USD vẫn là mạnh nhất |
Thứ Sáu, 13 Tháng 11 Năm 2009 18:21 | |||
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích Ngày 11/11, trong một bản báo cáo về tương lai của đồng USD, UBS Wealth Management khẳng định, hiện tại không có đồng tiền nào có thể thay thế được vị trí đứng đầu của USD.UBS Wealth Management khẳng định, thời gian gần đây, đồng USD liên tục chịu những tác động mạnh và rất có thể sẽ xuất hiện hiện tượng mất giá trong cơ cấu. Các bảng cân đối tài sản không mấy lạc quan có thể dự kiến được những áp lực về cơ cấu trong tương lai của đồng USD, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại nước Mỹ vẫn đang ngập ngụa trong nợ nần và con số thâm hụt ngân sách thì quá lớn. Bản báo cáo của UBS Wealth Management cũng dự đoán, mức lạm phát của Mỹ sẽ vượt qua bất cứ một quốc gia nào. Tuy nhiên, hiện tại không có bất cứ một đơn vị tiền tệ nào có thể thay thế được đồng USD. Ở nhiều nước trên thế giới đồng USD vẫn "làm chủ" trong các kho dự trữ ngoại tệ, do vậy đồng USD sụp đổ là một kết quả không một nước nào muốn nhìn thấy. Bản báo cáo của UBS Wealth Management cho rằng sự bất cân bằng của kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng đến đồng USD mạnh mẽ hơn các đơn vị tiền tệ khác. Hiện tại cả USD và Yên Nhật đều đối mặt với những thách thức lớn. Với nước Nhật, hiện tại con số nợ của chính phủ nước này chiếm tỷ trọng 200% trong tổng thu nhập quốc nội (GDP). Còn ở nước Mỹ con số thâm hụt ngân sách quá lớn, một con số gây sốc đó là chiếm 50% GDP của năm 2008. Bản báo cáo cũng cho rằng hiện tại đồng EURO là mạnh nhất bởi tiềm năng tăng giá cũng khả quan nhất. Hơn nữa, tỷ trọng các khoản nợ trong GDP của các nước châu Âu nhỏ hơn so với của Mỹ rất nhiều. Trong 20 năm qua, những chính sách kinh tế của nhiều quốc gia mới nổi đã được cải thiện đáng kể. Nền kinh tế các nước mới nổi có những biểu hiện tăng trưởng đã trở thành những chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng của kinh tế khu vực và thế giới. Bản báo cáo của UBS Wealth Management cũng bày tỏ niềm hy vọng rằng môi trường kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục được cải thiện, ví dụ như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, giảm lạm phát, tăng năng suất, khuyến khích đầu tư và tăng nhu cầu trong nước. Theo như dự đoán trong vòng 10 năm nữa nhiều loại tiền tệ của các thị trường đang nổi lên sẽ tăng giá mạnh, tuy nhiên về mặt giá trị dự trữ và chức năng trao đổi thì không thể so sánh với đơn vị tiền tệ của các nước phát triển. Bản báo cáo cho rằng, mặc dù tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi đang mạnh lên nhưng để trở thành một đơn vị tiền tệ quan trọng trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu ít nhất 10 năm nữa vẫn chưa thể hoàn thành. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, mặc dù các vấn đề với đồng USD tồn tại nhiều nhưng vị trí bá chủ của đồng mỹ kim vẫn rất chắc chắn, chiếm tỷ trọng lớn trong kho dự trữ ngoại tệ của các nước. Với các vấn đề phức tạp xung quanh đồng USD, gần đây các nước đã kêu gọi xây dựng một kho dự trữ ngoại hối đa dạng hóa, do vậy lượng USD trong tay các nhà đầu tư vẫn đang giảm xuống. Mặc dù về phương diện là đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng EURO là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của USD nhưng do cơ cấu chính trị của các nước tại khu vực châu Âu là không đồng nhất khiến cho cơ hội trở thành đồng tiền dự trữ của EURO cũng giảm xuống. Đồng Yên cũng mất đi những cơ hội này bởi khoản nợ của Chính phủ Nhật chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc vì không thể tự do trao đổi nên đây cũng là trở ngại cho đồng tiền này trong quá trình quốc tế hóa.
|