Chế độ côn đồ |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng / Người Việt | |||
Thứ Năm, 14 Tháng 1 Năm 2010 21:26 | |||
Lực lượng vũ trang của chế độ Cộng Sản Việt Nam đã chọn lúc 2 giờ sáng ngày 6 Tháng Giêng năm 2010 để triệt hạ một cây Thập Tự Giá do đồng bào Công Giáo Ðồng Chiêm dựng lên trên núi, cũng giống như tấn công trong lúc đang đình chiến nhân ngày Tết. Theo một bản tin của đồng bào Thiên Chúa Giáo, chế độ đã huy động từ 500 đến một ngàn người, gồm công an và cảnh sát và tay sai, với súng ống, dùi cui, lựu đạn cay, mang theo cả chó công an chuyên nghiệp, bao vây phong tỏa giáo xứ Ðồng Chiêm, chặn tất cả các lối đi và khu vực Núi Thờ rồi bắt đầu triệt hạ và đập nát Thánh Giá. Người không từng sống trong chế độ Cộng Sản thì không thể hiểu được một chính quyền có thể sử dụng bạo lực làm những hành động bất xứng như vậy đối một biểu tượng của tôn giáo. Nhất là sau khi những người đứng đầu chế độ đó như Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng đã tới La Mã bệ kiến Ðức Giáo Hoàng để chuẩn bị tái lập bang giao với Tòa Thánh Vatican. Nhưng ai đã có kinh nghiệm sống với Cộng Sản Việt Nam thì hiểu. Ðây là một đảng cầm quyền không những vẫn coi các tôn giáo là kẻ thù giống như các chế độ Cộng Sản khác, mà còn thêm một đặc tính nữa là xưa nay họ vẫn quen dùng các thủ đoạn côn đồ với bất cứ người nào không tuân theo chính sách của đảng. Hành động của chế độ Cộng Sản đập phá Thánh Giá trên ngọn núi chôn các ngôi mộ trong đó có những người theo đạo là một hành động vô luân không xã hội văn minh nào chấp nhận. Nhưng đó là một lối cư xử quen thuộc của một chế độ côn đồ, vì nó cũng không khác gì việc chính quyền Cộng Sản Việt Nam yêu cầu các chính quyền Mã Lai, Indonesia đục, phá những tấm bia tưởng niệm các thuyền nhân thiệt mạng trên con đường vượt biển để chạy trốn chế độ Cộng Sản. Rất may là các người lãnh đạo tại các nước Ðông Nam Á này vẫn còn có tình người và còn biết giữ gìn, tôn kính những giá trị của nền văn minh của nhân loại, cho nên đã họ cho phục hồi lại những tấm bia sau khi người tị nạn Việt Nam ở các nơi lên tiếng phản đối. Khi giáo dân Ðồng Chiêm yêu cầu những kẻ căm thù tôn giáo hãy ngừng tay lại, đồng bào đã bị công an cảnh sát ném lựu đạn cay, một số đã bị đánh đập tàn nhẫn, hai người vốn là thương binh từng phục vụ cho chế độ đã bị bắt. Công an còn đổ tội cho một người “mang ma túy trên xe” giống như các hào lý thời Pháp thuộc bỏ rượu lậu vào vườn, ruộng người khác rồi đi tố cáo! Hành vi côn đồ của chế độ vẫn tiếp tục: Chính quyền đã bất chấp luật pháp, bất chấp tính người lắp thêm hàng loạt loa vào bốn phía nhà thờ, cứ suốt ngày ra rả để quấy nhiễu người dân ngay trong giấc ngủ! Buổi trưa ngày 11 Tháng Giêng 2010 một chiếc xe chở giáo dân đỗ ngoài cánh đồng lò gạch đã bị xịt hết hơi hai lốp trước. Trên thế giới ít có một chính quyền nào đối xử với dân của mình theo lối bần tiện, tiểu nhân như thế. Nhưng đó là một đường lối “trước sau như một” của các chế độ bạo tàn. Kinh nghiệm đã cho thấy khi các tay công an tư tưởng, văn hóa của chế độ Cộng Sản không đủ lý lẽ để đối phó họ đã đóng vai côn đồ để đàn áp những người kêu gọi dân chủ cho nước Việt Nam, như các ông Phạm Quế Dương, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Ðài, các bà Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Hồ Thị Bích Khương, vân vân. Côn đồ luôn luôn là một cánh tay đắc lực, một công cụ cần thiết của chế độ.
