Chế độ gia đình trị của Cộng sản |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc | |||
Chúa Nhật, 04 Tháng 10 Năm 2009 20:37 | |||
Nói đến chế độ gia đình trị ở Việt Nam, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến chế độ Ngô Đình Diệm: Ngô Đình Diệm là Tổng thống, một người anh của ông là vị lãnh đạo tôn giáo (Giám mục Ngô Đình Thục), một người em là cố vấn chính trị (Ngô Đình Nhu), một người em khác tuy không có chức vụ gì cụ thể nhưng lại nắm quyền sinh sát gần như toàn bộ mấy tỉnh miền Trung (Ngô Đình Cẩn); và một người em dâu đầy quyền lực, được xem là lãnh tụ của nữ giới (Trần Lệ Xuân).
Hình như chưa ai nói chế độ cộng sản là chế độ gia đình trị. Tuy nhiên, theo tôi, bản chất của chế độ cộng sản là một chế độ gia đình trị. Tính chất gia đình trị ấy không nằm ở chỗ cha truyền con nối hay chia ghế chia quyền cho anh em, bà con ruột thịt. Hiện tượng ấy, dưới chế độ cộng sản, có; nhưng nó không quá nổi bật và cũng không quá lộ liễu. Khi nói chế độ cộng sản là một chế độ gia đình trị, tôi nghĩ đến một khía cạnh khác, theo tôi, sâu hơn và thâm độc hơn, đó là: ngay lúc mới giành được chính quyền, cộng sản đã có âm mưu biến cả nước thành một gia đình để dễ cai trị. Âm mưu gia đình hóa xã hội ấy có thể được nhìn thấy dễ dàng qua cách xưng hô. Ai cũng biết, trong tiếng Việt, các đại từ nhân xưng mang tính chính trị rất rõ. Với nhiều ngôn ngữ khác, bao gồm hầu hết các ngôn ngữ Tây phương, nói, trước hết, là xác định tư thế hành ngôn: người nói (ngôi thứ nhất), người nghe (ngôi thứ hai) và người được đề cập đến (ngôn thứ ba). Hết. Bất cứ ai nói, từ Tổng thống đến dân quèn, bất kể địa vị sang hèn hay tình cảm yêu ghét, đều xưng giống nhau (ví dụ trong tiếng Anh là “I”, tiếng Pháp là “Je”). Người nghe cũng thế: Ai cũng là “you” hay “tu” hoặc “vous”. Tiếng Việt thì khác. Xưng hô, với người Việt Nam, thật ra, là diễn xuất, ở đó, người ta đóng một vai nhất định trong màn kịch xã hội. Có những vai được chỉ định, gắn liền với những quan hệ cố định (ví dụ: con cái nói chuyện với bố thì bao giờ cũng gọi là “bố”/ “cha”/ “ba”/ “tía”, v.v... và xưng “con”; nói chuyện với mẹ thì gọi là “mẹ” / “má”, v.v... và cũng xưng “con”. Sự thay đổi trong một số từ vựng ở đây là do phương ngữ, chứ không do sở thích). Ngược lại cũng có những vai được lựa chọn, gắn liền với một ý đồ nào đó (Ví dụ khi muốn khẳng định quyền lực với ai thì xưng “tôi” oặc “ông” / “bà”; khi muốn nịnh bợ ai thì xưng “em” / “con” / “cháu”, v.v...). Nếu loại vai chỉ định chỉ gắn liền với thân tộc, một yếu tố nền tảng trong xã hội và văn hoá Việt Nam thì loại vai được lựa chọn lại có tính chính trị rõ rệt. Nói, ở đây, không phải chỉ là thông tin suông mà còn là khẳng định một mối quan hệ; không phải chỉ là quan hệ cá nhân mà còn là quan hệ quyền lực gắn liền với vị thế xã hội mang tính đẳng cấp. Ví dụ: Thử đọc một đoạn đối thoại trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan: Vừa bước xuống xe, quan đã cau có hỏi lý trưởng: - Thiếu bao nhiêu? - Lạy quan lớn, chín mươi bảy đồng. Quan gắt: - Chúng mày trễ nãi công việc, liệu không ông cách cổ hết. Bảo tuần vào từng nhà bắt trâu bò giải ra đình cho tao. Cả tụi hương lý, ai cũng có trâu, nên sợ hãi, đưa mắt cho lý trưởng. Lý trưởng xun xoe thưa: - Bẩm trâu bây giờ không còn con nào ở nhà, làm ngoài đồng cả từ sáng. Chánh hội tâng công: - Lạy quan lớn, để con bảo khán thủ đánh mõ gọi về. Quan thì xưng “ông” và gọi những người đối thoại là “mày” hoặc chỉ nói trống không; còn các hương lý thì cứ khúm núm “lạy quan lớn” và xưng “con”. Nhưng dường như trong lịch sử Việt Nam, không ai sử dụng hệ thống đại từ nhân xưng như một