Tai họa đến từ Trời và từ Người |
Tác Giả: Nhật Hiên/ RFA | |||
Thứ Bảy, 17 Tháng 10 Năm 2009 09:08 | |||
Hầu như năm nào Việt Nam cũng bị bão. Tháng 9 năm nay cơn bão số 9 (còn gọi là bão Kesana) đã quần thảo tan hoang mấy tình miền Trung, làm chết hơn 190 người, và thiệt hại lên đến 597 triệu đôla. Bão Ketsana thổi vào Đà Nẵng hôm 29-9-2009, gây mưa to gió lớn, nước lụt dâng cao. Bão… tố Cơn bão đi qua nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, những vấn đề tồn đọng và những bài học cần phải rút ra từ sau cơn bão để những điều này đừng lặp lại trong tương lai môt lần nữa. Đây cũng là ý chính được đề cập đến không chỉ trong các bài báo chính thức mà cả trong nhiều bài viết của những nhà dân báo-các blogger. Từ những thông tin trên báo VietnamNet, blogger Vũ Mạnh Cường bình về cung cách làm ăn gian dối trong ngành xây dựng đã bị lộ ra qua cơn bão: “ Các cụ nhà ta có câu "cháy nhà mới ra mặt chuột". Nay bão to "lật mặt" những vụ làm ăn gian dối.”. Blogger Hiệu Minh trong bài “Bão… tố”, một cách chơi chữ vừa là bão tố vừa là cơn bão tố cáo, cũng viết: “Cơn bão số 9 đã làm lộ ra nhiều chuyện làm ăn hay quản lý bất cập, mà vào lúc gió yên biển lặng, không ai có thể biết được những cơn sóng ngầm phá hoại âm ỉ phía dưới. Như VietnamNet đưa tin, “nhờ” bão, người dân Đà Nẵng phát hiện bờ kè ven biển, trụ điện… còn dễ ngã đổ hơn cả hàng rào bằng tôn. Kè được xây bằng các khối bê tông gồm đá dăm, đá hộc “kết nối” với nhau bằng xi măng, không có chút lõi sắp thép. Sóng lớn tràn qua, từng khối bê tông “được” bóc ra dễ dàng. Những cột điện được chôn không móng, gió cấp 10 đi qua, chúng đổ như rạ.” Rồi nạn phá rừng: “Nếu nghe các báo cáo thì đều đánh giá rằng tình trạng khai thác gỗ lậu đã… giảm. Nhưng gỗ trôi che kín mặt sông mới “lộ” ra, tình trạng khai thác rừng bừa bãi đang xảy ra ngoài tầm kiểm soát”… Ngoài sự thiệt hại về nhà cửa, tài sản, mùa màng… sự tổn thất về nhân mạng trong mỗi lần bão lụt luôn luôn là điều day dứt nhất. Bản tin ngày 30.9.2009 Có thể đọc thấy trong báo chí và trong các bài viết của các blogger sự ưu tư và cả sự phẫn nộ về trách nhiệm của những người có liên quan, trong đó có sự dự báo thiếu chính xác của đài khí tượng khiến một số tàu hoặc thong thả chưa vội quay về nhà ngay hoặc lao thẳng vào tâm bão để rồi vĩnh viễn không trở về… Điều này khiến người ta nhớ đến cơn bão Linda năm 1997 cả tình Cà Mau bị tàn phá nặng nề, số người chết, bị thương và mất tích hơn 3000 người, 10000 người mất nhà cửa, sự thiệt hại nặng nề này lẽ ra có thể giảm bớt nếu vào thời điểm đó đài khí tượng của ta dự đoán chính xác hơn và sớm hơn để người dân ở trên bờ và nhất là ngoài khơi có thể kịp trở tay. Cũng trong bài “Bão… tố”, Hiệu Minh bàn về vấn đề nhân tâm: “Mất 587 triệu đô la qua một trận bão. Nếu dùng 1/5 khoản đã mất đó để đầu tư cho khí tượng thủy văn thì biết đâu thiệt hại ít hơn nhiều. Mỗi dự báo của họ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người. Và cuối cùng, cơn bão cũng chỉ ra rằng, nhân tâm quyết định tất cả. Tâm và tầm của người lãnh đạo càng quan trọng hơn. Khi người ta nghĩ đến đồng loại chắc không còn tìm cách đổ lỗi cho nhau. Ai đó nói rằng “Người chết cũng đã chết, nhà sập cũng đã sập. Việc truy cứu ai đúng, ai sai không còn cần thiết bằng khắc phục thiệt hại và ổn định cuộc sống” hay “Bão quét mấy trăm km, cãi nhau về tâm để làm gì”. Điều đó đúng nhưng mới chỉ đúng một nửa, vì chẳng thể làm như người Trung Quốc, tìm ra ai có lỗi để phạt. Bàn chuyện tâm bão nằm ờ đâu thì cũng muộn rồi, nhưng bàn về nhân tâm vẫn có thể được”. Cũng là chuyện đổ lỗi cho nhau này, Blogger Trương Duy Nhất viết : « Mấy ngày qua, báo chí đưa tin ông Bí thư tỉnh Quảng Ngãi và ông Dự báo thời tiết cãi tranh nhau chuyện “thằng nào có lỗi” trong việc dự báo sai. Đọc báo, nghe các ông lên báo lên đài cãi nhau