Những bài học rút ra từ thể chế, đất nước và dân tộc Mỹ |
Tác Giả: Van Phan | |||
Chúa Nhật, 05 Tháng 7 Năm 2009 21:32 | |||
Mừng Quốc Khánh thứ 233 trên đất nước Hoa Kỳ của chúng ta, hãy thử điểm qua những bài học lớn mà thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam, có thể rút ra từ hệ thống chính trị, định chế xã hội, trào lưu văn hóa cũng như đất nước và con người của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một nước dẫu đang ở vị thế cường quốc số Một của thế giới vẫn là một quốc gia trẻ trung so với những nước như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ðại Hàn, Ai Cập, Iran (Ba Tư), Việt Nam, và cả Anh Quốc từng là “nước mẹ” của Hoa Kỳ thuở ban sơ nữa. Bài học lớn thứ nhất là về hệ thống chính trị và các định chế xã hội của Hoa Kỳ, trong đó có bản Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Mỹ, Hiến Pháp Mỹ, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, sự tách biệt rõ rệt giữa giáo hội và chính quyền, tính độc lập của ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp trong bộ máy công quyền và tính tự trị của các tiểu bang trong liên bang Hoa Kỳ. Trước hết, Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Mỹ là một văn kiện lịch sử vừa nghiêm chỉnh vừa không kém phần hoa mỹ đã đặt nền móng cho mọi thứ quyền tự do mà dân tộc Mỹ đã và đang được hưởng từ thời lập quốc cho tới ngày nay. Văn kiện này cũng từng là một gợi hứng nhiệm mầu cho những phong trào giành độc lập và tự do từ Âu sang Á, trong đó có việc một lãnh tụ Cộng Sản từng được Mát-xcơ-va (Moscvow) đào tạo như ông Hồ Chí Minh mà vẫn phải bắt chước để đem dùng trong bản tuyên ngôn độc lập của phe Cộng Sản Việt Nam trong ngày 2 Tháng Chín năm 1945. Bản Hiến Pháp cùng với các Tu Chính Án và Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Mỹ cũng lại là các văn kiện pháp lý có giá trị vô song đã dắt đưa dân tộc Mỹ từ một đất nước có gốc thuộc địa tới vai trò siêu cường như ngày nay chỉ nội trong vòng trên dưới 200 năm. Nhờ tính ưu việt đó, người ta có thể đọc thấy tinh thần của Hiến Pháp Mỹ trong hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay, cụ thể là các bản Hiến Pháp của Philippines (Phi Luật Tân). Những nguyên tắc không thể lay chuyển được như sự tách biệt rõ rệt giữa giáo hội và chính quyền, tính độc lập của ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp trong bộ máy công quyền (theo hệ thống “check and balance”) và tính tự trị của các tiểu bang trong liên bang Hoa Kỳ, nhờ sự thực tiễn và hữu hiệu của chúng, đã tồn tại qua bao năm tháng để bảo vệ và thăng tiến nền tự do, dân chủ trong xã hội Hoa Kỳ, mặc dù dân tộc Mỹ, trên hết, vẫn là một dân tộc tin vào đấng Thượng Ðế của Cơ Ðốc Giáo (“One Nation Under God” và “In God We Trust”), mặc dù Tổng Thống Hoa Kỳ luôn là nhân vật quyền uy nhất nước, và mặc dù chính quyền liên bang Mỹ luôn là guồng máy thế lực và giàu mạnh nhất mà các tiểu bang không thể không tùng phục. Bài học lớn thứ nhì được rút ra từ tính anh hùng, mã thượng và nhìn xa, trông rộng của vị tổng thống tiên khởi và cũng là quốc phụ của Hoa Kỳ, Tổng Thống George Washington, nguyên tổng tư lệnh quân đội Cách Mạng, vĩ nhân từng dắt đưa dân tộc từ một