Tính toán của Hà Nội |
Tác Giả: Lữ Giang | |||
Thứ Tư, 28 Tháng 10 Năm 2009 21:03 | |||
Trong hơn một năm qua, nhà cầm quyền CSVN đã mở chiến dịch đại quy mô bắt bớ, giam cầm, truy tố và xét xử những nhà đối kháng ở trong nước, đồng thời ban hành quy chế kiểm soát các diễn đàn cá nhân (Blogs), không cho các diễn đàn này đưa ra các phát biểu bị coi là không phù hợp với chính sách của chế độ.
Hôm 23.12.2008, Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Đỗ Quý Doãn đã ký thông tư cấm các blogs đưa thông tin “xuyên tạc, vu khống và gây rối”. Thông tư nói rằng blog “giúp cá nhân mở rộng khả năng tương tác trên môi trường internet” nhưng cần phải “phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật” cũng như “sử dụng tiếng Việt trong sáng và lành mạnh”. Thông tư nhấn mạnh rằng các bloggers “phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp, lưu trữ, truyền đi trên blog của mình, bảo đảm không vi phạm quy định của pháp luật”. Ngoài blogger cá nhân, nhà cần quyền cũng đòi buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cũng phải “có trách nhiệm” kiểm soát hoạt động của các blogs trên trang họ cung cấp. MỤC TIÊU NHẮM TỚI Chúng ta thừa biết nhất cử nhất động của nhà cầm quyền CSVN đều được tính toán rất kỹ càng. Họ thừa biết những hành động mà họ đưa ra trong chiến dịch nói trên sẽ gây ra những phản ứng không thuận lợi ở quốc nội cũng nhưng quốc tế, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận sự tổn thất đó để bảo đảm mục tiêu mà họ muốn đạt tới. Khi thực hiện chiến dịch nói trên, nhà cầm quyền đang nhắm tới những mục tiêu nào? Các nhà phân tích cho rằng nhà cầm quyền CSVN đang chuẩn bị cho hai công tác chính sau đây: (1) Bảo đảm Đại Hội Đảng kỳ XI sẽ được tổ chức vào tháng 1 năm 2011 tới đây không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra. (2) Tiến tới một chính sách đối ngoại với Trung Quốc thích hợp nhất. Vì thế, những người có thể gây khó khăn cho việc tiến tới hai mục tiêu nói trên phải bị vô hiệu hoá. Nhà cầm quyền đã áp dụng hai điều luật sau đây để vô hiệu hoá: - Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự về tôi “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”: bị phạt tù từ 3 đến 12 năm. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 10 đến 20 năm. - Điều 258 Bộ Luật Hình Sự về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước và của công dân”: bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nặng: từ 2 đến 7 năm. Điều luật này thường áp dụng cho những người chỉ trích hay lên án Trung Quốc. Các tòa án đã tuyên phạt đa số các bị can đến 3 năm tù, nhưng sau khi Đại Hội Đảng chấm dứt họ có thể được “ân xá”. Các bloggers kiểu không nhà nghề đã bị buộc cam kết xóa bỏ blog của họ như trường hợp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Mẹ Nấm. Có blogger bị cho thôi việc như Huy Đức, một phóng viên của tờ Sài Gòn Tiếp Thị, vì lãnh đạo Đảng không hài lòng với những điều ông đã viết trên blog của ông, v.v. CHUẨN BỊ SÁT PHẠT Hôm thứ hai 5.10.2009, Trung Ương Đảng CSVN đã họp ở Hà Nội để chuẩn bị những vấn đề làm sườn cho Đại Hội Đảng vào đầu năm 2011. Đại Hội nào cũng có hai vấn đề chính: Vấn đề thứ nhất là vấn đề nhân sự và vấn đề thứ hai là vấn đề đường lối. 1.