Chó phải biết sủa |
Tác Giả: Lm Chân Tín | |||
Chúa Nhật, 25 Tháng 10 Năm 2009 13:15 | |||
“Các giám mục là những con chó biết sủa”. Ngày xưa ở thôn quê thường thì người ta nuôi chó để chúng sủa khi có người lạ đến nhà, nhất là ban đêm, sợ có kẻ trộm rình mò nhà lá nền đất để lấy tiền bạc của cải. Người ta quý chó biết sủa, chứ chẳng ai nuôi những con chó chẳng biết sủa, thấy ai vào nhà bất kỳ lạ hay quen cũng ngoắt đuôi coi như người thân của gia đình. Ngày nay, cách riêng ở thành thị, người ta nuôi những con chó nhỏ để chơi, nâng niu chúng hơn cả con người - những con chó làm kiểng, không biết sủa. Tôi nhớ không biết đọc ở đâu, một thánh giáo phụ có nói : “Các giám mục là những con chó biết sủa”. Nghe qua thì có vẻ hỗn với các ngài. Nhưng đó là chân lý. Khi nói với các tông đồ là những giám mục tiên khởi của Giáo Hội, Chúa Giêsu nói : “Anh em đừng sợ người ta …điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày, và điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà rao giảng. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết dược linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10,20-28) Ôn lại 40 năm cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam đặt chủ nghĩa vô thần duy vật trên tòan đất nước, ta thấy các giám mục Việt Nam chưa thực hiện vai trò lãnh đạo Giáo Hội, ít nhất là chưa biết sủa, chưa biết tố cáo vi phạm nhân quyền. Trái lại, các ngài chỉ là những nhân vật trang trí cho chế độ cộng sản. 1. Vào những năm đầu, Tổng giám mục Saigon đã chấp nhận sự áp đặt nhóm công giáo yêu nước vào trong ban cố vấn của Tòa Tổng giám mục. Có 6 cố vấn thì có 4 vị là của nhóm công giáo yêu nước. Đó là linh mục Phan Khắc Từ, Nguyễn Huy Lịch, Hùynh Công Minh, anh Nguyễn Đình Đầu. Các vị này luôn bảo vệ nhà nước, báo cáo với nhà nước. Còn lại 2 vị là cha Mai Xuân Hậu và Chân Tín, những người bảo vệ Giáo Hội. 2. Khi Bộ Phong Thánh nhận các thỉnh nguyện thư của Hàng Giám mục Việt Nam và khi Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II quyết định phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam vào ngày 19.6.1988, đã có giám mục ủng hộ đòi hỏi của cộng sản, xin ngưng việc phong thánh hay lọai các vị tử đạo thừa sai nước ngòai. Tôi đã có bài viết phản đối chuyện này, xin trích : “Đề nghị tách các vị tử đạo thừa sai ngọai quốc là đề nghị của những người Công giáo ‘ăn cháo đá bát’ ! … Các vị thừa sai ngọai quốc vì đức tin đã bỏ đời sống thỏai mái ở quê nhà, đi vào một nước lạc hậu để rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa. Họ đã bị bắt, bị tra tấn, bị xử tử do các vua chúa thời phong kiến. Họ đã hy sinh mạng sống cho việc rao giảng là họ tử đạo … Vì thế, người Công giáo Việt Nam đòi tách riêng người có công đem đức tin Kitô giáo cho cha ông họ là ăn cháo đá bát, là vô ơn, tạo chia rẽ trong giới Công giáo … Tôi mong Hội đồng giám mục Việt Nam đừng làm trò cười cho giáo dân cũng như cho thế giới bên ngòai khi xin Tòa thánh hõan việc phong thánh và xin tách các vị tử đạo thừa sai ngọai quốc. Thật là một trò trẻ con không thể chấp nhận được đối với dư luận quốc nội cũng như quốc tế khi Hội đồng giám mục Việt Nam đã từng phấn khởi xin phong thánh rồi bây giờ lại xin hõan, xin tách. Hội đồng giám mục Việt Nam sẽ mất hết uy tín đối với giáo dân Việt Nam cũng như đối với Giáo Hội tòan cầu. Trong tình trạng đó các giám mục sẽ không còn mấy ảnh hưởng để thúc đẩy giáo dân Việt Nam vừa hăng hái xây dựng đất nước vừa trung thành giữ vững đức tin” (Chân Tín, Nói cho con người, trang 52-54) Sau đó các giám mục mới nhất trí, không biết vì xác tín hay chỉ vì sợ mất mặt. 3. Trong một lá thư gởi Đức Hồng Y J. Etchegaray, đặc sứ của Đức thánh cha Gioan Phaolô II (8.7.1889), tôi có đề nghị việc chọn các giám mục : “Chúng con có những giám mục thánh thiện, nhưng chúng con thiếu những vị lãnh đạo kiên quyết và đồng thời chịu đối thọai, có khả năng điều hành đời sống nội bộ Giáo hội và các quan hệ với nhà nước. Dân Chúa ước mong việc chọn giám mục được căn cứ theo tinh thần Công đồng Vatican II và theo giá trị lãnh đạo tinh thần hơn là theo vẻ đạo đức và ngoan ngõan của đối tượng. Bằng