Phía trước một con đường |
Tác Giả: Lữ Giang | |||||
Thứ Năm, 18 Tháng 2 Năm 2010 21:50 | |||||
Hôm 5.2.2010 chúng tôi đọc thấy trên trang nhà hayyeuthuongnhau.org của Linh mục Nguyễn Bá Thông bài “Phía trước một con đường” của tác giả là Tư Cua, An Thới Đông, nói về cuộc sống của người dân nghèo An Thới Đông. Bỗng nhưng chúng tôi nhớ đến những phản ứng của một số người Việt chống Cộng ở Mỹ về những lời tuyên bố của Dân Biểu Cao Quang Ánh liên quan đến việc cải thiện tình hình ở Việt Nam, chúng tôi nhớ đến “Những Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ” (Millennium Development Goals) của Liên Hiệp Quốc đề ra vào năm 2000... Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đề, chúng ta hãy nghe anh Tư Cua kể về cuộc sống của người dân An Thới Đông ở thành phố Sài Gòn hiện nay. An Thới Đông ở trong huyện Cần Giờ thuộc thành phố Sài Gòn và nằm ở phía đông nam của Sài Gòn, cách trung tâm khoảng 50 cây số. Thời VNCH, địa bàn quận Cần Giờ gồm hai quận Cần Giờ và Quảng Xuyên, thuộc tỉnh Phước Tuy. Quận Quảng Xuyên được thành lập ngày 29.1.1959, gồm các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn. Ngày 9.9.1960, chính quyền VNCH chuyển hai quận này sang tỉnh Biên Hòa. Sau khi chiếm miền Nam, chính quyền Cộng sản đặt huyện Cần Giờ thuộc tỉnh Gia Định sau đó đưa qua tỉnh Đồng Nai và đổi thành huyện Duyên Hải. Ngày 28.2.1978 huyện Duyên Hải được sáp nhập vào thành phố Sài Gòn và ngày 18.12.1991 đổi tên thành huyện Cần Giờ. Huyện Cần Giờ hiện nay có diện tích 714 cây số vuông với dân số là 68.213 người, bao gồm thị trấn Cần Thạnh và 6 xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và Thạnh An. Đây là huyện có tổng sản lượng (GDP) thấp nhất của thành phố. Tính từ thời Pháp thuộc, qua thời VNCH “tự do dân chủ” đến thời Xã Hội Chủ Nghĩa “độc lập tự do hạnh phúc”, cuộc sống của người dân An Thới Đông vẫn vậy, gần như chẳng có gì thay đổi. Họ chẳng hề nghĩ đến tự do, dân chủ hay nhân quyền, và cũng chẵng bao giờ đòi “giải phóng quê hương”, họ chỉ lo miếng ăn. Chúng ta hãy nghe anh Tư Cua kể chuyện: CHỈ CÓ THUYỀN MỚI HIỂU BIỂN Sáng hôm nay, 3.2.2010, con đường dẫn vào xã nghèo An Thới Đông huyện Cần Giờ bỗng dưng khác hơn mọi ngày. Cờ hoa rợp trời và có cả đoàn lân nhộn nhịp hân hoan chào đón đoàn xe bóng lộn của các vị lãnh đạo thành phố và của huyện. Thì ra là sáng hôm nay xã An Thới Đông khánh thành con đường dẫn vào xã nghèo này. Con đường tạm gọi là khánh thành đấy nhưng vẫn còn đầy bặm bụi bởi mặt đường chỉ trải đá tạm chứ không phải là đường nhựa như ở mảnh đất Sài Thành. Thôi thì cũng tạm gọi là "ổn" với cái vùng quanh năm chân lấm tay bùn, mò cua bắt ốc đắp đổi qua ngày. Cách đây mươi năm, muốn vào được An Thới Đông phải trải qua bao nhọc nhằn của con người. Con đường An Thới Đông ngày ấy phải trải lá dừa và chân phải mang bọc ni-lông mới có thể vào nơi muốn đến được. Ngoại ô của thành phố sầm uất có con đường trải đá như thế này cũng là hạnh phúc lắm so với cuộc sống lam lũ cơ cực ở đây. Không ai phủ nhận con đường vào An Thới Đông khá hơn một chút so với mọi năm nhưng vẫn còn đó