CSVN đồng thuận với ai, đồng thuận cái gì? |
Tác Giả: Phạm Trần | |||||
Chúa Nhật, 04 Tháng 10 Năm 2009 20:22 | |||||
Hoa Thịnh Ðốn - Ở Việt Nam bất cứ chuyện gì cũng có thể biến thành phong trào để thi đua vì nói không thôi cũng có thể hái ra tiền và còn là dịp, nếu gặp may, được thăng quan tiến chức.
Vì vậy mà trong thời gian 6 tháng cuối của năm 2009, mọi người đã phải nghe đến ngẹt lỗ tai hai nhóm chữ “đồng thuận”và “phản biện” trong xã hội của Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam và của các cán bộ, đảng viên cấp dưới. Trước hết, hãy nghe Nông Ðức Mạnh kêu gọi: “Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, thực hiện đại đoàn kết từ cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư đến toàn dân, toàn quân trên phạm vi toàn quốc.” (Trích diễn văn tại buổi khai mạc Ðại Hội Ðại Biểu Toàn Quốc lần thứ VII Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam ngày 28 Tháng Chín, 2009 tại Hà Nội). Nhưng tại sao phải “tăng cường” cả “đoàn kết” và “đồng thuận” trong xã hội từ hạ tầng cơ sở và trong tất cả 54 cộng đồng dân tộc đang sống trên lãnh thổ Việt Nam? Người ta chỉ “tăng cường” khi chưa đủ, nhưng việc nước mà dân chưa đoàn kết và chưa đồng thuận với chính phủ thì nhà nước này phải có vấn đề. Một là dân không muốn tiếp tục để cho nhà nước nắm đầu, bảo sao nghe vậy. Hai là dân không tán thành những việc làm của chính phủ. Ở các nước dân chủ tân tiến, nhà nước đối thoại với dân qua các cuộc gặp trực tiếp, tiếp nhận ý kiến bằng thư từ, hay gián tiếp qua các đại biểu của dân và qua báo chí. Nhưng những việc này không xảy ra ở Việt Nam vì đảng độc tài, nhà nước độc quyền, cán bộ coi dân như rơm rác và đảng bắt báo chí phải chịu chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để tuyên truyền và phục vụ đảng. Do vậy, thông tin chỉ còn một chiều nên ở Việt Nam không có đối thoại, hay “phản biện” dân chủ giữa dân và nhà nước; không còn tình trạng người dân luôn luôn “một lòng, một dạ” với đảng như nhà nước tuyên truyền. Như vậy, liệu đã đến lúc đảng và nhà nước có nên cho dân biết tại sao đảng chưa đoàn kết được toàn khối 85 triệu người dân và xã hội đã “đồng thuận” được bao nhiêu phần trăm đối với các chủ trương, chính sách của nhà nước? Cả hai vấn đề này, nếu chỉ nghe nói bằng miệng thì không mấy ai để ý, nhưng nếu chịu khó bình tĩnh suy nghĩ thì khi dân chưa hoàn toàn nhất trí với nhà nước thì đảng và nhà nước này không còn được người dân tín nhiệm nữa. Có lẽ vì thế mà Huỳnh Ðảm, người tái đắc cử chức chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc khóa VII đã nói trong cuộc họp báo tại Hà Nội sau khi bế mạc hội nghị, “Muốn huy động được sức mạnh toàn dân tộc, không có cách nào khác hơn là phải phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đó cũng là ưu tiên của bản thân tôi cũng như Ðoàn Chủ Tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014. Ðồng thời, MTTQ sẽ có chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội trên cơ sở phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.” (Báo Ðiện tử VietNamNet, 30 Tháng Chín, 2009) Nhưng “phát huy dân chủ”như thế nào, trong đảng hay ngoài nhân dân? Nếu chỉ “dân chủ” trong nội bộ đảng với nhau thì nhân dân, thành phần bị cai trị, phải đứng ngoài nhìn vào. Khi nói đến nhiệm vụ giám sát, Huỳnh Ðảm khoe từ nay Mặt Trận, “Không chỉ tham gia trong quá trình xây dựng chính sách, MTTQ sẽ tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện, hoạt động của các cán bộ, công chức xem có thực sự là công bộc của dân hay không.” Ðây là một thay đổi lớn so với nhiệm vụ “giám sát” vô hiệu lực từ trước tới nay của tổ chức này. Theo