2009-04-20
Sau tuyên bố “đổi mới” vào giữa thập niên 1980, Việt Nam cho biết sẽ xây dựng và phát triển “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
AFP PHOTO
Những tranh chấp quanh vụ Pacific Airlines cho thấy còn rất nhiều mâu thuẫn cần được giải quyết trong cơ chế "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN".
Cách nay vài ngày, Công ty cổ phần Xăng dầu Hàng không, gọi tắt là Vinapco, thuộc Vietnam Airlines đã bị Hội đồng cạnh tranh Quốc gia phạt vì “lạm dụng vị thế độc quyền”. Sự kiện này được xem như một tín hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam đang nỗ lực lành mạnh hóa thị trường, vốn còn nhiều hạn chế, cũng như đầy rủi ro, do tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp nhà nước, vẫn được xem như hệ quả tất yếu của “định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong việc xây dựng, phát triển kinh tế ở Việt Nam… Sau những cải tổ vừa qua, chính sách đó tác động ra sao đối với nền kinh tế Việt Nam?
Nỗ lực mới
Sau tuyên bố “đổi mới” vào giữa thập niên 1980, Việt Nam cho biết sẽ xây dựng và phát triển “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong hai thập niên vừa qua, tuy Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy sản xuất, khuyến khích tự do kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, lành mạnh hóa thị trường, song hiệu quả không như người ta mong đợi. Ngoài tác động tiêu cực của bộ máy hành chính không theo kịp nhu cầu phát triển, các nỗ lực còn bị phá hỏng do những đặc quyền, đặc lợi mà Việt Nam dành cho doanh nghiệp nhà nước, sau này được gom lại thành tập đoàn kinh tế nhà nước hay tổng công ty quốc doanh.
Vì định hướng xã hội chủ nghĩa nên người ta đặt ra một số lĩnh vực, mà trong đó vai trò của doanh nghiệp quốc doanh là chủ đạo. Tôi cho là điều đó hoàn toàn đi ngược lại cơ chế thị trường.
LS Lê Công Định
Các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty quốc doanh không chỉ được giao giữ khối tài sản công khổng lồ, mà còn chi phối gần như toàn bộ những lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế quốc gia, dù hiệu quả hoạt động rất thấp. Luật sư Lê Công Định, chuyên tư vấn cho doanh giới nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam, nhận xét: “Vì định hướng xã hội chủ nghĩa nên người ta đặt ra một số lĩnh vực, mà trong đó vai trò của doanh nghiệp quốc doanh là chủ đạo. Tôi cho là điều đó hoàn toàn đi ngược lại cơ chế thị trường. Khi anh áp dụng kinh tế thị trường mà gắn thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì có bất ổn rất cơ bản về nền tảng. Nếu vẫn điều hành nền kinh tế thị trường bằng suy nghĩ cũ. Cụ thể nhất là vẫn duy trì cơ chế độc quyền của một số doanh nghiệp quốc doanh, về lâu dài nó không thể nào vận hành được một nền kinh tế hiện đại và người ta vẫn tiếp tục sa lầy trong việc giải quyết những vấn đề của nó nhiều hơn là người ta phát triển nó." Đã và đang có khá nhiều câu chuyện khiến doanh giới ê ẩm, công chúng ngán ngẩm đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty quốc doanh. Trong đó, vụ Vinapco chỉ là một ví dụ.
