Sau Nội các Tiệp đã đổ, đến lượt Georgia đổ lệ...
Vụ khủng hoảng tài chánh đã làm nhiều chính phủ Âu Châu bị đổ, từ Iceland tới Hungary. Nhiều chính phủ khác cũng lung lay, như Hy Lạp ở phía Nam hay ba nước Cộng hoà Baltic ở phía Bắc là Latvia, Lithuania và Estonia…. Có hai nước cũng bị rung chuyển mà không chỉ vì khủng hoảng tài chánh. Đó là Cộng hoà Tiệp (Czech Republic) và... Georgia. Vẫn lại là chuyện “Georgia on My Mind…” (như cột báo này đã viết trong số ra ngày 12 tháng Ba!) Năm nay, Cộng hoà Tiệp là Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu Châu trong sáu tháng đầu, trước khi tới lượt Thụy Điển từ mùng một tháng Bảy. Đây là lần thứ nhì mà một quốc gia thoát khỏi chế độ Cộng sản đã làm Chủ tịch và quyết định về nghị trình của một tổ chức kết hợp 27 quốc gia Âu Châu (xin xem lại bài “Chủ tịch mới của Âu Châu” trên cột báo này trong số ra ngày mùng ba tháng Giêng – lâu lắm rồi!)
TT Obama, giữa, gặp gỡ TT Czech Vaclav Klaus, thứ nhất từ phải và Thủ Tướng Mirek Topolanek, trái, tại Prague ngày 5 tháng 4, 2009.
Ngày 24 tháng trước, chỉ mươi ngày trước khi Chủ tịch Liên Âu là Cộng hoà Tiệp tổ chức thượng đỉnh với Hoa Kỳ – và chào mừng Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ, Nội các của Thủ tướng Mirek Topolanek bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm: Chính phủ theo khuynh hướng trung hữu và thân Tây phương của Tiệp đã đổ! Để thoát khỏi cảnh lúng túng khi thượng đỉnh Âu-Mỹ sắp nhóm họp, Tổng thống Vaclav Klaus quyết định là Thủ tướng Topolanek tiếp tục xử lý thường vụ cho xong thượng đỉnh. Khi các nguyên thủ quốc gia đang hội họp, đêm hôm mùng năm vừa qua, Quốc hội Tiệp đề cử một chuyên gia không đảng phái sẽ lên thay ông Topolanek và Nội các giao thời nảy sẽ tồn tại cho đến cuộc bầu cử Quốc hội vào hai ngày 9-10 tháng tới. Chính quyền Mirek Topolanek đổ vì đánh cá ngược với đa số dư luận. Ông tin vào Hoa Kỳ và kế hoạch thiết trí hệ thống phòng thủ chiến lược BMD (ballistic missile defense) của Minh ước NATO để ngăn ngừa Liên bang Nga thừa thế chơi bạo. Kế hoạch đã được Chính quyền Bush đề xướng với lý do – hay lý cớ – là ngăn chặn một vụ tấn công bằng hỏa tiễn từ Iran (hệ thống radar được thiết trí tại Tiệp, dàn hoả tiễn được dựng tại Ba Lan). Đại đa số dân Tiệp, từ 70 đến 80%, thì ngần ngại kế hoạch đó. Và dường như là họ có lý sau khi Nghị sĩ Barack Obama đắc cử Tổng thống. Chính quyền Obama cho biết là có thể nghiên cứu lại kế hoạch này nếu Liên bang Nga can gián hoặc ngăn cản Iran chế tạo võ khí nguyên tử. Nghĩa là BMD được đưa vào bàn cờ Nga-Mỹ làm vật đổi chác… Mỗi khi Hoa Kỳ có bầu cử là các đồng minh lại thót tim – có khi mất mạng – vì sự xoay chuyển lập trường của Chính quyền mới. Và các đối thủ của Mỹ thì lại thấy ra nhiều cơ hội mới. Obama không là ngoại lệ. Thủ tướng Topolanek vừa được một bài học về tài biến báo linh động của Hoa Kỳ sau một cuộc bầu cử. Nay đến lượt Georgia…. Tổng thống Obama vừa trở về sau tám ngày công du để dự bốn thượng đỉnh quốc tế với nhóm G20, NATO, Liên Âu và xứ Thổ, với kết quả rất ồn ào huê dạng tại Mỹ và nhợt nhạt tại các xứ kia. Vì trật tự mới của Obama sẽ là bất trắc lớn cho các đồng minh. Chuyện ấy đã thành xưa.
