Home Tin Tức Bình Luận Trở lại vụ vàng Bình Xuyên

Trở lại vụ vàng Bình Xuyên PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Tư, 16 Tháng 12 Năm 2009 07:13

Hôm 7.12.2009, ông Lê Xuân Nhuận đã cho phổ biến trên các diễn đàn Internet bài “Ký-Giả LỮ GIANG (bút-hiệu của ông Nguyễn Cần tức Tú Gàn)” nêu lên nhiều vấn đề,

trong đó có phê phán chúng tôi dịch sai một số chữ, viết có nhiều lỗi chánh tả, đặc biệt ông cho rằng Luật sư Nguyễn Văn Chức và Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh đã vu khống khi bảo rằng “trong thời kỳ dẹp loạn Bình Xuyên, ĐT Minh đã tịch thu được rất nhiều vàng bạc và tiền mặt của Bình Xuyên, nhưng ĐT đã không giao số chiến lợi phẩm này cho chính phủ Ngô Đình Diệm, mà lại tẩu tán làm của riêng”.

Sau khi xem, chúng tôi thấy bài này cũng chỉ là một bài thuộc loại “chọi đá đường rấy xe lửa”. Như chúng tôi đã nói, trong những năm gần đây, trên các diễn đàn Internet và websites Việt ngữ thường xuất một hiện tượng quái đản, đó là dùng chiến thuật “chọi đá đường rấy xe lửa” của trẻ con để “phản công” khi không thể hay không đủ khả năng phản luận về một chủ đề chính được nêu ra. Chiến thuật này chỉ thấy trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại!

Vấn đề biển thủ vàng của Bình Xuyên được coi là chủ đề chính. Chúng tôi sẽ trình bày rõ về sự lầm lẫn của ông Trịnh Bá Lộc và ông Lê Xuân Nhuận trong vấn đề này. Tuy nhiên, trước khi trình bày chủ đề chính, chúng tôi xin làm sáng tỏ một số chuyện đã được ông Lê Xuân Nhuận nêu lên.

ĐẦU ĐUÔI CÂU CHUYỆN

Bài “Kẻ phản bội” của chúng tôi được phổ biến ngày 12.10.2009, đã được nhiều báo và websites Việt ngữ trên thế giới đăng, trong bài đó chúng tôi đã đưa ra những bằng chứng cụ thể chứng minh rằng theo sự phối trí của CIA, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, người được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tín nhiệm và giao cho nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Sài Gòn, đã đóng vai trò chính trong việc đem quân lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963. Sau đó, Tổng Thống Thiệu vì sợ bị CIA tổ chức đảo chánh và giết như ông Diệm, đã cúi đầu ký Hiệp Định Paris bán đứng VNCH cho Cộng Sản và có những quyết định sai lầm tiếp theo làm cho một đạo quân thiện chiến và đầy nhiệt huyết, được trang bị đầy đủ... phải tháo chạy tán loạn đưa đến mất miền Nam Việt Nam với hậu qủa là khoảng 94.000 chiến sĩ VNCH phải chịu cảnh lao tù cay nghiệt của Cộng Sản, gần 3 triệu người phải bỏ nước ra đi, và toàn dân miền Nam phải sống trong cảnh điêu linh.

Sau khi bài này được phổ biến, một số người bênh vực ông Thiệu ở Orange County do Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm đứng đầu, đã viết thư đề ngày 22.10.2009 gởi đến nhật báo Viet Herald ở Orange County cho rằng chúng tôi đã “vô lễ đối với một vị cố Tổng Thống của một chế độ hiến định”, gây chia rẽ hàng ngũ quốc gia và cộng đồng tỵ nạn.

Người hăng hái bênh vực ông Thiệu là “Luật Sư” Lê Công Tâm. Tối 30.10.2009, ông đã xung phong lên đài Little Saigon TV (44.4) đối thoại với Ký Giả Đỗ Sơn về việc ông Thiệu có phải là “Kẻ phản bội” hay không. Mặc dầu đã đem theo khoảng 15 cuốn sách, “Luật Sư” Lê Công Tâm đã bị Ký Giả Đỗ Sơn cho đo ván một cách thê thảm.