Một chế độ quen sử dụng côn đồ, cuối cùng chính họ cũng cư xử như côn đồ, cuối cùng sẽ trở thành côn đồ. Chính sách côn đồ của Cộng Sản Việt Nam cũng không khác gì những chế độ độc tài tàn bạo khác ở Congo hay Tân Cương; nhưng điều nguy hiểm cho cả xã hội ta là những hành động côn đồ đó lại được chế độ biện minh một cách trâng tráo. Họ sẵn sàng chối bỏ những sự thật hiển nhiên về tội lỗi do họ gây ra, mà không mảy may tỏ ra là biết xấu hổ. Chính những thái độ trâng tráo đó gây tai hại cho nền tảng đạo lý của cả xã hội. Sau khi sống dưới một chế độ tàn bạo mà không biết xấu hổ, sẵn sàng gọi trắng là đen, đen là trắng, bất chấp sự thật; miệng nói chống tham nhũng, tay thò ra đòi tiền hối lộ; kinh nghiệm sống đó khiến cho nhiều người từ người lớn đến trẻ em, sau khi phải chứng kiến cảnh tượng đó lâu ngày cũng sẽ nhiễm thói quen đối xử với nhau như côn đồ và dần dần cũng tập thói quen sống trâng tráo không còn phân biệt thiện và ác nữa. Nền tảng đạo lý của cả xã hội bị phá nát. Khi có những thanh niên Hà Nội cướp hoa trong những kỳ hội chợ Hoa Anh Ðào, năm này sang năm khác, chúng ta biết rằng các bạn trẻ này sinh ra hư hỏng không phải vì bản tính họ, không phải vì gia đình thiếu giáo dục; lý do chính là vì họ phải sống trong một hoàn cảnh xã hội nhiều thứ xấu quá. Không cần phải nói, ai cũng biết hoàn cảnh xấu đó là do chế độ Cộng Sản tạo ra. Như Soljenitsyn đã nhận xét, một chế độ dùng bạo lực áp bức người dân bao giờ cũng phải kèm theo một guồng máy dối trá để trốn tránh trách nhiệm, để vu oan giá họa cho những người không đồng ý kiến và không chịu khuất phục. Ðồng bào giáo dân ở Ðồng Chiêm và các nơi khác trong vùng Hà Nội đã tới nhà thờ cầu nguyện, đầu chít khăn tang. Họ để tang cho cả nền đạo lý của đất nước đang bị chế độ Cộng Sản giết chết dần mòn. Khi đọc bài giảng của Linh Mục Phạm Minh Triều nói với giáo dân xứ Ðồng Chiêm sau khi cây Thánh Giá bị công an côn đồ đập phá, chúng ta có thể biết trong xã hội Việt Nam vẫn có cái Thiện, khác với cái Ác mà chế độ là tiêu biểu. Vị linh mục nói, “Khi mà quyền lực bóng tối đã bao phủ thì chúng không còn cơ hội để nhìn ra ánh sáng. Nhưng chúng ta không chống đối. Chúng ta không cầu nguyện để rồi Chúa làm cho những con người đã đập Thánh Giá của Chúa phải chết một cách bất ưng hoặc là gặp sự khốn khó. Ðức Tin Công Giáo của chúng ta không cho phép chúng ta làm điều ấy.” Toàn thể các linh mục Tổng Giáo Phận Hà Nội tham dự kỳ tĩnh tâm tháng tại Tòa Giám Mục đã lên đường tới giáo xứ Ðồng Chiêm để chia sẻ cảnh tang tóc với giáo dân tại đây. Một bản tin viết: Vành khăn tang trắng xóa chít chặt mọi mái đầu từ già đến trẻ. Cây Thánh Giá bằng tre được dựng vội tại hiện trường với cờ tang ủ rũ, những nén nhang cháy dở, là dấu tích của các hành động đàn áp. Linh Mục Phạm Minh Triều đặt câu hỏi: “Tại sao không đi ra biên giới phương Bắc mà đòi hải đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc mở các tour du lịch, lấn chiếm; rồi các ngư dân của chúng ta đang bị đánh đập. Tại sao lại đi đàn áp tôn giáo từ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, rồi xứ Loan