hành vi chính trị một cách tự giác cho bằng đảng Cộng sản. Dưới chế độ của họ, mọi kẻ thù đều là “thằng” hay “con”, từ “thằng” Ngô Đình Diệm đến “con” Ngô Đình Nhu, từ “thằng” Trần Dần đến “con mụ” Thuỵ An. Với chữ “thằng” hay “con” ấy, người ta xếp đối thủ vào những thành phần hạ cấp và chưa trưởng thành trong xã hội; nói cách khác, họ kết án tử hình nhân cách và nhân vị của đối thủ. Đó là với kẻ thù. Với phe ta thì khác. Nếu với đối thủ, người ta loại trừ thì với người cùng phe, người ta nối kết lại. Có hai cách nối kết. Một, ở phạm vi lý tường, mọi người được xem là “đồng chí” của nhau. Hai, ở phạm vi tình cảm, cách tốt nhất là biến mọi người thành những thành viên trong gia đình. Ở phạm vi thứ hai, ông Hồ Chí Minh đi tiên phong, đóng vai “Bác”. Thật ra, hình như mất mấy năm sau 1945 ông Minh mới nhận ra cai vai trò mới này. Thoạt đầu, lúc mới lên nắm chính quyền, ông chỉ đóng vai “Cụ”. Trong bài “Tâm tình về cụ Hồ” đăng trên tạp chí Xưa và Nay (6/2003), Trần Văn Giàu kể, vào cuối năm 1945, lúc ông được triệu tập ra Hà Nội: “Nhớ đời, phút đầu tiên, gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (hôm đi Bắc bộ phủ), tôi được Cụ ‘chỉnh’» cho một trận. Chủ tịch bắt tay tôi. Tôi nhanh miệng nói ‘Chào anh, anh mạnh giỏi’ thì Chủ tịch vừa siết chặt tay tôi, vừa đưa một ngón tay lên môi, mỉm cười nói : ‘Nên nói chào Cụ nghe, đừng nói chào anh, có biết tại sao không?’ Tôi hiểu ngay; ở đây đông khách, xưng hô theo lối đồng chí trong nội bộ với nhau, là bất lịch sự.” Sau khi trích dẫn đoạn văn trên của Trần Văn Giàu, Bùi Trọng Liễu nhận định thói quen gọi Hồ Chí Mính là “Bác” chỉ bắt đầu từ sau năm 1950. “Hình như sau 1950, cách xưng hô bằng ‘Bác’ mới phổ biến. Cũng có thể là mấy năm kháng chiến gần gụi với những người cộng tác, cách xưng hô ‘gia đình’ dần dần cũng trở thành thói quen chăng (?). Rồi chữ ‘Bác’ trở thành ‘Bác’ viết hoa. Ông Cù Huy Cận trong bài trả lời phỏng vấn về cái vụ ‘ấn kiếm’ hồi vua Bảo Đại thoái vị 1945 (nay tôi không nhớ xuất xứ) cũng kể rằng bắt đầu 1950 mới gọi Cụ bằng Bác.” Tôi không tin chuyện xưng “Bác” chỉ xuất phát từ thói quen “gần gụi” trong mấy năm kháng chiến. Tôi nghĩ đó là biểu hiện của một chiến lược mới trong việc xây dựng hình ảnh Hồ Chí Minh trong lòng quần chúng. Có lẽ một lúc nào đó Hồ Chí Minh nhận thấy chữ “Cụ” không đủ mạnh: Nó chỉ dựa chủ yếu trên tuổi tác, nhưng nó lại mắc khuyết điểm là gợi nhớ đến giới quan lại cách đó chỉ mới có mấy năm, với những “cụ Thượng” (thư), “cụ Tổng Đốc”, v.v... đầy dẫy. Chắc chắn là Hồ Chí Minh không muốn đứng ngang hàng với các “Cụ” quan lại dưới triều nhà Nguyễn. Ông có tham vọng lớn hơn nhiều. Ông chỉ muốn làm Cha của cả nước. Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch Trung Hoa năm 1949, Hồ Chí Minh (dưới bút hiệu Trần Dân Tiên) tự nói về mình trong ngày tuyên bố Độc lập vào đầu tháng 9 năm 1945: “Trong buổi lễ trang nghiêm này, người người chờ đợi một vị Chủ tịch, một lãnh tụ. Người ta nghĩ rằng: Người mà chúng ta chờ đợi nhất định không phải như một hoàng đế ngày xưa mặc áo hoàng bào, thắt đai khảm ngọc, nhưng nhất định là một vị lãnh tụ nước nhà ăn mặc chỉnh tề, một người đi đứng đường hoàng, ăn nói trang trọng, nói tóm lại là một nhân vật rất nhiều điều đặc biệt. Với sự tưởng tượng như thế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân sớm biết mình là bị lầm. Trông thấy Chủ tịch đến, nhân dân nhận thấy Hồ Chủ tịch giản dị, thân mật như một người cha hiền về với đám con.” Rồi ông kể tiếp: “Khi Chủ tịch bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn độc lập giọng sang sảng của Chủ tịch còn nhắc lại rừng núi xa xăm, chiến tranh