Tiếp theo, ngày 2.11.2009 chúng tôi đã cho phổ biến bài thứ hai với đầu đề “Chuyện kẻ phản bội”, đưa ra thêm những tài liệu lịch sử chứng minh những điều chúng tôi viết là hoàn toàn đúng sự thật và mời Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm lên đài truyền thanh hay truyền hình đối thoại với chúng tôi về vấn đề này.

Vì Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm không trả lời, nên chiều ngày 5.11.2009, đài Little Saigon TV (44.4) đã mời chúng tôi lên trình bày vấn đề rõ ràng hơn. Ký giả Nguỵ Vũ đã đặt nhiều câu hỏi rất hắc búa, nhưng chính nhờ vậy chúng tôi đã có dịp trình bày cho khán giả biết thêm nhiều sự thật đau lòng mà từ trước đến nay họ chưa từng biết. Do sự yêu cầu của khán giả, buổi nói chuyện này đã được chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Tiếp theo, chúng tôi cũng đã nhiều lần trình bày thêm một số khía cạnh khác của vấn đề trên đài VAN TV (18.7).

Vì không thể chống lại được những tài liệu lịch sử và sự kiện lịch sử mà chúng tôi đã đưa ra, những người bị “chạm nọc” chỉ còn một phương thức duy nhất là “chọi đá đường rầy xe lửa”. Một nhóm làm ăn mánh mung ở Orange County tưởng rằng cứ “chọi đá” loạn xạ lên, thế nào cũng được bà Thiệu hay Hoàng Đức Nhã cho chút cháo, nên vác nồi niêu song chảo ra gõ ầm ầm!

Bài “Ký-Giả LỮ GIANG (bút-hiệu của ông Nguyễn Cần tức Tú Gàn)” của ông Lê Xuân Nhuận cũng nằm trong loại “chọi đá đường rầy xe lửa”. Ông không đề cập đến chủ đề chính là ông Thiệu có phải là “Kẻ phản bội” hay không, và Phật Giáo Ấn Quang có phải là nhóm đã tiếp tay cho Việt Cộng chiếm miền Nam như Liên Thành đã nêu lên và chúng tôi đã tiếp ứng hay không. Ông chỉ nói về một vài chi tiết nhỏ trong hai bài nói trên và thêm lên vụ biển thủ vàng của Bình Xuyên cho xôm tụ.

DỊCH ĐÚNG DỊCH SAI

Ông Lê Xuân Nhuận đưa một số chữ trong hai câu được trích dẫn trong bài của chúng tôi và cho rằng chúng tôi đã dịch sai, đó các chữ “Ces grenouillards” (bọn cóc nhái) và các chữ “a goddam bunch of thugs” (bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa).

Khi dịch một chữ tiếng Anh ra tiếng Việt mà chúng tôi có ghi thêm tiếng Anh kèm theo là có dụng ý cho người đọc thẩm định về chữ chúng tôi đã dịch hoặc có thể tìm ra một chữ khác mà họ cho rằng chính xác hơn. Với các chữ nói trên, chúng tôi không chỉ ghi kèm theo tiếng Anh mà còn ghi nguyên cả câu chứa đựng những chữ đó bằng tiếng Anh để độc giả có thể thẩm định trong văn mạch (context) của toàn câu, những chữ đó có ý nghĩa như thế nào.

Hình như ông Nhuận không nắm vững nguyên tắc về dịch thuật lắm. Nhiều từ trong tiếng Anh khi dịch ra tiếng Việt phải dịch theo ý của chữ đó mới đúng được. Thí dụ chữ “underground Churh” được dùng để mô tả về tình trạng của Giáo Hội Thiên Chúa ở Trung Hoa chẳng hạn. Nếu dịch sát nghĩa là “Giáo hội ở dưới đất” hay “Giáo hội hầm trú”, nhưng nghe rất ngây ngô, vì thế nhiều người đã dịch là “Giáo hội thầm lặng”. Có thể ông Nhuận sẽ cho rằng lối dịch này không sát nghĩa!