Chuyện mới là Chính quyền của Tổng thống Mikhail Saakashvili có thể đổ tại Georgia. Xứ này bị Liên bang Nga tấn công vào ngày tám tháng Tám năm ngoái trước sự thụ động của thế giới – của cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ trong cơn sốt bầu cử Tổng thống. Hoa Kỳ thời Bush đã vận động các thành viên Âu Châu của NATO đón nhận Georgia và Ukraine vào minh ước quân sự này mà gặp sự ngần ngại của Đức và Pháp vì khả năng đóng góp quân sự quá thấp của hai quốc gia tiếp giáp với Liên bang Nga. Có lẽ, chuyện ấy chỉ là lý cớ nếu người ta so sánh với khả năng quân sự cũng rất nhỏ của ba nước Cộng hoà Baltic ở phía Bắc. Tây Âu không muốn khiêu khích Liên bang Nga của Putin. Có vậy thôi! Và trong chiều hướng ấy thì rất đồng cảm với Obama. Khi lãnh thổ bị tấn công – và hai khu vực ly khai đang bị Liên bang Nga kiểm soát – toàn dân có thể đồng lòng đoàn kết để chống ngoại xâm. Georgia không được như vậy. Ngày mùng chín tháng Tư, 17 đảng phái các phong trào đối lập đều xuống đường biểu tình tại thủ đô Tbilisi và nhiều nơi khác. Mục đích là đòi truất phế Chính quyền của Tổng thống Mikhail Saaskashvili. Ông Saaskhasvili lên lãnh đạo từ cuộc Cách mạng Hồng năm 2003 và chủ trương dân chủ hoá xứ sở theo khuynh hướng Tây phương, với hy vọng sẽ được NATO bảo vệ. Chưa thấy NATO giang tay thì đã gặp chiến xa của Nga và việc gia nhập hay không nay lại trở thành chuyện bán chác giữa Nga và Mỹ! Đâm ra, đánh bạc theo cửa Tây phương lại lỗ vốn! Cuộc biểu tình phản đối này dựng ra một chiêu bài rất sáng: kỷ niệm 10 năm ngày xuống đường chống Liên bang Xô viết! Tổng thống Saaskashvili có tội vì đã dại dột tin tưởng vào lý tưởng dân chủ và tự do Âu Châu và vào khả năng bảo vệ của khối Tây phương, nên có lập trường cứng rắn với Liên bang Nga. Đó là một sự khiêu khích nên khi bị Nga tấn công thì ông ta có lỗi! Đã vậy, kinh tế lại còn sa sút vì chiến sự từ phía Nga lẫn khủng hoảng từ phiá Âu Châu, làm thất nghiệp tăng đến 9%! Khác với các vụ biểu tình chống đối trước đây, lần này Tổng thống Georgia lại đụng phải nhiều nhân vật đã từng ở trong nội các hoặc là đồng chí năm xưa của ông. Và sau khi hai địa phương phía Bắc là Nam Ossetia và Abkhazia đã được Liên bang Nga “giải phóng” để thành tự trị, nhiều khu vực khác ở phía Nam cũng muốn noi gương. Như Adjara (bên trong có cảng Batumi và nhiều ngả thông thương với Turkey), hay Samtskhe-Javakheti, xưa nay đã được Liên bang Nga đầu tư và nuôi nấng… Và tất nhiên là Liên bang Nga không ngồi yên giám trận – mà sẽ thọc bàn tay nhám vào cuộc. Kết cuộc sẽ là phim Georgia Ra Ma. Ngay giữa cuộc tranh cử tại Mỹ, Thủ tướng Vladimir Putin của Nga đã đi nước cờ bạo là tấn công Georgia vì lý cớ bị khiêu khích. Sau ngày tám-tám đó, Putin đã thấy ứng cử viên Barack Obama xoay chuyển lập trường ba lần trong hai ngày! Điềm lành cho Nga. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama còn bật tín hiệu – không, đã viết mật thư cho Tổng thống Nga Dmitri Medvedev – để ngỏ ý hoà dịu. Chính quyền Obama sẽ “bật lại nút” – theo lối nói của Phó Tổng thống Joe Biden – trong quan hệ với Nga. Ngày mùng một vừa qua, hai Tổng thống đã gặp gỡ song phương tại Luân Đôn nhân thượng đỉnh G20 và tập trung vào chuyện dễ nuốt nhất – mà Liên bang Nga cũng muốn nhất – là tài giảm võ khí chiến lược. Các hồ sơ nóng khác – như kế hoạch BMD tại Ba Lan và Cộng hoà Tiệp hoặc việc kết nạp Georgia và Ukraine vào NATO – thì xin để về sau. Miễn là Nga giúp cho một tay để tìm đường tiếp vận vào A Phú Hãn, nhân tiện khuyên giải Iran đừng chế tạo võ khí nguyên tử... Trong hoàn cảnh ấy, dại gì mà Liên bang Nga không giúp cho một tay để lật đổ Chính quyền Saaskashvili và đẩy lui cuộc Cách mạng Hồng năm 2003! Lần trước, cuộc cách mạng dân chủ ấy đã mất nhiều tháng mới dẫn đến việc thay đổi chế độ ra một thể chế dân chủ hơn. Lần này, thiên thời địa lợi nhân hoà, Georgia sẽ rớt rất nhanh. Vào vòng tay chờ đợi của Liên bang Nga. Và nhiều chính quyền thân Tây phương khác tại Trung Âu và Đông Âu cũng sẽ rơi rụng như sung. Nụ cười Obama đóng góp một phần không nhỏ cho sự chuyển mình ấy. (NXN)
|