du kích. Đọc xong một đoạn và giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt, Chủ tịch nói: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Câu hỏi giản đơn này làm tiêu tan tất cả những gì còn xa cách giữa Chủ tịch và nhân dân, và làm thành một mối tình thắm thiết kết chặt lãnh tụ và quần chúng. Với câu hỏi lạ lùng nay, không một ai ngờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trừ bỏ tất cả lễ tiết, tất cả hình thức, Chủ tịch trở thành "Cha Hồ" của dân tộc Việt Nam. "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", tất cả quần chúng cảm thấy sâu sắc lòng thương yêu của một người Cha, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quần chúng, với nhân dân. Rồi ông lại viết tiếp: “Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha già Hồ Chí Minh. Nhưng đối với chúng ta, người Việt Nam, thì rất dễ hiểu.” Cuối cuốn sách, Hồ Chí Minh kết luận: “Nhân dân gọi Chủ tịch là Cha già của dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tổ quốc Việt Nam.” Rõ ràng, không phải một lần mà là rất nhiều lần, trong cuốn sách, Hồ Chí Minh nhấn mạnh hình ảnh “Cha già”. Đó là một hình ảnh trung tâm, mang tính chiến lược mà ông muốn sử dụng để đi vào quần chúng và để còn lại trong lịch sử. Muốn đóng vai “Cha già” của dân tộc, nhưng chữ “cha già” lại không thể dùng để xưng hô được. Hồ Chí Minh chọn chữ “Bác”. “Bác” lớn hơn “cha” nhưng lại gần gũi thân mật chứ không xa cách như là “Ông”. Giải quyết chuyện mình xong, Hồ Chí Minh giải quyết cách xưng hô của đám đàn em: Tất cả đều là anh chị hết. Thoạt đầu, những cán bộ chung quanh Hồ Chí Minh đều được gọi bằng bí danh: anh Văn (Võ Nguyên Giáp), anh Tô (Phạm Văn Đồng), anh Thận (Trường Chinh), anh Lành (Tố Hữu); sau phần lớn theo số thứ tự trong gia đình như anh Ba (Lê Duẩn), anh Sáu (Lê Đức Thọ), anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), v.v... (Xin lưu ý: Cách gọi tên theo thứ tự trong gia đình này xuất hiện khá muộn và gắn liền với các cán bộ gốc miền Nam hoặc hoạt động lâu năm ở miền Nam. Có lẽ đó là do ảnh hưởng của Lê Duẩn?) Với hệ thống xưng hô như vậy, giới lãnh đạo cộng sản xuất hiện trước quần chúng như những người trong nhà. Người này là “Bác”, người kia là “anh”, người nọ là “chị”, còn những người khác là “chú”, là “cô”, v.v... Ngày xưa, các triều đình phong kiến sử dụng hệ thống xưng hô để giai cấp hoá xã hội: Vua chúa có kiểu xưng hô khác; quan lại có kiểu xưng hô khác; và dân chúng có kiểu xưng hô khác. Tuyệt đối không có sự nhập nhằng. Cộng sản đi ngược lại khuynh hướng giai cấp hoá ấy. Họ gia đình hoá toàn bộ cơ chế chính trị của cả nước. Tất cả đường như là anh em một nhà (trừ kẻ thù, những kẻ bị xem là “thằng” / “con”, dĩ nhiên!). Với chiến lược gia đình hoá chính trị ấy, Cộng sản tận dụng được hầu hết các truyền thống văn hoá của người Việt Nam: truyền thống coi trọng gia đình và huyết thống, truyền thống coi trọng người lớn tuổi trong dòng họ, truyền thống đề cao chữ hiếu, coi trọng sự hoà thuận. Họ cũng tận dụng được những ảnh hưởng của Nho giáo vốn lúc nào cũng đề cao lòng trung hiếu. Chiến lược ấy không những giúp họ dễ dàng đi vào quần chúng mà còn giúp họ triệt tiêu được những mầm mống phản kháng và bất phục tùng từ dân chúng. Chống lại Hồ Chí Minh hay bất cứ một lãnh tụ nào khác, do đó, không phải là bất trung (chống lại lãnh tụ) mà còn bị xem là bất hiếu (chống lại Bác hay Cha) và bất nghĩa (chống lại người trong gia đình). Chiến lược ấy giúp đảng Cộng sản nắm và duy trì quyền lực. Nhưng lại là một trở ngại lớn trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đó là một đề tài khác. Từ từ sẽ bàn sau. Nguyễn Hưng Quốc
|