Thời trang Sài Gòn, kín và hở |
Thứ Bảy, 02 Tháng 1 Năm 2010 22:13 | |||||||||
Sau cái ăn, cái mặc là một trong hai điểm chính của cuộc sống.
Trước kia, ở trong nhà, người ta mặc sao cũng được nhưng hễ ra ngoài đường thì nhất thiết quần áo phải chỉnh tề. Ở Huế và Ðà Lạt, các bà, các o lớn tuổi bán hàng ngồi một chỗ ngoài chợ hoặc quang gánh đi khắp phố phường cũng mặc áo dài, mãi về sau mới thấy Ðà Lạt hàng rong bỏ áo dài, mặc áo ngắn. Trừ một số ít lớp trẻ theo “đợt sóng mới” mặc áo đầm, quần tây... Nam giới sơ mi bỏ trong quần tây, còn lại hầu như tất cả phụ nữ hễ bước chân ra đường đều phải khoác áo dài. Khoảng thập niên 60, áo dài cổ cao, tà áo ny lông vừa rộng vừa dài bay phất phơ cơn gió Saigon. Áo dài được coi như trang phục chuẩn mực và phổ biến của người nữ giới. Bà cụ Bá có nhà là tiệm vàng. Bà ở lầu 1 còn tầng trệt là cửa hàng; hàng ngày ở trên lầu, bà cụ ngoài 80 tuổi này luôn mặc áo cánh tức áo bà ba trắng nhưng khi xuống tầng trệt ngồi chơi, dù là tận cuối cửa hàng nhà, bà đều phải khoác thêm bên ngoài chiếc áo dài màu nâu. Các cô bán hàng dĩ nhiên đều phải áo dài tất. Nữ sinh đi học ngoài số ít mặc jupe plissé, còn lại mặc áo dài trắng với quần trắng hoặc quần đen. Áo dài phải có cổ hoặc cổ tròn sát chân cổ. Một số trường học nội trú hoặc bán trú kỷ luật gắt gao, bắt nữ sinh phải mua vải của nhà trường: quần bằng vải dày, áo dài thường được may bằng vải KT 3000 loại dày, chưa kể phải mặc thêm một lớp áo lá bên trong. Vào thập niên 70, áo dài không dài rộng và lùng bùng nữa mà chật lại, phụ nữ khắp nơi mặc áo dài raglan nối vai, cổ áo thấp, tà áo vừa hẹp vừa ngắn thường may bằng tơ Hồng Hoa nội hóa hay sura Thái, các nữ sinh mặc áo dài tơ sống hoặc tơ chín. Khi ấy, áo dài vẫn chưa mất địa vị độc tôn của nó. Ðó là loại y phục phụ nữ phải mặc trong bất cứ trường hợp nào: lễ lạt quan trọng, đi làm hay đơn giản ra phố, chỉ khác nhau ở loại vải đẹp hay xấu cho từng trường hợp thôi. Tà áo dài thướt tha khiến phụ nữ trở nên dịu dàng, nữ tính làm sao:
Áo dài sầu hai vạt Khi chấm bùn lưa thưa (Nguyễn Tất Nhiên)
Khi phong trào hiện sinh lên cao, đám thanh niên hippy tóc dài phủ ót, mặc sơ mi bó sát phanh hai chiếc khuy đầu khoe bộ ngực còm nhom, xương xẩu, trông có vẻ chán chường buồn nôn, môn đồ của Sartre lắm... Ðầm xuất hiện nhiều hơn nhưng vẫn kín đáo, dẫu sao cũng đang thời kỳ chiến tranh nên không có nhiều kiểu cọ: jupe serré, robe vải thật dày cao tới đầu gối... Ăn mặc thời kỳ này vẫn rất hiền. Sau 75, một thời gian dài khó khăn. Vải vóc được phân phối theo tem phiếu từng khúc một. Khúc khổ thước sáu dài một mét mốt dành may quần. Khúc khổ một mét rưỡi dài thước hai cho áo dài tay... Thường là vải màu trắng, xanh dương hay hồng để may áo, vải quần tây xanh đậm, đôi khi có những khúc nỉ hay len, hoa văn lạ như kiểu Lào hay Kampuchia không biết để may gì. Nói chung vải vóc có gì thì phân phối thứ đó, miễn có khúc vải là quý rồi. Áo dài biến mất, coi như xếp xó, lâu lâu lôi ra ngắm. Hầu hết áo dài đều được mang ra sửa thành áo ngắn hết: hai tà làm thân áo, phần trên sửa thành tay ngắn, hai cái tay áo biến thành bèo nhún chỗ này chỗ nọ... nếu không sơ mi thì cũng là áo kiểu chế biến đôi chút. Hầu như tất cả áo phụ nữ bấy giờ đều là sơ mi hay áo cổ bẻ. Quần tây, áo ngắn thay thế áo dài trước kia cho mọi nơi, mọi lúc: để đi học, đi làm, đi dạy, đi đám tiệc... là đường hoàng lắm rồi. Vải vóc bán ngoài chợ số