Hà Nội đón Tết trong không khí chuẩn bị ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long |
Tác Giả: Trọng Nghĩa / RFI | |||
Thứ Ba, 16 Tháng 2 Năm 2010 19:53 | |||
Những ngày Tết luôn luôn là thời điểm đặc biệt cho tất cả mọi người Việt Nam. Thế nhưng năm nay, đối với Hà Nội, không khí Tết lại mang một màu sắc đặc biệt hơn do việc thủ đô Việt Nam trong năm 2010 này sẽ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long. Đối với người Hà Nội, đây là một sự kiện vui mừng nhưng tạo ra nhiều mối ưu tư. Tượng đài Lý Thái Tổ được trang hoàng để đón năm Canh Dần và mừng 1000 năm Thăng Long Trong khuôn khổ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, từ cuối năm 2009, nhiều hoạt động văn hoá đã bắt đầu được tiến hành. Tại Hà Nội, nhiều công trình chỉnh trang để tô điểm lại gương mặt thành phố, đã và đang được thực hiện. Việc thi công ngày càng dồn dập và đã phải tăng tốc, sao cho hoàn thành được trước tháng 10, vì mồng 1 tháng 10 là ngày được chọn để khai mạc Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long ở ngay tại vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng và chung quanh hồ Hoàn Kiếm Các công việc chuẩn bị cho Lễ hội trọng đại của thủ đô Việt Nam đã ảnh hưởng ra sao đến sinh hoạt bình thường của người dân tại chỗ, có tạo ra thay đổi gì trong tập quán đón xuân của người Hà Nội hay không, và được họ tiếp nhận như thế nào ? Nhân dịp Tết truyền thống của người Việt, RFI đã thử tìm hiểu nơi anh Vũ Thế Long, thuộc Trung tâm Hỗ trợ Các Chương trình Phát triển Xã hội tại Hà Nội, một người hoạt động lâu năm trong lãnh vực khoa học xã hội, rất thiết tha với vấn đề bảo tồn môi trường thiên nhiên cũng như văn hoá của thủ đô Việt Nam. Đối với anh Vũ Thế Long, Tết Hà Nội năm nay quả là đặc biệt, lẽ dĩ nhiên là nhờ vào công việc chuẩn bị cho Đại lễ mừng 1000 năm Thăng Long, Thế nhưng bên cạnh đó, hiện tượng khí hậu biến đổi thất thường cũng đã bất ngờ tác động đến sinh hoạt đón xuân của người Hà Nội. Riêng về các hoạt động quy mô nhằm chuẩn bị cho ngày Hội, mối ưu tư của anh Long là cần làm sao duy trì cảnh quan thiên nhiên của thủ đô, tránh lãng phí vô ich. Sau đây, mời quý vị nghe bài phỏng vấn dành cho RFI. RFI : Thưa anh, năm nay Tết ở Hà Nội năm nay có đặc điểm là diễn ra vào lúc thủ đô Việt Nam chuẩn bị mừng một nghìn năm Thăng Long. Không khí có gì đặc biệt hơn so với mọi năm ? Vũ Thế Long : Quả thật là tôi cũng không đi đâu xa lắm, chỉ quanh quẩn Hà Nội. Bình thường ra thì cứ đến ngày Tết, thì cũng khác thường rồi. Nhưng năm nay Hà Nội tiến đến 1000 năm Thăng Long. Sáng nào tôi cũng nhìn lên cái bảng to ở đền Bà Kiệu, trước đền Ngọc Sơn, thì ngày cứ lùi dần. Năm nay là năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, cho nên cái Tết là sự kiện trọng đại của mọi người Việt Nam. Hà Nội năm nay cũng có những cái khác thường. Khác thường đầu tiên là trước Tết mấy ngày có những biến đổi khí hậu cực kỳ mạnh, ảnh hưởng đến đời sống của tất cả mọi người. Chưa bao giờ trước Tết một tháng, ở Hà Nội một nghìn năm Thăng Long này mà người ta có thể lội qua được sông Hồng. Nước cạn kinh khủng. Cái khí hậu ấy ảnh hưởng đến việc trồng cây, trồng rau, rồi đến đời sống nông dân, nhất là hoa. Nhiệt độ chưa năm nào gần Tết mà nóng đến gần 30°C, cho nên hoa đào bị nở sớm. Trước Tết, bao