Bên cạnh những sự kiện chính trị nóng hổi như sự ra đời các đoàn thể, đảng phái tranh đấu cho Tự Do Nhân Quyền ở Việt Nam, vấn đề cứu trợ nạn nhân các thành phần tại Việt Nam cũng là một đề tài vô cùng tế nhị và gây tranh luận lâu dài mà phía nào cũng đưa ra những luận cứ vững chắc, hợp tình để biện minh cho lập trường của mình. Tệ nạn xã hội, thiên tai (bão lụt, hạn hán, sóng thần…) thì thời nào cũng có. Từ xã hội nghèo đói cho đến xã hội văn minh giàu có, không ai dám nhận là đã xoá hết các tệ nạn đã đưa đẩy một tỷ lệ dân chúng lâm vào cách hoàn cảnh đáng thương. Ở Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu, cũng có hàng trăm ngàn người không nhà, trẻ em khuyết tật, người già bị bỏ rơi, bệnh nhân các nan y không phương cứu chữa. Đó là những người hàng ngày sống trông chờ vào lòng nhân ái của đồng bào, đồng chủng. Người ta nói “Chỉ có cầm thú mới quay lưng trước khổ đau của đồng loại.” Nói thế cũng chưa đủ, vì có nhiều loại thú cũng chẳng hề bỏ rơi đồng loại khi nguy biến. Đó là nói về phạm trù đạo đức mà tổ tiên chúng ta đã từng giáo dục qua những câu ca dao rất quen thuộc: Nhiểu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng Thấy người hoạn nạn thì thương Thấy người tàn tật lại càng thương hơn hoặc: Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn Truyền thống dân tộc Việt Nam đã bao đời chứng minh tình nghĩa đùm bọc nhau trong bao biến cố thăng trầm, qua bao tai biến thiên nhiên. Đó là việc hiển nhiên, không chối cãi và cũng không thể nại ra lý do để bài bác. Tuy nhiên, chúng ta không xét vấn đề hời hợt bên ngoài mà không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những tệ nạn. Có như thế, chúng ta mới tìm được cách giải quyết tận gốc rễ để giảm thiểu những nỗi khổ đau của đồng bào, đồng loại một cách có hiệu quả. Đó là chúng tôi muốn đề cập đến phạm trù chính trị mà hiện những người Việt yêu nước đang phải dương đầu để giành lại quyền sống cho người dân Việt Nam tại quốc nội. Ngày xưa, trước năm 1975, tuy bị chi phối bởi chiến tranh dai dẳng, tàn khốc, chính phủ VNCH cũng đã có những chương trình cải tạo xã hội. Ba mục tiêu chiến lược mà cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đề ra sau khi đắc cử là: “Xây Dựng Dân Chủ, Giải quyết Chiến tranh, và Cải tạo Xã hội.” Khó mà bàn luận về thành quả của các mục tiêu này, vì chính TT Thiệu và nội các của ông đã bị chi phối bởi nhiều vấn đề rất phức tạp, khó khăn của chiến sự và sự bất nhất của đồng minh Hoa Kỳ trong khi Cộng sản Bắc Việt tập trung nỗ lực phá hoại các công cuộc xây dưng phát triển của miền Nam. Tuy nhiên đã có những cố gắng về phiá chính phủ trong việc giải quyết phần nào thành công những tệ nạn, cứu trợ từ các nạn nhân chiến tranh đến các nạn nhân xã hội. Sau khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, họ tuyên bố các tệ nạn là sản phẩm của “Mỹ Ngụy”, là hậu quả của chiến tranh; vì họ cho rằng chế độ Xã hội Chủ Nghĩa của họ là thiên đường, không có những nạn bóc lột người và chính quyền của họ là ưu việt trong việc xây dựng “một xã hội phồn vinh hạnh phúc, vân vân.” Thế nhưng đảng Cộng sản đã cầm quyền hơn nửa thế kỷ trên miền Bắc, và 34 năm tại miền Nam. Chúng ta thử rộng lương thông cảm hoàn cảnh chiến tranh mà chỉ tính khoảng thời gian 34 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Người Cộng sản chiếm được miền Nam với một tài sản không lồ, một nhân lực hùng hậu có trình độ kỹ thuật, và một mức phát triển kinh tế tương