Nhìn lại các nhân vật lịch sử |
Tác Giả: Bùi Bích Hà | |||
Thứ Hai, 26 Tháng 10 Năm 2009 21:41 | |||
Kẻ phản bội, trong cách nhìn của tác giả Lữ Giang, đã phản bội cái gì, phản bội ai?
Nhìn lại các nhân vật lịch sử là một việc làm bình thường trong những xã hội tự do, xuất phát từ một động cơ phức tạp, bao gồm lòng yêu nước, sự băn khoăn về những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng về một hay nhiều biến cố xảy ra vào một thời điểm nào đó, căn cứ trên sự diễn dịch tài liệu lịch sử dưới lăng kính lý tưởng với ít nhiều chủ quan của người muốn nhìn lại, được tích lũy và tôi luyện qua thời gian. Ðây là định nghĩa tích cực nhất nhưng cũng có những cách nhìn thiếu công chính, được dẫn dắt bởi tư kiến mà khi đặt vấn đề, người viết tin vào nhận định của mình dựa trên sự đồng thuận của một số người cùng quan điểm. Mục Phiếm luận trên nhật báo Việt Herald ngày 13 tháng 10 năm 2009, có khởi đăng một bài ba kỳ, nhan đề Kẻ Phản Bội, tác giả Lữ Giang, nhằm chỉ đích danh cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu của nền đệ nhị cọng hòa miền nam Việt Nam. Phần mở đầu bài viết với văn phong thô bạo, trích dẫn lời phát biểu bất xứng của vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ lúc đó là đồng minh của Việt Nam trong cuộc chiến chống cọng sản, đã gây xúc động và bất bình cho độc giả, khiến bài viết không còn mang tính xét lại lịch sử một cách trung thực mà là bản cáo trạng dành cho một người đã qua đời, không còn tiếng nói để biện minh, làm sáng tỏ sự việc. Ðể tôn trọng sự công chính cần có khi đánh giá các nhân vật lịch sử, thiết nghĩ có 2 vấn đề cần nêu ra xung quanh bài viết của tác giả Lữ Giang: 1.- Ðịnh nghĩa thế nào là Kẻ Phản Bội? Ðịnh nghĩa này có ứng dụng cho trường hợp cố Tổng Thống VNCH Nguyễn văn Thiệu hay không? 2.- Kẻ phản bội, trong cách nhìn của tác giả Lữ Giang, đã phản bội cái gì, phản bội ai? Phản bội nghĩa là bỏ lời hứa, nuốt lời thề, quay lưng lại đất nước, bạn bè, đồng chí, người tình... chối bỏ những cam kết đã làm. Nếu định nghĩa như thế, kẻ phản bội đưa đến việc mất miền Nam VN, kéo theo những hậu quả thảm khốc mà người dân miền Nam phải gánh chịu, chính là ông đồng minh siêu cường của cả cái miền Nam bất hạnh của chúng ta chứ không phải ông Thiệu. Trong hoàn cảnh “bị hy sinh” của ông Thiệu ngày ấy, ai dám vỗ ngực sẽ làm hay hơn ông Thiệu? Hay là tác giả muốn nói ông Thiệu đã phản bội cụ Diệm khi tham gia chiến dịch đảo chánh vì ông từng được cụ Diệm tin cậy, sủng ái và cất nhắc mà bây giờ thân chinh đem quân về vây khốn dinh Ðộc Lập? Một dân tộc nhược tiểu luôn có nhiều nỗi oan khiên. Học sử Việt Nam, chắc không ai quên chuyện Trọng Thủy/Mỵ Châu. Tục ngữ nước ta có câu “hùm dữ không nỡ ăn thịt con,” nhưng lịch sử ca ngợi vua An Dương Vương xuống gươm xử con gái tội chết vì cô xem trọng tình riêng hơn nợ nước. Cuối thế kỷ 20, nền đạo lý hủ nho cổ xúy nguyên tắc “trung thần bất sự nhị quân” hay “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung,” đồng hóa người lãnh đạo tối cao với tổ quốc và quyền lợi của dân tộc, đã cáo chung. Năm 1954, do sự sắp đặt của các thế lực ngoại bang, chí sĩ Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh vai trò thủ tướng dưới chính thể quốc trưởng Bảo Ðại rồi lật ngược thế cờ, thiết lập nền đệ nhất cộng hòa, trở thành vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam qua môỳt cuộc bầu cử với nhiều bất lợi cho cựu hoàng Bảo Ðại. Tầng lớp dân chúng cao niên trong đó có phụ thân kẻ viết bài này, còn chịu ảnh hưởng nho học sâu đậm, cảm thấy ngậm ngùi, chua chát, với ý nghĩ quân vương bị phản bội. Tuy nhiên, thực tế