nhiêu thứ hoa của bà con mình trồng bị héo hết. Nó nở sớm quá, cho nên đột nhiên, lạnh xuống khiến hoa bị héo. Hoa đào là cái đặc trưng nhất của Tết Hà Nội thì năm nay, những người trồng đào quanh Hà Nội bị thua thiệt. Cây đào phải giữ được sao cho nở đúng vào ngày 30 và mùng một Tết thì rất hiếm. Cái đấy cũng là một điều rất đáng tiếc. Sông Hồng bị khô cạn ở khúc chẩy qua Hà Nội gần cầu Long Biên hồi tháng 12/2009 RFI : Đó quả là một sự kiện đáng tiếc, nhưng còn về những sinh hoạt cụ thể trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì như thế nào thưa anh ? Vũ Thế Long : Để chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long, có rất nhiều lễ hội được tổ chức. Đặc biệt là hội hoa quanh bờ hồ Hoàn Kiếm ở giữa Hà Nội. Công ty Môi trường Đô thị mang rất nhiều hoa về Hà Nội. Tôi cảm thấy rất sót ruột khi thấy quá nhiều hoa và nhiều hoa đắt tiền lắm, đặc biệt là những hoa lấy giống từ nước ngoài, hoặc mang từ Đà Lạt ra, hoặc tôi cũng không biết từ đâu ra. Cả thảm cỏ xếp toàn hoa đỗ quyên. Rồi họ dựng những khung hình con thiên nga, rồi đặt chậu hoa lên đấy. Thì mỗi người có một thú vui khác nhau, một cách chơi hoa khác nhau. Có người thích cây cảnh, nó đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa. Bản thân tôi thấy tốn kém quá, nhưng mà đấy cũng là một quyết tâm để thể hiện Hà Nội tươi đẹp, rực rỡ. Nếu bạn nào lần đầu tiên đến Hà Nội, nhìn quanh hồ Hoàn Kiếm Hà Nội thì thấy quả là chi chít những hoa và hoa. Cái vành đai xanh cây cối không như xưa nữa, mà là như một rừng hoa, hoa đắt tiền. Cái đấy tôi thấy hơi lạ.
Tôi cũng thấy là luôn luôn có những hoạt động họ trang trí cho thành phố rất là tốn kém. Đường xá, vỉa hè lật lên để làm lại, rồi chôn vùi dây điện xuống dưới đất ở khu trung tâm. Cho nên, khu vực quanh Hà Nội như một công trường rất lớn. Nhưng mà thời gian sắp đến nơi rồi. Làm cái gì cũng gấp gấp rút rút, vội vội vàng vàng, nhiều chỗ rất là lộn xộn. Cộng với mật độ giao thông của thành phố chúng ta ngày một cao, do mọi người khắp nơi đổ về. Ra đường, số ô tô ở Hà Nội đông quá, cho nên tắc đường là chuyện cơm bữa. Rồi cái khu tượng đài Lý Thái Tổ được trang trí rất hoành tráng, với các loại hoa khác nhau, kể cả hoa nhựa, lẫn hoa thật, cây thật. Đấy cũng là cái cố gắng của Hà Nội để thể hiện ngày Tết của cái năm đại lễ rực rỡ hơn ngày Tết năm thường. Năm nay, Hà Nội nhiều điểm bắn pháo hoa vào thời điểm giao thừa, vì Hà Nội bây giờ lớn lắm, nên các điểm bắn pháo hoa trải ra rất nhiều nơi. Đấy là hoạt động rất sôi nổi để chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long. Nếu như các bạn nào đi lên đường Thanh Niên, Hồ Tây, thì thấy rất nhiều lễ hội sẽ được tổ chức trên đó, có nhiều bảng điện tử lớn, phải nói là chi chít. Đoạn đường Thanh Niên có đến 11 bảng điện tử khổng lồ, bảng điện tử loè loẹt, tôi cũng cảm thấy là nó tạo ra một không khí lễ hội. Nhưng tôi có một anh bạn ở xa về, anh ấy muốn chụp một hình ảnh Hà Nội. Anh ấy bảo tôi, : « Khó quá ông ơi, tôi muốn chụp một ảnh phong cảnh gửi về các bạn giữ cho mình làm kỷ niệm, cảnh Hồ Tây, cảnh Hồ Hoàn Kiếm, nhưng không thể nào tìm được một cái « view » (góc) nào để chụp nữa, vì nó nhiều bảng quảng cáo quá, nhiều bảng tuyên truyền quảng cáo ! » Tức là đứng góc nào nhìn cũng bị vướng, bị lấp. Thì tôi bảo : « Ôi, ông ơi, năm