đối cao trong khu vực các quốc gia vùng Đông Nam Á do chính quyền miền Nam để lại. Họ đã làm được gì ngoài việc lợi dụng quyền năng để cướp đoạt, bóc lột cho vào túi tham không đáy sau những năm dài đói khổ trong cái thiên đường XHCN miền Bắc? Ngay khi loài người biết tập hợp lại để thành lập cơ cấu chính quyền, thì chức năng đầu tiên và quan trọng nhất là lo cho phúc lợi xã hội của người dân. Đó là vấn đề an sinh xã hội. Các chức năng khác như quốc phòng, phát triển kinh tế, giáo dục... cũng chẳng qua là để hỗ trợ, bảo đảm cho việc phát triển an sinh. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng, nhà mưu lược đại tài Nguyễn Trãi đã soạn ra một bản văn hùng hồn lên án giặc Minh và kêu gọi toàn dân kháng chiến. Đó là bản “Bình Ngô Đại Cáo” mà đã mở đầu bằng câu: “Việc trị nước cốt để an dân.” Chức năng chính quyền là làm cho dân giàu, nước mạnh. Chính quyền có khả năng thu thuế và có điều kiện vận động để thực thi mục tiêu an dân. Vấn đề xã hội phải được nâng lên hàng đầu cốt làm sao cho nơi nơi, người dân sống ấm no, hạnh phúc. Thực tế hàng chục năm qua đã chứng minh, ngụy quyền Cộng sản không những không quan tâm đến giải quyết vấn đề an sinh xã hội, mà còn góp phần làm cho các tệ nạn tăng nhanh do những chính sách hà khắc, bóc lột. Họ chỉ thực sự quan tâm đến việc củng cố guồng máy cai trị và sự vững mạnh của đảng Cộng Sản để bảo vệ cho quyền lực và lợi nhuận riêng của đảng; hay nói đúng hơn, của những đảng viên nòng cốt. Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ rằng trong khi có hàng triệu người dân chật vật kiếm miếng ăn, sống chui rúc trong những căn nhà ổ chuột, lang thang ngoài hè phố, đói rách nơi rừng thiêng nước độc, phải bán con, đợ vợ thì có hàng trăm viên chức cao cấp trong đảng có tài sản từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô la. Số cán bộ Cộng sản trung cấp nay là các nhà tư sản đỏ, cũng có tài sản hàng triệu đô la mà không phải do khả năng kinh doanh thực sự, mà chỉ do quyền thế hối mại, tham những, ăn cắp từ công khố, từ tiền viện trợ của nước ngoài, từ tiền do sách nhiễu đồng bào. Họ không chừa một ngõ ngách nào trong sinh hoạt xã hội mà không lợi dụng để kiếm đồng tiền bất chính. Do đó, các tệ nạn còn lại sau chiến tranh đã được nhân lên gấp bội. Lực lượng nạn nhân từ những người thiếu may mắn của miền Nam trước đây, nay được tăng cường thêm hàng triệu người do hậu quả chính sách đuổi dân thành thị đi xây dựng khu kinh tế mới, cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”, cải tạo công thương nghiệp, tập sản hoá, hợp tác hoá, bán bãi vượt biên. Dân đã nghèo, càng nghèo thêm. Dân đã đói, càng thêm đói. Cho đến khi nhìn thấy nguồn lợi từ du lịch, Cộng sản đã đổ tiền vào xây dựng những khu du lịch bề thế để hấp dẫn khách nước ngoài. Sự phát triển thiếu cân bằng giữa các lãnh vực đã đưa đến hậu quả là sự phồn vinh hoành tráng bên ngoài ở một vài trung tâm du lịch trong khi chỉ cách đó chừng vài trăm thước, là cảnh bùn lầy nước đọng của những cư dân thành phần mạt hạng trong xã hội. Và hậu quả nặng nề nhất ảnh hưởng đến suy đồi đạo đức xã hội là đưa đẩy một số lớn các thanh niên thiếu nữ vào con đường bán thân vì chỉ có cách đó mới sống còn trong cái xã hội bắt đầu tiêm nhiễm những xa hoa của chế độ tư bản do du khách và các tư sản đỏ mới nổi lên phô bày ra. Ngụy quyền Cộng Sản không những không chú tâm giải quyết tệ nạn mà còn tạo thêm ra tệ nạn. Đáng trách hơn, họ còn lợi dụng các tệ nạn, thiên