Home Tin Tức Bình Luận 35 Năm nhìn lại cộng đồng VN tại hải ngoại

35 Năm nhìn lại cộng đồng VN tại hải ngoại PDF Print E-mail
Tác Giả: Ý DÂN   
Chúa Nhật, 28 Tháng 2 Năm 2010 21:30

 Xuân Canh Dần 2010 đánh dấu thời gian 35 năm cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản xa quê hương và đến định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 
Thời gian 35 năm quả là dài cho một đời người, nhưng xét ra vẫn còn ngắn ngủi để ghi lại sự phát triển và sự  thành công của cộng đồng người Việt tại hải ngoại so với các cộng đồng bạn.

Con số người Việt định cư tại hải ngoại ước tính vào khoảng 3 triệu người . Đông đảo nhất là tại Hoa Kỳ có khoảng trên 1 triệu 200 ngàn người , ở Pháp và Úc Châu mỗi nơi có khoảng vài trăm ngàn người.

Khởi đầu chỉ với đôi bàn tay trắng, lòng tan nát, hận tủi vì phải xa quê hương , xa thân nhân, bè bạn và bỏ lại sau lưng tài sản và bao kỷ niệm đẹp. Nhưng với lòng quả cảm, ý chí phấn đấu, sự cần mẫn, sự ham học, nhẫn nại , với niềm tin tôn giáo , tình gia đình và  tình tương trợ mà cộng đồng Việt Nam đã nhanh chóng thành công trên nhiều phương diện: văn hóa, giáo dục, kính tế, chính trị, tôn giáo , quân  sự và truyền thông tại hải ngoại.

Về phương diện văn hóa: Hầu hết người Việt tại hải ngoại vẫn tiếp tục duy trì  và phát triển ngôn ngữ Việt. Mọi đồng hương vẫn tiếp tục giao thiệp với nhau bằng tiếng Việt và tại nhiều nơi còn có nhiều lớp dạy  Việt ngữ  cho các trẻ em. Tại một vài đại học, nơi  có đông người Việt cư ngụ ,Việt ngữ được chọn là sinh ngữ phụ để dạy cho các sinh viên. Các lễ hội như các ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Đám Hỏi, Đám Cưới, Đám Tang v.v. vẫn còn được duy trì theo lễ nghi Việt Nam. Đây là một điểm son để cộng đồng người Việt tiếp tục duy trì văn hoá của mình mà không lo ngại bị dân địa phương đồng hóa.

Về phương diện giáo dục: Hiện nay giới trẻ Việt Nam đã là những sinh viên ưu tú tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Nhiều bạn trẻ Việt Nam nay đã là các kỷ sư, luật sư, nha sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư, bác sĩ, phi hành gia, khoa học gia, giáo sư danh tiếng tại hải ngoại.

Về phương diện kinh tế: Tại nhiều thành phố xưa kia vắng vẻ, nay nhờ số đông người Việt đến cư ngụ đã trở nên trù phú với nhiều khu thương mãi sầm uất với nhiều cửa tiệm, nhà hàng, văn phòng dịch vụ v.v… . Tại Hoa Kỳ, tại Pháp và tại Úc đã có những khu thương mại Việt Nam sinh hoạt nhộn nhịp và thu hút đông đảo khách du lịch các nơi.

Về phương diện chính trị: Một số bạn trẻ Việt Nam nay đã bước vào chính trường tại địa phương. Tại Đức, người ta có bộ trưởng y tế Phillip Roesler. Tại Hoa Kỳ, chúng ta có ông Đinh Việt , nguyên phụ tá tổng trưởng Tư Pháp, dân biểu liên bang Cao Quang Ánh, dân biểu tiểu bang California Trần Thái Văn, dân biểu tiểu bang Texas Hubert Võ, giám sát viên Janet Nguyễn cùng một số nghị viên thành phố , các chánh án Liên bang và tiểu bang.

Về phương diện tôn giáo: Cố hồng y Nguyễn Văn Thuận, Tổng trưởng Bộ Công Lý và Hòa Bình tại Vatican đã làm rạng danh cho giáo hội Công Giáo và cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Nhiều ngôi chùa, nhà thờ, thánh thất hoặc tu viện thuộc các tôn giáo đã được cộng đồng người Việt xây cất khang trang và thu hút đông đảo các tín đồ.

Về phương diện quân sự: chúng ta có nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, phi hành gia Eugene Trịnh, đại tá Lương Xuân Việt, lữ đoàn trưởng Dù, trung tá Lê Bá Hùng hạm trưởng chiến hạm USS Lassen cùng nhiều sĩ quan Việt Nam trong nhiều binh chủng của quân đội Hoa Kỳ.

Sau cùng về phương diện truyền thông: Chúng ta có nhiều chương trình truyền hình, truyền thanh, báo chí , sách, web site, DVD, CD với đầy đủ các tiết mục tin tức , khoa học, văn học, y tế, thể thao, gia chánh v.v. giúp cho cộng đồng người Việt truyền đạt những tin tức cần thiết và trau dồi kiến thức một cách dễ dàng.

Tóm lại, tất cả những sự thành công nêu trên của cộng đồng người Việt tại hải ngoại cần phải được mọi người tiếp tục phát huy thêm để cộng đồng người Việt càng thêm vững mạnh../.

     Ý DÂN