sự kiếm tìm. Kiếm tìm đó là kiếm tìm cho một đời sống được cơm no ấm áo như những vùng khác, ít là được như những quận huyện ven đô. Thương cho một An Thới Đông "ngăn sông cách chợ" và cũng thương cho một An Thới Đông hẻo lánh xa xôi. Công tâm mà nói thì phía trước của con đường vào An Thới Đông bớt gồ ghề hơn, bớt quanh co hơn, nhưng nỗi lo phía trước của cuộc đời, phía trước của đời sống của bà con xã nghèo này là cả một vấn đề. Chỉ những ai gần như "sống" với An Thới Đông mới hiểu An Thới Đông như thế nào như Phan Huỳnh Điểu bộc bạch: "Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông dường nào. Chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu". Chỉ có ở An Thới Đông mới "thấm" được An Thới Đông là dường nào. Lần nọ, đang ngồi trên ghế để anh thợ cạo "hành nghề", chẳng hiểu sao anh ta buột miệng nói: "Không biết 10 năm nữa dân An Thới Đông sẽ ra sao?" Thinh lặng một lát anh ta nói tiếp: "Dân ở đây không biết làm gì để sống đây? Cua riết rồi cũng hết mà ốc cũng chẳng còn!". Buổi chiều hôm ấy, cái đầu được cạo tóc vơi đi một chút nhưng trong đầu nặng trĩu hình ảnh của bà con xã nghèo vùng biển mặn này. Người ta vẫn đồn đãi dân Cần Giờ sống vào con tôm con cá ấy nhưng khi đến thực địa mới thấy bi đát là dường bao. Người dân nghèo ở đây vốn dĩ đã nghèo nay lại nghèo thêm vì con tôm. Người dân An Thới Đông cũng thương con tôm lắm nhưng hình như con tôm chẳng thương người dân An Thới Đông thì phải. Đã có một thời chạy bán mặt cho ao tôm bán lưng cho trời ấy nhưng sao mà phận người cứ nghiệt ngã. Càng nuôi tôm hình như càng lỗ thì phải. Biết vậy nhưng chẳng còn nghề nào khác ngoài cái nghề nuôi tôm. Người dân nuôi tôm ở cái xã nghèo này hình như người ta cứ đặt cược vào canh bạc vậy. Một bằng chứng hết sức "hùng hồn" cho thấy sự "phồn thịnh" của An Thới Đông. Chỉ cần gửi tạm con ngựa sắt ở đâu đó quán nước nghèo bên vệ đường để tìm đến những danh lam thắng cảnh như Bầu Thơ Hốc Quả, như Rạch Lá, như Tắc Ráng thì sẽ rõ. Cái tên Bầu Thơ Hốc Quả thoạt đầu nghe cũng nên thơ ấy nhưng khi vào mới thấy cảnh của người dân nghèo ở đây. Lưới điện vào với cái vùng thơ mộng ấy chỉ vỏn vẹn được vài năm. Cuộc sống dường như quá lam lũ bữa no bữa đói với cái vùng "đặc trưng" này. Rạch Lá hay Tắc Ráng cũng chẳng hơn chi, có nhiều gia đình giờ muốn đi ra ngoài phải ngồi trên chiếc xuồng ba lá hay gập ghềnh trên chiếc cầu khỉ mới đến được bến bờ bên kia. Trẻ con ở xã nghèo này muốn tìm được dăm ba con chữ hình như phải đổ mồ hôi sôi con mắt thì phải. May lắm vừa mới có cái trường cấp 1 nghèo ngay tại xã. Lớn lên một chút vào trung học cơ sở thì sáng sớm phải có mặt để kịp chuyến xe buýt nghèo được trợ giá. Và, lớn lên chút nữa vào phổ thông trung học thì phải ngược lên tận bến phà Bình Khánh hay lại lặn lội xuống tận cái Thị Trấn Cần Thạnh. Học sinh cấp 3 ở đây phải "lọ mọ" dậy từ khi trời chưa đỏ và về đến nhà lúc trời chẳng còn chút ánh sáng. Đèn đường thì "ngọn xanh ngọn tỏ" nên phải nói là đi lại ở cái xã nghèo này thật là khó chứ huống hồ gì nói chuyện đi "buôn chữ". Đỏ con mắt để đi tìm một tờ báo ở cái xã