tai để moi tiền cứu trợ. Từ hàng chục năm qua, chúng ta đã đọc trên các báo những tin tức về các phái đoàn trong nước, của người Việt hải ngoại quyên góp tiền để cứu trợ các thành phần nạn nhân từ tệ nạn xã hội cho đến thiên tai. Rất nhiều, nếu không nói là hầu hết, đều kể ra việc các viên chức các cấp trong guồng máy ngụy quyền Cộng sản đã ngăn cản, gây khó dể, đe doạ... nhằm giành lấy số tiền, phẩm vật cứu trợ để chia chác nhau. Họ đã thay gạo ngon bằng gạo mục trong các kho nhà nước để cấp phát cho nạn nhân. Họ đã lập ra danh sách những bà con bạn bè để nhận quà thay vì những nạn nhân thực thụ. Họ đã cưỡng ép người thụ hưởng phải ký giấy nhận đủ tiền, nhưng chỉ trao cho khoảng một phần mười số tiền hay phẩm vật cứu trợ. Họ đã tuyên truyền lập công trong việc cứu trợ cho nhà nước Cộng Sản thay vì nói thật đó là tấm lòng của những người Việt Hải ngoại hay những cơ quan từ thiện quốc tế. Họ đã gửi ra nước ngoài những tu sĩ quốc doanh để vận động quyên góp tín đồ gửi tiền về xây dựng nhà thờ, chùa chiền trong khi có hàng trăm cơ sở tôn giáo bị họ tịch thu từ hàng chục năm qua vẫn chưa được hoàn trả. Dù các giáo hội Thiên Chúa giáo hay Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo đã lên tiếng khẩn thiết để đòi lại. Họ thu thuế người dân, họ nhận tiền viện trợ từ các quốc gia, các cơ quan quốc tế thì họ phải sử dụng tiền đó vào việc phát triển, phúc lợi. Các quốc gia, các cơ quan tài trợ ngoại quốc khi cho nguỵ quyền Cộng sản Việt Nam vay nợ đã đặ ra những điều kiện này nọ về cải cách chính sách, giải quyết vấn đề dân chủ, nhân quyền. Trong khi tập thể người Việt “Chống Cộng” hải ngoại cho không mỗi năm hàng 3, 4 tỷ đô la mà không có một đòi hỏi điều kiện nào cả! Thật là rộng lượng dễ tính đến mức độ phải nói là xuẫn động. Chúng ta có người đã lao động cực khổ “cày” hai ba job, chịu thương chịu khó mỗi tuần hàng 50, 60 giờ trong các công xưởng của Mỹ để rồi đưa vai ra gánh giùm các gánh nặng của Cộng sản cho chúng rảnh tay làm những việc đàn áp nhân dân, làm giàu riêng cho bản thân, gia đình. Chúng tôi đã nghe chuyện những con em cán bộ Cộng sản đi du học tại San Francisco mua nhà hơn nửa triệu đô la bằng tiền mặt; đi mua sắm hàng ngàn đô la mồi lần trong các shopping mall sang trọng. Chúng tôi đã nghe kể các “phu nhân” các cán bộ CS đi du lịch bên Trung hoa vung hàng ngàn đô la tiêu xài dễ dàng như chúng ta xài bạc chục bên Mỹ này. Sau cơn bão cuối năm 2006 vừa qua tàn phá các tỉnh miền Trung, ngụy quyền CS tuyên bố chi ra khoảng 2 tỷ đồng Việt Nam (khoảng 150 ngàn đô la) để cứu trợ nạn nhân tình Quảng Trị. Trong khi đó, hai cán bộ đảng về hưu đã được cấp từ 6 đến 8 tỷ bạc để mua xe hơi đời mới. Cần lưu ý rằng chỉ tại Việt Nam và các nước Cộng Sản, ngoài hệ thống chính quyền để điều hành công việc nhà nước, còn tồn tại song song một hệ thống đảng đồ sộ hơn, đông đảo hơn để lãnh đạo chính quyền. Mà người dân vừa phải đóng góp nuôi trả chi phí cho cơ quan công quyền, lại vừa trang trải cho cái hệ thống đảng lãnh đạo này. Có rất nhiều cán bộ các cấp vừa nắm quyền trong đảng vừa trong chính quyền nên đã xem như hưởng hai lần phúc lợi. Chúng tôi không dám nghi ngờ thiện ý của những cơ quan, những cá nhân quyên góp tiền về cứu trợ đồng bào (dù rằng không thể không có những phần tử xấu lợi dụng để mưu lợi riêng tư, lấy tiền bỏ túi hay mưu cầu danh vọng). Chúng tôi cũng không hề nói rằng những vị làm từ thiện là tay sai Cộng Sản như đã từng có người