Nhiều mâu thuẫn
Để dễ hình dung về vụ Vinapco, có lẽ phải quay lại giai đoạn đầu thập niên 1990. Khi ấy, Việt Nam tuyên bố mở cửa lĩnh vực hàng không, chấm dứt giai đọan Vietnam Airlines “một mình, một chợ”, lúc bay, lúc hoãn. Nhằm khuyến khích cạnh tranh, chính phủ Việt Nam cho phép thành lập Pacific Airlines (giữa năm ngoái đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines). Tuy là một công ty cổ phần, với các cổ đông đều thuộc nhà nước song Pacific Airlines vẫn thường xuyên phải kêu cứu, do bị Vietnam Airlines – vừa là đối thủ cạnh tranh, vừa nắm giữ toàn bộ hạ tầng và các dịch vụ liên quan đến hàng không - chèn ép đủ kiểu. Pacific Airlines đã có vài lần súyt phá sản và chính phủ Viet Nam đành phải để cho Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, cùng với Tập đoàn Qantas của Úc mua lại đa số cổ phần để tiếp tục lành mạnh hóa lĩnh vực hàng không. Song họat động của Pacific Airlines không khá hơn. Tháng 4 năm ngóai, Pacific Airlines bị khỏang 5.000 hành khách nguyền rủa không tiếc lời, do 30 chuyến bay trong ngày này, hoặc bị hủy, hoặc bị hõan vì Vinapco không chịu bơm xăng cho máy bay, với lý do Pacific Airlines từ chối trả tiền xăng theo giá do Vinapco ấn định. Qua tố cáo của Pacific Airlines, người ta mới biết là Vinapco buộc Pacific Airlines phải trả thêm cho mỗi tấn xăng 157 ngàn đồng. Điều đáng nói là, tuy cũng dùng xăng của Vinapco nhưng Vietnam Airlines (cơ quan chủ quản của Vinapco) và Vasco (một thành viên khác của Vietnam Airlines) không phải trả thêm khỏan này. Nhiều người cho rằng, với ưu thế độc quyền cung cấp xăng cho máy bay của Vinapco, Vietnam Airlines có thể bóp chết bất kỳ hãng hàng không nào.
Nếu nói thuần về pháp lý thì ở đây vẫn còn những câu hỏi cần phải được giải quyết rốt ráo trong việc vận dụng luật cạnh tranh.
LS Nguyễn Vân Nam
Mới đây, sau khi phạt Vinapco ba tỷ đồng vì “lạm dụng vị thế độc quyền trong cung cấp nhiên liệu bay”, Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đã đề nghị tách Vinapco khỏi Vietnam Airlines và kiểm soát chặt chẽ những dịch vụ độc quyền. Đồng thời nên cho phép các doanh nghiệp khác cùng cung cấp xăng dầu trong lĩnh vực hàng không. Đánh giá về kết quả kể trên, luật sư Nguyễn Vân Nam, người dành khá nhiều thời gian nghiên cứu các quy phạm pháp luật về cạnh tranh, cho rằng: “Đối với tôi đó là tín hiệu đáng mừng một cách bất ngờ, bởi vì tôi không nghĩ rằng hội đồng cạnh tranh xử được vụ này, với kết quả như thế. Theo quan niệm của tôi, vụ xử này là đúng. Tuy nhiên nếu nói thuần về pháp lý thì ở đây vẫn còn những câu hỏi cần phải được giải quyết rốt ráo trong việc vận dụng luật cạnh tranh." Thật ra, câu chuyện về Vinapco còn rất nhiều “tập”. “Tập” mới nhất liên quan đến Indochina Airlines, hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Vinapco vừa “cấp báo”, Indochina Airlines đang nợ họ khoảng 344.000 đô la và 7 tỉ đồng tiền xăng. Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp duy nhất cung cấp xăng cho máy bay, nên Vinapco không thể ngưng cung cấp xăng. Indochina Airlines phủ nhận cáo buộc đó. Indochina cho biết, để được cung cấp xăng , họ đã phải “đặt cọc” 20 tỷ đồng, nên thật ra họ chỉ nợ khoảng 3 tỷ. Hiện chưa rõ kết cục của xung đột Vinapco – Indochina Airlines sẽ như thế nào... ------------ ---- “Định hướng xã hội chủ nghĩa” không chỉ khiến chính phủ Việt Nam đau đầu vì phải giải quyết những xung đột lợi ích do tình trạng độc quyền vô lối tạo ra như vừa kể, mà còn gây thêm nhiều hậu quả tai hại khác. Kỳ tới, mời quý vị nghe Trân Văn tường thuật thêm về những hậu quả tai hại đó...
|