nghèo này tìm mãi cũng chẳng ra. Ngày nay, nhiêu nơi trên đất nước có thể là xa xôi hẻo lánh ấy nhưng chuyện lướt "web" là chuyện hết sức bình thường nhưng cư dân An Thới Đông máy vi tính còn là chuyện "mông lung" đối với họ chứ huống hồ chi là "web" với chẳng "web". Bỏ chút thời gian ra để hỏi cư dân An Thới Đông cái "còm-pu-tơ" là gì e rằng họ chưa biết chứ đừng nói gì là "web". Cứ đi đếm tổng số máy trên số hộ gia đình ở đây thì sẽ rõ. Chỉ đơn giản nhiêu đó để hiểu trình độ dân trí của người dân thấy tội là bao. Nếu chỉ thoáng qua những căn nhà mái ngói đỏ chót thì không thể nào hình dung ra những mảng đời vất vả vấn vương. Đàng sau những căn nhà ngói đỏ ấy là những căn nhà mà mưa thì đầy nước mà nắng thì lại chói chang. Đàng sau những căn nhà có được do cơn sốt đất ấy là đầy dẫy nhưng căn nhà mái lá cột siêu. Hình ảnh của ngày khánh thành con đường mới mang tên An Thới Đông này chỉ là bề nổi cho nhiều con đường chằng chịt trong cái xã nghèo này. Muốn hiểu rõ hơn xin trực chỉ Bầu Thơ Hốc Quả, Tắc Ráng, An Bình ... Có những gia đình như Mười H ở Bầu Thơ Hốc Quả suốt ngày chân lấm tay bùn, hơn năm chục thôi mà có cả chục mặt con, và trong chục mặt con ấy chẳng có đứa nào cầm cự hết bậc Tiểu Học. Có những gia đình như gia đình Tư N ở Tắc Ráng vợ chồng con cái suốt ngày cứ đi "mần mướn" cho những ai cần họ nhưng với điều kiện "mần" với những việc vặt vãnh vì khả năng họ chỉ có thế. Có những người ở Bầu Thơ Hốc Quả hình như cả đời chưa biết Sài Thành là gì cả vì cái nghèo, cái khổ cứ như vồ lấy họ, ôm lấy họ. Nói đến đời sống nghèo mà không nói đến đời sống tôn giáo ở đây thì quả là một thiếu sót. Cái nghèo nó dẫn đến sự bám víu. Điều này dĩ nhiên và tất nhiên với người nghèo. Chẳng cần biết đạo nào ra đạo nào cả, chỉ cần thấy có chút "xôi" có chút "thịt" là mau mắn "quy phục" nhưng khi "xôi" khi "thịt" không còn thì họ chẳng còn mặn mà gì với cái tôn giáo mà mình theo đuổi nữa. Họ đáng thương hơn là đáng trách khi cuộc sống quá nghèo. Có những người một năm theo cả 4 đạo để được hưởng phần của cả 4 kẻo mất phần này hụt phần kia. Họ thích thì họ để bàn thờ lên và khi không còn thích nữa thì nhờ "các đấng, các bậc" gỡ bàn thờ xuống đem về "trụ sở" chính của bổn đạo. Con đường bằng đất bằng đá An Thới Đông thật sự đã rộng mở nhưng con đường phía trước của tri thức, của con người ở An Thới Đông hình như nó vẫn còn thăm thẳm một đoạn dài thật dài. Muốn con đường phía trước của con người gần hơn và sáng hơn chỉ có một con đường duy nhất là nâng cao dân trí và nhận thức cho xã nghèo. Không thể nào cứ mãi dựa vào cái kém may mắn của ông bà cha mẹ mà để cho thế hệ tương lai vẫn mãi mù tịt. Để được "bằng chị bằng em" như những quận huyện ngoại thành Thủ Đức Bình Tân vẫn còn là chuyện mơ hoài khó thấy. Chắc có lẽ một cơ quan, một tổ chức không thể nào làm cho An Thới Đông thay da đổi thịt như một cánh én không làm nên được mùa Xuân. Cần lắm những tấm lòng, cần lắm sự chung tay góp sức của nhiều và nhiều người thì may ra An Thới Đông mới mở mang thật sự như con đường vừa khánh thành sáng hôm nay. Đoàn xe của các vị