CHiến Lược Nguyên Tử |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. | |||
Thứ Sáu, 05 Tháng 6 Năm 2009 05:47 | |||
Bắc Hàn đã cho nổ thử một quả bom nguyên tử dưới hầm sâu và phóng thử hai phi đạn tầm ngắn cỡ 130 cây số, tuyên bố từ bỏ hiệp ước đình chiến với quân đội Đồng minh và hăm dọa sẽ tấn công bất cứ tầu biển nào tìm cách ngăn chặn chiến hạm của họ. Tuần này Bắc Hàn hăm dọa sẽ phóng thử một loại phi đạn mới có tầm xa đến 6,500 cây số có thể bay đến Alaska. Tình thế trở nên căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên từ tuần trước. Quân đội Nam Hàn và quân đội Mỹ đã tăng mức báo động lên cấp cao nhất kể từ năm 2006, sau khi Bắc Hàn nổ thử quả bom nguyên tử đầu tiên. Đồng thời chính phủ Nam Hàn loan báo tham gia nghị quyết của 90 nước trên thế giới, sẵn sàng ngăn chặn và khám xét bất cứ tầu biển nào bị nghi chuyên chở các loại vũ khí bị quốc tế cấm. Ngay sau đó chính phủ Cộng sản Bắc Hàn tuyên bố vụ Nam Hàn tham gia “Chương trình Chống sự lan tràn của Vũ khí nguyên tử” do Mỹ lãnh đạo là giai đoạn đầu của sự phong tỏa Hải quân, sẽ đưa đến tình trạng có thể xẩy ra đụng độ ra ở vùng bờ biển phía Tây Bắc Hàn. Báo Lao Động Tân văn của Bắc Hàn hăm dọa: “Một vụ đụng độ nhỏ trên biển có thể đưa đến chiến tranh nguyên tử”. Phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Nam Hàn đã trả đũa ngay, tố cáo “Bắc Hàn đã bóp méo sự thật với những luận điệu vô căn cứ”. Một sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nam Hàn cho biết quân đội Nam Hàn đã tăng cường bố trí nhân sự và trang bị ở vùng biên giới trên bộ cũng như trên biển. Báo “JoongAng” ở Seoul loan tin quân đội Nam Hàn đã bố trí thêm nhiều phi đạn và pháo binh phòng không ở các căn cứ quân sự trên các đảo nhỏ trong vùng bờ biển phía Tây, nơi đang có tranh chấp về vùng biển với Bắc Hàn. Hiện nay Mỹ có 28,500 quân bố trí ở Nam Hàn và 50,000 quân ở Nhật Bản. Tất cả đều nằm trong tầm phi đạn của Bắc Hàn. Sau khi Bắc Hàn thử bom nguyên tử, Trung Quốc đã ra tuyên bố “cương quyết chống lại” vụ thử bom và yêu cầu Bắc Hàn trở lại Hội nghị 6 bên ở Bắc Kinh để thảo luận về việc chấm dứt chương trình nguyên tử của Bắc Hàn. Tuy nhiên sau khi Mỹ họp các nước đồng minh Á châu tại Tân gia ba, Trung Quốc lại nói: “Trung Quốc chống đối việc mở rộng mọi thế liên minh quân sự tay đôi giữa Mỹ và các đồng minh đã có từ thời chiến tranh lạnh”. Nga xưa nay là nước chính ủng hộ Bắc Hàn, cũng lên án vụ thử bom. Đại sứ Nga tại LHQ hiện là Chủ tịch Hội đồng Bảo an nói 15 nước Hội Viên Hội đồng (kể cả 10 nước không thường trực), cũng phản đối vụ Bắc Hàn thử bom nguyên tử và cho biết Hội đồng có thể bắt đầu thảo luận với sự tham dự của Nhật Bản và Bắc Hàn để hoàn tất mau lẹ một nghị quyết mới. Tuy nhiên các nhà quan sát vẫn hoài nghi, vì cho đến nay LHQ vẫn bất lực trước sự vi phạm nhân quyền của một số nước trên thế giới. Như vậy một cuộc chiến nguyên tử có thể bùng nổ hay chăng? Trước khi tìm hiểu khả năng này, thiết tuởng cũng nên nhìn xem chiến lược nguyên tử như thế nào. Từ năm 1945 sau khi Mỹ ném 2 quả bom Nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để buộc Nhật Bản phải đầu hàng cho đến nay không hề có chiến tranh nguyên tử, mặc dù ngoài 5 đại cường, những nước có bom nguyên tử đã gia tăng, thí dụ như Ấn Độ, Hồi Quốc, Do Thái và bây giờ đến Bắc Hàn, trong khi nước Iran cũng lăm le muốn làm bom, mục đích là để