Home Tin Tức Bình Luận Nhận định về “Nhận định” của Người Quan Sát liên quan đến Đức Tổng Giuse

Nhận định về “Nhận định” của Người Quan Sát liên quan đến Đức Tổng Giuse PDF Print E-mail
Tác Giả: Song Hà   
Thứ Bảy, 21 Tháng 11 Năm 2009 06:03

Chúng tôi nghĩ rằng với một Giám mục lẽ nào GM Sang lại lấy tên khác để ca ngợi chính mình?

Đọc bài “Nhận Định Về Tin Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt Có Đơn Xin Từ Chức” của tác giả “Người Quan Sát” chúng tôi thấy lạ về những thông tin và nhận định của vị này và qua đây xin có vài lời thưa lại.

Trước hết là câu “Có vị đã dùng một hình ảnh hơi trắng trợn mà nói rằng: “Các Giám Mục Việt Nam như con chó của Đức Ki-tô nhưng không sủa mà câm, có người đã sủa nhưng nay đã bị bịt miệng rồi” có ý ám chỉ Đức Tổng Giám Mục Giuse”.…

Theo chúng tôi “quan sát” thì chưa ai nói về Tổng Giám mục Giuse với hình ảnh đó. Từ trước tới nay, qua những bài viết dù đồng tình hay không, thì với Đức Tổng Giám mục Giuse những danh xưng, những lời dành cho Ngài vẫn là những thái độ và lời lẽ kính trọng (tất nhiên trừ nhóm báo lá cải, công cụ của Cộng sản).

Qua những sự việc đã xảy ra thời gian qua với Giáo hội VN, đã có nhiều phản ứng, nhiều bức xúc từ hàng ngũ giáo dân, tu sĩ, linh mục tới Giám mục về một số vấn đề, trong đó rõ ràng nhất là sự Hiệp thông trong Giáo hội VN đã không hoàn toàn rõ ràng. Điều này làm mất đi sức mạnh của Giáo hội.

Có thể có nhiều sự lên tiếng của Hàng GMVN qua các sự kiện Thái Hà, Tòa Khâm sứ… liên quan đến Tổng GM Giuse Hà Nội như Người quan sát đã viết. Nhưng điều mà giáo dân và Giáo hội cần là không chỉ có vấn đề ở hai nơi vừa kể. Sự thiếu hiệp thông, thiếu sự bày tỏ thái độ là rất rõ ràng trước những sự việc không liên quan đến Đức Tổng Hà Nội như vụ Tam Tòa, vụ Loan Lý. Vụ Dòng Phaolo Vĩnh Long, Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm…

Người quan sát cho rằng “tuyệt đại đa số GM miền Bắc đã có mặt” – Cần nói rõ điều này: Tuyệt đại đa số không phải là tất cả và Giáo hội VN thì không chỉ của riêng Miền Bắc.

Ngay tại Miền Bắc, thậm chí có Giám mục đã không hề lên tiếng hoặc vãng lai đến những sự kiện nóng bỏng tại Tòa Khâm sứ và Thái Hà. Thậm chí nhiều giáo dân đã ngao ngán thốt lên rằng “chắc ngài đang mong muốn có cái ghế nào đó được nhà nước cân nhắc”.

Trong khi đó, có những nơi, những vị đã long trọng đón tiếp quan chức Cộng sản và những cuộc khởi công xin xỏ hoành tráng đang khi người anh em của mình bị đàn áp, các linh mục bị đánh tơi bời ngay trong vụ Tam Tòa, ngay trong “Năm Thánh linh mục”… đó là những sự thật hiển nhiên.

Vụ Loan Lý, Dòng Phaolo Vĩnh Long, Thủ Thiêm… cũng tương tự.

Đó là những điều không thế nói khác đi được rằng ngay hàng ngũ Giám mục cũng thiếu sự hiệp thông mạnh mẽ và thái độ dứt khoát với bạo lực, bạo quyền và không chú ý đúng mức trước những vấn nạn mà giáo dân, anh em mình cũng như nhân dân đang chịu.

