin báo chí, gọi là Quốc vụ viện Tân văn Biện công chí, sẽ thay Tân hoa xã thanh lọc tin tức quốc tế để dư luận trong nước khỏi thấy sự thật. Một chuyện thứ ba còn ly kỳ hơn mà ít thấy truyền thông nói tới là nạn hàng giả.

Ta đều biết rằng sản xuất và phân phối hàng giả là quy luật phổ biến tại Trung Quốc, kể cả tiền giả đã được ồ ạt tung ra trong dịp Tết vừa qua. Chuyện ly kỳ là Chính quyền Hoa lục, ít ra tại các tỉnh miền Nam, lại vừa có lệnh là đừng quá nghiêm khắc với nạn làm hàng giả mà họ cho là "tội nhẹ."

Khi diệt trừ tham nhũng là quốc sách mà lãnh đạo lại đành nhắm mắt duy trì nạn sản xuất hàng giả - tất nhiên chỉ có thể xảy ra nhờ sự cấu kết với giới chức địa phương - ta phải đoán ra mức độ ưu tiên của luật pháp. Thà là dung túng tội nhỏ còn hơn để xảy ra loạn lớn.

  Người ta dự đoán năm nay, động loạn sẽ bùng nổ vì số thất nghiệp sẽ không chỉ có bốn năm chục triệu người, chưa kể tới 150 triệu người họ gọi là "dân công", lang thang từ nông thôn về kiếm việc tại thành thị.

 

  
Việt Long: Tuy nhiên, truyền thông quốc tế cũng nói đến việc các ngân hàng đã gia tăng cấp phát tín dụng theo lệnh nhà nước để kích thích kinh tế. Liệu Bắc Kinh có thể tung tiền giải toả những khó khăn này không?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Lãnh đạo Trung Quốc lập kế hoạch kích thích kinh tế trị giá bốn ngàn tỷ nhân dân tệ trong đó một phần tư là từ Chính quyền Trung ương, phần còn lại là ngân sách địa phương và ngân hàng. Các ngân hàng có đáp ứng chỉ thị này để được lợi thế lãi suất cao nên tín dụng đã tăng gần 180 tỷ đô la vào tháng Giêng, so với đầu năm ngoái là tăng 50%.

Tuy nhiên, được tài trợ lại không là giới tiểu doanh thương đang bị nguy cơ phá sản mà là các dự án xây dựng hạ tầng với kết quả kích thích rất chậm. Và mặt trái cùa sự bùng phát tín dụng đó là khối lượng nợ xấu sẽ còn gia tăng nữa, như nhiều giới chức cao cấp của hệ thống ngân hàng đã báo động.

Xuất khẩu lâm nguy

Việt Long: Thống kê về ngoại thương cũng cho biết là trong tháng Giêng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 17% và nhập khẩu giảm 43%, nhờ đó mà thặng dư mậu dịch vẫn tăng. Điều ấy có giải toả được những khó khăn kinh tế không, hay là ngược lại?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên đại thể, xuất khẩu đóng góp phần đáng kể cho đà tăng trưởng kinh tế xứ này. Thí dụ như năm 2007 mà tăng trưởng 13% thì 3% là nhờ xuất khẩu. Nhưng từ năm ngoái, phần đóng góp này đã giảm mạnh, chưa đầy 1% cho đà tăng trưởng bình quân là 9% chẳng hạn. Đấy là điều đáng lo khi xuất khẩu còn giảm mạnh tháng trước với mức độ chưa từng thấy từ nhiều năm qua.

Đáng lo hơn nữa là sự sút giảm nhập khẩu tới 43%. Một phần của kết quả này là hiện tượng sụt giá thương phẩm nguyên nhiên vật liệu, như Việt Nam cũng đã thấy khi bán dầu nhiều hơn mà thu tiền về lại ít hơn. Nhưng phần đáng lo nhất là sự kiện các doanh nghiệp ít nhập khẩu hơn vì yêu cầu cho sản xuất sút giảm. Con số 43% ấy báo hiệu đà sản xuất sẽ còn suy thoái nữa.

