Chúa ơi! Đợi đến bao giờ? |
Không thể không lên tiếng - Không phải chuyện tranh chấp |
Tác Giả: Song Hà | |||
Thứ Năm, 14 Tháng 1 Năm 2010 23:40 | |||
Chúng tôi đọc trên trang web của Hội Đồng Giám mục Việt Nam bài viết của Ban Biên tập nhan đề: “HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: LÊN TIẾNG HAY KHÔNG LÊN TIẾNG”.Đọc qua những dòng này, chúng tôi không hiểu đây là quan điểm của BBT hay của chính Hội Đồng GMVN? Nếu chỉ là quan điểm của một nhóm người trong BBT tờ báo này thì miễn bàn, vì mỗi người có một quan điểm, cách hành động và cách biện hộ cho những hành động và thái độ của mình. Chuyện tranh chấp đất đai, tài sản của từng giáo xứ, giáo phận… đã xảy ra quá nhiều, nhưng HĐGM im lặng không có ý kiến mà chỉ có một bản “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”. Thái độ này được nhiều người chú ý như một sự vô trách nhiệm của những người lãnh đạo, mà người lãnh đạo là người chịu hoàn toàn các trách nhiệm những vụ việc liên quan đến cộng đồng mình phụ trách. Ngay cả nhà nước CSVN mới đây cũng đã có quy chế về “trách nhiệm của người đứng đầu”. Nhưng dù sao, sự “hững hờ” này còn có nhiều người tìm cách giải thích: HĐGM đang có những tư tưởng lớn và chỉ giải quyết những việc lớn, vài chuyện tranh chấp tài sản đất đai chỉ là chuyện “lặt vặt”. Dù những chuyện lặt vặt đó là cả Tòa Khâm sứ, là Tam Tòa, là cả Giáo Hoàng học viện… dù đó là giáo dân bị đàn áp, là linh mục bị đánh ngay trong năm linh mục, là nhà thờ, tượng Đức Mẹ bị bao vây, bị cho đi tù… Những việc đó không liên quan đến HĐGMVN? Bản Quan điểm nói trên được coi là “HĐGM lên tiếng ở một tầm mức khác, bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình”. Có nghĩa là ông Bố trong gia đình chỉ lo việc lớn, còn những việc “lặt vặt” thì từng thành viên gia đình lo. Xin kể một ví dụ như sau: Có một gia đình sống chung với anh hàng xóm là “Trưởng số nhà” nhưng hung dữ, thường xuyên bị anh này dùng bạo lực để hà hiếp, đánh đập và cướp đoạt tài sản của mình. Nhưng vì thế yếu, với lại trong gia đình có những “quan điểm” khác nhau, người cho rằng nên “đối thoại” với anh hàng xóm đó kẻo nhỡ mình nói ra nó tẩn cho mình một trận thì nguy. Người cho rằng phải có tiếng nói của công lý, của pháp luật với anh hàng xóm xấu chơi này. Trong khi gia đình đang tranh cãi, chưa có thống nhất cụ thể thì anh hàng xóm cứ ngang nhiên bịa ra hết “luật tổ dân phố” đến “luật số nhà” để lấn chiếm dần cơ ngơi của gia đình yếu thế, mục đích là để đến một lúc nào đó anh chàng này không còn đất sống phải “bán xới” sang chỗ khác. Cứ thế, lần lượt từ cái mái hiên bị chiếm, đứa con ở gần kêu khóc, nhưng ông bố cứ im lặng để “đối thoại”, bà mẹ ở phòng xa hơn cũng coi như không biết gì. Mấy anh em còn nhỏ không biết kêu ai càng ngậm ngùi để mất dần phòng này đến phòng khác. Kể cả khi anh hàng xóm đến thăm ông bố, được đón tiếp vui vẻ, rồi đột nhiên chiếm luôn một chiếc giường trong phòng ông bố, hàng xóm hỏi, ông cũng chỉ trả lời qua quýt rằng tôi đang đòi lại, đang hy vọng… thế là xong. Nhiều lần anh chị em trong nhà đã kêu đến ông bố, nhưng ông chỉ bảo: “Tao còn phải lo đại cuộc, lo cái lớn hơn là xây dựng khu phố kiểu mẫu, tổ dân phố văn hóa đoàn kết… nên không muốn nói to hoặc ầm ĩ” chỉ nói thế vì phải đặt hoàn cảnh gia đình ta vào “bối cảnh chung trong toàn ngõ phố”. Phía anh Trưởng số nhà hung dữ, thì tuy đã chiếm được dần dần từng phòng của gia đình này, bằng biện pháp dùng “luật rừng” nhưng miệng lưỡi thì có những lời rất đẹp và hữu nghị với láng giềng xung quanh nào là “tôi quản lý” số nhà này, đây là tài sản chung… Tài sản đất đai của gia đình hàng xóm nghèo đã dần dần về tay nhà mình nhưng họ vẫn ấm ức và không phục. Hắn khó chịu