Tác giả Người quan sát có nhắc đến GM Nguyễn Văn Sang – nguyên GM Thái Bình “đã lên tiếng không dưới 20 lần và đã hiện diện ở hai nơi trên trong lúc nước sôi lửa bỏng nhất, và mới đây ngài đã lên tiếng mà không ai nghe”.

Việc GM Sang đã lên tiếng nhiều lần, đã hiện diện nhiều lần ở các vụ việc Tòa Khâm sứ và Thái Hà là điều có thật, không ai phủ nhận điều này.

Tuy nhiên, điều cần nói là vì sao người ta ít chú ý đến việc đó? Vì sao mà Ngài “nói không ai nghe”?

Theo chúng tôi “quan sát”, trong những ngày tháng đó GM Sang rất tích cực chạy đi chạy lại và có nhiều bài viết. Song GM Sang cũng đã có những việc làm gây phản cảm ít nhất là với giáo dân. Điển hình là việc khi hàng rào dây thép gai, chó và cảnh sát đang chặn hai đầu đường, bao vây Tòa Giám mục Hà Nội các giáo dân đang nước mắt lưng tròng đứng nhìn vào với sự đau xót, phẫn uất vì những hành động vô luân của chính quyền CS, thì GM Sang rút điện thoại, gọi cho Cán bộ Công an cao cấp để một mình được vào khu vực Tòa Khâm sứ đang bị phá… mà giáo dân không biết để làm gì. Xem ra chẳng có tác dụng nào cho việc làm đó.

Một mặt khác, ngay cả tại Thái Bình nơi Giáo phận của GM Sang, chính giáo dân mình cũng đã bị chặn đường, bị hành hung khi đi hành hương, vấn đề có được giải quyết bằng “đối thoại” đâu, khi cần thì CS vẫn cứ hành động mà GM Sang vẫn phải bó tay?.

Về một số “nhận định và giải pháp” của “Người quan sát”:

- Người quan sát viết: “Đôi khi họ còn đi quá đà trong các cuộc tranh chấp khác trong xã hội ngày nay”. Ở đây, người ta không hiểu “Người quan sát” đang nói về “họ” là gồm những ai? những sự “quá đà” nào và những tranh chấp nào? Cách nói này, chỉ càng làm cho người ta nghĩ rằng tác giả đang “đồng hành” với bạo quyền khi đánh giá các hành động của những người yêu tự do, công lý.

Theo chúng tôi quan sát, chưa có gì ở những hành động bênh vực giáo dân, ở những việc bênh vực kẻ nghèo hèn dưới sự áp bức của CS thời gian vừa qua là “quá đà” ở những người ủng hộ Đức Tổng Kiệt.

- Người quan sát viết tiếp: “Theo chỗ chúng tôi biết thì bấy lâu nay chính quyền cũng đã không làm việc và giao tiếp với ngài nữa mà chỉ làm việc với Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN hoặc Đức Cha phụ tá Laurenxô Hà Nội”.

Chúng tôi chưa xác định “Người quan sát” là ai, nhưng những thông tin này được nói ra nhằm mục đích gì? Nếu chính quyền Hà Nội không làm việc với Đức Tổng, chỉ vì họ không dám muối mặt đưa cái mặt mo dối trá, nham nhở của họ đối diện với sự quang minh, chính đại và công chính của Đức Tổng mà thôi.

Điều này chỉ có thể nói: “Đức Tổng không thèm làm việc với bọn mặt người, dạ thú” thì mới đúng. Sự thật không thể khuất phục sự dối trá, sự công chính không thể quỵ lụy sự suy đồi, man rợ… đó mới là cách nhìn đúng. Chỉ có loài cú vọ sợ ánh sáng, không thể nói là cú vọ đã không làm việc với ánh sáng vì ánh sáng lại sợ loài cú vọ.

Cùng với “Giải pháp đề nghị”… của “Người quan sát” để “bên chống đối thấy thỏa lòng”… thì chúng tôi nghĩ không còn gì để có thể nói với tác giả các đề nghị này. Đây thực chất là sự lấy lòng, sự thỏa hiệp với các thế lực đen tối mà thôi.