nay, nghìn năm Thăng Long có thể họ làm thế, xong cái việc đó, họ phải sắp xếp đi chỗ khác, chứ không phải chi chít như thế đâu ». Cảnh quan của Hà Nội nó đẹp vì có thiên nhiên chứ ! Để bảng như thế là vì lễ hội thôi. Tôi cũng mong như thế. Những cái bảng như thế tốn bạc tỷ. Đã dựng lên rồi, không biết sau này tính thế nào. RFI : Là một người sinh sống lâu nay tại Hà Nội, lại rất quan tâm đến khía cạnh môi trường văn hoá, cũng như xã hội, cá nhân anh suy nghĩ như thế nào về những thay đổi đương diễn ra với mục tiêu làm đẹp Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long ? Vũ Thế Long : Bản thân tôi là người Hà Nội, tôi nghĩ là cái đẹp của Hà Nội nằm trong sự thanh lịch, sự hài hoà giữa tự nhiên và con người, cho nên cố gắng làm sao giữ được cái đẹp truyền thống thanh lịch thì quả rất là khó. Cách đây ít lâu, cũng là một lễ hội trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội có tổ chức một hội hoa. Hội hoa năm nay tổ chức dọc suốt bờ Hồ Hoàn Kiếm, trình bày rất đẹp, khiến cho tôi mơ về một ngày nào đó của một Hà Nội êm đềm, không ồn ào, có dòng sông ắp nước, đỏ phù sa, và có những tàu điện leng keng. Thì tôi sẽ cảm thấy, người thiết kế, tổng chỉ huy của lễ hội đó muốn cho thủ đô của chúng ta nó hài hoà, nó nhẹ nhàng, nó không ồn ào như những thành phố lớn khác, không phải là Hồng Kông, không phải Bangkok mà nó là cái gì rất Hà Nội. Tôi mong là không khí của Hà Nội, của ngày Tết nó quay trở lại, êm đềm, dịu dàng. Mà có lẽ là người Hà Nội cảm thấy Hà Nội nhất chính là vào dịp Tết. Vì Tết mọi người về quây quần với gia đình rồi, thì những người ở đấy lâu năm cảm thấy êm đềm hơn, vì mật độ giao thông không ồn ào nữa, đỡ căng thẳng, đỡ khói bụi. Có lẽ trong một năm, những ngày đó cũng là ngày tốt để chúng ta nghĩ đến 1000 năm Thăng Long của chúng ta, nghĩ về một cái gì đó cho tương lai nghìn năm Thăng Long. Sau một nghìn năm, thì nó phải hơn, ngày càng tiến lên. Tôi chỉ mong là môi trường tự nhiên thì phải như cái gì đó mà ngày xưa các cụ nhà ta đã chọn, chứ còn ồn áo náo nhiệt quá thì chất lượng cuộc sống đô thị của Hà Nội, của người Hà Nội sẽ bị giảm đi rất nhiều so với các tỉnh bạn quanh Hà Nội. RFI : Dạ thưa anh, cảm nhận của người dân Hà Nội về những chuẩn bị cho 1000 năm như thế nào ? Vũ Thế Long : Kế hoạch ban đầu để tổ chức 1000 năm Thăng Long rất lớn, nhưng cho đến phút chót, nước đến chân mới nhảy. Nhiều chuyện còn đang dở dang, khó mà thực hiện được. Cho nên, thành phố Hà Nội phải bỏ nhiều hạng mục, đáng nhẽ phải làm theo kế hoạch cũ, nhưng cứ rút dần, rút dần. Bản thân chúng tôi làm trong ngành bảo tàng, lịch sử, chúng tôi rất quan tâm đến việc xây dựng bảo tàng Hà Nội. Đây là một công trình rất lớn. Nhưng nhiều người đang lo lắng, vì làm vội quá, xây cái nhà thì có thể xong, nhưng bên trong nội dung nó ra sao và bao giờ có thể khánh thành được, và khánh thành như thế nào, chất lượng bên trong ra làm sao, thì đó là cái chúng tôi rất lo lắng. Về việc chỉnh trang lại thành phố cho đẹp, tôi nghĩ là ngày Tết là cái ngày mà nhà nào cũng tập trung lau chùi nhà cửa sạch sẽ, khang trang. Dịp Tết là gia đình nào cũng làm một cú hích để cho nó sạch sẽ cả năm. Thành phố vừa rồi cũng cố gắng hết sức để tạo điều kiện xoá những quảng cáo bậy bạ trên tường đi. Nhiều người dán những con số điện thoại