Có nhiều tiếng Anh rất thông dụng, nhưng cho đến nay vẫn còn bị nhiều báo và đài phát thanh Việt ngữ dịch sai vì không nắm vũng nội dung. Thí dụ: chữ “Attoney General” vẫn được một số báo dịch là Tổng Chưởng Lý, nhưng nếu dịch cho đúng thì phải dịch là Bộ Trưởng Tư Pháp. Chữ “Department of State” nếu ở cấp liên bang phải dịch là Bộ Ngoại Giao, nhưng khi xuống cấp tiểu bang thì phải dịch là Bộ Nội Vụ. Còn chữ “Superior Court” mà dịch là “Toà Thượng Thẩm” thì sai bét, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được một từ tương đương trong tiếng Việt, nên phải giữ nguyên tiếng Anh là Superior Court, v.v.

Sở dĩ chúng tôi phải nói dài dòng như vậy để cho độc giả và ông Nhuận thấy cách dịch của chúng tôi như thế nào.

1.- Bọn cóc nhái của CIA và USIS

Câu có chứa đựng các chữ “bọn cóc nhái” đã được chúng tôi viết nguyên văn như sau:

Trong công điện gởi cho Bộ Ngoại Giao lúc 2 giờ chiều ngày 7.9.1963, Đại Sứ Cabot Lodge có kể lại lời ông Ngô Đình Nhu đã nói với ông như sau:

“Tôi báo động về những gì sẽ xẩy ra trong Quân Lực. Nếu tôi ra đi, Quân Lực sẽ nắm chính quyền. Bọn cóc nhái của CIA và USIS này sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh.”

Chúng tôi cũng ghi lại nguyên văn câu này bằng tiếng Anh như sau:

“I am alarmed by what's going on in the Armed Forces. If I leave, the Armed Forces will take over the government. 'Ces grenouillards' (which I translate as "these schemers" or 'these contrivers') of the CIA and USIS will sabotage the war effort.”

Khi dịch câu nói bằng tiếng Pháp của ông Nhu ra tiếng Anh, ông Đại Sứ Cabot Lodge đã giữ lại chữ “Ces grenouillards” bằng tiếng Pháp rồi chua thêm ý nghĩa của chữ này theo ý ông là “schemers” (kẻ mưu kế, kẻ hay dùng mưu gian) hay “contrivers” (kẻ xoay xở giỏi, kẻ bày mưu tính kế), nhưng chúng tôi không nghĩ rằng trong văn mạch (context) của toàn câu, khi dùng chữ “Ces grenouillards” ông Nhu muốn nói như vậy.

Những người thân cận kể lại, có lần khi nói chuyện với ông Lodge, ông Diệm có nói: “Je ne veux pas servir". Ông Lodge không hiểu ông Diệm muốn nói gì, vì đó là một câu trong tiếng Pháp xưa có nghĩa: "Je ne veux pas être un serviteur", tức “Tôi không phải là kẻ chịu làm tôi tớ”.

Ông Nhuận cho rằng chữ grnouillard có nghĩa là một loài chim, nhưng chúng tôi đã lầm lẫn với chữ grenouille có nghĩa là ếch nhái.

Chữ grenouillard trong tiếng Pháp được dùng để chỉ người nhái (frog-man) và một vài nghĩa khác. Busard grenouillard là tên một loài chim. Nhưng những ý nghĩa này đâu có thể dùng để dịch chữ “Ces grenouillards” trong câu nói đầy khinh bỉ của ông Nhu được. Ông Nhu muôn nói đến bọn tay chân bộ hạ, bọn tay sai, bọn tà lọt, bọn bưng bô... của CIA và USIS.

