Home Tin Tức Bình Luận Việt Nam bảo nhau vái xác chết

Việt Nam bảo nhau vái xác chết PDF Print E-mail
Thứ Sáu, 13 Tháng 11 Năm 2009 21:27

Thiếu số Lãnh đạo lạc lõng muốn cả Dân tộc lạc đường


Hoa Thịnh Đốn.- Ở Việt Nam khi những người hướng dẫn tư tưởng nối đuôi nhau  hô hào kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và quyết tâm bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng Cộng sản Việt Nam thì người dân  đứng ngòai nhìn vào như đi xem Ma Trơi vái nhau ở bãi tha ma trong đêm trừ tịch.

Hiện tượng này không lạ, nhưng năm nay có nhiều chuyện bất bình thường ở chỗ  những người trách nhiệm tuyên truyền trong đảng và quân đội CSVN  đã thúc bách  kéo nhau vái lậy Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga, cách đây 92 năm (ngày 7-11-1917 theo lịch cũ  Gregorian), dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Bolshevik đứng đầu bởi  Vladimir Lenin trong khi các nuớc Cộng sản còn lại trên Thế giới như Trung Hoa, Bắc Hàn và Cuba lại thờ ơ.

Cầm  đầu nhóm khua chuông, đánh mõ ồn ào nhất là Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Rứa viết trong Báo Điện tử đảng CSVN ngày 6/11 (2009): “ Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi và đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 20, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ lên CNXH (Chủ nghĩa Xã hội) trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, soi sáng con đường phát triển, tiến lên xây dựng CNXH. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và CNXH.”

Vậy ra nhóm chữ “quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội” đã có từ hồi đó, nhưng tại sao đảng CSVN lại không “qúa độ” từ năm 1930 khi Hồ Chí Minh thành lập đảng mà phải đợi đến sau Hiệp định đình chiến Genève năm 1954, khi được cai trị nửa phần phía bắc nước Việt Nam từ Vỹ tuyến 17 , đảng CSVN mới bắt dân lao động chết bỏ để “qúa độ” đến đói ăn, đói mặc cho đến tháng 4/1975 là khi chiếm được miền Nam ?

Sau đó hai  cái đầu đông đặc máu Nga là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lại tiếp tục cưỡng bách  dân  thất trận miền Nam  cũng phải sống bần cùng, mạt rệp  giống như dân miền Bắc  để đi tiếp con đường phiêu lưu  “qúa độ” từ  sau ngày 30-04-1975  khiến  cả nước súyt rơi xuống vực thẳm.

Nhưng sau 10 năm từ 1975 đến 1985 theo đuổi chế độ kinh tế lạc hậu, thiếu viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa lúc ấy cũng đang phá sản, cảnh đói rách của miền Bắc đã lan rộng khắp miền Nam trù phú khiến  Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư đảng khóa VI phải quyết tâm kết liễu chính sách trung ương tập quyền, kinh tế bao cấp kiểu Nga của  Lê Duẩn (qua đời ngày 10-07-1986) để “đổi mới” cứu đảng từ tháng 12 năm 1986.

Vậy mà  Rứa vẫn cố tình che đậy  để hồ hởi viết tiếp : “ Ði theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Ðảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời, đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đưa cả nước đi lên CNXH, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Xét về bản chất và xu hướng phát triển khách quan của lịch sử trong thế kỷ 20, thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 79 năm qua, trước hết, đó chính là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin được Ðảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta.”

Trong đọan  này, có 3 điểm cần phải khai sáng để khỏi lầm lẫn về chủ tâm đánh lận con đen và không nói thật của người đúng đầu ngành tuyên truyền, đó là :

1) Đảng CSVN không phải là tổ chức đã “lãnh đạo” cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, nhưng đã nhanh chân cướp cơ hội để dành lấy chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim.

2) Đúng  là đảng CSVN đã  “làm tròn nghĩa vụ quốc tế” do Cộng sản Nga Sô đứng đầu chỉ  huy, để  đánh thuê bành trướng thế lực  Cộng sản ở  Đông Nam Á. Nhưng nghĩa vụ này đã  làm chết và bị thương cho lối 3 triệu người dân Việt, và hàng trăm ngàn người dân vô tội hai nước láng giền Cao Miên và Ai Lao.

3) Tuy nhiên,  đảng CSVN đã không làm tròn nhiệm vụ “bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia” trước áp lực ngang ngược của đảng và nhà nước Cộng sản Trung Hoa.  Bằng chứng đảng CSVN không dám hé răng phản đối khi Tầu Cộng chiếm Quần đảo Hòang Sa ngày 19-01- 1974, ,khi ấy dưới quyền kiểm sóat của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (miền Nam).

Vào dịp kỷ niệm 30 năm cuộc chiến Việt-Tầu (17-02-1979 – 17-02-2009), nhà nước CSVN  đã cấm  dân không được làm lễ tưởng niệm vong linh của trên 40 ngàn dân và quân đã hy sinh trong cuộc chiến chống Tầu xâm lăng vào 6 Tỉnh dọc biên giới từ 17/02 đến 18/03 năm 1979.