- Vấn đề nhân sự Lần Đại Hội này vấn đề dân sự trở nên rất gay cấn vi các “công thần” của thời chiến tranh không còn nữa, đám lau nhau đang tranh ghế, nhưng không ai có đủ uy thế để có thể chế ngự được đa số như trường hợp của Lê Duẫn. Thêm vào đó, các “công thần” còn ngo ngoe được vẫn cố gắng bảo vệ các con gà của mình. Một nguồn tin nói rằng ông Tô Huy Rứa có thể trở thành Tổng Bí Thư thay Nồng Đức Mạng. Theo lý lịch được công bố, Tô Huy Rứa sinh năm 1947 tại Quảng Xương, Thanh Hóa, cử nhân toán và là Phó Giáo sư Tiến sĩ Triết học, từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đại biểu Quốc Hội khóa 12. Hiện ông là Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Trung Ương Đảng và Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Đấm đá nhau, có khi đẩm máu, để tranh chấp quyền lực là chuyện bình thường trong nội bộ các đảng Cộng Sản. Nhưng chúng ta đừng quan tâm quá nhiều đến chuyện ai ở ai đi, ai lên ai xuống, vì người Pháp có câu: “Un communiste vaut l’autre”. Tên cộng sản nào cũng như tên cộng sản nào. Nguyên tắc căn bản của các đảng Cộng Sản là “tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách”. Đây là nguyên tắc đã giúp Đảng CSVN chiếm được miền Bắc rồi sau đó chiếm miền Nam. Nhìn chung, chủ trương của Đảng trong kỳ này là tiếp tục trẻ trung hoá guồng mày lãnh đạo. 2.- Về đường lối Trong bài diễn văn đọc trước cuộc họp của Trung Ương Đàng nói trên, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng CSVN đã nhấn mạnh phải “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định vai trò lãnh đạo của đảng và đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của đảng.” Trong các thứ “kiên định” nói trên, hai điểm then chốt đã gây nhiều tranh luận là vai trò lãnh đạo của đảng và đường lối đổi mới. Hai thứ “kiên định” đầu là chũ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chiêu bài. Mọi người có thể tin rằng sau cuộc họp từ 5.10.2009, vấn đề nhân sự và đường lối của Đảng coi như đã được “an bài”. Đại Hội Trung Ương Đảng vào tháng 1/2011 tới đây chỉ được tổ chức để “hợp thức hoá” mà thôi. Tuy nhiên, vấn đề tìm cách để loại bỏ những thành phần và những tư tưởng chống đối lúc nào cũng là những vấn đề gay cấn. CHIẾN THUẬT ÁP DỤNG Thông thường trước Đại Hội Đảng vài tháng chúng ta có cảm thưởng rằng “quyền tự do ngôn luận” đang được mỡ rộng để mọi người có thể góp ý kiến về dự thảo nghị quyết của đại hội, Nhưng tưởng vậy mà không phải vậy. Như chúng tôi đã trình bày ở trên, trước ngày Đại Hội hơn cả năm, Đảng CSVN đã cho xúc hết “nhóm tiểu quậy”. Nhóm này thường phê phán Đảng và Nhà Nước ngang như cua, nhưng đa số không sâu sắc vì thiếu kinh nghiệm và thiếu nghiên cứu. Các bài do nhóm này viết ra không gây tác hại nhiều, nhưng nhà cầm quyền phải bắt vì hai lý do: Lý do thứ nhất là sự phát triển của nhóm này có thể tạo thành một “phong trào quậy” không thể kiểm soát được. Lý do thứ hai quan trọng hơn, đó là dằn mặt “nhóm đại quậy” xuất hiện. Nhóm này thường gồm những nhà trí thức không đồng quan điểm với chính quyền, các thành phần bất mãn hay ly khai biết rõ “bộ lòng” của Đảng và Nhà Nước, v.v. Những thành phần này nếu để cho xuất hiện, họ có thể nói lên những mặt trái đàng sau làm Đảng bị mất uy tính. Họ có thể đưa ra những phản biện