Vì chữ grenouillard rất được ít xử dụng trong tiếng Pháp nên trước khi dịch chúng tôi đã tra cứu tự điển Reverso Dictianary Pháp - Pháp. Tự điển này cho biết chữ grenouillard có ba nghĩa như sau:

- adjectif masculin singulier

(1) rappelant la grenouille

- nom masculin singulier

(2) familièrement buveur d'eau

(3) (sports) joueur maladroit

Dĩ nhiên, chúng tôi phải chọn nghĩa thứ nhất và dịch là “bọn cóc nhái của CIA và USIS”. Rất nhiều người đồng ý với chúng tôi phải dịch như vậy mới lột được ý nghĩa ông Nhu muốn nói.

Dĩ nhiên, người khác vẫn có quyền dịch bằng chữ khác mà họ cho là chính xác hơn.

2.- Bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa

Những chữ “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” đã được chúng tôi dịch từ các chữ “a goddamn bunch of thugs” trong câu chuyện sau đây:

Trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, cho biết vào ngày 1.2.1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã nói chuyện bằng điện thoại với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCathy như sau:

Johnson: ... Nhưng ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm.

MacCarthy: Có chứ.

Johnson: (Rằng) ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau VÀ XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”

Ông Lê Xuân Nhuận nói rằng “a goddamn bunch of thugs” có nghĩa là “một lũ côn đồ (bị Chúa trừng trị) chết tiệt!”, còn dịch tiếng chửi thề “goddamn” là “đáng nguyền rủa” là không đúng. Ý ông muốn ám chỉ “một lũ ác ôn côn đồ chết tiệt” đó là ông Diệm và ông Nhu. Nhưng không ai nghĩ như vậy.

Kể ra đi làm lính đánh thuê có lãnh tiền mà bị ông chủ chửi là “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” hay “một lũ côn đồ chết tiệt”, quả thật quá nhục. Sau này làm mất miền Nam (bị Phật trừng trị?) bị cả dân tộc nguyền rủa, còn nhục hơn!

Ông Nhuận đưa ra một số lỗi chánh tả trong các bài của tôi để kết luận chúng tôi viết sai. Nhưng ông Nhuận thử lật một tờ báo hàng ngày ở Orange County ra xem trong đó có mấy trăm chữ viết sai chính tả? Có cuốn sách chỉ 350 trang, mỗi lần tái bản đều có sửa lỗi chính tả, nhưng đến lần tái bản thứ 5 vẫn còn thấy sai trên 100 lỗi. Ngay sách viết bằng tiếng Anh như bộ tự điển “Black's Law Dictionary”, mặc dầu đã được kiểm tra bằng computeur, nhưng khi tái bản lần thứ 9 vẫn còn thấy nhiều chữ sai, vì có nhiều chữ computeur không kiểm tra được!

Nói tóm lại, với lối phân tích nói trên, ông Lê Xuân Nhuận cũng chỉ muốn “chọi đá đường rầy xe lửa” mà thôi.

HAI VỤ VÀNG KHÁC NHAU

Ông Lê Xuân Nhuận lập luận dựa vào bài “Chiến Dịch Hoàng Diệu và Sự Thật về Kho Vàng Bảy Viển” của ông Trịnh Bá Lộc phổ biến trên một số báo và websites, để chứng minh rằng Tướng Dương Văn Minh không hề biển thủ vàng tịch thu được của Bình Xuyên. Số tiền và vàng của Bình Xuyên bị tịch thu đã được dùng để xây Cô Nhi Viện Quốc Gia. Lập luận này đã dựa vào cuốn “1945 – 1964, Việc Từng Ngày” của ông Đoàn Thêm, trong đó có ghi ở ngày 3.3.1956 như sau:

“Thiếu Tướng Dương văn Minh họp báo nói về các chiến dịch miền Tây và sự hợp tác của Tướng Trần văn Soái. Tướng Minh cho biết trong chiến dịch Hoàng Diệu, đã tịch thâu 20 ký vàng và 16 triệu 1/2 bạc, số tiền này được xây cất một Cô Nhi Viện Quốc Gia”

Căn cứ vào đoạn đó, ông Lộc và ông Nhuận cho cho rằng hai luật sư Nguyễn Văn Chức và Lâm Lễ Trinh đã vu khống Tướng Minh biển thủ vàng tịch thu được của Bình Xuyên. Ông Nhuận viết:

“Trong tháng 7 năm 2008, Ông Trịnh Bá Lộc đã làm sáng tỏ lại vụ này, đồng-thời nhắc nhở các kẻ vu khống, nhất là tín đồ Ky Tô Giáo, rằng việc nguỵ tạo sử sách tức cũng là “làm chứng dối”, vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời (Exodus 20:16 và Deuteronomy 5:20).”

