Già và Trẻ |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Chúa Nhật, 28 Tháng 2 Năm 2010 15:47 | |||
Sáng 30 tháng 4, năm 1975, trong lúc dinh Ðộc Lập đầu hàng, mở cửa đón quân Cộng Sản Bắc Việt vào thì tại trường Thiếu Sinh Quân, những người lính trẻ vẫn còn đương đầu với lính cộng sản, súng vẫn nổ. Trước đó kế hoạch di tản của trường TSQ đã không thành, Chỉ huy trưởng của trường đã lên xe Jeep phóng đi đêm hôm 29. 300 Thiếu Sinh Quân còn lại trường, phần lớn là những em có gia đình ở Vùng I, Vùng II Chiến Thuật như đàn con mất mẹ, nháo nhác, không còn con đường nào thoát thân. Các em đã cùng nhau tập họp lại, mở kho vũ khí phân phát cho những học sinh lớn tuổi, vào vị trí tử thủ. Ngày 29, Cộng quân tiến vào trường bằng cổng chính vì nghĩ rằng trường đã bỏ trống, nhưng những tràng đạn đầu tiên đã làm chúng chùn bước. Nhờ những vị thế cao trên lầu trường, Thiếu Sinh Quân đã nhả đạn chính xác làm cho quân Bắc Việt bỏ lại sáu xác ở trước cổng. Sáng 30 trong lúc trời rạng sáng, bộ đội Bắc Việt đã chiếm khách sạn đối diện với trường, bắt đầu dùng cối và B.40 tấn công qua trường, phía Thiếu Sinh Quân có đại liên, Garant, Carbine và súng phóng lựu để chống trả. Ðến gần 12 giờ trưa, một số Thiếu Sinh Quân bị thương và đạn bắt đầu cạn. Trong lúc đó, một sĩ quan loan tin cho biết ông Dương Văn Minh đã đầu hàng, toàn trường đành buông súng, nhưng để bảo toàn sinh mạng cho anh em, Thiếu Sinh Quân đã gọi loa điều đình ngưng bắn để đầu hàng. Ðây là một đơn vị có thể nói là duy nhất tại miền Nam đã làm lễ hạ kỳ trước khi dùng vải trải giường kéo lên cột cờ đầu hàng. Cộng sản tiến vào trường và nhận ra lực lượng kháng cự hầu hết là những em thiếu niên 15, 16 tuổi. Nếu đạn được còn đầy đủ và tin Saigon đầu hàng không lọt vào trường, cuộc chiến đấu sẽ còn tiếp diễn hào hùng và thương vong không thể nào tránh khỏi. Ðó là tuổi trẻ Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Tân binh tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đã bắn cháy ba xe tăng T. 54 trước khi rã ngũ trong khi tướng chỉ huy trưởng đã bay về Cần Thơ trước đó hai hôm. Ðó là tuổi trẻ Quang Trung. Vào tù, chúng ta phải công nhận những thiếu úy mới ra trường chưa được phân phối đi các đơn vị, các sĩ quan trẻ tuổi mới là những người tù binh can đảm, hiên ngang dám đương đầu với kẻ thù, đứng thẳng, ngẩng mặt. SVSQ khóa 6 Ðại Học CTCT Tạ Ngọc Giao, chưa ra trường đã bị buộc đi tù, sống bất khuất trong trại tù Cộng Sản đã bị tù 18 năm. Vào trại tù mới thấy lớp trẻ hiên ngang, anh hùng khác hẳn với tuổi già cầu an, chủ bại chỉ lo cho yên thân mình. Ðó là tuổi trẻ VNCH trong nhà tù cộng sản. Ra đến hải ngoại ngày nay, chúng ta phải nghiêng mình kính phục và hãnh diện với lớp tuổi trẻ con cháu chúng ta trong việc du nhập vào đời sống và xã hội Mỹ trong nhiều địa hạt không thua sút bất cứ một chủng tộc nào hiện sinh sống trên đất Mỹ, trong quá trình vỏn vẹn có ba mươi lăm năm. Chúng tôi thấy không cần phải ghi lại đây tên tuổi những người không quá tuổi 50, ngày đặt chân trên đất Mỹ chỉ là những đứa trẻ chưa hề biết một tiếng Anh, ngày nay đã thành công vượt bực. Khắp thế giới, những nơi có người Việt tỵ nạn cộng sản, chúng