Mỹ có sợ Trung Quốc không? |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Sáu, 19 Tháng 2 Năm 2010 09:41 | |||
Tuần trước, chính phủ Bắc Kinh đã lên tiếng yêu cầu Tổng Tống Barack Obama bãi bỏ cuộc gặp gỡ với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Chính phủ Mỹ tiết lộ ông Obama đã báo trước cho ông Hồ Cẩm Ðào, chủ tịch Trung Quốc biết là sẽ tiếp đón vị lãnh đạo tinh thần của dân tộc Tây Tạng. Cả bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton cũng sẽ gặp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Thế nào Bắc Kinh cũng phải bày tỏ thái độ bằng một lời nói hay hành động để phản kháng. Giống như tháng trước khi cả thế giới nghe tin Mỹ sắp bán một số vũ khí mới cho Ðài Loan trị giá 6.4 tỷ Mỹ kim, Bắc Kinh đã cực lực lên án và dọa sẽ “trừng phạt” các công ty Mỹ bán máy bay hoặc tầu ngầm cho Ðài Bắc. Nhưng liệu các công ty hàng không Trung Quốc có ngưng không dùng máy bay Boeing nữa hay không? Không chắc lời đe dọa này sẽ thành hiện thực. Tất cả các ông tổng thống Mỹ từ hai chục năm nay, ông nào cũng tiếp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma ít nhất một lần tại Toà Bạch Ốc. Và lần nào Bắc Kinh cũng tỏ ý bất bình. Không còn ai ngạc nhiên nữa. Trung Quốc đối xử với Mỹ có vẻ “nhân nhượng” hơn đối với các nước khác. Năm 2008, họ tỏ ý phẫn nộ bỏ không tham dự một cuộc họp thượng đỉnh với các nước trong Liên Hiệp Âu Châu vì Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp kiến Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Ðối với Mỹ, phản ứng của Bắc Kinh mềm mỏng hơn nhiều. Năm 2007, họ đã không cho phép chíến hạm USS Kitty Hawk cập bến Hồng Kông sau khi Tổng Thống George W. Bush gặp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Sau đó, họ lại cho phép, nhưng chiếc tàu Mỹ đã đi mất rồi. Năm nay, trong lúc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Tây Tạng gặp nhau, mẫu hạm USS Nimitz và 4 chiến hạm khác của Mỹ đang đậu ở bến tàu Hương Cảng, và 5,000 thủy thủ được phép lên bờ tiêu xài thỏa thích. Nếu phản ứng của Bắc Kinh có vẻ mềm mỏng hơn, điều đó cũng dễ hiểu. Trung Quốc không muốn gây sự trong lúc này. Họ đang lo chính phủ Obama sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải nhượng bộ thêm trên lãnh vực hối suất và luật lệ nhập cảng, nhưng đòi hỏi mà lâu lâu các chính phủ Mỹ lại nêu ra để làm món hàng mặc cả. Vì hiện nay chính quyền Washington đang bị áp lực của giới kinh doanh Mỹ trong các vấn đề hối suất và luật lệ này. Mà ông tổng thống cũng như đảng Dân Chủ trong Quốc Hội có thể chiều theo ý giới kinh doanh, đồng thời dùng món võ ngoại giao “Chống Trung Quốc” để hấp dẫn cử tri trong mùa bầu cử năm nay, trong lúc người dân bắt đầu chán không thấy những chương trình quốc nội của họ hấp dẫn nữa! Hai nước Mỹ và Trung Quốc đang gắn bó keo sơn về kinh tế, nhưng nói rằng vì thế mà Mỹ sợ Trung Quốc thì sai! Hai bên lúc nào cũng vừa bắt tay buôn bán, vừa to tiếng cãi nhau. Gần đây, chính quyền Obama đã lên tiếng than phiền, một lần nữa, là chính phủ Bắc Kinh cố ép giá đồng nhân dân tệ quá thấp so với Mỹ kim, để hàng Trung Quốc dễ bán sang Mỹ và dễ cạnh tranh với hàng Mỹ trong thị trường thế giới. Hậu quả là nhiều công nhân Mỹ sẽ mất việc làm chỉ vì đồng tiền Trung Quốc được định giá quá thấp! Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên tới 10%, đây là một lý luận rất mạnh, không phải chỉ là một lời đe dọa suông. Gần đây, các công ty đa quốc của Mỹ đã than phiền về hối suất của đồng Nguyên, tiền Trung Quốc, và về những luật lệ hạn chế nhập cảng. Các công ty này tố cáo một khuynh hướng “bảo hộ mậu dịch” đang lan rộng trong guồng máy chính quyền Trung Quốc khiến họ làm khó dễ hàng nhập cảng. Trong Tháng Giêng năm nay, 19 tổ chức kinh tế Mỹ, trong đó có Phòng Thương Mại Toàn Quốc và Hội Các Nhà Sản Xuất đã gửi thư cho chính phủ Obama tố cáo những biện pháp của chính phủ Trung Quốc gây hậu quả “ngăn chặn nhiều mặt hàng xuất cảng của Mỹ vào một thị trường tối quan trọng cho việc phát triển tương lai và tạo công việc làm ở trong nước Mỹ.” Lá thư yêu cầu chính phủ Mỹ phải đặt ưu tiên giải quyết vấn đề này. Sau khi nhận lá thư đó, các viên chức chính phủ Mỹ đã gặp gỡ các viên chức Trung Quốc để chính thức nêu lên các vấn đề trên, một điều mà trước đây các giới ngoại giao không làm. Chính phủ Bắc Kinh không thể coi đó là những lời đe dọa suông, trong khi họ vẫn đang cần xuất cảng nhiều hơn! Năm ngoái, sau khi chính phủ Obama tăng thuế trên các bánh xe hơi nhập cảng từ Tầu, Bắc Kinh đã trả đũa đánh thuế thêm trên thịt gà nhập cảng từ Mỹ. Cuộc chiến mậu dịch không phát ra nhờ cả hai bên tự kiềm chế. Nhưng trong một năm bầu cử, chính phủ Mỹ có thể sẽ cứng rắn hơn. Các nhà chính trị rất dễ ngả sang các chính sách mị dân bằng cách hô khẩu hiệu chống nước ngoài, mà hiện nay ở Mỹ thì Bắc Kinh có rất nhiều người ghét và ít thấy ai bênh vực. Một mối lo của người Mỹ là cán cân thương mại nghiêng về phía Bắc Kinh, trong năm 2009 Mỹ thâm thủng 227 tỷ đô la. Con số đó tuy nhỏ hơn năm trước, nhưng chỉ vì kinh tế Mỹ suy thoái chứ không phải vì Bắc Kinh đã can thiệp. Nếu đồng tiền Trung Quốc tăng giá, như các chính phủ Mỹ vẫn đòi hỏi, thì người Mỹ sẽ bớt mua hàng Trung Quốc và ngược lại sẽ bán được sang Trung Quốc nhiều hơn! Hiện nay, giá một đồng Nguyên so với đô la Mỹ có thể tăng thêm 20% đến 25% thì mới quân bình. Trong những tháng sắp tới, chính quyền Washington sẽ còn nêu lên vấn đề này nhiều lần để tạo thêm áp lực mới. Trung Quốc có một món võ để đối phó với Mỹ, là sử dụng vai trò chủ nợ của họ. Ai cũng biết hiện nay Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ, qua mặt Nhật Bản. Với gần 800 tỷ đô la cho chính phủ Mỹ vay bằng cách mua công trái, họ có thể ngưng cho vay va đem bán các trái khoán của chính phủ Mỹ để tạo áp lực. Nhưng điều này nói thì dễ còn làm rất khó. Những món tiền Trung Quốc cho chính phủ Mỹ vay chính là tiền họ thu được nhờ xuất cảng hàng hóa sang Mỹ với giá rẻ. Từ 10 năm nay, số tiền Bắc Kinh cho Washington vay đã tăng gấp 10 lần, từ gần 72 tỷ vào năm 2000 lên tới 755 tỷ trong Tháng Mười Hai năm 2009. Vào Tháng Năm, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã công khai tỏ ý lo ngại rằng các trái phiếu công của Mỹ đang mất giá trị vì đồng đô la xuống giá. Tiếp theo, ông chủ tịch Ngân Hàng Nhân Dân ở Bắc Kinh lại đề nghị dùng một thứ tiền mới thay thế đồng đô la Mỹ trong quỹ dự trữ ngoại tệ các nước, để thế giới bớt lệ thuộc vào đồng tiền của một quốc gia, nếu quốc gia đó lâm khủng hoảng thì tất cả đều bị thiệt thòi. Những lời tuyên bố trên đều có tác dụng tạo áp lực trên chính phủ Mỹ. Nhưng trong thực tế, các lời nói và hành động của chính phủ Trung Quốc không đem lại kết quả mà họ mong muốn. Không thấy cường