Lý, rồi Tam Tòa? Không chỉ Công Giáo, rồi còn chùa Bát Nhã nữa.” Những gì công an côn đồ Cộng Sản đang làm ở Ðồng Chiêm, tháng trước họ đã diễn cùng một vở tuồng đó ở Bảo Lộc. Cũng dùng đám côn đồ quấy nhiễu (thuê 200 ngàn một ngày, theo lời một chị được thuê từ ngoài Bắc vào Bảo Lộc, chị nói thực với một ni cô). Cũng những ống loa gây ô nhiễm không khí thanh tịnh của nơi tu hành. Và sau 3 tháng, chế độ Cộng Sản đã đạt được mục tiêu: Giải tán 400 tăng ni Bát Nhã, buộc Thượng Tọa Thái Tuận chùa Phước Huệ gạt nước mắt tiễn các đứa con tinh thần của mình ra khỏi chùa. Và chế độ Cộng Sản vẫn giữ thái độ trâng tráo, chối biến trách nhiệm của họ! Phó trưởng ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ là Nguyễn Thanh Xuân đã mở một cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội chiều ngày 11 Tháng Giêng để “cung cấp thông tin chính thức” về thành tích phá tan tăng đoàn Bát Nhã của đảng Cộng sản. Ai không sống trong chế độ cộng sản thì không thể hiểu được cảnh tượng một viên chức chính quyền trâng tráo nói trái sự thật một cách tự nhiên như vậy! Những người có liêm sỉ không thể nào hiểu nổi tại sao đến bay giờ chính quyền còn có thể nói rằng các tăng ni Bát Nhã đã “tự nguyện rời khỏi chùa Phước Huệ, chính quyền chưa rõ họ trở về địa phương ra sao.” Cùng một giọng điệu đó, ông Nguyễn Ngọc Ðông, phó chủ tịch Lâm Ðồng giải thích rằng các “Phật tử thị xã Bảo Lộc và các tăng sĩ tại chùa Phước Huệ” đã “yêu cầu tu sinh rời về địa phương theo ý kiến của GHPGVN.” Tất cả những người có mắt, có tai đều biết đó là những lời dối trá. Ðồng bào Phật tử không ai đang tâm chống các tăng ni đã chọn con đường chỉ biết tu tập để cứu độ chúng sinh. Nếu không có đám công an và đám côn đồ do họ thuê mướn đến quấy phá, làm áp lực, thì chùa Phước Huệ không nỡ lòng nào để các vị tăng ni đó ra đi. Chế độ Cộng Sản đã chối bỏ trách nhiệm, và tiếp tục nói dối. Họ không dám nhận là chính họ quyết tâm phá không cho các tăng ni Bát Nhã tu tập ở cùng một nơi. Họ vẫn dùng luận điệu gian dối cũ khi giải thích, “Ðây là va chạm giữa các môn phái tôn giáo.” Họ tiếp tục nói dối khi “khẳng định chính quyền địa phương không gây bất cứ sức ép nào đối với các tu sinh.” Tất cả là những lời dối trá.
Linh Mục Phạm Minh Triều nhận xét: “Một tổ chức, một chính quyền nào mà xúc phạm đến biểu tượng tôn giáo thì chính quyền đó đang đi dần vào sự tự sát!” Linh Mục chỉ nói đến một chế độ tự sát, ông không có ý nói đến những con người nắm giữ chế độ đó. Ông đã kêu gọi các giáo dân hãy cầu nguyện cho cả những người đến đập phá Thánh Giá và đánh người ta. Tất cả chúng ta có thể chia sẻ những lời cầu nguyện này. Cầu nguyện cho những người đang đóng vai côn đồ sẽ nhìn thấy hành động của họ là sai lầm mà sửa đổi đi. Cầu cho những quen người nói dối sẽ tỉnh ngộ, thấy việc nói dối đó vô ích và từ nay không tiếp tục nữa. Hai điều nguyện này đạt được thì đó là đại phúc cho nước Việt Nam. Khi đồng bào chúng ta được sống trong một chế độ biết kính trọng tín ngưỡng của dân, biết tôn trọng sự thật, thì nền tảng đạo lý của dân tộc có thể bắt đầu được khôi phục.
|