không thì không thể có đổi mới cũng chẳng có lãnh đạo. Trong đời sống của Giáo hội, người ta dễ bằng lòng với một thứ đạo đức nhất định, không có chiều sâu. Trong quan hệ với nhà nước, người ta để mặc một số linh mục mệnh danh là ‘yêu nước’ xỏ mũi. Nhóm người này họat động hết mình cho cho chế độ hơn là cho Giáo hội” (Chân Tín, Nói cho con người, trang 65-66). Khi đề cập đến những vi phạm nhân quyền, trong bài giảng Giáo Hội Việt Nam sám hối (10.4.90), tôi có nói : “Trong tinh thần phục vụ con người, Giáo hội Việt Nam cần xét mình lại xem mình có thực sự và sâu xa liên đới với con người Việt Nam hôm nay ?” Sau đó, tôi đưa ra Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và cho thấy tất cả những quyền căn bản của con người mà chế độ cộng sản vi phạm trắng trợn. Tôi nói tiếp : “Giáo hội Việt Nam, trong đó có Hội đồng giám mục, các giám mục giáo phận, các linh mục, tu sĩ, giáo dân đã làm gì để lên tiếng khi thuận cũng như khi nghịch, khi âm thầm khi công khai để người ta trả lại những quyền căn bản của con người cho người Việt Nam hôm nay ? Phải nói là đau lòng khi thấy Giáo Hội quá âm thầm chịu đựng và không dám nói thẳng nói thật. Còn có linh mục vỗ ngực đại diện giới Công giáo đã vung vít tuyên bố một câu nghe xanh rờn như một lời tuyên xưng đức tin vào đảng cộng sản việt nam tại buổi họp khóang đại quốc hội (7.7.1976) : ‘Tôi xin nói lên tâm tình của một linh mục Công giáo … Báo cáo chính trị (của quốc hội) cũng làm tôi xác tín thêm hơn nữa rằng con người mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước, mà con người tin vào Chúa Kitô mãi mơ ước, con người mới đó, xã hội mới đó không thể có được nếu không có đảng lao động việt nam (đảng cộng sản việt nam) đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo và tổ chức …’. Một vị yêu nước khác lại tuyên bố nào là Nước Thiên Chúa đã đến với chế độ cộng sản việt nam, nào là đảng cộng sản việt nam tạo điều kiện cho ta giữ đạo … Trên đất nước này, người ta coi mọi nhân quyền và dân quyền là ân huệ người ta có thể ban cho, có thể giới hạn, có thể mở rộng, có thể rút lại … Giáo Hội phải đòi người ta trả những quyền căn bản của con người chứ không có vấn đề xin xỏ, năn nỉ ỉ ôi” (Chân Tín, Nói cho con người, 114-117). Người tuyên bố câu xanh rờn trên là Lm Hùynh Công Minh đã và đang làm Tổng đại diện của Tổng giáo phận Saigon, được tòan quyền bảo vệ nhà nước. Phải nói đây là sự áp đặt của chính quyền cộng sản mà người lãnh đạo giáo phận này chấp thuận chứ không có phản đối. Trong bài “Góp ý với giám mục Giáo phận Mỹ Tho”, Nguyễn An Tôn đã than phiền về sự im lặng đáng sợ đó : “Lâu nay, giáo dân chúng tôi trong cũng như ngòai nước thấy quá bất mãn vì sự im tiếng của các vị giám mục nói chung trước những vấn đề của dân tộc và đất nước Việt Nam, không riêng cho Giáo Hội, và những vấn đề về quyền sống, nhân phẩm của con người như buôn bán phụ nữ qua hôn nhân với người nước ngòai, lợi ích của người lao động trong các xí nghiệp, nhà máy, các khu chế xuất của người nước ngòai, lợi ích của người lao động, các hiện tượng rất xấu của xã hội đối với mọi tầng lớp dân chúng, đặc biệt đối với thanh thiếu niên nam nữ và tuổi đang lớn lên. Con người Việt Nam đang phải hít thở những luồng gió độc từ khắp thế giới thổi vào. Trong khi nhìn vào tầng lớp lãnh đạo tinh thần trong giáo hội, một hình ảnh trái ngược với những mảnh đời dưới đáy xã hội, sống bên lề đường, dưới các gầm cầu, trong xó chợ và trên các khu rác tanh hôi ở ngọai thành, hay với những người gọi là “dân oan” từ mọi nơi trong nước. Họ bị cướp mất nguồn sống, bị ngược đãi, bị trói tay chân như con heo bất kể tuổi tác rồi liệng lên xe bít bùng mang về địa phương. Họ thật cô đơn, không một “người Samaria nhân hậu” nào đến yên ủi họ. Xin các vị hãy can đảm nhìn thẳng vào các sự việc tại Tòa Khâm sứ, Giáo xứ Thái Hà, Nhà thờ Tam Tòa, Giáo xứ Loan lý … Tôi hòan tòan đồng ý với ông bạn Nguyễn An Tôn. Mong rằng các giám mục của ta không còn là những nhân vật xinh đẹp trang trí nhưng là những ngôn sứ biết nói để bảo vệ con người, bảo vệ người Việt Nam, bảo vệ tôn giáo, cách riêng Giáo Hội Việt Nam. Lm Chân Tín
|