Cho Vừa Lòng Nhau |
Tác Giả: Giao Chỉ / Viet Tribune | |||
Thứ Hai, 09 Tháng 3 Năm 2009 00:46 | |||
“Lời nói không mất tiền mua Kết quả đã có nhưng chưa phải là đáp số. Trận Recall trong lịch sử bầu cử của San Jose đã có kết quả. Trong khu vực số 7 với 30 ngàn cử tri đã có 13 ngàn người đi bầu. Ðây là con số đi bầu khá cao so với những lần bầu cử bất thường. Ðiều đáng ghi nhớ là hơn 80% của 13 ngàn phiếu đã gửi đi bằng thư. Kết quả tỷ lệ 45% Yes Recall và 55% No Recall. Phong trào Recall nổi lên mạnh mẽ từ chính người Việt nên số phiếu Việt Nam bầu Yes tại khu vực 7 có thể đa số. Vì vậy giữ được ghế nghị viên cho đến hết nhiệm kỳ cũng có thể là các cử tri No Recall không phải Việt Nam. Tuy nhiên con số chính thức để phân tích ý kiến quần chúng sẽ còn được tìm hiểu để nghiên cứu sau. Khi các vị thị trưởng San Jose và Milpitas đến gõ cửa từng nhà vào một ngày mưa gió thì chắc hẳn các cử tri khu vực 7 nếu chưa có quyết định sau cùng, đã phải xúc động và đáp lời kêu gọi. Sau cùng, No Recall đã chiến thắng. Trong cuộc đấu tranh suốt năm qua cả 2 bên đều lập được thành tích phi thường. Chưa bao giờ cuộc vận động của phe Việt Nam đi từ Little Saigon đến Recall đã tạo được những hình ảnh mạnh mẽ như vậy. Với sự cứng cỏi chấp nhận đương đầu, phe Madison và thành phố đã nỗ lực lật ngược thế cờ và đạt được kết quả sau cùng. Tuy nhiên, dù trận chiến có kết quả nhưng vấn đề vẫn chưa có đáp số. Báo San Jose đã bình luận rằng đây là một chiến thắng cay đắng và phe thắng của cô Madison cũng phải chia xẻ những lỗi lầm. Thành phố San Jose trong cơn bi thảm, suy thoái kinh tế lại còn phải đối đầu với sự phiền phức từ một danh xưng đơn giản đến cuộc truất phế ồn ào. Vừa tốn tiền, mất thì giờ và tan nát lòng người. Vì đâu nên nỗi ? Chuyện kể từ bên trong. Ngay trên trang báo thường lệ vào ngày thứ tư, bỉnh bút sắc bén của San Jose Mercury News bút hiệu Scott Herhold đã viết rằng cô Madison đã có một buổi họp quan trọng với hội đồng tòa báo. Khi được hỏi về lý do tiên khởi từ cái tên định mệnh Little Saigon, Madison đã phân trần và nghẹn ngào bật khóc. Thật sự cần hiểu rõ tâm tư gan ruột của cô nghị viên gốc Việt đầu tiên của thành phố San Jose. Nếu phải quay ngược thời gian, không biết cô có lui bước nhượng bộ hay cũng vẫn tiếp tục hành động như vậy. Ngày xưa, nghị sĩ trẻ tuổi Kennedy của quốc hội Hoa Kỳ đã viết cuốn sách tựa đề gương can đảm tại nghị trường để nói về người dân cử phải tuân theo các nguyên tắc, dù rằng có thể phải hy sinh cả tính mạng hay sự nghiệp. Bỉnh bút Herhold viết rằng, khi cuộc đấu tranh của người Việt bùng lên với tên Little Saigon thì có vi phạm vào nguyên tắc hay lý tưởng nào ghê gớm mà một nghị viên lại không thể chiều theo. Chính vào lúc câu hỏi đó đặt ra, cô nghị viên đã nghẹn ngào. Từ trong tâm tư của cô, chúng ta chưa đọc được câu trả lời. Cuộc chiến đã không xảy ra Theo tác giả bài này, vào đêm thảo luận về danh xưng đã có hàng ngàn người Việt Nam hiện diện đấu tranh cho Little Saigon. Ai cũng biết rằng có nhiều người không phải cư dân khu 7. Tuy nhiên, sự hiện diện vẫn là điều quan trọng. Luật không ấn định là chỉ cư dân khu 7 mới có quyền lên tiếng. Ông thị trưởng, cô Madison và các nghị viên, nếu có chút bén nhậy về linh khiếu chính trị cần phải đình hoãn ngay cuộc biểu quyết để nhìn lại vấn đề. Không có nhu cầu gì cấp bách phải đi tìm kết quả cho bằng được vào đêm hôm đó. Sự đình hoãn và bàn thảo sẽ có cơ hội ước lượng tình hình sáng suốt hơn. Sau đó nếu quyết định lựa chọn lại danh xưng Little Saigon bởi chính đề nghị của Madison thì tất cả mọi sóng gió đã được dẹp yên ngay từ trong trứng nước. Tiếc thay Madison và ông thị trưởng cùng với tất cả các nghị viên đã không có đủ may mắn bắt được sự bén nhậy nảy mầm của một cuộc tranh đấu kéo dài về sau. Nếu giải tỏa từ lúc sơ khởi thì Madison sẽ không phải bao giờ bị chụp mũ là cộng sản, không phải là tay sai của tư bản và vân vân. Khi một ngàn người dân nổi giận là cỗ xe khổng lồ không thắng lại được. Nhưng chiếc xe con của cô nghị viên một mình cầm lái có thể ngừng lại hay lách sang