ít nếu có màu sắc này nọ đa số là hàng hóa theo dạng quà biếu từ ngoại quốc gửi về Dần dần kinh tế phát triển. Cô giáo đi dạy được mặc áo dài. Thời kỳ đầu trở lại ngày xưa, áo dài may riêng để đi đám cưới là màu đỏ chói lọi hay màu hường. Cô dâu cũng chuộng những màu đỏ. Sau nhiều năm mất dấu, áo dài quay trở lại không còn được ưa chuộng nữa. Áo dài không thể cạnh tranh với với quần tây, áo ngắn tiện lợi. Chiếc áo dài truyền thống phô hết vẻ đẹp, đồng thời cũng phô hết nét xấu của phụ nữ. Nhất là các bà trung niên, cơ thể đã mất eo, rất ngại xỏ tay vào chiếc áo dài, cứ quần tây, áo kiểu là có thể che dấu mọi khiếm khuyết trên đường nét cơ thể. Vài năm trước, mấy bà Việt kiều bắt đầu về nước phổ biến kiểu quần áo “Việt kiều” may bằng soie, quần theo kiểu quần tây có túi nhưng lưng thung, áo tay ngắn hay dài, có cổ. Kiểu này già trẻ lớn bé đều mặc được, diện trong nhà hay đi chơi, đi chợ, đi đám đều được. Ði đám thì phải may bằng loại mắc tiền hơn loại đi chợ. Kiểu này mau chóng phát triển vì quá sức tiện lợi, các bà không phải bó người trong chiếc quần tây chật chội khó chịu. Một bộ quần áo kiểu mới được mệnh danh là “đồ Việt kiều”, chứ không phải bà ba, áo túi xưa như trái đất. Theo đúng nhu cầu phụ nữ vào bất cứ thời nào là mốt mới, mặc vào lại hết sức rộng rãi, dễ chịu. Chỉ có điều, khuynh hướng “đồ Việt kiều” được may càng lúc càng trở nên dễ dãi. Mặc trong nhà cũng thế, ra ngoài cũng y như vậy, không khác biệt bao nhiêu. Quần chật bớt một chút, áo ngắn hơn một chút và thay vì chỉ có người già mặc vì cần sự thoải mái thì phụ nữ giới tuổi nào cũng mặc. Thành thử từng có người ra tòa Tổng Lãnh sự xin xuất ngoại đã bị từ chối phỏng vấn vì lý do mặc “đồ ngủ”! Dần dần đến đến giai đoạn mặc đầm. Qua khỏi thời kỳ kéo dài quần áo thiếu thốn, đơn sơ nên đầm hiện ra như một sự sổ lồng, thỏa mãn nhu cầu của phụ nữ lúc nào cũng khao khát làm đẹp. Ngoài miền Bắc, mấy chục năm từ bỏ loại “vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu, bên Tây thì có bên Tàu thì không”, nay ào ào váy. Kiểu váy đầu tiên xuất hiện rộng, dài đến mắt cá chân. Giống như “đồ Việt kiều” ở miền Nam, phụ nữ miền Bắc nhất tề mặc váy vì được theo mốt, lại dễ mặc do cao thấp béo gầy gì cũng được che giấu sau chiếc váy kín bưng. Chỗ nào cùng gặp váy, bộ phim xã hội nào của miền Bắc cùng toàn gặp váy: Váy ở nhà, váy đi làm, váy quét sân, váy đi chơi... Tại miền Nam, cứ đến cơ quan nào nhìn thấy các bà, các cô mặc váy lòe xòe là y như rằng miền Bắc vào. Một sở nọ tổ chức cho phụ nữ xuống miền Tây dạo miền sông nước, thăm vườn trái cây, một bà độc diễn chiếc váy bó nhung đỏ dài tận gót chân, tay xách ví đầm, tay cầm dù che nắng gay gắt, dò xuống thuyền suýt trẹo đôi giày cao gót mười phân xuống sông. Bây giờ cả nước ăn mặc tự do. Ðủ loại, đủ kiểu. Kiểu Tây, kiểu Mỹ... Nhờ quần áo SIDA tức quần áo cũ viện trợ đi theo ngả Cam-bốt bán giá rẻ mạt nên người nghèo cũng có thể ăn mặc lành lặn, áo thung, áo gió hay sơ mi bán ở Châu Ðốc chỉ năm ngàn đến mười ngàn, về tới thành phố vẫn không đắt hơn nhiều. Quần áo Trung Quốc đi lậu qua đường biên giới vài ba chục ngàn một cái. Gần đây rộ tin vải Trung Quốc gây ung thư nên một số cửa tiệm phải xé bỏ nhãn hiệu trên hàng Trung Quốc. Hàng VN mới giá cũng rẻ vô cùng. Nguyên bộ đồ ngủ rua, bèo... đính hột cườm chỉ có hai mươi lăm ngàn. Ðược tự do ăn mặc và có đủ điều kiện nên VN cũng đuổi kịp kiểu cọ thế giới. Phim