Mặt khác, việc đề nghị của “Người quan sát” về những đấng bậc nên được điều về Hà Nội như ĐGM Nguyễn Chí Linh, Antôn Vũ Huy Chương… thực chất là việc coi sự ra đi của Đức Tổng GM Hà Nội như chuyện đã rồi để giáo dân, giáo sỹ phải chấp nhận.

Nhưng dù “Người quan sát” là ai, thân thuộc đến các GM, các đấng bậc khác để có nhiều tin tức quan trọng đi chăng nữa, thì tác giả nên hiểu được tấm lòng của giáo dân Hà Nội khi nghĩ đến những giải pháp.

Với giáo dân Hà Nội, bất kể là Đức Tổng Kiệt ở lại, ra đi, ốm đau hay bất cứ lý do gì ở gần họ hay không về địa lý, thì về tâm tư tình cảm, Ngài vẫn luôn nằm trong trái tim họ khó có thể có ai thay thế được.

Chính vì thế, không dễ dàng chút nào cho bất cứ ai được điều về thay chân Ngài.

Đức GM Nguyễn Chí Linh được đánh giá có nhiều đóng góp qua sự có mặt của Ngài ở những vụ việc của giáo dân Hà Nội vừa qua, giáo dân Hà Nội hiểu điều đó. Tuy vậy, khi những sự việc nóng bỏng nhất xảy ra, hầu như chỉ có mình Ngài đến hiệp thông, cả hai Giáo phận Thanh Hóa và Phát Diệm do Ngài cai quản đã không có những tiếng nói rõ ràng về sự hiệp thông, trong khi đây là những giáo phận mạnh mẽ, có truyền thống đạo đức. Phải chăng chỉ là vì giáo dân đang thờ ơ? Đó là câu hỏi mà giáo dân Hà Nội chưa được giải đáp.

Còn Đức GM Antôn Vũ Huy Chương – Giáo phận Hưng Hóa thì hãy để Ngài chăm lo hoàn thành công việc nặng nề thuộc giáo phận của Ngài. Vì ở đó, nhiều khu vực rộng lớn miền Tây Bắc rất nhiều giáo dân đã dần dần mất đạo, vì nhiều nơi đã hơn 50 năm nay chưa có một Thánh Lễ, giáo dân vẫn dài cổ chờ đợi các chủ chăn chú ý đến họ. Ở đó, các nhóm Tin Lành đang hoạt động truyền giáo có hiệu quả và rất nhanh chóng tăng về số lượng nhưng những người Công giáo thì càng chờ càng mất.

Vì vậy, những giải pháp của “Người quan sát” đưa ra, nhất là câu “Đây cũng có thể là lập trường của chính quyền Việt Nam chăng?” buộc người ta phải suy nghĩ phải chăng là từ một cán bộ cao cấp nào đó mớm lời, nhằm đưa ra để đặt giáo dân Hà Nội trước sự đã rồi?

Tác giả muốn gì qua bài viết này?

Người quan sát tự giới thiệu mình là “một người dân yêu mến đất nước Việt Nam và là một người con của Giáo Hội” chúng tôi hi vọng như vậy.

Tuy nhiên, trong vấn đề yêu nước hiện nay, cũng có nhiều quan niệm và dạng người khác nhau. Chẳng hạn, với nhà nước hiện nay, nếu nói rằng lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì đích thị được nhà nước liệt vào loại chống đối, không phải là yêu nước rồi, họ sẽ bị đàn áp ngay. Nếu Người quan sát không tin, tôi dám thách Người quan sát mang một biểu ngữ nội dung “Trường Sa, Hoàng Sa của VN” đi ngoài đường. Còn một dạng yêu nước khác, đó là những người luôn thỏa hiệp với bạo lực, bạo tàn với nhiều vỏ bọc khác nhau, nào là “Đối thoại” nào là “khôn ngoan”… đủ cả. Dạng này được nhà nước ưu tiên nhiều mặt.