sau đó cho thấy, chính trường mở màn với kịch bản mới viết cho Việt Nam. Người Mỹ thay tay người Pháp cầợm chịch ở phía nam vỹ tuyến 17 và thông qua công cuộc giúp ổn định đời sống cho hơn một triệu người miền bắc lìa bỏ quê hương, di cư để lánh nạn cọng sản, chính phủ của cụ Diệm đã chứng tỏ một cách hùng hồn chân lý trong câu luận về thế sự “thế Chiến quốc, thế Xuân thu, thời thế thế, thế thời phải thế.” Nếu chuyện đời ví như một sân khấu (tạo hóa gây chi cuộc hí trường- bà huyện Thanh Quan,) mỗi nhân vật mang cân đai áo mão có một thời xuất hiện để đảm đương một vai trò rồi biến mất khi tấm màn nhung buông xuống, thì cụ Diệm hay ông Thiệu là những diễn viên được số phận tuyển chọn cho tấn bi kịch hai hồi, hai màn, trải dài hơn hai thập niên máu lệ đau thương, hết do mẫu quốc Pháp lại do siêu cường Mỹ đạo diễn. Cả hai đều ý thức sâu xa về vị thế của họ trong bàn tay bọc nhung của ngoại nhân, hứa hẹn nhiều bất trắc và tủi hổ, đã cố gắng mỗi người một cách, vừa đu giây với tinh, vừa lo công việc bảo quốc, an dân và xây dựng tiềm năng đất nước trong khả năng của mỗi vị. Ðau đớn thay, dù vùng vẫy cách nào, cả hai đều chịu chung một kết cuộc: bị loại bỏ không nương tay, người này không đáp ứng hướng dẫn của đạo diễn muốn thay đổi vở tuồng, người kia khi đạo diễn cần chém vè, đóng cửa, rút cầu, bỏ ngang trò chơi. Sự thực lich sử nay đã phơi bày tỏ tường. Giờ đây, quan niệm cụ Diệm phản bội Quốc Trưởng Bảo Ðại, ông Thiệu (và hội đồng tướng lãnh) phản bội cụ Diệm, là vẫn chưa nhận chân thật rõ bản lai diện mục của “bộ máy đầu não” phản bội đáng sợ, vận hành với một quyền lực vĩ đại, không phục vụ nhu cầu nào khác hơn quyền lợi của cái đất nước mà nó được sản sinh và đại diện. Giả dụ có tạm chấp nhận quan niệm mang ít nhiều cảm tính do những liên hệ ân tình khắc ghi nói trên, cả cụ Diệm lẫn ông Thiệu, khi thời cuộc đưa đẩy họ vào vai diễn, họ biết phải chấp nhận trả giá bằng chính sinh mạng của họ, thậm chí, của cả thân nhân, gia đình họ. Quyết tâm dũng cảm ấy khi tổ quốc đòi hỏi, dù không xoay chuyển được thời cơ, cũng rất đáng ngưỡng mộ. May mắn lắm nhưng cũng cay đắng lắm, ông Thiệu thoát đi, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Phần đời còn lại, như hổ mất rừng, ông sống những tháng ngày mất quê hương, anh em, chiến hữu, chịu đựng tai tiếng, gậm nhấm căm hờn và phiền muộn không cách nào tỏ lộ. Có một số thuộc cấp của ông Thiệu, cho rằng ông đã cư xử bất xứng khi ra đi, bỏ lại anh em, đồng đội sau này bị thế lực mới đầy đọa, sát hại. Họ cũng đặt câu hỏi thẳng thừng: “Sao ông không tuẫn tiết như năm vị tướng anh hùng, chiến hữu của ông, ít nhất để bảo toàn danh dự của tướng khi thành rơi vào tay giặc?” Triết gia Jean Paul Sartre có nói: “Être c’est être en situation,” con người luôn gắn liền với hoàn cảnh trong đó nó hiện diện. Xét một người, không thể tách người đó ra khỏi hoàn cảnh của họ vì như thế sẽ đưa đến những phán đoán có tính giả tưởng. Trong biến cố 30/4/75, chúng ta có 5 vị tướng tuẫn tiết, không hàng giặc và chỉ lìa bỏ thuộc cấp bằng cái chết. Toàn dân ngưỡng mộ. Thế giới ngưỡng mộ. Kẻ thù ngưỡng mộ. Thế nhưng, với tiết tháo cương cường đó, với nhân cách vĩ đại đó, nếu như các vị không lựa chọn cái chết, hẳn là khối người Việt di tản đã có được những lãnh đạo xuất sắc và đã có một bộ mặt khác. Thương tiếc người chết làm đẹp những trang sử mười phần, thương tiếc sự sống quý giá bịờ mất đi muôn vạn phần. Qua những biến động lịch sử cuối thế kỷ 20 kết thúc bằng việc mất miền Nam, bài học Lê Chiêu Thống cầu viện bắc phương được nhắc lại, tô đậm thêm, dạy cho một dân tộc nhược tiểu biết con đường