một bên dễ dàng. Ðối với nghị viên con đường sự nghiệp chính trị đang mở rộng, lòng tự ái là một xa xỉ phẩm. Những người không đồng ý với tên Little Saigon đều là những người có thể thông cảm và chấp thuận nếu chính cô cần chiều lòng phe tranh đấu. Cuộc đối đầu vô ích sẽ được khép lại ngay khi chưa mở ra. Tiếc thay cơ hội đó đã bị bỏ qua. Ðổ dầu vào lửa. Không có may mắn dập tắt ngọn lửa đấu tranh và hận thù của phía chống đối ngay từ đầu. Những lời nói vô y, ngô nghê trong hoàn cảnh tế nhị đã dễ dàng bị bẻ cong để trở thành mũi nhọn đâm vào trái tim đau thương của người dân tỵ nạn. Lời khuyên trong kho tàng văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa vẫn có, nhưng tiếc thay cô Madison chưa bao giờ được nghe đến. Báo San Jose Mercury nói rằng cuộc đấu tranh của phe Recall vì hận thù. Ðiều đó chỉ đúng được một nửa. Hận thù, căm hờn dâng lên từ cả hai phía. Phía Recall căm thù đã đành. Thị trưởng San Jose và nghị viên Madison cũng đã xây dựng cho riêng mình lòng căm thù để trả đũa. Vì căm thù nên mới có thỏa hiệp nửa vời cho phép treo 18 lá phướn với tiền cộng đồng tự quyên góp. Cho phép dựng các bảng hiệu Little Saigon tạm thời trong ba năm. Nhưng có một người không căm thù. Phần lớn các chính trị gia Hoa Kỳ khi thắt cà vạt cờ vàng không hẳn vì chính nghĩa quốc gia, mà vì lý do khác. Chúng ta đều hiểu như vậy. Khi quý vị mặc khăn đóng áo dài không phải vì văn hóa Việt Nam, mà vì lý do khác. Chúng ta cũng hiểu như vậy. Trong cuộc tranh đấu Little Saigon và việc Bãi nhiệm, chỉ có một người Mỹ cô đơn tình cảm Việt Nam hết sức đôn hậu. Ðó là ông Pete McHugh. Một đời chính trị tình cảm. Luôn luôn, đứng về phe yếu thế. Khi làm nghị viên rồi thị trưởng Milpitas, người Việt xin làm lễ chào cờ trước tòa thị chính. Ông đồng ý ngay. Năm sau khi khi dân Milpitas và hội đồng thành phố phản đối, Pete McHugh cho dựng riêng cột cờ tại công viên Milpitas để Việt Nam làm lễ thượng kỳ đầu năm. Rồi ông về làm giám sát viên và là chủ tịch quận Santa Clara. Ông đã đến với phong trào Little Saigon rồi qua Recall từ đầu. Ông là người dân cử duy nhất đến với phe tranh đấu trong ngày mưa và ngày nắng. Trong giây phút vui mừng thắng lợi và khi buồn tủi thất bại. Ông vẫn có thể tiếp tục vui vẻ với các thân hữu dân cử Hoa Kỳ tại địa phương, nhưng ông vẫn giữ vững quan điểm của mình. Ông đi với người Việt Nam mà ông cho là phe yếu thế. Tình thương đích thực. Bây giờ cục diện trên tiến trình dân chủ đã có kết quả. Mỗi bên đều có bài học riêng để suy nghĩ. Lẽ dĩ nhiên phe ủng hộ Recall cũng có nhiều ưu khuyết điểm để thảo luận. Quan trọng nhất vẫn là những hoạt động của bên chính quyền là phe chiến thắng. Cô Madison nói rằng sẵn sàng đưa một bàn tay ra cho phe đối lập. Lời nói tuy tốt đẹp nhưng cũng mới chỉ là hình thức. Phải có tấm lòng thiện chí thực sự. Không thể lấy thù hận đáp lại hận thù. Lòng tốt xây dựng không phải dành cho một giai đoạn trong sự nghiệp chính trị mà sẽ còn là nhu cầu suốt cả một đời. Và tấm lòng hòa giải cần thể hiện bằng hành động. Trước hết phe đối lập của cô hẳn nhiên không phải là đại diện cho tất cả mọi người, nhưng đây là đa số đã lên tiếng. Trong sinh hoạt dân chủ nếu không bầu cử chúng ta không bao giờ tìm thấy đa số thực sự. Ðó là con số trừu tượng. Một trăm ngàn người trong cộng dồng nhưng không có ý kiến. Một ngàn người hiện diện lên tiếng. Ý kiến đó trở thành quan trọng nhất. Hỏi đi hỏi lại, không còn ai nói gì thêm. Ý kiến đó sẽ được ghi vào nghị trình. Ðó là đáp số của sự thăm dò. Cơn bão tố bắt đầu từ đó. Ðể thể hiện cụ thể bàn tay tình cảm đưa ra cho phe đối lập, cô nghị viên Việt Nam cần đưa ra đề nghị lên thành phố để Little Saigon trở thành một biểu tượng chính thức của khu thương mại đường Story. Với sự chiến thắng của trận Recall, không phải bầu đi bầu lại, đã tiết kiệm cho thành phố hàng triệu đồng. Hãy trích ra vài trăm ngàn thực hiện dự án Little Saigon vĩnh cửu. Còn cái dự án trung tâm cộng đồng Việt Nam rất vất vả mà cô đang mang nặng đẻ đau. Còn đối với riêng cộng đồng Việt Nam cô chỉ cần tấm lòng thương yêu thực sự.
|