với những dẫn chứng và lập luận vững vàng làm lung lay chủ trương và đường lối mà Đảng đang đưa ra. Do đó, nhà cầm quyền phải bắt giam “nhóm tiểu quậy” để răn đe “nhóm đại quậy”. Nhà cầm quyền muốn nói với họ: Các anh mà loạng quạng chúng tôi cũng sẽ bắt luôn! Trong khi đó, Đảng đã chuẩn bị một nhóm chuyên gia có khả năng, đứng ra phê phán nặng nề những chủ trương mà Đảng muốn loại bỏ nhưng đang bị một số thành phần kỳ cựu trong Đảng níu kéo lại. Nhóm này cũng sẽ đưa ra những bài phân tích với sự kiện và lập luận vững vàng để yểm trợ cho những chủ trương mà Đảng muốn bảo vệ hay sẽ thực hiện. Một thí dụ cụ thể, trong Đại Hội X, có một nhóm chủ trương phải tiếp tục duy trì kinh tế chỉ huy, trong khi đa số đòi phải đẩy mạnh kinh tế thị trường nhanh như Trung Quốc. Nhóm chủ trương đổi mới liền đưa Trần Mạnh Hảo ra để “oanh tạc”. Đọc những bài phê phán sâu sắc chủ nghĩa MARX-ENGELS và đường lối Đảng Cộng Sản của Trần Mạnh Hảo, chúng tôi tin rằng không học giả Việt Nam nào ở hải ngoại có thể viết nổi như vậy. Ngoài ra, nhờ chiến dịch phê phán phe thân Trung Quốc, chúng tôi đã nắm được khá chính xác toàn bộ hậu quả của cuộc cải cách rộng đất được áp dụng theo đường lối của Mao Trạch Đông mà các nhà phê phán đã đưa ra, v.v. Nay thì Trần Mạnh Hảo đã bị thất sủng, nhưng sẽ có nhiều Trần Mạnh Hảo mới xuất hiện để thực hiện “sứ mạng” mới. Trần Mạnh Hảo có bài thơ VỊNH CÁI THỚT chua cay như sau: "Số phận cho ta làm mặt thớt Kể gì thịt cá nát đời nhau Sinh ra là để người ta chặt Ta chỉ ăn toàn những vết dao" NHỮNG VẤN ĐỀ MŨI NHỌN Trong những tháng gần đây chúng ta thấy xuất hiện 4 bài quan trọng nói lên đường lối của Đảng CSVN trong giai đoạn tới: 1.- Bài “Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình. Đề phòng nguy cơ “tự chuyển hóa” của Đại Tá Nguyễn Đức Thắng (QĐND ngày 23.8.2009). 2.- Bài “Đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Chủ động định hướng phát triển tiềm lực và sức mạnh quốc phòng toàn dân” của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình (QĐND ngày 15.10.2009). 3.- Bài “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”: Không có quân đội trung lập, “siêu giai cấp” của Đại tá, TS Nguyễn Đức Độ (QĐND ngày 18.10.2009). 4.- Bài “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị” của Đức Lượng (QĐND ngày 20.10.2009). Nội dung của những bài này gồm hai điểm chính sau đây: (1) Cần duy trì quyền lãnh đạo của Đảng quy định trong điều 4 Hiến Pháp. Đại Tá Nguyễn Đức Độ cảnh báo: “Lợi dụng tình trạng quan liêu, tham nhũng, thoái hóa biến chất ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và những khó khăn về kinh tế, xã hội của nước ta, chúng kích động, gây chia rẽ, hòng làm mất lòng tin của nhân dân và Quân đội ta vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp hiện hành khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, đòi thực hiện ‘đa nguyên, đa đảng’, đòi bỏ hệ thống tổ chức đảng và cán bộ chính trị trong quân đội.” (2) Chống lại chiến lược “diễn biến hoà bình”. Trung Tướng Nguyễn Tiến Bình viết: “Chiến tranh xâm lược kiểu mới không phải là xâm chiếm lãnh thổ, mà làm chuyển hóa bộ máy lãnh đạo, điều hành đất nước và chế độ xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch tập trung xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.” Ông cảnh cáo rằng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” có thể trở thành nguy cơ đối với chế độ. Điều đáng buồn cười là trong khi Việt Cộng rất sợ chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các cường quốc đang áp dụng để làm thay đổi dần chế độ cộng sản, nhiều “người Việt chống cộng” rất ghét chiến lược này, họ muốn phải làm sập đổ chế động cộng sản ngay, mặc dầu họ chẳng còn võ khí nào trong tay ngoài mấy cái tuyên ngôn tuyên cáo! Ngoài hai điểm chính nói trên, sẽ còn nhiều chủ trương khác, trong đó có vấn đề Trung Quốc, sẽ được nhận ra khi bản dự thảo báo cáo của Đại Hội Đảng được công bố. ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC Có hai vấn đề gay cấn nhất mà nhà cầm quyền phải thương lượng với Trung Quốc, đó là vấn đề Biển Đông và vấn đề mậu dịch với Trung Quốc. 1.- Vấn đề Biển Đông: Hà Nội và các nhà phân tích quốc tế đều hiểu rằng Trường Sa và Hoàng Sa kể như mất rồi, không còn có thể lấy lại được nữa. Các chuyên gia về Biển Đông, nhất là các chuyên viên về dầu lửa, đã dề nghị rằng các nước trong vùng nên bỏ qua những sự tranh chấp về chủ quyền, vì những tranh chấp này sẽ gây trở ngại cho việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Họ đề nghị nên chia vùng khai thác tài nguyên giữa các quốc gia liên hệ thay vì tranh chấp về chủ quyền. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức để tiến tới giải pháp này, nhưng phía Trung Quốc cứ đòi phần lớn và phần giàu tài nguyên, nên chưa thể đi tới một thoả thuận nào. Việt Nam cũng đã họp riêng với Trung Quốc nhiều lần để bàn về việc thi hành hiệp ước về vùng đánh cá và vùng khai thác dầu hỏa, nhưng chưa đi tới đâu. Trong thời gian đang thương thuyết, nhà cầm Hà Nội không muốn bất cứ ai đưa ra phát biểu nào đụng chạm đến Trung Quốc vì sợ phương hại đến cuộc thương thuyết. Nhà cầm quyền đã cho áp dụng cả điều 258 Bộ Luật Hình Sự về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” để răn đe những người muốn đụng đến Trung Quốc. 2.- Vấn đề mậu dịch: Báo Thanh Niên trích số liệu từ Tổng cục Hải Quan Trung Quốc nói rằng trao đổi mậu dịch Việt-Trung trong sáu tháng đầu năm 2009 đạt 6,88 tỉ USD, trong đó Việt Nam bỏ ra tới 5,16 tỉ USD để nhập hàng từ Trung Quốc, nhưng chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc được 1,72 tỉ USD. Chúng tôi tin rằng số liệu trên đây chỉ mới nói lên số hàng nhập khẩu chính thức. Nếu tính luôn cả số hàng nhập khẩu lậu, trị giá hàng nhập khẩu sẽ lớn hơn nhiều. Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc chủ yếu là hàng cơ điện, máy móc các loại, nguyên phụ liệu, hàng dệt may, sắt thép, kim loại, hóa chất và khoáng sản các loại. Trong khi Việt Nam bán qua Trung Quốc phần lớn là các sản phẩm đơn giản như nông sản, thủy sản và khoáng sản. Hòa Thượng Quảng Độ đã lên tiếng kêu gọi người Việt đừng mua hàng Trung Quốc, còn người Việt chống cộng ở hải ngoại báo động liên tục về những nguy hại của hàng Trung Quốc, nhưng dân vẫn tiếp tục mua hàng Trung Quốc và chính quyền tỏ ra không muốn chận đứng việc này. Tại sao? Các chuyên gia ở trong nước phân tích rằng đa số hàng Trung Quốc bán vào Việt Nam thường rẽ hơn hàng nội địa và tốt hơn hàng nội địa, nên tốt nhất là dùng