ỏm tỏi mà buồn, bực và… điên tiết. Dân đang đói khát, chết chóc tang thương, không phải là lúc để các ông ngồi ưỡn bụng trên ti vi cãi nhau xem “thằng nào chịu trách nhiệm” và “thằng nào thương dân hơn thằng nào”. Làm quan cỡ ấy- vứt! Bão và Bệnh Trong khi đó, bàn về « Bão và căn bệnh hành chính » nhà báo Đức Hiển tức blogger Bố Cu Hưng cho rằng cần khắc phục trước hết là bệnh chủ quan, bởi vì “Dự báo, dù cố gắng chính xác và khoa học nhất vẫn sẽ có những cự ly so với diễn biến bất thường của thiên nhiên. Điều có thể khắc phục là bệnh chủ quan và quan liêu, để chủ động ứng phó. Trách nhiệm, không nên bao giờ cũng lệ thuộc vào dự báo và mệnh lệnh hành chính”. Hội An 30-9-2009: nước lụt dâng cao sau bão, cả gia đình phải tạm leo lên nóc nhà lánh nạn. Một chuyện khác cũng trở thành câu chuyện thời sự ở tỉnh Quảng Nam là việc thuỷ điện A Vương xả lũ ngay vào thời điểm đang có bão lụt khiến đỉnh lũ vượt rất xa các đỉnh lũ lịch sử gần 2 m nước, uy hiếp nghiêm trọng đến tinh mạng của hàng trăm nghìn hộ dân vùng hạ lưu, đều là những bài học xương máu phải rút kinh nghiệm. Sau cơn bão, cư dân trên mạng lại vận động nhau góp tiền cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt. Hưởng ứng lời kêu gọi của trang bauxite vietnam, một lá thư kêu gọi cứu trợ bão lụt từ cộng đồng người Việt hải ngoại đã được đăng tải trên trang bauxitevietnam, và một Tiểu ban cứu trợ bão lụt của bauxite vietnam đã được thành lập. Rất nhiều người đã tham gia vào các hoạt động xã hội của « báo chí lề bên trái » này thay vì gửi tiền cho các cơ quan hội đoàn của Nhà Nước như trước kia. Có lẽ họ cũng có chung niềm lo ngại như blogger-BS Hồ Hải đã viết trong entry của mình: “Hàng năm, cứ mỗi lần mùa mưa bão đến tôi có hai điều lo lắng. Điều lo lắng đầu tiên là năm nay các cơn bão có đủ mạnh để làm hủy hoại đời sống dân mình không? Điều thứ hai tôi lo lắng là các gói hỗ trợ bão lụt có đến được tay người bị thiên tai gây ra không? Hôm nay, đọc trên báo thấy có việc Chính phủ xuất 460 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng bão lụt. Ngoài ra, có hàng nghìn tỷ đồng được phát động qua hệ thống thông tin truyền thông trong vài ngày qua mà hôm nào trong tin thời tiết của đài truyền hình VTV cũng cho chạy hàng chữ đóng góp. Quản lý là ông việc của các quan, không phải là của người dân như tôi. Nhưng, những người dân như tôi vẫn mong sao các quan quản lý tốt số tiền của lòng tử tế ở mọi công dân, đoàn thể đã quyên góp đến tận tay người cần”. Bão, Bắn, Cướp... Không những phải gánh chịu thiên tai bão lụt là điều mà người dân VN vốn đã phải tập làm quen bao nhiêu đời nay, giờ đây ngư dân đi biển còn phải chịu thêm cái hoạ bị bắn, bị cướp, bị bắt giữ từ những chiếc tàu “lạ” mà ai cũng biêt là không lạ! Và trong cơn bão vừa rồi, khi 17 chiếc ghe tạt vào trú bão ở quần đảo Hoàng Sa, hơn 200 con người trên những chiếc ghe này đã bị lính Trung Quốc trên đảo đánh cướp dã man. Dưới cái tít lớn “Ngư dân ta tránh bão ở Hoàng Sa bị bọn lính Trung Quốc đánh, cướp rất dã man”, blogger Anh Basàm đăng lại bài phóng sự ký sự “Trú bão: bị cướp và ăn đòn” trên báo SGTT ngày 9.10, kể lại câu chuyện đau lòng này. Nhiều bloggers vào commnent bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ. Blogger Mạnh Quân cũng đăng lại bài “Bão đuổi, phận ghe” với cái tựa châm biếm « Dân tránh bão gặp bọn cướp « lạ » và một câu bình ngắn: “Đã lụt bão, chạy không xong lại còn bị chúng nó đâm, cướp, đánh đập... Nước lớn mà hèn hạ, chó má đến thế là cùng”. Qua một cơn bão, những vấn đề muôn năm cũ của chính quyền Việt Nam từ cung cách làm ăn, quản lý, dự báo thời tiết, phòng chống bão, cứu trợ... lại một lần nữa được xới lên, bên cạnh đó là những tai hoạ mới do những kẻ lạ mà quen gây ra khiến đời sống của người dân VN vốn đã đầy lo toan, đầy bất trắc lại càng thêm khốn cùng!
|