Đảng và nhà nước CSVN cũng không minh bạch trước nhân dân khi ký  mà không hỏi ý kiến Quốc hội và  không chịu  công bố hai Hiệp định biên giới trên đất liền năm 1999 và Hiệp định Vịnh Bắc bộ năm 2000  đã ký với Tầu.  Đến đầu năm 2009, khi Hải quân Trung Hoa tăng cường áp lực, tấn công các thuyền đánh cá và bắt, đánh, cướp của  ngư dân Việt Nam họat động quanh vùng Hòang Sa và Trường Sa thì nhà cầm  quyền CSVN chỉ biết phản ứng cho có lệ.

Vào năm 2008, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng lại tự ý ký thỏa hiệp nhượng quyền khai thác Bauxite ở Tây Nguyên cho Trung Hoa khiến dư luận trong và ngòai nước nổi lên bất bình.  Một trong số hàng chục ngàn người ký tên  đòi đảng phải ngưng ngay kế họach khai thác Bauxite để chấm dứt hiểm họa an ninh do Tầu gây ra cho đất nước là Tướng Võ Nguyên Giáp, một trong số ít công thần hàng đầu của đảng.

Đó là bằng chứng của những hành động  của đảng CSVN đã phản lại quyền lợi tối thượng của đất nước khi họ nhân danh Chủ nghĩa Mác-Lênin để cai trị.

VÁI XÁC KHÔNG HỒN

Vậy mà Tô Huy Rứa vẫn lấy làm vinh dự khi nhắc lại câu viết của Hồ Chí Minh : “Việt Nam có câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn". Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười".

Do đó, giống như tất cả những cán bộ có trách nhiệm giữ vững tư tưởng cho cán bộ, đảng viên khỏi bị hoang mang trước sự lu mờ của chủ nghĩa Cộng sản, nhóm lãnh đạo CSVN vẫn kiên định giữ nó làm “nền tảng” để xây dựng đất nước.

 Tô Huy Rứa giải thích lý do Liên Xô và các nước Cộng sản ở Đông Âu tan vỡ như thế này : “  Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Ðông Âu có nguyên nhân sâu xa và trực tiếp, khách quan và chủ quan. Cần lưu ý một sự thật lịch sử là, CNTB (Chủ nghĩa Tư bản) phát triển được như ngày nay, ở trình độ CNTB hiện đại, đã phải trải qua 400 - 500 năm, từ những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên chống phong kiến chuyên chế, giải phóng lực lượng sản xuất và phát triển mạnh mẽ phương thức sản xuất TBCN.  Hơn nữa, phần lớn các nước XHCN lại ra đời theo phương thức "phát triển rút ngắn" bỏ qua chế độ TBCN.  Loại hình phát triển này là hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ lịch sử. Khai phá một con đường phát triển mới là hết sức khó khăn, phức tạp, do đó những vấp váp, sai lầm, khuyết điểm mà các nước XHCN đã mắc phải trong xây dựng CNXH, trong đó có nước ta là điều khó tránh khỏi.”

Đây là lời giải thích kiểu “cố đấm ăn xôi”, không có can đảm và bản lãnh để chấp nhận sự thật  là sự thóai trào, thất bại ê chề của Chủ nghĩa Cộng sản trên mọi phương diện từ lý thuyết  đến  hành động của những kẻ cầm quyền đã không còn phù hợp với nhu cầu tiến bộ của con người trong Thế kỷ 21.

Đảng CSVN, khi đưa ra “Cương lĩnh  xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 thì họ cũng hô hóan lên rằng họ  chủ trương “rút ngăn” và “bỏ qua Chế độTư bản chủ nghĩa” để tiến đến cái xã hội lý tưởng của người Cộng sản.

Do đó họ đã chủ trương thực hiện “ Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.”

Nhưng khi Liên Xô và các nước Cộng sản Đông Âu sụp đổ (1989 – 1991) thì, theo Tô Huy Rứa, vì các nước này không làm theo đúng quy luật kinh tế của Mác-Lênin, trong đó có phần: “ Phải ra sức vận dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý của CNTB, sử dụng các chuyên gia tư sản có tài vì lợi ích lâu dài của chủ nghĩa xã hội.”

Nhưng khi viết ra như thế thì Rứa có còn nhớ  đến chính sách vô nhân đạo của đảng CSVN  đã thi hành sau năm 1975  đánh vào các nhà tư sản, mại bản, bỏ tù trí thức, đuổi vợ con của quân-cán-chính người miền Nam phải tập trung học tập, cải tạo đi vùng kinh tế mới làm cho  tòan bộ nền tảng kinh tế ở miền Nam bị tróc rễ.

Phản ứng về chính sách ấu trĩ này, chúng ta hãy đọc lại một đọan trong Bài viết “Nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám” của Cố Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt đăng trên Báo Tuổi Trẻ ngày  Thứ Tư, 31/08/2005.