ta đã thấy những hoạt động văn hóa, chính trị của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, được lãnh đạo và tổ chức của những thành phần rất trẻ và có ý thức chống Cộng. Ðó là tuổi trẻ hải ngoại. Ở trong nước chúng ta có những tuổi trẻ có học, không sợ tù đày, biết đứng lên đấu tranh như nhà văn Nguyễn Khải Thanh Thủy, LS Lê Thị Công Nhân, LS Nguyễn Văn Ðài, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trương Quốc Huy và Hàng Tấn Phát. Ðó là tuổi trẻ trong nước. Trở lại với cộng đồng Nam Cali, từ mười năm nay, lớp trẻ đã biết dấn thân phục vụ. Mười năm nay, Hội Chợ Tết Sinh Viên tại Nam Cali lúc nào cũng có lời vì làm việc có kế hoạch, biết đoàn kết, hy sinh và với tấm lòng trong sạch chưa bị vấy bẩn vì lợi danh. Số tiền lời hằng năm dùng để phát triển, bồi dưỡng tổ chức và phân phối, giúp đỡ các hội đoàn thiện nguyện có thành tích phục vụ công ích. Tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại, từ những gia đình tỵ nạn đã vươn lên thành công, và biết gìn giữ lý tưởng và hiện diện trong tất cả mọi cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do trong nước. Ðó là những người trẻ tuổi, chưa biết thủ thân và nghĩ tới an nguy của mình. Bất cứ nơi đâu, chúng ta không thể coi thường tấm lòng và hào khí của tuổi trẻ. Chúng ta có đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Thanh Niên Cờ Vàng, Tổng Hội Sinh, VietACT, VOICE, Tuổi Trẻ Lên Ðường, Hope Today... Người viết bài này cũng thuộc lớp tuổi già, nhưng có những lúc cảm thấy xấu hổ cho một thiểu số lớp già còn tham quyền cố vị, phủ đầu, tranh giành với lớp trẻ. Ðừng lo rằng tuổi trẻ hiện nay ở hải ngoại không biết chống Cộng và chúng ta phải mở lớp dạy dỗ các em cách thức và đường lối chống Cộng ra sao, hay vạch một đường mòn bắt tuổi trẻ phải đi theo gót mình. Chúng ta có cái tập quán đánh giá con người qua tuổi tác và kinh nghiệm, những kinh nghiệm mòn mỏi qua thời gian và tuổi trẻ không phải là đồng nghĩa với non nớt, ấu trĩ. Ðừng để quá chậm cho những tư duy ấy làm trì hoãn tiến bộ của cộng đồng bên này và cho cả đất nước bên kia. Năm ngoái khi Văn Phòng Tổng Thống Obama mời các đoàn thể, đảng phái của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ vào Tòa Bạch Ốc để tham khảo ý kiến về vấn đề nhân quyền và tự do ở Việt Nam, chủ tịch già nua một tổ chức chính trị đã thẳng thừng tự mình quyết định từ chối cơ hội nghìn vàng này, chỉ vì một lý do, “Có chúng nó (một đảng phái trẻ) thì không có tôi!” Ðó phải chẳng là một thái độ cao ngạo, thành kiến và thiếu tri thức của người làm chính trị, dù lúc nào cũng cho mình có lòng với đất nước nhưng thực tế là phá hoại những nỗ lực chung của những người yêu nước. Tuổi già đáng ra phải ngồi lại, kết hợp và lắng nghe, tôn trọng ý kiến của lớp trẻ để cùng chung sức xây dựng cộng đồng thì đằng này lại kèn cựa, ngáng chân vì coi thường tuổi trẻ. Hy vọng rằng tuổi già có những nếp nhăn trên trán nhưng tâm hồn không để già nua, như rượu quý lâu năm, như gừng quế thêm cay, còn chút gì hữu dụng cho đời để người đời quý trọng, không một ai có thể coi thường, khinh bạc. Xin hãy trao ngọn đuốc và niềm hy vọng cho tuổi trẻ, đừng để đến khi quá muộn màng.
|