Liên Minh Quân Sự Việt Cộng-Hoa Kỳ |
Tác Giả: Nguyễn Ðạt Thịnh | |||
Thứ Ba, 14 Tháng 4 Năm 2009 10:23 | |||
Chuyện nghị sĩ John McCain đòi mở rộng bang giao Việt Cộng-Hoa Kỳ, không phải là chuyện mới, mặc dù ông mới tuyên bố Hoa Kỳ “muốn tăng cường liên hệ quân sự” với Việt Cộng trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ Ba mùng 7 tháng Tư. Ông còn nói việc tăng cường này sẽ đưa đến việc các sĩ quan quân đội Việt Cộng được huấn luyện tại Hoa Kỳ. McCain là thành viên uỷ ban Quốc Phòng thượng viện, nên chuyến thăm viếng Á Châu của ông trong giai đoạn Á Châu đang là sân khấu cho hai biến chuyển mang tính chất quân sự, cũng chuyên chở nhiều ý nghĩa đặc biệt. Hai biến chuyển đó là vụ chiếc tiểu hạm Impeccable bị 5 tiểu hạm của Trung Cộng khiêu khích trên Biển Ðông, và vụ Bắc Hạn phóng không thành công một vệ tinh không gian. Trước cuộc họp báo này, McCain còn nói với các sinh viên viện Cao Ðẳng Ngoại Giao Hà Nội là ông nhìn thấy nhu cầu cộng tác quân sự với Việt Cộng sau thái độ tranh dành của Trung Cộng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyến đi của ông đã hoàn thành, nhưng ông có thành công chút nào không? Cùng đi với McCain còn có 2 nghị sĩ nữa là Lindsey Graham và Amy Klobuchar; bà Klobuchar là nghị sĩ Dân Chủ, trong lúc cả hai nghị sĩ Graham và McCain đều thuộc đảng Cộng Hòa. Truớc khi đến Việt Nam, họ đã ghé thăm Nhật, và sau Việt Nam họ sang Trung Cộng; trên bình diện quân sự Nhật là đồng minh của Hoa Kỳ, Trung Cộng và Việt Cộng không hẳn đồng minh với nhau, nhưng cả hai cùng có thái độ bênh vực Bắc Hàn. Thái độ chính trị của Việt Cộng có điểm tế nhị là họ chống Trung Cộng với mức độ “vừa phải” trong những vấn đề tranh chấp hai hải đảo Hoàng Sa và Truờng Sa, nhưng vẫn thần phục Trung Cộng trên những địa hạt khác. Trong lúc thế giới đang thảo luận biện pháp trừng phạt Bắc Hàn về việc phóng hỏa tiễn, thì Việt Cộng cùng với Nga và Trung Cộng lên tiếng kêu gọi một biện pháp nhẹ nhàng và một thái độ tự chế của thế giới tự do. Ðối với cuộc vận động cộng tác quân sự của ông McCain, Hà Nội không có một thái độ chính thức nào cả. Cũng trong buổi họp báo tại Hà Nội, nghị sĩ Graham kêu gọi Việt Cộng nên có một phản ứng lên án Bắc Hàn như một nguy cơ quân sự cho vùng Ðông Á; Graham là một cựu đại tá không quân và cựu thẩm phán. Ngoài ra Hà Nội còn không thích lời McCain kêu gọi cởi mở chính trị hơn, trả tự do cho những người bị giam giữ chi vì bất đồng chính kiến với nhà nuớc, và cho phép người Việt Nam có nhiều tự do hơn, nhất là tự do ngôn luận. Ông nói, “đồng hành với tiến bộ kinh tế phải là cởi mở chính trị và tôn trọng nhân quyền”, nhiều hãng thông tấn và truyền thông quốc tế tuờng thuật câu tuyên bố này của McCain, nhưng truyền thông trong nuớc không đề cập đến. Báo Hà Nội Mới viết, “TNS Giôn Mắc-kên bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về sự phát triển của Việt Nam cũng như tiến trình phát triển trong quan hệ song phương giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và giáo dục - đào tạo, đồng thời cho rằng, hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa trên những lĩnh vực có thế mạnh của hai nước.” Ngoài việc tuờng thuật McCain nói với Nguyễn Tấn Dũng những “ấn tuợng mạnh mẽ về sự phát triển của Việt Nam”, Hà Nội Mới còn kể lại việc ông McCain đến thăm “chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng”, và được ông Trọng cho biết ông mong rằng, với vốn hiểu biết về Việt Nam, với cương vị và uy tín của mình, TNS Giôn Mắc-kên sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước, hai QH, đồng thời tác động để chính quyền Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, sớm để Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), thúc đẩy các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, cũng như tăng cường giao lưu thương mại giữa hai nước.” Báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật lại một câu phỏng vấn McCain về liên hệ quốc phòng Mỹ-Việt Cộng: HỎI: “Ông có muốn thấy sự gia tăng về quan hệ quốc phòng giữa hai nước, theo ông tầm mức và phương pháp nào mà hai nước sẽ áp dụng trong thời gian tới?” ÐÁP: “Có những chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ tới Việt Nam. Ngoài các hoạt động khác, tôi muốn các sĩ quan Việt Nam tham gia các trường quân sự tại Mỹ. Một số trường quân sự Mỹ mà sĩ quan Việt Nam nên tham khảo và chúng tôi khuyến khích họ theo học. “Tôi tin rằng Mỹ nên hợp tác với quân đội Việt Nam, có thể làm tốt công tác trao đổi thông tin về các mối đe dọa của các tổ chức khủng bố. Các công việc này phải được thực hiện tốt hơn.” Thái độ của một tờ báo tại Hà Nội, không dám đề cập đến cuộc vận động liên minh quân sự của McCain, và một tờ khác tại Sài Gòn, chỉ nói mơ hồ về cuộc vận động này, cho thấy là McCain đã thất bại, và Hoa Kỳ chỉ là nguồn nước còn rất xa, trong lúc Trung Cộng vẫn là ngọn lửa gần của đám cháy sát nách đang đốt sôi nước Biển Ðông, tàn phá núi rừng Dak Nông và gây vỡ, mẻ biên giới cực Bắc.
|