lãnh đạo đã qua, những hạt bụi mịt mờ đã tan biến nhưng vẫn để lại nhiều và nhiều mảng đời bữa no bữa đói. Chiều nay ra đứng trước ngõ nhìn con lộ trước mắt có phần cao hơn, có phần đẹp hơn trước nhưng nỗi lo đau đáu về cái xã nghèo này vẫn khôn vơi...... Những ngày giáp Tết Canh Dần TIẾNG NGƯỜI DÂN TRONG NƯỚC? Sau khi Dân Biểu Cao Quang Ánh đến thăm Việt Nam và đưa ra bản Tường trình về chuyến công du Việt Nam, một người dấu tên, tự giới thiệu là “một người dân ở trong nước”, không hề biết về nền chính trị cũng như sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ, đã gởi đến Dân Biểu Cao Quang Ánh một bài nhận xét trong đó có một câu hỏi được viết bằng chữ lớn như sau: “XIN ÔNG HÃY CHỨNG MINH CHO TÔI THẤY LUẬN ĐỀ KHOA HỌC LÀ: KHI HỆ THỐNG GIÁO DỤC VIỆT NAM PHÁT TRIỂN THÌ KÉO THEO NỀN TỰ DO, DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN SẼ ĐƯỢC PHÁT TRIỂN THEO. XIN ÔNG NÊU LÊN CÁC MỐI LIÊN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA NỀN GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN VÀ DÂN CHỦ, TỰ DO, NHÂN QUYỀN?” Ông ta nói rằng trong khi chờ đợi câu trả lời của ông Ánh, ông xin nêu ý kiến của ông như sau: “NẾU ÔNG LÀM NHƯ TRÊN THÌ ÔNG ĐÃ BƯỚC VÀO BẪY CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN RỒI ĐÓ” và theo ông, “HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ MỐI LIÊN HỆ BIỆN CHỨNG NÀO GIỮA HAI VẾ CỦA MỆNH ĐỀ: GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN KÉO THEO NHÂN QUYỀN CẢI THIỆN”. Tuy tác giả của lá thư tự giới thiệu là “người trong nước” không không hề biết về nền chính trị cũng như sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ, nhưng đọc lá thư chúng ta thấy từ chữ dùng, lối hành văn đến lập luận trong lá thư đều rập khuôn theo các “tham luận” của một số tín đồ chống cộng ở hải ngoại. Những người này chống lại “Những Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ” của Liên Hiệp Quốc là dùng kinh tế và giáo dục để phá vỡ tình trạng nghèo đói và áp bức còn tồn tại trên thế giới. Họ cho rằng làm như vậy là giúp chế độ cộng sản tồn tại lâu hơn... Người Việt hải ngoại có rất nhiều “chính trị gia lão thành”. Họ đã từng chiến đấu hay làm việc với Mỹ ở Việt Nam 20 năm, nhưng lại không biết Mỹ và Cộng Sản làm gì nên đã để mất miền Nam. Có người đã từng ở tù Cộng Sản trên 10 năm, tự xưng là “đi guốc trong bụng Cộng Sản”, định qua Mỹ dạy cho Mỹ chống cộng. Nhưng khi ra hải ngoại, mặc dầu đã sống với chính trường Mỹ 10 năm, 15 năm, hay 20 năm..., họ cũng không biết Mỹ và Việt Cộng đang toan tính gì. Mỹ đã vạch ra “con đường chiến tranh lạnh” cách đây 65 năm và người Việt chống cộng đã bám chặt vào con đường này với hy vọng sẽ đánh bại Cộng Sản. Khi tình thế thay đổi, Mỹ đã bỏ con đường đó và đưa ra “con dường diễn biến hòa bình”..., nhưng người Việt chống Cộng cứ nhất định đi theo con đường cũ, nên trở thành những con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô! Ông Cao Quang Ánh mới bước vào chính trường Mỹ chỉ được vài tháng, làm sao ông có thể biết được những bí ẩn đàng sau hậu trường của Mỹ và “chiến lược diễn biến