lắm, muốn làm một cuộc tổng chiếm đoạt đuổi cổ gia đình kia đi nhưng chưa lường được sự thể sẽ đến đâu. Bởi hắn thừa biết rằng nếu gia đình kia biết đoàn kết, cùng lên tiếng tố cáo việc cướp đoạt của hắn trước làng xóm, thì hắn sẽ bị cả phố lên án và hắn không còn giữ được thói hung hăng của mình. Hắn nghiên cứu, suy nghĩ và tìm cách. Bỗng một buổi sáng sớm, lúc 2 giờ sáng, hắn đưa một đoàn những tên bặm trợn, hung dữ đến bao vây nhà kia, không phải để chiếm tài sản, mà chỉ để đập tan cái bàn thờ tổ tiên ông bà nhà đó, xé hình ảnh ông bà vứt vào sọt rác, đập tan cái lư hương, đập nát cái ban thờ. Con cái trong nhà ra giữ, kiên quyết tố cáo và đấu tranh với hắn để giữ lại, hắn đánh cho đứa thì tóe máu đầu, đứa thì giữ vỡ mặt, đứa thì đi viện, tiếng kêu khóc ầm ĩ, hàng xóm tố cáo hành động của tên Trưởng số nhà rất mạnh mẽ, đồng loạt. Nhưng ông bố thì… im lặng. Đến khi đó, ông bố gia đình kia có nói được rằng: Đó là chuyện riêng của mỗi đứa con, còn tao là bố, là chủ nhà thì chỉ nói lên “Quan điểm” và chỉ “làm những việc to lớn” nữa không? Có lẽ đến lúc đó, tất cả những đứa con phải kêu lên rằng: “Bố ơi, gia đình ta có còn là một gia đình nữa không? Bố có còn là ông bố trong gia đình nữa không”? Gác qua những vụ việc trước, đến vụ việc tại Đồng Chiêm, thì người ta chờ đợi, vì sao? Trước hết, sự việc Đồng Chiêm đâu phải là vụ tranh chấp đất đai hay tài sản như BBT trang web HĐGMVN đã nói đến? Giáo xứ Đồng Chiêm, một xứ đạo nghèo, riêng cái tên Đồng Chiêm đã nói lên sự đói nghèo ở mảnh đất ngập lụt này. Giáo dân đàn ông ở đây phải đi làm ăn xa xôi để nuôi sống gia đình. Việc đi làm ăn xa xôi, cô đơn và nhiều vất vả đã mang về giáo xứ này nhiều căn bệnh nguy hiểm. Có lẽ không nơi nào, một giáo xứ nhỏ, lại có nhiều người nhiễm HIV như ở đây. Ở đó không có tài sản để tranh chấp với ai, nhà nước và giáo xứ không có tranh chấp nào với Núi Thờ là nghĩa trang của giáo xứ cả hơn trăm năm nay. Ở đó cũng không có công trình quốc phòng, quân sự hay bất cứ dự án nào của quốc gia để ảnh hưởng. Mà nghĩa trang thì có Thánh Giá, Thánh Giá cũ đã hỏng thì thay Thánh Giá mới. Thánh giá này đã từng được dựng công khai chính quyền đều biết, nhưng đã không có ai ý kiến gì. Đến một lúc nào đó thì đưa cảnh sát, quân đội, chó nghiệp vụ đến phá bằng được theo lệnh chính quyền. Thánh Giá là gì, ý nghĩa của Thánh giá như thế nào, chắc HĐGMVN là nơi hiểu rõ nhất và là nơi còn cần phổ biến cho giáo dân hiểu hơn nữa. Giáo dân chỉ hiểu rằng: Thánh giá là biểu tượng cao quý nhất, thiêng liêng nhất của người Kitô và Giáo hội Công giáo, nếu không có Thánh Giá, có nghĩa là Giáo hội Công giáo không còn tồn tại. Đơn giản thế thôi. Tại sao chính quyền phải triệt phá cây Thánh Giá này một cách triệt để và quyết liệt như vậy? Câu chuyện đơn giản ở trên trả lời câu hỏi này: Thánh Giá là cái bàn thờ trong gia đình, phải triệt phá. Đọc những lời trong bài viết trên, chúng tôi lại nhớ đến câu nói của Đại sứ Tàu tại VN Tôn Quốc Tường: “hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước”. Trong khi đất đai, lãnh thổ mất dần vào tay Tàu Cộng, nhân dân VN bị đánh đập ngay trên lãnh thổ của mình và mưu đồ của nhà cầm quyền Tàu Cộng với đất nước VN thì đã không còn là sự đe dọa mà đã hết sức rõ ràng. Ông Đại sứ này còn khuyên VN hãy “chờ điều kiện chín muồi” rồi giải quyết. Ai cũng biết rằng đến khi “điều kiện chín muồi” là khi toàn dân VN lấy tiếng Tàu làm quốc ngữ. Thưa BBT trang web HĐGMVN, trong một gia đình, bàn thờ tổ tiên bị đập phá mà ông bố vẫn không lên tiếng, thì đừng nói chuyện “quan điểm” hay “đường hướng” hoặc bất cứ sự lý giải nào. Bởi mọi điều giải thích đều vô nghĩa và gia đình đó thực tế không còn tồn tại. Ngày 14/1/2010
|