khoan cắt bê tông, hút bể phốt. Vừa rồi thành phố huy động rất nhiều người để xoá những cái đó đi. Nhưng xoá đi cũng không hết được, trong các ngõ ngách vẫn còn. Cho nên tôi nghĩ 1000 năm Thăng Long là một điểm mốc. Tôi nghĩ qua cái mốc đó, là dịp để ai cũng nghĩ mình vươn lên một cái gì đó, chứ không nghĩ là qua cái điểm đó, xong rồi thôi, đâu lại vào đấy. Tết này là dịp để thúc đẩy mạnh nhất về lối sống của con người, cái thanh lịch của Hà Nội. Làm sao cái thành phố văn minh văn hoá của chúng ta vươn lên một bước mạnh thông qua dịp kỷ niệm lớn. Tết của năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là dịp để xiết chặt kỷ cương đô thị. Làm sao cho ngày nào cũng là ngày Tết thì mới được. Ngày xưa các cụ bảo : « đói ba tháng hè, no ba ngày Tết ». Tôi nghĩ ngày Tết là dịp vui và phấn khởi, nhưng làm thế nào để nghìn năm Thăng Long, năm 1001, năm 1002 lúc nào cũng phải như ngày Tết, phải hay hơn nữa thì kỷ niệm mới xứng đáng. RFI : Như anh vừa nói thì Tết có vấn đề chi tiêu, tình hình kinh tế khó khăn chung toàn cầu có ảnh hưởng gì đến thói quen tiêu Tết của người Hà Nội không ? Vũ Thế Long : Người Việt mình, người Hà Nội cũng như người Việt nói chung, vẫn có một cái gọi là ''no dồn đói góp''. Lúc Tết thì nhà nào, dù nghèo dù giàu, cũng phải tìm cách mua sắm cho gia đình mình. Ngày xưa có câu ''Số cô không giàu thì nghèo, ngày 30 tết thịt treo trong nhà'', nhưng bây giờ chuyện thịt thà không phải là vấn đề lớn, và cái nhu cầu mua sắm của dân cũng tăng lên nhiều, nhiều người trở nên giàu có... Cho nên cái chi tiêu vào dịp Tết vẫn là một cái mà người Việt Nam mình hơi phóng tay quá, không mang tính tiết kiệm như là các nước khác. Cái thứ hai là ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, thì có thể nói là ở mức vĩ mô lớn, còn trong đời sống của dân mình thì tôi cảm thấy nó chưa có ảnh hưởng gì lớn lắm. Giá cả thì các bà nội trợ luôn luôn bảo là cứ lên, lên nhưng mà từ từ . Giá xăng là lên lớn mạnh nhất. Thật ra thì mức sống trung bình có tăng lên, giảm xuống một tí, thì cũng không thể hiện rõ rệt sự suy thoái trong đời sống hàng ngày của người Hà Nội, nghiã là trong dịp Tết, tôi thấy mỗi thứ vẫn cứ tràn ngập trên thị trường. Có cái là anh nào nhiều tiền thì mua nhiều, anh nào không nhiều tiền thì mua ít. Đồ đạc thì quảng cáo ầm ĩ, suốt ngày. Đi trên đường trong dịp Tết thì thấy rất nhiều người đi xe máy chở những cái Tivi màn hình lớn, tôi nghĩ dân Việt Nam mình chơi sang, nhiều nước khác chưa chắc. Rất nhiều gia đình bỏ Tivi cũ, sắm Tivi mới, sắm tủ lạnh mới, chơi toàn đồ sang cả. RFI : Như vậy thì phong tục tập quán ngày Tết của người Việt còn lại những gì ? Vũ Thế Long : Tôi nghĩ nó tùy từng gia đình, tùy vào lứa tuổi. ví dụ gia đình tôi chẳng hạn, thì ông bố tôi có tục lệ là đến ngày Tết, thì nhà tôi quê gốc ở làng Hoàng Mai, bây giờ thành quận Hai Bà Trưng, thì sáng sớm bao giờ cụ cũng đến, lên lễ chùa, đến gặp nhau ở đình làng, xong rồi ra lễ chùa, cùng với các bà cô. Đến thế hệ của chúng tôi thì, tôi không sống trong cái làng ấy ngày nào cả, cho nên là người ta bảo anh là người làng thì về, năm nay tôi cũng về, mình cũng muốn tìm lại tập quán cũ. Nhưng mà chuyện đi lễ chùa ngày càng nhiều. Tại Việt Nam bây giờ, thanh niên cũng đua nhau đi lễ chùa. Gần đây số người trẻ đi lễ chùa vào dịp