hoà bình” của Mỹ trong thời đại ngày nay? Làm sao ông có thể với được “đỉnh cao trí tuệ loài người” của Đảng CSVN? Một vài cố vần đã chỉ cho ông “con đường mòn chống cộng” mà người Việt chống cộng ở hải ngoại, đang theo đuổi để ông có thể dựa vào đó mà nói năng và hành động cho “hợp với lòng dân”, nhưng ông không thể nắm bắt được. Phải vài năm nữa may ra ông mới có thể theo kịp được khoa học gia Dương Nguyệt Ánh trong kỷ thuật “vuốt đuôi cộng đồng”, nhưng sợ đến lúc đó “sự nghiệp chính trị” của ông không còn nữa. Tuy nhiên, trong vấn đề ông bị một người dấu tên nói trên chỉ trích, ông đã đi theo đúng Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ của LHQ. CON ĐƯỜNG LHQ ĐANG ĐI Những chuyện mà anh Tư Cua kể không phải chỉ xẩy ra ở An Thới Đông, mà đang xẩy ra ở nhiều vùng trên đất nước. Câu chuyện đó cũng không phải chỉ xẩy ra ở Việt Nam mà xẩy ra ở nhiều vùng trên thế giới. Tài liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết số người nghèo đang gia tăng ở Nam Á, vùng sa mạc Sahara của châu Phi và châu Mỹ Latin. Các nước ở Nam Á được phúc trình của LHQ nói đến ở đây gồm có Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ. Maldives, Nepal, Pakistan và Sri-Lanca. Chúng ta chỉ cần đưa Ấn Độ ra làm một thí dụ điển hình là có thể thấy rõ vấn đề ngay. Ấn Độ hiện nay có tổng sản lượng quốc gia lên đến 3.630 tỷ Mỹ kim, và có một nền kinh tế lớn đứng thứ 12 trên thế giới, có chế độ đa đảng và công nhận quyền tự do ngôn luận... Tuy nhiên, tài liệu của IndiaOneStop.com cho biết, sau hơn 50 năm giành được độc lập, Ấn Độ vẫn còn có khoảng từ 350 đến 400 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, 75% trong số này ở nông thôn, hơn 40% dân chúng không biết chữ. Mặc dầu hiến pháp Ấn Độ đã hủy bỏ hệ thống đảng cấp (caste system), người Dalit vẫn bị coi là tiện dân (untouchables). Trước đây, số tiện dân này bằng 1/4 dân số Ấn Độ, nghĩa là cứ 4 người Ấn Độ có một tiện dân. Hiện nay số tiện dân còn lại khoảng 160 triệu người. Họ phải sống một cuộc đời không hơn gì súc vật. Theo báo cáo của Human Rights Watch, Ấn Độ có khoảng 40 triệu công nhân, đa số là người Dalit, đang phải làm việc trong tình trạng như nô lệ để trả những món nợ do các thế hệ trước đã mắc! Sau trận sóng thần (tsunami) khủng khiếp xẩy ra ở Ấn Độ Dương vào ngày 26.12.2004, cơ quan Liên Hiệp Quốc và Caritas muốn đến Ấn Độ để cứu trợ những người bị nạn, nhưng chính phủ Ấn đã từ chối. Sau đó, người ta khám phá ra các đảng cấp cao ở Ấn đã bắt những người Dalit cũng bị thảm hoạ sóng thần như họ, phải đi sửa chửa lại các cơ sở của họ mà không được hưởng bất cứ một sự trợ cấp nào, nên không muốn cho các cơ quan cứu trợ quốc tế đến chứng kiến thảm cảnh đó. Nhờ sự lên tiếng của Giáo Hội Công Giáo ở Ấn, thế giới mới biết được bộ mặt thật đàng sau của xã hội Ấn. Ngày 23.5.2007, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết kêu gọi hủy bỏ tệ nạn kỳ thị đẳng cấp ở Ấn Độ. Nhưng Hoa Kỳ chỉ phản đối cho có lệ mà thôi. Sau Trung Quốc, Ấn Độ là một thị trường đầy triển vọng của Hoa Kỳ, nên Hoa Kỳ không muốn làm mất lòng Ấn Độ! Làm thế