Luật Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam ngày 12 Tháng Sáu, năm 1999 thì tổ chức này có nhiệm vụ: “Giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với đảng và nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.” (Ðiều 2), nhưng trong thực tế tổ chức này không làm được việc gì, nhất là trong lĩnh vực chống tham nhũng. Các ý kiến hay kiến nghị của dân gửi cho đảng qua tay cán bộ của Mặt Trận, hay của chính Mặt Rrận, thường bị “ngâm tôm”vì nhiều cấp lãnh đạo trong Mặt Trận cũng là những đảng viên cao cấp nên giao việc giám sát nhà nước cho Mặt Trận cũng giống như giao quyền trọng tài cho một cầu thủ mà người trong nước gọi là “vừa đá bóng vừa thổi còi.” Tiếp tục suy thoái Ðó cũng chính là sự thừa nhận của Nông Ðức Mạnh trong diễn văn ngày khai mạc hội nghị, 28 Tháng Tám, 2009. Mạnh nói, “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu vẫn còn nghiêm trọng. Một số nội dung trong chính sách xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác dân vận, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt Trận, các đoàn thể chính trị-xã hội còn có mặt chậm đổi mới, có biểu hiện hành chính hóa và hình thức chủ nghĩa. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo còn hạn chế.” Tại sao Mạnh lại nhắc lại những thiếu sót này của đảng? Bởi vì đảng hay Mặt Trận cũng là một và nhà nước hay đảng cũng là một nên tuy là 3 thành viên, nhưng lại cùng ở trong một tổ chức đảng nên Mạnh muốn chia bớt gánh nặng khiếm khuyết cho Mặt Trận để nhẹ phần trách nhiệm của cá nhân mình. Vì vậy Mạnh hứa với Mặt Trận là sẽ, “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.” Mạnh còn kêu gọi Mặt Trận, “Tổ chức và hướng dẫn nhân dân phát huy quyền làm chủ, chủ động và tích cực tham gia xây dựng đảng, nhà nước trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cơ sở; củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa ÐẢNG, NHÀ nước với nhân dân, góp phần cùng các tổ chức đảng tạo ra sự chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân... cùng các cơ quan xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng quy định của pháp luật.” Khi Mạnh kêu gọi Mặt Trận “thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội” thì Mạnh lại quên chính đảng và nhà nước đã không thèm để ý đến thái độ chống khai thác Bauxite tại Tây Nguyên của nhiều chục ngàn công dân trong và ngoài nước, trong đó có cả những trí thức, nhà khoa học, chuyên gia các ngành, các nhà văn hóa, sinh viên, tu sỹ, học sinh cho đến Tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những công thần hàng đầu của đảng CSVN. Mạnh còn dung túng để cho tay sai đó đây viết bài mạ lỵ, chụp mũ những ai lên tiếng bảo vệ tài nguyên và chủ quyền quốc gia. Thậm chí Mạnh đã để cho lực lượng công an truy bắt những thanh niên, thiếu nữ, các ông già, bà cả và thiếu niên xuống đường chống Tầu có âm mưu mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam để chiếm các đảo của Việt Nam ở biển Ðông, đặc biệt là Trường Sa, sau khi đã chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Tệ hại hơn, Mạnh đã để cho Ban Tuyên Giáo và một số sĩ quan trong quân đội thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Quân Sự-Bộ Quốc Phòng viết bài chụp mũ những người chống khai thác Bauxite và cảnh giác hiểm họa Trung Hoa bành trướng lãnh thổ là nằm trong điều được gọi là “âm mưu diễn biến hòa bình” của các “thế lực thù địch” chống “nhân dân” và “tổ quốc”! Ðiều này đã giải thích tại sao trong xã hội Việt Nam ngày nay không có sự “đồng thuận” giữa người dân và thành phần cai trị để xây dựng Việt Nam thành một nước giàu mạnh, dân chủ và văn minh.
|