quốc kinh tế nào lên tiếng ủng hộ việc hạ bệ đồng đô la Mỹ trong giao dịch thế giới. Các nước Âu Châu không thiết tha dùng đồng Euro, nhất là trong lúc chính đồng tiền này đang bị đe dọa với nguy cơ phá sản của Hy Lạp, một quốc gia trong khối dùng Euro. Trung Quốc cũng không muốn đồng Yen của Nhật Bản đóng vai trò cao hơn. Còn đồng tiền tượng trưng SDR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chỉ là một đơn vị kế toán trong sổ sách chứ không ai muốn đem dùng như tiền thật. Tóm lại, những lời đe dọa của Bắc Kinh về việc hạ bệ đồng đô la Mỹ không tạo được hậu quả nào đáng kể. Bắc Kinh đã hành động. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt số trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang giữ, bằng cách bán bớt hoặc không mua trái phiếu mới khi các giấy nợ cũ đáo hạn. Người ta có thể đoán rằng khi một chủ nợ quan trọng như Trung Quốc ngưng cho vay thì các chủ nợ khác cũng sẽ rút để đòi lãi suất cao hơn, nhưng sự thật lại không. Số tiền chính phủ Mỹ nợ Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã giảm xuống đáng kể trong nửa năm qua. Vào Tháng Năm, năm 2009, chính phủ Mỹ nợ Trung Quốc hơn 801 tỷ đô la, đến Tháng Mười Hai chỉ còn nợ hơn 755 tỷ. Nhưng các hành động này không có tác động nào trên việc chính phủ Mỹ vay nợ. Thay vì bán các công trái Mỹ hoặc ngưng cho Mỹ vay, người ta lại thấy tổng số nợ mà người ngoại quốc cho chính phủ Mỹ vay vẫn tăng lên 70 tỷ trong thời gian đó. Một hệ quả là lãi suất mà chính phủ Mỹ phải trả trên các món nợ công này vào ngày 16 Tháng Hai, năm 2010, đã giảm bớt 0.03%, chỉ còn 3.66% cho những công trái 10 năm. Bắc Kinh không thể sử dụng món võ chủ nợ ngưng cho vay hoặc bán các giấy nợ một cách ào ạt, vì làm như vậy sẽ tai hại cho cả thế giới mà chính Trung Quốc và các nước Á Châu đang bán hàng cho Mỹ bị thiệt hại nặng nhất. Tình trạng giống như Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đang phát cho chính phủ Mỹ một cái thẻ tín dụng, giống như loại thẻ của các cửa hàng Sears hay Macy vậy. Thân chủ Mỹ tha hồ xài thẻ đó đi mua hàng Trung Quốc, và món nợ trên thẻ tín dụng cứ thế tăng lên gấp 10 lần trong 10 năm qua. Không thể thu hồi cái thẻ đó được, vì thiếu nó thì khách sẽ không mua thêm hàng. Không thể bắt khách phải trả hết nợ trên thẻ được, vì họ không có tiền trả. Cách tốt nhất cho ngân hàng là cứ tiếp tục cho khách dùng thẻ, vừa để bán hàng, vừa để lấy tiền lãi. Ngược lại, nếu Bắc Kinh chịu làm theo áp lực Mỹ mà tăng hối suất của đồng Nguyên thì sẽ có lợi cho cả người Trung Hoa lẫn nước Mỹ. Khi nhân dân tệ lên giá, người Trung Hoa trong lục địa sẽ được mua hàng ngoại quốc với giá rẻ hơn. Mối đe dọa lạm phát ở Trung Quốc sẽ bớt đi, sau khi bị đẩy lên quá cao vì các món tiền khổng lồ kích thích kinh tế qua hệ thống ngân hàng. Trong khi có, người Mỹ sẽ bớt mua hàng Trung Quốc vì giá cao hơn, cán cân thương mại Mỹ bớt khiếm hụt, chính phủ Mỹ bị bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng vì lãi suất lên cao, ngân sách Mỹ sẽ cân bằng sớm hơn. Cho nên, sau khi ông Obama tiễn chân Ðức Ðạt Lai Lạt Ma để ngài đi California làm lễ, trong những ngày tới chính phủ Mỹ sẽ còn tiếp tục tạo áp lực với Trung Quốc về việc tăng giá đồng nhân dân tệ. Ông Obama sẽ không mất gì hết, mà còn được tiếng là bảo vệ công việc làm cho giới lao động Mỹ, một điều rất có lợi trong một năm bầu cử!
|