Lập luận này cho thấy cả ông Lộc lẫn ông Nhuận đã lầm lẫn giữa hai số số vàng và tiền khác nhau đã tịch thu được của Bình Xuyên, sau hai đợt tấn công khác nhau và cách xa nhau gần 5 tháng:

Cuộc tấn công Bình Xuyên đợt 1

Chúng tôi xin nhắc lại: Ngày 28.4.1955, cuộc chạm súng giữa lực lượng Bình Xuyên và Quân Đôi Quốc Gia bắt đầu tại đô thành Sài Gòn. Khu giữa cầu Nancy và đường Trần Hưng Đạo bị cháy dữ dội. Đêm 30.4.1955, Quân Đội Quốc Gia bắt đầu mở cuộc tấn công vào các khu Bình Xuyên trong và quanh Sài Gòn. Lực lượng của Quân Đội Quốc Gia gồm có Liên Đoàn Dù, các tiểu đoàn của Phân Khu Sài Gòn – Chợ Lớn và Phân Khu Mỹ Tho. Trung Tá Dương Văn Minh, Phân Khu Trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn, là người chỉ huy. Ngày 3.5.1955, Trung Tá Dương Văn Minh được thăng Đại Tá và giữ chức Quân Trấn Trưởng Sài Gòn. Cuộc hành quân này đã chấm dứt vào ngày 5.5.1955. Số vàng tịch thu được sau cuộc hành quân đó đã bị Dương Văn Minh biển thủ (sẽ nói ở dưới).

Cuộc tấn công Bình Xuyên đợt 2

Vì phải lo thanh toán một số lực lượng Hòa Hảo ở miền Tây, nên đến tháng 9, Quân Đội Quốc Gia mới quay trở lại mở Chiến Dịch Hoàng Diệu thanh toán loạn quân Bình Xuyên còn lại ở Rừng Sát. Đây là cuộc tấn công đợt 2, được khởi sự từ ngày 21.9.1955 và chấm dứt vào ngày 24.10.1955. Chiến dịch này cũng do Đại Tá Dương Văn Minh làm Chỉ Huy Trưởng. Trong chiến dịch này đã tịch thu được của Bình Xuyên 20 ký vàng và 16 triệu rưởi bạc. Số vàng và tiền này đã được Thủ Tướng Diệm quyết định dùng để cất một Cô Nhi Viện Quốc Gia.

SỐ VÀNG BỊ BIỂN THỦ

Trong một cuộc phỏng vấn có thu băng tại nhà ông Cao Xuân Vỹ ở Fountain Valley, California, Đại Đá Nguyễn Văn Y, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà cho biết:

Lúc đó ông là Đại Úy, giữ chức Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chợ Lớn, chỉ huy Tiểu Đoàn 184. Vào khoảng đầu tháng 5 năm 1955, sau khi đánh đuổi quân Bình Xuyên chạy vào Rừng Sát vừa chấm dứt, ông đã thả các nhân viên Phòng 2 đi thăm dò ven rừng. Các nhân viên này thấy một người đang ngồi câu cá trên một chiếc xuồng ở một khu vắng, dáng điệu rất khả nghi, nên bắt về thẩm vấn. Sau nhiều cuộc tra hỏi, người này thú nhận anh ta là một cận vệ của Bảy Viễn, được phái ở lại giữ hai thùng phuy vàng và bạc đã phải nhận chìm xuống nước trước khi chạy trốn. Ông đã cho thợ lặn xuống tìm nhưng không thấy. Nhân viên Phòng 2 tiếp tục phỏng vấn, người này quả quyết nơi anh ta làm dấu đúng là nơi đã nhận 2 thùng phuy xuống. Thấy thái độ quả quyết của anh ta, ông cho thợ lặn xuống mò một lần nữa, nhưng trong một khu rộng hơn. Kết quả, thợ lặn đã vớt được hai thùng phuy này cách xa nơi đánh dấu khoảng 100 thước, vì bị nước cuốn trôi đi. Đây là hai thùng phuy đựng dầu xăng loại 200 lít.