hăm dọa nhiều hơn để gây chiến nguyên tử. Trước hết hãy hỏi tại sao từ sau Đệ nhị Thế chiến, trong cuộc chiến tranh lạnh cho đến nay đầu thế kỷ 21, vẫn không có chiến tranh nguyên tử? Câu trả lời giản dị là chỉ có những nước đã có hàng kho cả ngàn quả bom nguyên tử hay bom khinh khí mới có khả năng phát động một cuộc chiến tranh nguyên tử. Còn những nước mới gia nhập “làng nguyên tử” hay chỉ mới thành công trong việc làm nổ một quả bom thơ sơ công kềnh, nếu gây ra một cuộc chiến nguyên tử, đó chỉ là một vụ tự sát không hơn không kém, vì sẽ lãnh đòn trừng phạt bằng bom khinh khí của những nước lớn đang chủ trương việc nghiêm cấm chế tạo loại bom tàn khốc này. Kể cả những đại cường nguyên tử đã có hàng kho bom khinh khí, loại bom mạnh gấp cả ngàn lần bom nguyên tử, cũng không dám gây chiến nguyên tử. Bởi vì đánh nhau bằng nguyên tử, đôi bên cùng thua mà không có bên nào thắng, nghĩa là chiến tranh nguyên tử là chiến tranh tự sát. Điển hình là cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962, một bên là TT Kennedy của Mỹ và một bên là Khrushchev, lãnh tụ Liên Sô, nếu không biết tự chế mà mật đàm tay đôi, một cuộc chiến hạt nhân đã nổ ra rồi, kết quả khủng khiếp là san thành bình địa cả hai nước, kể cả các đồng minh của hai bên, vì kho vũ khí hạt nhân của hai bên đủ sức mạnh làm tan nát thế giới hơn 10 lần. Về vụ Bắc Hàn hiện nay, có một vấn đề hoàn toàn kỹ thuật cần phải bàn tới. Cho nổ một quả bom nguyên tử thô sơ, bất cứ nước nào có đủ phương tiện cũng làm được, và cả những nhóm đảng bí mật, nếu che giấu được kỹ cũng có thể làm nổ được nguyên tử. Thế nhưng sau khi hoàn thành một quả bom thô sơ, đến chặng thứ hai mới thật khó. Làm thế nào thu nhỏ trái bom nguyên tử để đem đi đánh vào đất địch? Và dùng phương tiện nào để đem nó đi? Chỉ có oanh tạc cơ quân sự mới làm được, nhưng cũng nên quên đi phương tiện này, vì oanh tạc cơ chưa bay đến gần đất địch là đã bị bắn hạ rồi. Còn về việc dùng phi đạn những khó khăn lại gia tăng gấp bội. Trước hết phải thu nhỏ bom nguyên tử hơn nữa để có thể ráp vào đầu phi đạn. Sau đó đến vấn đề làm thế nào điều khiển phi đạn bay qua biển hay qua biên giới trên đất liền cho trúng đích. Kỹ thuật điều khiển phi đạn của Bắc Hàn còn thô sơ, phóng lên rồi có thể nó bay lạc hướng. Bắc Hàn đã thất bại trong việc thí nghiệm phi đạn tầm xa, khi bay chưa đến giữa Thái Bình Dương, phi đạn đã rớt xuống biển. Hiện nay Bắc Hàn chỉ mới có phi đạn tầm ngắn, khi vừa mới phóng lên các chiến hạm và cả vệ tinh nhân tạo của Mỹ đã biết rồi. Vậy tại sao Bắc Hàn dám hăm dọa chiến tranh nguyên tử? Lý do trước hết là muốn chơi trò bắt bí để đòi hỏi thêm quyền lợi kinh tế và chính trị trong khi chế độ cộng sản đang đói khổ. Nhưng quan trọng hơn hết, lãnh tụ Kim Chánh Nhật muốn lấy le khoe mẽ trong nội bộ đảng để tăng cường uy tín của mình vì có ý đồ riêng. Kim đã bị đột quỵ bệnh tim hơn 8 tháng trước đây. Hiện nay bề ngoài Kim trông còn mạnh khỏe và Kim cũng đã cố gắng làm như vậy, nhưng trong thâm tâm Kim biết ông ta sắp về chầu Tổ sư Các-mác ở Diêm phủ nên muốn mau lẹ tạo thêm uy tín để tìm cách nhường ngôi cho đứa con thứ ba của ông ta, tránh khỏi trường hợp ông ra đi bất ngờ có thể đưa đến nội loạn cung đình khiến cả chế độ Cộng sản Bắc Hàn do cha ông là Kim Nhật Thành sáng lập sẽ phải sụp đổ. Đúng như dự đoán, Kim đã đặt người con út 26 tuổi lên Ngai vàng Cộng sản Bắc Hàn.
|