Thỉnh thoảng đọc trên mạng chúng tôi thấy một số bài viết ghi tên tác giả là “người quan sát”. Tuy nhiên người quan sát là ai, họ ở vai trò, đấng bậc nào… thì là điều cần tìm hiểu.

Sau khi tìm hiểu qua những bài viết, dù chưa biết chính xác tác giả là ai, song chúng tôi có thể khẳng định điều này: Người này có mối quan hệ hết sức thân mật, có vai trò quan trọng ở Tòa Giám mục Thái Bình thời Đức GM Sang.

Những bài viết của tác giả này, dù viết cách nào, thì người ta cũng nhận thấy cốt lõi của nó là đề cao, nịnh bợ một cách thái quá, nhiều khi sống sượng với chính bản thân GM Sang.

Những bài viết của tác giả này rất kịp thời, nhiều khi sự kiện vừa xong đã đưa lên ngay, nhất là các sự kiện ở TGM Thái Bình những năm trước đây. Kể từ khi GM Sang không còn tại vị, thì những bài viết ca ngợi kiểu đó cũng tắt luôn với GM mới.

Hãy nghe những điều “Người quan sát” viết: “- Biết chụp ảnh đúng người, đúng lúc, đúng việc (Thí dụ: Khi Đức Cha Thái Bình đưa lưng cõng người cùi ở trại phong Vân Môn, hoặc khi một Giáo Dân giữa đường trở thành “Samaritanô nhân hậu”…)” (trích 26 ĐẠI DIỆN GIÁO DÂN SẼ NÓI GÌ, LÀM GÌ Ở ĐẠI HỘI DÂN CHÚA ? – Người quan sát 13-10-2009).

Thực ra, hình ảnh được giáo dân gọi là “diễn” này của ĐGM Sang đã làm nhiều người thấy phản cảm. Họ bảo nhau, không rõ hàng ngày ĐC Sang có cõng cụ ấy hoặc những người tương tự được luôn không? Nếu không, cụ “diễn” pha này để làm gì?

Ở đó, ngoài tác giả “Người quan sát” chúng tôi còn thấy thêm tác giả “Tông Đồ” cả hai đều cùng một giọng văn và cũng một tư duy “nịnh” như nhau.

Hãy nghe tiếp: “Thực ra tôi cũng muốn nhờ một đấng nào trong các đấng bậc nói trên giúp tôi chia sẻ mấy lời trong Thánh lễ hôm nay, nhưng tôi sợ các ngài lại khen tặng tôi quá lời như thường thấy. Nên tôi xin phép, trong bài chia sẻ hôm nay bằng Lời tạ ơn Thiên Chúa như sau:..” (Tường thuật thánh lễ Tạ Ơn mừng sinh nhật thứ 79 của Đức GM Thái Bình - Người quan sát)

Rất nhiều những bài viết của Người quan sát về những sự việc liên quan đến Giáo hội VN, nhất là ở Miền Bắc, đặc biệt các sự kiện liên quan đến Giáo phận Thái Bình…. Nổi lên hết trong đó, là sự ca ngợi, xu nịnh và tâng bốc nhiều khi quá lố của tác giả này với ĐGM Sang. Cũng như tác giả Tông Đồ, tác giả này nhiều khi có những nhận định, những câu nói nhằm chỉ đạt ý đồ đó là chính.

“Người quan sát” là ai?

Qua cách hành văn, qua những nhận xét mà nhiều khi những người bình thường khác không dám nói đến, qua các thông tin mà tác giả này công bố người ta có nhiều điều nghi vấn.

Những bài viết của “Người quan sát” luôn được trang web của Tòa Giám mục Thái Bình đăng hết sức nhanh chóng và không bỏ sót bài nào. Vậy ai mà có quyền lực và khả năng như vậy?

Nhiều người hỏi nhau: Có phải “Người quan sát” chính là GM Nguyễn Văn Sang đã hồi hưu mới đây?