Tết cũng đông lên. Thứ hai là cái truyền thống đoàn tụ gia đình vào dịp Tết, của người Hà Nội cũng như tất cả người Việt Nam nói chung. Có gia đình thì họp mặt nhau vào bữa cơm tất niên, vào 30 Tết, có gia đình gặp nhau vào mùng một Tết. Thì vẫn có cái tục là chúc Tết bố mẹ. Con cái thì chúc Tết bố mẹ, ông bà, rồi thì có tiền mừng tuổi. Trẻ em đươc mừng tuổi, nhiều khi mừng tuổi quá đáng, cho nên là chuyện mừng tuổi tôi cảm thấy là lại đi quá xa. Tục mừng tuổi đáng nhẽ là thường các cụ cho một ít tiền lẻ, tiền là tiền số lẻ chứ không phải số chẵn, để cho là mừng cái tuổi lấy may, nhưng bây giờ thành ra một cái dịp để mà thể hiện tình cảm bố mẹ cho con cái, hoặc là nhiều cái khác... Tôi nghĩ là cái tục mừng tuổi nên văn minh lịch sự hơn, chứ không phải là chỉ có tiền. Trẻ con mà tự nhiên tiếp xúc với tiền quá, cái gì cũng tiền, tiền nhiều từ bé không phải là cái giáo dục tốt. Còn nhiều cái tục mà xưa nay Hà Nội vẫn giữ được, tục xông đất này, cúng đêm giao thừa, đưa một cái mâm cỗ ra ngoài trời, cúng khấn, đốt vàng mã. Vấn đề là dạo này đốt vàng mã quá trời, đốt kinh khủng, có nhiều người cả tin việc đó. Về tục đốt vàng mã, những năm trước 1945, rất nhiều nhà khoa học, nhiều người như ông Ngô Tất Tố, đã viết về cái chuyện đốt vàng mã và chê đó là cái tục xấu, không văn minh. Sau một thời gian dài mất đi, thì hiện nay người Việt mình lại quay trở lại đốt vàng mã, đốt hàng trăm triệu trở lên. Nên cái tục đốt vàng mã là cái tục mà chính nhà chùa cũng nói là không động viên cái chuyện đốt vàng mã. Thế nhưng mà trong tâm linh, rồi họ nghĩ làm như thế thì họ mới có lợi, cho nên họ đốt rất nhiều thứ. Thì đãy là một cái tục mới, nó phục hồi lại ở Hà Nội, trong nhũng năm gần đây, nhất là trong dịp trước và sau Tết, và nhân dịp các ngày lễ. Đốt pháo thì đã bị cấm nhiều năm nay. hiện nay ở Hà Nội có thể coi như là không biết đốt pháo là gì nữa. Tôi nghĩ cái chuyện đốt pháo nó qua đi và nó đã tiết kiệm được rất nhiều thứ. Bên cạnh đấy, không đốt pháo nhưng đốt vàng mã thì không nên. Tôi nghĩ là tôn trọng cá nhân, ai muốn làm gì thì làm, đốt vàng mã nhưng cũng không nên lãng phí, không nên phô trương và lãng phí quá nhiều vào chuyện không cần thiết. Theo tôi, còn có chuyện người ta cứ nghĩ là phải kích cầu, cứ sản xuất thật nhiều, có người tiêu dùng, thì người sản xuất ra mới có chỗ mà bán. Thế nhưng theo tôi, về một mặt nào đó, thì kích cầu là một điều tốt, nhưng mà kích cầu bằng cách tiêu pha quá lãng phí, thì tôi nghĩ rằng xã hội văn minh thì không nên như thế. Thế nhưng tại Hà Nội, tôi cảm thấy có một chuyện là hiện nay, nhiều khi vung tay quá trán, tiêu quá nhiều, lãng phí. Cái lãng phí thật ra là công sức lao động của mọi người, lao động chung của xã hội, là ăn vào môi trường. Tôi nghĩ là Hà Nội ăn Tết cũng nên có môt cách làm thế nào đó vừa phải chứ không nên cứ vung tay, có nhiều tiền là cứ tiêu nhiều, văn minh không phải là như vậy. Cho nên là nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long này, thì nếu Hà Nội bỏ rất nhiều tiền tiêu để cho nó đẹp lên, đó cũng là một điều tốt. Thế nhưng nều thành phố đẹp lên thì phải kèm thêm một ý nghĩa nữa, tức là nên vận động vừa đẹp, vừa văn hóa, nhưng mà phải hết sức tiết kiệm thì mới là có văn hóa. Cá nhân tôi, tôi cảm thấy hơi sốt ruột khi mà tiêu quá nhiều tiền.
|