duy nhất để thoát ra khỏi thân phận là tinh thần tự lập, tự cường, tạo nên sức mạnh tập thể. Sức mạnh ấy không bao giờ hình thành nếu không có nền tảng căn bản là sự đoàn kết. Tổ tiên người Việt chúng ta để lại không biết bao bài học giá trị về đoàn kết, từ câu chuyện bó đũa trong Quốc Văn giáo khoa thư đến di sản ca dao tục ngữ Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao; Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau... Ðể thực hiện đoàn kết, mỗi cá nhân cần ý thức mình chỉ là một hạt cát trong cả bãi cát, một viên gạch nhỏ nhoi trong triệu triệu viên gạch xây lên bức tường kiên cố và to lớn, cần thiết và có ý nghĩa khi hiện diện bên những viên gạch khác, ngoài ra, sẽ vô dụng khi lăn lóc một mình. Ðoàn kết là đem cái chung nhập vào cái riêng, đem tự ngã nhập vào đại ngã, trong đó, mỗi thành viên phản chiếu nhau mà cùng sáng chói. Khiêm nhượng, trung thực, trách nhiệm, kỷ luật, thương yêu và tôn trọng nhau là những yếu tố xi măng hàn gắn đoàn kết. Người viết tự hỏi có khi nào các nhà hoạt động cộng đồng hiện nay, trong cái tổ quốc VN nhỏ bé, lưu vong bên ngoài lãnh thổ, thành khẩn nhìn lại mình, xét xem đáp ứng được bao nhiêu những tiêu chuẩn công dân kể trên? Hay là vì hơn ba thập niên qua, chúng ta không có lãnh tụ nên khoảng trống này nuôi lớn tham vọng trong mỗi người? Hay là vì lần đầu tiên được sống, được nếm trải TỰ DO trong một xã hội thực sự tự do nên chúng ta lầm tưởng muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, kể cả nói và làm những điều gây thương tổn cho người khác? Chúng ta quen chỉ tay vào người bên cạnh thì làm sao thấy khuyết điểm của mình mà sửa? Có phải nỗi thất vọng triền miên vì bế tắc, trong buổi chiều tà, làm nảy sinh tâm lý bực dọc, căm phẫn, khiến nhìn đâu cũng thấy những bộ mặt đáng ghét, đáng lãnh nhận búa rìu về mỗi mỗi lỗi lầm, hoặc bé xé ra to, làm cho lớn lên hoặc ngay cả bị gán ghép? Chao ôi, vì bất cứ lý do gì, không loại bỏ lý do có cả bàn tay phá hoại của nghị quyết 36 của cọng sản, nếu người Việt hải ngoại giờ đây vẫn không nhận ra hiện tượng cộng đồng thiếu đoàn kết chính là thất bại đau đớn nhất của tất cả chúng ta trên trận tuyến chống cộng sản, nhân danh những giá trị cao quý nhất đời người thì, rõ ràng, chúng ta đã thua kẻ thù một nước cờ nữa mà lần này, làm gì còn đồng minh phản bội, cũng làm gì còn cụ Diệm hay ông Thiệu để trút tội lên đầu họ? Trở lại bài “Kẻ Phản Bội” của Lữ Giang, khi đặt vấn đề đánh giá một nhân vật lịch sử mà tiên quyết đã gán ngay cho nhân vật ấy một cái nhãn hiệu là sai ngay từ con chữ đầu tiên. Nếu tác giả không nhằm đánh giá lại mà nhằm hạch tội thì lại càng sai hơn nữa vì, thứ nhất, bị cáo không có mặt để lên tiếng; thứ hai, thay vì tập hợp tài liệu, phân tách nghiêm chỉnh, rút ra một kết luận khách quan và công chính để đóng góp kinh nghiệm ứng xử cho người sau thì dùng ngôn từ bất xứng, do cảm tính xô đẩy để gây thêm ngộ nhận, miệt thị một tổng thống, một tổng tư lệnh quân đội của đất nước mà tác giả từng sống và làm việc với tư cách một công chức cao cấp trong chính phủ do tổng thống ấy lãnh đạo, người viết tin chắc rằng ngoài Lữ Giang ra, trên địa cầu này khó có người thứ hai, kể cả trong khối cộng sản mà phía quốc gia thường cho là thấp kém, bất nhân, ăn cháo đá bát. Cho nên, tự do luôn đi kèm với đạo đức và trách nhiệm. Nói cái gì, nói như thế nào hay nói cho sướng miệng, bộc lộ đạo đức và trách nhiệm của người nói. Có nghe không, nghe như thế nào hay nghe cho thỏa ý riêng, bộc lộ phong cách, trình độ của người nghe và đây chính là nguồn gốc giúp định hình một nền tự do ngôn luận có phẩm chất. 24/10/09
|