Công cuộc kiểm tra cho thấy một thùng đựng bạc giấy, còn một thùng đựng vàng. Bạc giấy toàn là loại 500$, được gói trong những bao nilon nhỏ, có nhiều bao bị nước thấm ướt. Ông bảo nhân viên đem số bạc ướt phơi khô rồi đưa tất cả đi nạp vào ngân khố. Còn thùng vàng phải chở đến giao cho Quân Trấn Sài Gòn theo lệnh của Đại Tá Dương Văn Minh. Tướng Nguyễn Khánh, lúc đó là Trung Tá Chỉ Huy Phó của Đại Tá Minh, cho biết số vàng này khi giao nạp đã được bỏ vào trong hai cái rương, nhưng rồi sau đó không còn nghe Dương Văn Minh nói gì về số vàng này.

Đại Tá Y cho biết Thủ Tướng Diệm đã ra lệnh điều tra vụ này. Hai người đã nhận được sự vụ lệnh mở cuộc điều tra là Thẩm Phán Lâm Lễ Trinh, Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn, và Thiếu Tá Mai Hữu Xuân, Giám Đốc An Ninh Quân Đội.

Ông Trịnh Bá Lộc không nắm vững sự khác biệt giữa thẩm quyền điều tra và và thẩm quyền xét xử nên cho rằng ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh không có quyền điều tra quân đội. Theo luật lệ thời đó, ông Biện Lý không những chỉ có quyền điều tra mà còn có quyền bắt giữa các quân nhân phạm pháp bị phát hiện trong khi điều tra. Tuy nhiên, sau khi điều tra xong, nếu thấy nghi can thuộc thẩm quyền của toà án quân sự, Biện Lý sẽ chuyển qua toà án quân sự để truy tố và xét xử. Vụ Tướng Phạm Văn Đổng, Tổng Trấn Sài Gòn – Gia Định, bảo trợ cho Ba Tàu tổ chức sòng bài ở Chơ Lớn, bị Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn mở cuộc điều tra và bắt giam là một thí dụ điển hình. Sau khi điều tra xong, Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn thấy nghi can thuộc thẩm quyền tòa án quân sự nên đã chuyển qua toà này để truy tố và xét xử. Vã lại khi có sự vụ lệnh của Thủ Tướng, bất cứ thẩm phán hay thanh tra nào cũng có quyền điều tra.

Những điều Luật sư Lâm Lễ Trinh kể lại trong tập Về Nguồn và Luật sư Nguyễn Văn Chức đã thuật trên báo Con Ong ở Texas về vụ Dương Văn Minh biển thủ số vàng tịch thu được của Bình Xuyên trong đợt 1 là đúng sự thật. Dương Văn Minh không hề hoàn trả lại cho ngân khố.

Ông Huỳnh Văn Lang, lúc đó là Bí Thư Liên Kỳ của Đảng Cần Lao và Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái, cho biết ông Lâm Lễ Trinh đã tiết lộ rằng khi được hỏi về số vàng này, Tướng Minh đã sừng sộ và giận dữ, nói rằng ông Diệm là người bội bạc, ông đã giúp ông Diệm đánh dẹp Bình Xuyên mà còn hỏi cái gì.

Ông Lang cũng cho biết ông có được đọc bản báo cáo hai trang của Đại Tá Mai Hữu Xuân. Đại Tá Xuân xác nhận có số vàng do Tiểu Khu Chợ Lớn tịch thu được và đã giao cho Đại Tá Dương Văn Minh cất giữ, nhưng đề nghị nên đem ra chia nhau (coi như chiến lợi phẩm)!