nào để đưa những người kém may mắn ở Việt Nam và ở nhiều nơi trên thế giới ra khỏi sự áp bức và nghèo đói? Cộng Sản và các chề độ độc tài dùng ba thứ để thống trị người dân, đó là ĐÓI, SỢ và DỐT. Vì thế, Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc năm 2000 được 189 quốc gia chấp thuận, đã đưa ra “Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” (Millennium Development Goals) để giải phóng những người không may mắn ra khỏi tình trạng nói trên. Tuyên ngôn này đã đề ra những mục tiêu phải đạt được vào năm 2015, đặc biệt: - Loại bỏ nạn nghèo đói cùng cực của gần 1 tỷ người trên thế giới. - Cung cấp nền giáo dục phổ thông cho 872 triệu người mù chữ. - Kiến tạo sự bình đằng giữa nam giới và nữ giới. Tài liệu cho biết 70% người nghèo là phụ nữ, nhưng họ lại đảm trách 66% công việc làm. Dân biểu Cao Quang Ánh cũng chỉ lặp lại quan điểm của Liên Hiệp Quốc mà thôi. Một số người Việt “chống cộng” cho rằng quan điểm đó không đúng, nó chỉ giúp chế độ cộng sản tồn tại lâu hơn, nhưng họ chẳng có võ khí nào để chống lại ngoài mấy cái tuyên ngôn và tuyên cáo, còn Liên Hiệp Quốc, với sự đóng góp của nhiều quốc gia, đã bỏ ra hàng chục tỷ Mỹ kim để thực hiện những mục tiêu mà họ đã đề ra trong đợt đầu. CÙNG CHUNG MỘT Ý HƯỚNG Như chúng tôi đã nói ở trên, trong tình trạng khốn cùng, người dân An Thới Đông ở Sài Gòn, người Dalit ở Ấn Độ, người nghèo ở Haiti hay vùng sa mạc Sahara của Phi châu... chẳng hề nghĩ đến tự do, dân chủ hay nhân quyền, và cũng chẵng bao giờ đòi “giải phóng quê hương”, họ chỉ lo miếng ăn. Tuy nhiên, nều chúng ta nâng cao cuộc sống và trình độ kiến thức của họ lên, họ sẽ từ từ ý thức được những quyền của con người và của người dân, và đòi hỏi phải tôn trọng những quyền đó, đồng thời họ cũng sẽ tự tìm ra một lối thoát cho cuộc sống của chính họ. Giáo Hội Công Giáo cũng chủ trương như vậy, nên khi đến Ấn Độ, đến sa mạc Sahara ở Phi Châu hay đến với đồng bào sắc tộc ở Cao Nguyên Trung Phần... Giáo Hội đều nỗ lực nâng cao mức sống và nhất là trình độ kiến thức của những người kém may mắn lên. Vào tháng 6 năm 2006, một tân giáo xư An Thới Đông đã được thành lập với một thánh đường rộng khoảng 500 mét vuông. Thánh đường được đặt tên là Gioan Tẩy Giả. Năm 1993, Linh mục Chân Tín bị lưu đày đến đây, cũng đã truyền giáo và có một nhóm giáo dân là 12 người. Nay số giáo dân đã lên 483 người. Sứ mạng đặc biệt của giáo xứ An Thới Đông là chăm sóc những trẻ khuyết tật và những người nghèo khó cần được trợ giúp. Hiện giáo xứ đã có một trung tâm để nuôi dưỡng khoảng 40 em khuyết tật. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã nói với phóng viên của hãng thông tấn Asia News: “Giáo xứ đạt được mục tiêu như ngày hôm nay là do nhiều giáo dân tích cự tham gia công tác. Đây là một dấu chỉ cho thấy tín hữu tại Sàigòn đã thay đổi tâm thức về tự do tôn giáo. Họ muốn ngày càng có nhiều tự do hơn nữa”. Chúng tôi rất mừng khi thấy nhiều cá nhân và đoàn thể của người Việt hải ngoại đang đi theo Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc để làm cho đất nước ngày càng tươi sáng hơn. Ngày 16.2.2010
|