Ông Kiệt viết : “Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, rất nhiều vận hội đã mở ra cho cả nước:

- Đất nước đã được hòa bình, thống nhất. Giang sơn đã trở về một mối. Lòng người cũng qui về một mối.

- Toàn dân vui mừng được yên ổn làm ăn, kiến tạo lại đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của cả dân tộc.

- Một đội ngũ đông đảo công thương gia và trí thức miền Nam, có những khả năng và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, là một vốn quí, có thể đóng góp vào việc xây dựng một nước VN hòa bình, giàu mạnh.

- Hầu hết quân đội, sĩ quan và những viên chức trong chính quyền cũ cũng đều mong mỏi được sống trong hòa bình, hòa hợp, có cơ hội làm lại một cuộc sống yên ổn.

- Trên bình diện quốc tế, cả những nước đã từng đem quân tham gia vào cuộc chiến ở VN cũng thấy cần xóa đi những ám ảnh của quá khứ và bày tỏ thiện chí với VN. Kể cả trong chính quyền Mỹ cũng thấy có những dấu hiệu muốn sớm đi tới bình thường hóa quan hệ với VN, như một cách để làm dịu vết thương nhức nhối của cuộc chiến...

Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy...

Tiếp đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc hợp tác hóa nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng.

Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần... đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi.

Những tổn thất kể trên ít nhiều đã trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của tôi, một người lãnh đạo thành phố mang tên Bác. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà trí thức, nhà công thương trước khi rời quê hương vẫn trăn trở cân nhắc, rồi cũng phải “liều mình nhắm mắt đưa chân”. Mặc dầu trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình, Thành ủy chúng tôi cũng đã chân tình giúp đỡ và động viên nhiều anh chị em, nhưng tôi vẫn thấy lúc bấy giờ Thành ủy vẫn có nhiều bất lực và có phần trách nhiệm về tình hình đó.

Trên bình diện quốc tế, một số chủ trương cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho VN lâm vào tình cảnh thêm thù bớt bạn mà thật ra không phải là hoàn toàn không tránh được.

Kết quả là VN bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng kéo dài. Đó chính là một bài học lớn của lịch sử.”

Liệu những dòng chữ chứa đựng sự hối hận và thú nhận  bất lực của Ông Võ Văn Kiệt có làm cho Tô Huy Rứa và nhóm Lãnh đạo hiện nay từ Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư trở xuống “sáng mắt, sáng lòng” chưa, hay họ vẫn còn u mê  hô hào níu kéo những hồn ma của Chủ nghĩa Mác-Lênin và Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga ở lại  để tiếp tục ám hại con người và đất nước  Việt Nam ?

Nhưng xuyên qua bài viết của Tô Huy Rứa thì lãnh đạo Việt Nam chưa biết ăn năn, hối lỗi.  Họ vẫn tiếp tục chống đỡ tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ bằng chỉ thị : “ Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó không chỉ có ý nghĩa làm thất bại âm mưu, ý đồ đen tối của các thế lực thù địch mà còn củng cố lòng tin của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự lãnh đạo của Ðảng, đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.”

Rứa yêu cầu ngành tuyên truyền phải :“ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền để làm rõ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Ðông Âu và Liên Xô sụp đổ không có nghĩa là sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội. Sự sụp đổ của Liên Xô và Ðông Âu như đã nói, là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội trong quá trình đi tới mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Nó không đồng nghĩa, đồng nhất với sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một lý tưởng, mục tiêu, một chế độ xã hội kiểu mới thuộc về hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà loài người đang vươn tới.”

Đó là lối lý luận quanh co. Rứa coi sự sụp đổ hàng loạt các nước trong khối Liên Xô và Đông Âu chẳng qua chỉ là đổ vỡ của một bộ phận nhỏ của hệ thống mà loài người đang vươn tới xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng cái xã hội ấy như thế nào và ở đâu thì ngay cả Rưá và đàng CSVN cũng mù tịt !

Nhưng Rứa vẫn tự an ủi, dù không có bằng chứng cụ thể : “ Trung Quốc, Việt Nam đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp với thực tiễn của mỗi nước, đã đề ra các biện pháp đột phá để giải quyết các vấn đề của đất nước mình trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn của Trung Quốc, Việt Nam trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; sự phục hồi của các Ðảng Cộng sản, đảng cánh tả ở khắp nơi trên thế giới; xu hướng cánh tả và hướng theo chủ nghĩa xã hội của nhiều nước ở châu Mỹ la-tinh... đã khẳng định sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của Cách mạng Tháng Mười và triển vọng tích cực của chủ nghĩa xã hội.”

Cái “sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của Cách mạng Tháng Mười” chẳng qua cũng chỉ là giấc mơ hão huyền của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác truyên truyền.

Nó giống như những bóng ma dập dờn đang vái nhau trong  các bãi tha ma   ở  Việt Nam. -/-