(Huỳnh Văn Lang, Nhân chứng một chế độ, Tập II, California, Hoa Kỳ, tr. 66 – 70).

Số vàng tịch thu được trong cuộc tấn công đợt 1 chứa trong một thùng phuy, sau đó được bỏ vào hai cái rương để nạp cho Đại Tá Dương Văn Minh. Như vậy số vàng này rất lớn không thể chỉ 20 kg, mà ít nhất cũng phải khoảng 200 kg.

Cả Đại Tá Y lẫn Luật Sư Lâm Lễ Trinh vẫn đang còn sống, những ai muốn biết sự thật, có thể kiểm chứng không có gì khó khăn.

Ông Trịnh Bá Lộc và ông Lê Xuân Nhuận đã lập lờ đánh lận con đen giữa hai số vàng khác nhau để bênh vực cho Tướng Dương Văn Minh

MỘT CHUYỆN CẦN LÀM

Đọc bài “Con Người Thật Của TT. Thích Trí Quang” của Đào Văn Bình biện hộ cho Thích Trí Quang phổ biến trên các diễn đàn Internet hôm 11.12.2009, chúng tôi thấy trong đó có trích dẫn tài liệu của tự điển bách khoa online Wikipedia, phần nói về Thích Trí Quang. Tài liệu này cho biết: “Trong những năm khởi đầu, Thích Trí Quang đi Tích Lan để để nghiên cứu thêm về Phật Giáo. Khi trở về ông tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp để giành độc lập cho Việt Nam”. Ngoài ra, trong tài liệu đó còn rất nhiều đoạn phịa sử khác.

Đọc đoạn trích dẫn nói trên, chúng tôi biết bọn lưu manh đã xâm nhập vào Wikipedia để viết phịa sử. Trong 3 tháng đầu năm 2009 vừa qua, có khoảng 49.000 thiện nguyện viên rời khỏi Wikipedia để phản đối Wikipedia không giữ được tính cách trung lập và vô tư. Nhiều giáo sư đại học đã không cho sinh viên xử dụng tài liệu lấy từ Wikipedia.

Thích Trí Quang chỉ biết chữ Hán, không biết tiếng Pháp, không biết tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào khác, và chưa bao giờ xuất ngoại, ấy thế mà tên viết phịa sử đã cho ông ta đi “nghiên kíu” ở Tích Lan rồi về chống Pháp! Điều này cho thấy các tên tín đồ Phật Giaó cực đoan vẫn đang tiếp tục viết phịa sử về Phật Giáo đấu tranh và tiếp tục tạo ra nghiệp chướng do vọng ngữ. Dĩ nhiên, Đào Văn Bình rất khoái những phịa sử này và chụp lấy ngay để trích dẫn!

Trong các hồi ký về chiến tranh Việt Nam được phổ biến hiện nay, cuốn hồi ký “Từ Rạch Cát tới Tòa Đại Sứ Mỹ” của Thích Trí Quang là một tập phịa sử đáng kinh ngạc. Ông ta có trình độ văn hoá thấp, nên đã “sáng tác” tác phẩm này một cách rất ấu trỉ và vụng về để che đậy cho chuyện ông được CIA đưa vào tỵ nạn trong Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn sau vụ lục xét một số chùa đêm 22 rạng ngày 23.8.1963. Ông ta coi đọc giả như trẻ con.

Ông Lê Xuân Nhuận là một viên chức cảnh sát cao cấp và có nhiều kinh nghiệm, tại sao ông không đem tập hồi ký đó ra mổ xẻ cho độc giả biết đâu là sự thật, cảnh sát VNCH có ngu xuẩn đến mức như Thích Trí Quang đã mô tả trong tập hồi ký đó không?

Làm chuyện này chắc chắn hữu ích cho thế hệ tương lai hơn là “chọi đá đường rầy xe lửa”. Sau khi ông trình bày và phân tích xong, chúng tôi sẽ cung cấp thêm một số tài liệu để làm sáng tỏ vụ Thích Trí Quang được CIA đưa vào trốn trong Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn năm 1963.

Ngày 14.12.2009