thuộc địa nhỏ bé trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ khỏi tay Ðế Quốc Anh hùng mạnh. Khi từ chối lời đề nghị làm tổng thống suốt đời để chỉ phục vụ dân tộc qua hai nhiệm kỳ mà thôi (từ 1789 đến 1797), vị tổng thống tiên khởi của Hoa Kỳ đã để lại tấm gương sáng ngời về tính anh hùng, mã thượng và nhìn xa, trông rộng của nhà lãnh đạo nước Mỹ muốn những cơ chế hiến định và pháp định của đất nước phải được triệt để tôn trọng và tiến trình chuyển nhượng quyền lực quốc gia từ người này đến người kia luôn được chừng mực, êm xuôi. Hằng trăm năm sau, cứ nhìn vào tấm gương xấu về tật tham quyền, cố vị mà các lãnh tụ cách mạng từ Sukarno và Mao Trạch Ðông tới cha con Kim Nhật Thành-Kim Chánh Nhật và từ anh em Fidel Castro-Raul Castro cho tới cha con Hồ Chí Minh-Nông Ðức Mạnh, và mới đây nhất là Hugo Chavez của Venezuela để lại, người ta mới thấy hết cái vĩ đại của vị quốc phụ Washignton của Hoa Kỳ. (Lịch sử cho thấy, ở Á Châu, hầu hết giới lãnh đạo đều chỉ thích được độc tôn, tức “chỉ có ta là ngôi sao sáng chói nhất mà thôi, không ai được chói sáng hơn ta,” hoặc các vị này cứ triệt để theo kế sách “après moi, le Déluge” cố hữu (sau khi ta đi rồi, vì không còn ai chống đỡ, cơn Ðại Hồng Thủy sẽ kéo đến nhận chìm tất cả), nghĩa là làm sao cho tình thế trở nên tệ hại hơn sau khi các vị đó rút lui để mọi người phải công nhận rằng chỉ có họ mới là kẻ tài giỏi và biết an bang, tế thế mà thôi. Ngoài ra, cũng nhờ vào đức khiêm cung hiếm quý của vị tổng thống thứ nhất của Hoa Kỳ, các nhân vật đồng thời với ông, mỗi người một lãnh vực, mới không bị lu mờ và cứ thế tỏa sáng trong lịch sử, và dĩ nhiên là cũng đem lại lợi ích chung cho đất nước, chẳng kém gì tổng thống của họ: Thomas Jefferson, James Madison, John Adams, John Hancock, Thomas Paine, Benjamin Franklin... Bài học lớn thứ ba được rút ra từ tinh anh hùng, mã thượng và nhìn xa, trông rộng không phải của một cá nhân mang tầm vóc George Washington mà là của chính phủ và dân chúng liên bang Hoa Kỳ dưới quyền Tổng Thống Abraham Lincoln: Sau khi quân đội Liên Bang của miền Bắc (Union Army) đã đánh bại quân đội Liên Hiệp Miền Nam (Confederate Army) trong cuộc Nội Chiến Mỹ (American Civil War, 1861-1865), họ không hề làm nhục, bắt tội hoặc trả thù các sĩ quan và binh lính trong quân đội Liên Hiệp Miền Nam, từ Tướng Robert Lee trở xuống, đã đầu hàng vì bại trận. Một số tướng lãnh của phe miền Nam, sau khi giã từ vũ khí, vẫn tiếp tục phục vụ xã hội trong các vai trò lãnh đạo, kể cả trở thành viện trưởng tại các đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, sau khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng chấm dứt hồi năm 1975, tất cả các tướng lãnh và sĩ quan lớn, nhỏ của miền Nam tự do thua trận đều bị trả thù cay đắng dưới mọi hình thức, trong đó hình thức nổi bật nhất vẫn là phải chịu hành hạ khổ sai trong các trại “học tập cải tạo” mà không biết tới ngày về. Thử tưởng tượng Tướng Robert Lee của Mỹ mà lại đi đầu hàng quân đội nhân dân Cộng Sản Bắc Việt thì hậu quả sẽ ra sao cho vị danh tướng đó? Ðiều này giải thích tại sao tương lai của Hoa Kỳ luôn tươi sáng còn Việt Nam thì dường như ngược lại. Bài học lớn thứ tư là tinh thần không