lên án gay gắt. Chúng tôi đánh giá cao và vinh danh những hoạt động từ thiện vì đó là sự băn khoăn, sự cảm thông sâu sắc đến những đau khổ của đồng bào trong nước. Nếu chính phủ CS đã hết lòng lo toan mà không có khả năng làm xuể, chúng tôi sẽ xung phong góp phần. Nhưng thử nghĩ cứ 100 đô la chúng ta gửi về, chỉ có vài đô la đến tay người đáng nhận, còn lại thì vào túi bọn cán bộ. Như thế, sự giúp đỡ của chúng ta giải quyết được gì? Có thể coi là chúng ta đạt được mục tiêu cứu trợ không? Không phải những người không ủng hộ việc cứu trợ là vô tình với nỗi đau của đồng bào. Họ có cách nhìn khác. Ví như một người bệnh mà vi trùng đã ăn vào máu cần được mổ xẻ, chữa trị tận gốc thay vì chỉ dùng thuốc đỏ bôi xoa bên ngoài vết lở lói. Cái vi trùng độc hại này là cơ chế Cộng sản đang cầm quyền mà ngày nào còn tại vị, thì tệ nạn vẫn còn và càng gia tăng Thế nên hải ngoại mới có những Trần Văn Bá, Nguyễn Quốc Túy, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh và hàng ngàn chiến sĩ quốc gia đang ngày đêm hoạt động trong các lãnh vực để tiếp tục cuộc chiến tranh chính trị, ngoại giao để chống nguỵ quyền CS. Thế nên trong nước mới có Hoà Thương Quảng Độ, Huyền Quang; những linh mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Hồng Quang, những người tranh đấu Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Đỗ Nam Hải... Và lực lương này mỗi ngày mỗi được tăng cường thêm dù bị đàn áp, tù đày, nhục mạ. Những tưởng rằng sau khi Liên bang Sô Viết và khối CS đông Âu sụp đổ, sẽ là cơ may cho Việt Nam thoát khỏi ách Cộng Sản. Vì trong thời điểm đó, Cộng sản VN vừa mất chỗ dựa về kinh tế từ Liên Sô, vừa đương đầu với thái độ thù nghịch của Trung Cộng, lại vừa bị các nước Tây phương cấm vận. Thế nhưng họ đã sống sót nhờ vào lòng hào phóng của chính những “Người Việt Chống Cộng” tại Hoa Kỳ và các quốc gia tự do. Trong thời kỳ chiến tranh, 17 triệu dân miền Nam nhận khoảng hơn 1 tỷ đô la viện trợ, mà phần lớn là đổ vào quân viện. Chỉ một phần rất nhỏ là dùng cho việc phát triển;. Thế mà Việt Nam Cộng Hoà đã phát triển tiến bộ hơn rất nhiều nước Đông Nam Á, giàu có hơn Thái Lan, Philippines, Đại Hàn. Thập niên 90, khi đất nước nằm trong bàn tay cai trị của Cộng sản, người Việt hải ngoại đã chuyển về nước từ ba, bốn tỷ đô la mỗi năm qua các hình thức du lịch, thăm nhà, giúp đỡ thân nhân, bạn bè; và ngay cả có những con nai tơ đem hàng trăm triệu đô la về đầu tư để cuối cùng tiền mất vào tay Cộng sản, thân mang tù tội. Duy chỉ còn lại một đối tương mà chúng ta phải cưu mang. Đó là các anh em Thương phế binh của Quân Lực VNCH mà Cộng sản đã hất hủi họ, xua đuổi họ ra bên lề xã hội ngay khi chiếm đoạt miền Nam. Họ đang sống những ngày cuối đời tàn tạ, đau đớn nhục nhằn thực sự cần đến sự lưu tâm của chúng ta.. Chúng ta không thể mong chờ ngụy quyền CS giải quyết cho họ, mà đó là bổn phận của chính chúng ta, những người bạn chiến đấu, những sống sót nhờ sự hy sinh của họ. Để có đề tài suy ngẫm chúng tôi xin kể lại chuyện năm 1994, khi chúng tôi về Washington DC để vận động Quốc Hội Hoa Kỳ ủng hộ cho phong trào đấu tranh Nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi đã cay đắng nghe một lời bình phẩm từ một quý bà đang làm trợ lý bộ Ngoại Giao: “Quý ông muốn chúng tôi có biện pháp kinh tế với chính quyền Cộng sản Việt Nam thì trước hết, quý ông phải vận động, giáo dục đồng hương quý ông đã. Chính họ và quý ông đã nuôi dưỡng chế độ Cộng sản cho nó tồn tại đó.”
|