Chúng tôi không dám nghĩ thế, bởi chính GM Nguyễn Văn Sang đã viết như sau: “Này, từ nay bố già có viết gì trên mạng đừng có ký tên tuồn tuột là FX. Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình nữa nhé! Cứ lấy một bút danh nào như “Thợ Gặt”, “Thợ Rèn”, “Thợ Mộc”… hay như bố vẫn xưng: là đấng chăn trâu chân thật, không thì cả hai phía cứ nhằm đích danh bố mà cho ăn đòn đấy.

"Tôi ngỡ ngàng phân phô: thì cứ ký đích danh để chịu trách nhiệm điều mình viết là sự thật, “chính nhân quân tử” lo gì. Vả lại, anh có thấy các Đức Giám Mục khi ký bao giờ cũng vạch một hình thánh giá trước tên. Muốn làm chứng cho sự thật thì phải kinh qua đau khổ. Đức Giêsu có bút danh bút hiệu nào đâu. Trên Thánh giá Chúa bị treo, có rõ ràng tên “Giêsu Nazaret”. (trích NHẬT KÝ NGÀY 28 THÁNG 1 NĂM 2008 CỦA ĐỨC CHA PHANXICÔ XAVIE NGUYỄN VĂN SANG – vietcatholic.net)

Mặt khác, trong các bài viết, bao giờ cũng dùng lời lẽ ở ngôi thứ rất kính trọng khi gọi tên GM Sang, luôn là “Đức Giám mục Giáo phận, Đức Cha Giáo phận, Ngài...” với những lời lẽ tung hô tưng bừng.

Thường thì chẳng có ai tự gọi mình như vậy, nhất là những người nổi tiếng ngoài một trường hợp Hồ Chí Minh dùng bút danh Trần Dân Tiên để viết cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” nhằm để tự ca ngợi mình.

Đọc một bài viết gần đây của chính GM Sang, cũng có những dòng tương tự: “Tới ngày 009/09/2009, Lễ khởi đầu sứ vụ của Đức Tân Giám mục Thái Bình, có những biểu ngữ được trưng lên “Chúc mừng Đức Tân Giám mục Phê-rô” và “Hoan hô Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt” … tuyệt nhiên không có một biểu ngữ nào “cho” Đức nguyên Giám mục Phan-xi-cô nơi chính Nhà thờ mà ngài đã cùng cộng đoàn bỏ công sức xây dựng. Ai cũng biết là vì những nhóm người này không ưa Giám mục được mệnh danh là “Giám mục đỏ” thích đối thoại với mọi người… Mọi người có thể vào trang web: www.tgmtb.net đề có thể xem đầy đủ các bài viết của ngài”.. (Trích Đính chính về đất đai tại GP Thái Bình và một số tư kiến các nơi khác – F.X Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục Thái Bình).

Trên một trang web đăng bài nhận định của Người quan sát, có ghi Giám mục F.X Nguyễn Văn Sang nhận định… Điều này làm chúng tôi phân vân?

Chúng tôi nghĩ rằng với một Giám mục lẽ nào GM Sang lại lấy tên khác để ca ngợi chính mình?

Chúng tôi không dám tin rằng có một Trần Dân Tiên mới trong giáo hội Việt Nam ở trường hợp này(!).

Câu chuyện “nhận định” của “Người quan sát” hôm nay có tác dụng gì, nhằm mục đích gì? Câu hỏi này xin để tác giả trả lời hoặc độc giả suy luận.

Tác giả “Người quan sát” là ai, chúng tôi đoan chắc rằng Tòa Giám mục Thái Bình là nơi rõ nhất.

Theo nguyện ý của “Người quan sát” “xin các vị cao minh chỉ giáo và tha thứ cho những sai sót”. Dù chỉ là một thường dân, không phải là bậc cao minh, cao kiến để dám có sự “chỉ giáo” hoặc “tha thứ”, nhưng cũng xin có đôi lời nhận định với những “nhận định” này.

20/11/2009

Nguồn: Website Dòng Chúa Cứu Thế