hàng Trung Quốc thay vì sản xuất tại nội địa để tiêu dùng. Giả thiết Việt Nam đặt ra một chế độ bảo vệ mậu dịch để làm giảm bớt số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì biện pháp này cũng khó thành công, vì Trung Quốc có 36 kiểu để tuồn hàng vào và “bán rẻ như cho”, Việt Nam khó ngăn chận được. Tất cả chỉ còn trông chờ vào “thiện chí” của Trung Quốc. TÁC DỤNG NHƯ THẾ NÀO? Hôm 21.10.2009, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết HR 672 về Tự do Internet ở Việt Nam do Dân biểu Loretta Sanchez đề xuất. Nghị quyết kêu gọi Việt Nam “thả các bloggers bị cầm tù và tôn trọng tự do Internet”. Dân biểu Loretta Sanchez nói: “Cần phải lên tiếng cho những ai không có tiếng nói ở Việt Nam” và cho rằng “Internet là công cụ thực thi quyền tự do ngôn luận, chia sẻ thông tin một cách tự do cũng như liên kết người Việt Nam ở cả trong nước lẫn quốc tế”. Nghị quyết cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân chính trị trong số đó có một số người bị bắt trong thời gian qua như luật sư Lê Công Định, nhà giáo Vũ Hùng hay nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tiến Trung. Hôm 23.10.2009 bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về một vấn đề thuộc công việc nội bộ của Việt Nam là không phù hợp với thông lệ quan hệ giữa các nước, không phù hợp với quan hệ đang phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Bà cho rằng Internet được tạo điều kiện thuận lợi và chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam như hiện nay, với gần 22 triệu người sử dụng, chiếm hơn 25% dân số, cao hơn mức trung bình ở Châu Á (18,17%). Trong khi đó, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) ở Paris vừa phổ biến bản xếp hạng về tự do báo chí trên toàn cầu năm 2009, trong đó Việt Nam xếp thứ 166/175 quốc gia. Trong bản xếp hạng nói trên, “bộ ba” luôn đứng chót là Bắc Hàn, Miến Điện và Lào do những thành tích như kiểm duyệt báo chí gắt gao, không cho phép tư nhân hoạt động trong ngành truyền thông đại chúng, giam giữ và ám hại bất cứ ai muốn nói lên sự thật một cách công khai. Ông Vincent Brossel, Giám Đốc Điều Hành RSF đặc trách Châu Á, nói rằng nhà nước Việt Nam thường xuyên kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện truyền thông, bưng bít sự thật, lọc lựa các nguồn thông tin mà họ chỉ muốn cho người dân nghe - biết, không chấp nhận báo chí tư nhân độc lập, cắt xén những vần đề bén nhạy, ngại làm phật lòng làng giếng khổng lồ phía Bắc: Vấn đề được đặt ra là Nghị quyết HR 672 của Hạ Viện Hoa Kỳ sẽ có tác dụng gì đối với Việt Nam? Nhiều người tin rằng từ nay cho đến ngày kết thúc Đại Hội Đảng, nhà cầm quyền CSVN sẽ không thay đổi đường lối kiểm soát truyền thông mà họ đang áp dụng, bất chấp mọi áp lực. Những nhà bình luận theo quốc văn giáo khoa thư xác quyết rằng bị áp lực của Quốc Hội, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thể không có biện pháp đối với Việt Nam, kể cả việc đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC. Nhưng kinh nghiệm cho thấy sự ngồi yên của các nhóm ăn fund và ăn grant để đấu tranh thường chứng tỏ rằng trong hiện tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chưa chuẩn bị một biện pháp chế tài nào đối với Việt Nam. Lữ Giang (Ngày 26.10.2009)
|