Việt Long: Tuy vậy, thế giới vẫn chú ý đến sự kiện được truyền thông nhắc tới, rằng một giới chức cao cấp của hệ thống kiểm soát ngân hàng Trung Quốc vừa phát biểu là xứ này chẳng còn cách nào hơn là mua công khố phiếu của Hoa Kỳ. Không lẽ một xứ có thể bị thoái trào như ông nói lại có tiền đầu tư vào Mỹ để giúp Hoa Kỳ ra khỏi nạn khủng hoảng tài chánh?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Ta đang đụng vào vấn đề xương tủy của Trung Quốc. Nhờ chiến lược thắt lưng buộc bụng người dân để xuất khẩu tối đa mà bất kể lời lỗ hầu tạo ra việc làm, chính quyền thu vét được một khối dự trữ ngoại tệ trị giá gần hai ngàn tỷ Mỹ kim.

  Nhiều phần thì động loạn sẽ bùng nổ tại Trung Quốc, từ kinh tế dội lên xã hội và đe dọa hệ thống chính trị ở trên.
   

Nguyễn Xuân Nghĩa:Nếu có chế độ quản lý tốt, họ đã sử dụng tài sản ấy cho phát triển, tức là tăng trưởng có phẩm chất và bền vững, nhất là đầu tư vào nông thôn và các tỉnh lạc hậu bị khoá trong lục địa. Họ lại không làm như vậy.

Bây giờ, khi đầu tư ra ngoài - một hình thái khác của tẩu tán tư bản - thì họ phải tính xem nơi nào là có lời và an toàn nhất. Trên toàn cầu, thị trường trái phiếu lớn nhất là của Nhật thì bất trắc vì Nhật mắc nợ tới 170% tổng sản lượng GDP.

Kế tiếp là thị trường Mỹ, sau đó mới là bốn thị trường Euro của Âu Châu như Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Còn lại có thị trường của đồng Anh kim, hay đồng real của Brazil, đồng won của Nam Hàn, v.v...

Nếu nhìn vậy thì dù không có lời nhiều, thị trường Mỹ vẫn an toàn hơn cả, với khả năng giao hoán, tức là trao đổi, rất cao của đồng Mỹ kim so với đồng Euro, đồng Yen hay đồng bảng của Anh. Cho nên, việc Bắc Kinh đầu tư ngược vào Mỹ không phải vì muốn cứu nước Mỹ mà trước tiên là vì quyền lợi của họ.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Long: Trở lại chuyện tương lai về hiện tượng ông gọi là thoái trào của Trung Quốc, tình hình rồi sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Đây là chiều hướng lâu dài, có thể mất cả chục năm chứ không là chuyện ngắn hạn nên mình sẽ còn phải trở lại để phân tích những mâu thuẫn nội tại của xứ này.

Về ngắn hạn, Trung Quốc có ưu tiên sinh tử là phải tạo ra việc làm bằng mọi giá và đã nghĩ đến chiến lược bành trướng thị trường nội địa, là điều thích hợp và cần thiết. Nhưng họ không làm nổi chuyện này vì ách tắc trong chế độ chính trị hiện hành, cụ thể là mâu thuẫn quyền lợi giữa các tỉnh.

Trung Quốc không có thể chế liên bang và không chấp nhận dân chủ nên không thể xoay trở được như nhiều xứ khác, kể cả các nước Đông Á đã từng bị khủng hoảng kinh tế, như tại Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Thái Lan, v.v... Tại các xứ đó, chính quyền bị mất chức và lãnh đạo mới có cơ hội tìm giải pháp khác sau khi dân chúng được thấy ra sự thật và lên tiếng.

Vì vậy, nhiều phần thì động loạn sẽ bùng nổ tại Trung Quốc, từ kinh tế dội lên xã hội và đe dọa hệ thống chính trị ở trên. Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể bị phê bình và hy sinh chức vụ mà vẫn không cứu vãn nổi tình hình.

Đã đến lúc Việt Nam nhìn lại tấm gương Trung Quốc và đừng rập khuôn theo mô thức này nữa vì kinh tế thị trường trong khung cảnh toàn cầu hoá không dung thứ các chế độ chuyên quyền và bất lực. Không có tự do thì thị trường sẽ phản ứng cách khác và không có lá phiếu thì dân chúng chỉ còn giải pháp chính đáng là biểu tình để làm cách mạng.

Việt Long:  Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.