kỳ thị và phân biệt chủng tộc, giống phái, tôn giáo, tuổi tác, khuynh hướng tình dục... của dân tộc Mỹ. (Khuynh hướng kỳ thị - một hình thức khác của lòng đố kỵ, ganh ghét người khác - thì dân tộc nào cũng có, nhưng dân tộc Mỹ vẫn ít kỳ thị hơn nhờ có luật pháp nghiêm minh, trong khi dân số của Mỹ lại nhiều hơn, đa chủng hơn và lãnh thổ của Mỹ cũng lớn hơn các nước khác bội phần.) Trước lúc ông Barack Obama trở thành vị tổng thống thứ 44 và là vị tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ thì người ta vẫn nghĩ rằng nạn kỳ thị chủng tộc ở Hoa Kỳ vẫn còn, mặc dù các nô lệ da đen đã được giải phóng từ hậu bán thế kỷ thứ 19. Nhưng với việc Nghị Sĩ Obama được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, một chức vụ được coi là quyền uy nhất nước và cũng là nhất thế giới, thật khó mà nói là có chuyện kỳ thị vì màu da hoặc chủng tộc trên đất nước của Tổng Thống Washington vĩ đại ngày nay. Có chăng là những kẻ cho rằng mình bị kỳ thị hãy xét lại tư cách và hành vi, cử chỉ của mình ra sao trước đã, theo phương châm “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” của người Á Ðông. Bài học lớn thứ năm mà các dân tộc khác có thể học hỏi từ nước Mỹ và dân tộc Mỹ là tinh thần “thượng tôn luật pháp” của xã hội này. Ðây là một điểm sáng chói nữa đã giúp cho “Hiệp Chủng Quốc” Mỹ trở thành một quốc gia đoàn kết và hùng mạnh nhất thế giới trải qua biêt bao nhiêu biến cố của thời đại, mặc dù, trong nhất thời, người Mỹ cũng có lúc chia rẽ nhau vì bất đồng ý kiến với nhau. Tấm gương Tổng Thống Richard Nixon đầy quyền uy một thời mà cũng đành phải từ chức để tránh khỏi bị ngồi tù qua vụ tai tiếng Watergate hồi thập niên 1970 cũng như tấm gương nhiều vị thống đốc, thẩm phán, cảnh sát trưởng... vi phạm luật pháp Hoa Kỳ đều bị còng tay và tống giam vào ngục thất từ trước tới nay cho thấy chính nước Mỹ mới là nơi mà “pháp bất vị thân.” Ðiều này cũng giải thích tại sao dân chúng Mỹ , đôi lúc, dường như là đang cãi cọ nhau dữ dội lắm nhưng ít khi có ai dám xông tới đánh ai một cái cho hả giận, vì khi làm thế tức là người ta đã phải chấp nhận ngồi tù rồi, chứ không thể nào thoát được. Ðiều này cũng giải thích tại sao, chỉ nội một nước Mỹ thôi, đã cung cấp cho thế giới đến 70% số luật sư. Quân đội Mỹ, dù không bị nhồi nhét bằng các giáo điều mang tính cuồng tín cỡ quân đội của Ðức Quốc Xã hoặc quân đội của các nước Cộng Sản khắp nơi trước đây, vẫn là quân đội có kỷ luật nhất thế giới ngày nay. Trên đây là năm bài học lớn trong số những bài học mà các dân tộc khác có thể rút tỉa từ kinh nghiệm lập quốc và phát triển đất nước của Hoa Kỳ. Nhân Quốc Khánh Fourth of July năm nay, cộng đồng quốc tế cũng nên suy nghiệm về những bài học mà nước Mỹ và dân tộc Mỹ đã đem lại cho thế giới. Trông người mà gẫm đến ta: Biết đến bao giờ dân tộc Việt Nam mới học được và áp dụng được phần nào các bài học hữu ích nói trên trong bối cảnh hiện nay khi đất nước và xã hội Việt Nam đang bị phân hóa trầm trọng chưa từng thấy mà lại còn có nguy cơ rơi vào vòng thống trị lần cuối của đế quốc Trung Hoa, không phải bằng con đường chiến tranh xâm lược như xưa nữa mà bằng đòn kinh tế hiểm hóc thông qua chủ nghĩa vật chất tàn độc? (V.P.)
|