Việt Nam: 40 Năm Di Chúc, Mấy mươi Năm Lạc Đường? |
Tác Giả: Phạm Trần | |||
Thứ Sáu, 17 Tháng 7 Năm 2009 06:35 | |||
Đảng Cộng sản Việt Nam hô hào cả nước tập trung 6 tháng còn lại của năm 2009 vào Cuộc vận động được gọi là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của người lập ra đảng này, nhưng đảng viên lại gạt Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh sang một bên để sống thỏai mái với tham nhũng. Bằng chứng này đã được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương báo cáo với Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng, trong mội Hội nghị tại Hà Nội ngày 6/7/2009 : “Kết quả thực hiện Cuộc Vận Động (CVĐ) chưa thực sự sâu rộng, chưa đến được với mọi tầng lớp như mong muốn; có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu, chưa tạo thành phong trào quyết tâm “làm theo”. Nhận thức về CVĐ của một số cấp ủy còn chưa sâu sắc, chưa đúng tầm nên chỉ đạo chưa thường xuyên, liên tục, kịp thời. Một bộ phận cán bộ đảng viên chưa gương mẫu. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức ở một số nơi chưa còn chung chung, chưa sát với từng đối tượng. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa đều khắp và chưa đi sâu vào tất cả các đối tượng, trong đó có công nhân trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc biểu dương, nhân rộng điển hình còn hạn chế...” Chuyện cán bộ, đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo thờ ơ với việc học tập và làm theo “lời Bác” không mới mẻ gì. Mới hồi tháng 2/2009, khi kiểm điểm 2 năm công tác học tập của tòan đảng, Nông Đức Mạnh, đã nhìn nhận: “Trong một số hoạt động triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, nói chung chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên; hoạt động của ban chỉ đạo các cấp chưa đồng đều. Việc tổ chức học tập các chủ đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số nơi, một số doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt, còn tình trạng làm qua loa, đại khái, chiếu lệ, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Việc cụ thể hóa, xây dựng các chuẩn mực đạo đức phù hợp với ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị ở nhiều nơi do chưa được quan tâm đúng mức. Việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân với tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức còn lúng túng, chưa có tác dụng thiết thực. Việc tổ chức Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có nhiều kết quả, nhưng còn có biểu hiện phô trương, hình thức, nặng về biểu diễn, "sân khấu hóa", tác dụng thực tiễn hạn chế và gây tốn kém.” Trong lời phát biểu ngày 6/7 (2009), Mạnh lại yêu cầu: “ Cuộc vận động phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, là nội dung quan trọng xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng Đảng.... Trong cuộc vận động thì học tập và làm theo không thể tách rời để dần tạo ra sự thống nhất về nhận thức, hành động tiến tới các hoạt động trong xã hội đi vào nền nếp theo tấm gương của Bác là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Nhưng “tấm gương” này có được đảng thực hành khi Hồ Chí Minh còn sống không, hay đó chỉ là những chữ viết trong Di chúc ngày 10-5-1969 của họ Hồ? Hồ nói : “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.” Điểm cốt lõi này của “Di chúc” mà đảng CSVN nói do chính tay Hồ Chí Minh viết và sửa đi sửa lại nhiều lần từ năm 1965 đã sử dụng để tuyên truyền và giáo dục cán bộ, đảng viên từ sau ngày Hồ chết. Theo Bộ Chính trị khóa VI thời Nguyễn Văn Linh, thì Hồ Chí Minh chết đúng vào ngày Lê Độc lập 2 tháng 9 năm 1969. Nhưng tại sao Bộ Chính trị thời Lê Duẩn lại công bố thời gian chết vào ngày 3/9/1969? Hãy nghe Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư đảng Khóa VI giải thích trong Thông báo số 151/TB-TƯ của Bộ Chính trị, ngày 19-8-1989 : “Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, ngày Quốc khánh của nước ta. Để ngày Bác mất không trùng với ngày vui lớn của cả dân tộc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định công bố Chủ tịch Hồ Chí Minh mất vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 3-9-1969. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) cho rằng nay cần công bố lại đúng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.” Có ai làm chứng được sự trùng hợp “kỳ dị” này không, hay đây chỉ là hành động chính trị của nhóm Nguyễn Văn Linh nhằm “thần thánh hóa” con người đã có quá nhiều huyển thọai không thật như Hồ Chí Minh? Nói theo đảng CSVN thì Di chúc của họ Hồ sẽ được tròn 40 năm vào ngày 2/9/2009 và đó là lý do khiền họ phải làm rùm beng lên tính kỳ diệu và gía trị của nó để tổ chức kỷ niệm. Trong Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 02/7/2009 của Ban Bí thư về việc tổ chức kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc, đảng CSVN đã để lộ ra nhiều chuyện “cười ra nước mắt”, nhất là về mặt xuống cấp tư tưởng, tình trạng suy đồi đạo đức của số không nhỏ cán bộ, đảng viên và sự sợ hãi cho thần tượng Hồ Chí Minh bị xóa mờ. Chỉ thị viết : “Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đầy lùi; các thế lực thù địch đang gia tăng chống phá sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của dân tộc ta, mưu toan xóa bỏ nền tảng tư tưởng và phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ lãnh tụ, hạ bệ thần tượng, chống phá cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X và tiến tới Đại hội XI của Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng triển khai tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ngày Lễ lớn của đất nước.” Về công tác tuyên truyền, giáo dục, Chỉ thị ra lệnh : “ Tuyền truyền sâu rộng về đạo đức cách mạng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những giá trị tư tưởng chính trị, lịch sử, văn hóa kết tinh trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ động đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. ..Nêu bật những thành tựu của cách mạng Việt Nam trong 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: về sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ...đẩy lùi suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng, cơ hội, lối sống thực dụng...” Vậy “các thế lực thù địch” có bịa ra những thói hư, tật xấu của đảng CSVN không, hay đó là cái tật bẩm sinh của những người Cộng sản Việt Nam ? XUỐNG CẤP RA SAO ? Hãy đọc những câu chữ của Giáo sư, Tiến sỷ Trần Văn Bính viết trong Tạp Chí Tuyên Giáo ngày 15/5//2009: “Lâu nay, chúng ta đã nói khá nhiều và khá đầy đủ về thực trạng xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các hội thảo và các phương tiện thông tin đại chúng đã nói quá đầy đủ. Sự vi phạm nghiêm trọng những phẩm chất cơ bản của đạo đức xã hội: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong khi cả xã hội ra sức tiết kiệm trong sản xuất, trong tiêu dùng để làm lợi cho gia đình và cho xã hội, thì bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái lại tìm cách lãng phí thời gian và của cải của xã hội. Họ tìm cách đục khoét và tiêu xài hoang phí tài sản công. Họ không hề nghĩ rằng tài sản đó là mồ hôi nước mắt của nhân dân làm nên. Bằng tiền của mà họ có được một cách phi pháp bằng các ngón xoay xở và những phi vụ mờ ám, họ mua đất, mua nhà, sắm ô tô,… hoặc chạy theo các cuộc chơi xa hoa trụy lạc. Do chạy theo lợi ích cá nhân, những cán bộ đảng viên suy thoái đạo đức đã trở thành những kẻ vô liêm sỉ và bất chính. Phương châm sống của họ là tận dụng mọi thời cơ và điều kiện để đục khoét mọi tài sản của xã hội. Khi có quyền lực trong tay, họ dùng quyền lực để trả ân, báo oán. Họ cân nhắc, đề bạt những người cùng phe cánh, và tìm cách loại bỏ những người chính trực. Đối với họ, tiêu chuẩn để được đề bạt và sử dụng không phải là tài, đức, mà là có giúp họ đạt được các tham vọng cá nhân không. Có lẽ đây là vấn đề đầu tiên cần đề cập đến, bởi vì khi một con người đã vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức bình thường, thì làm gì có đạo đức cách mạng được.” Giáo sư Bính viết tiếp : “Những cán bộ đảng viên suy thoái đã giải quyết các mối quan hệ trên một cách đảo ngược. Đối với cá nhân, họ tư kiêu, tự mãn, lười học tập, thích sống xa hoa đồi trụy. Đối với các đồng chí của mình, họ luôn đố kỵ, ghen ghét, giấu diếm các khuyết điểm của mình và sẵn sàng bịa đặt vu khống người khác. Đối với công việc, họ vô trách nhiệm, làm chăng hay chớ. Đối với nhân dân, xa cách, vô cảm đối với những thiệt thòi, bất hạnh của người dân. Đối với Đảng, họ không trung thực, lừa dối Đảng, lợi dụng Đảng để mưu cầu danh lợi… Như vậy, từ sự suy thoái về đạo đức đã biến thành sự suy thoái, đầu cơ về chính trị. Kẻ suy thoái đạo đức đã biến thành kẻ thù của cách mạng, của Đảng, của nhân dân...” Tuy ông Giáo sư Bính không đưa ra số người trong đảng nằm trong hàng ngũ xấu xa này là bao nhiêu, nhưng chắc là không ít nên vào ngày 21/4/2009, Ban Tuyên giáo Trung ương -- Cơ quan có nhiệm vụ giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên – đã phải tổ chức Cuộc Hội thảo về đề tài.“ “Những giải pháp và điều kiện thực hiện phòng chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên” Tạp chí Tuyên giáo cho biết : “ Gần 10 ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn những vấn đề đòi hỏi cả lý luận và thực tiễn cần lý giải để tìm ra nguyên nhân căn bệnh suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những vấn đề : Những đánh giá trong các văn kiện của Đảng về tình trạng sa sút phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên; những biểu hiện của sự suy thoái, mức độ, tính chất của sự suy thoái; những điều kiện để phòng, chống suy thoái; đặc biệt các ý kiến thảo luận khá sôi nổi về các nguyên nhân và giải pháp nhằm khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên...” Từ suy thóai đạo đức, tư tưởng, việc tiếp tục để cho tham nhũng lan nhanh trong đảng cũng đang làm cho đội ngũ lãnh đạo bối rối. Trong vòng vài năm qua, Nhà nước luôn miệng nói Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những “kết qủa bước đầu”. Nhưng Luật chống Tham nhũng đã có từ năm 2005 mà tới năm 2009 chỉ đi được một bước thì đến bao giờ mới đi được bước thứ hai? Như vậy, nếu công tác chống Tham nhũng tiếp tục rùa bò như hiện nay thì dễ gì đảng CSVN có thể chận đứng được tình trạng cán bộ, đảng viên không còn muốn nghe ai nói đến Chủ nghĩa Cộng sản nữa?
|