Hàn Quốc thống lĩnh màn ảnh khiến Saigon xuất hiện nhiều cửa hàng bán thời trang Hàn Quốc. Quần áo Tàu nhiều và giá rẻ hơn nhưng về mặt thời trang, không được xem là đẹp bằng Hàn. Thời trang Nhật Bản cũng bước vào Hà Nội và Sài Gòn qua teen trong trang phục Cosplay - trang phục theo nhân vật trong truyện tranh - và Harajuku -xu hướng ăn mặc kỳ lạ, không giống ai. Một số nhãn hiệu thời trang trong nước cũng đã gây được uy tín. Nhiều nhà tạo mẫu trang phục ra đời tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước, các cuộc trình diễn giới thiệu thời trang được tổ chức theo Xuân Hạ Thu Ðông cho dù Saigon chỉ hai mùa mưa nắng. Báo chí đưa tin hằng ngày các cô người mẫu hôm qua mới hắt hơi, hôm nay lại sổ mũi... Áo pull, áo hai dây, quần jean bó, quần legging, đầm ngắn, đầm dài... Y phục theo kiểu unisex, theo kiểu tài tử Hàn Quốc hay ca sĩ Mỹ... Ai kiểu gì mình kiểu nấy, ai sao mình vậy. Áo dài được khôi phục bằng vô số kiểu áo cách tân, giáo viên mặc áo dài đứng lớp, nhiều cơ quan, công sở buộc nhân viên phải mặc áo dài. Dù được trọng vọng như vậy nhưng áo dài đã không tìm được địa vị độc tôn ngày xưa. Các cô đi làm chỉ mặc áo dài ở nơi làm việc. Trên đường đến và tan sở về nhà, họ thay bộ đồ khác. Vì thế đi trên đường phố vẫn ít thấy ít thấy áo dài ngoại trừ cổng trường. Nữ sinh mặc áo dài nhìn xa rất đẹp nhưng đến gần, nhất là giờ tan học, mới thấy nhiều cô cởi hai nút áo cổ, vén cao tay áo và xắn tà lên lưng quần trông đầy vẻ trễ nãi... Mọi người đều kêu áo dài chật chội, nóng nực, bất tiện... nên chỉ lên cấp III, nữ sinh mới phải mặc áo dài. Bây giờ nhiều trường bắt đầu thu hẹp việc mặc áo dài bằng cách chỉ có đầu tuần hay lễ lạt mới phải mặc. Các trường học mặc váy thường có kiểu riêng từng trường. Thậm chí miền Bắc còn có đồng phục riêng của từng lớp theo đúng mốt Hàn Quốc. Chỉ có điểu khi y phục có phần đầy đủ thì người ta lại ăn mặc bừa bãi hơn trước, không theo một quy tắc nào.
Rất dễ nhận thấy phụ nữ ngày nay ăn mặc hở hang hơn trước. Quần xệ ơi là xệ, áo mỏng dính, cổ khoét sâu ơi là sâu, váy thì ngắn ngủn... quần xệ đi với áo ngắn, quần bó chật cứng rách te tua đi với áo ống hở vai, hở lưng, hở ngực, hở bụng... Cho nên vừa qua Bộ Giáo Dục đã phải ban hành một thông tư yêu cầu nữ sinh trung học phải mặc váy dài quá gối. Chỉ tổ tội phạm gia tăng tỷ lệ thuận theo chiều co của váy...! Sinh viên tự do hơn, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của kỷ luật trung học nên một số cô mang thời trang đi phố vào giảng đường nhìn không được thuận mắt. Thời trang nhiều khi theo không theo các nguyên tắc thẩm mỹ. Kiểu áo dài đến đầu gối đi với quần legging khiến dáng tầm thước của người Việt càng trở nên thấp hơn, chân càng ngắn hơn, váy ngắn cho thấy đôi chân cong vòng kiềng, thanh niên mặc áo lưới phô vóc ròm... Rất nhiều phụ nữ vẫn giữ thói quen mặc nguyên bộ đồ ngủ suốt đêm, sáng dậy đi chợ, đến trường đi họp phụ huynh cho con em, đi công viên, vào tiệm ăn sáng... Tại vì bộ quần áo đó may bằng hàng soie đâu có nhăn, mà hễ không nhăn thì trông vẫn tươm tất, có thể tha đi khắp nơi được Cũng bộ đồ bộ đó hay là áo hai dây, quần lửng... xông xáo khắp nơi, vào lớp học. Nếu chính mình không y phục chỉnh tề thì không thể kêu ca khách ngoại quốc cứ tự nhiên quần short, áo thun ba lỗ đi vào chỗ tôn nghiêm... Bởi vì là ăn mặc là gốc con người, ăn mặc chính là cái biểu lộ mức độ văn hóa của con người vậy.
|