Người Việt và tình trạng chia rẽ |
Thứ Bảy, 06 Tháng 3 Năm 2010 22:22 | |||||
. . . không đàn áp, thủ tiêu hay bắt bớ, tù đày như ở Việt Nam từ trước đến giờ.
Thấy miền Nam phân hoá, nhiều người tưởng những tín đồ tuyên xưng chủ nghĩa Đại Đồng Cộng Sản ở miền Bắc không có phe phái, chia rẽ. Thực ra không phải thế, qua những tác phẩm Viết Cho Mẹ và Quốc Hội của Nguyễn văn Trấn, Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ thư Hiên nội bộ Cộng sản đã có những phe phái thanh toán, hãm hại lẫn nhau. Rõ ràng nhất, cả thế giới đều biết, là phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đàn áp phe Hoàng văn Hoan. Hoan trốn thoát sang Tàu, Tướng Chu văn Tấn bị giết, một số bị tù đày. Sau khi miền Nam thất thủ, mấy triệu người khắp nước liều chết tìm đường tị nạn. Những người này may mắn thoát chết tới được các nước tự do tất nhiên căm thù chế độ cầm quyền trong nước. Chính quyền cộng sản là mục tiêu đấu tranh, viên chức cộng sản từ to tới nhỏ đến nơi nào cũng bị biểu tình tố cáo tội ác nhưng lại không thống nhất được, có quá nhiều tổ chức chia rẽ nhau làm cho sức mạnh bị phân tán. Ngay cả những đảng phái quốc gia từng có thành tích đấu tranh trong quá khứ cũng không tránh khỏi hiện tượng này. Ở những nước có nền dân chủ ổn định, ít có hiện tượng quá nhiều phe phái, có thể có năm, bảy đảng như nước Pháp (Anh, Mỹ thực tế chỉ có 2 đảng) nhưng người ta đặt quyền lợi quốc gia và dân tộc trên hết, không bao giờ đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi quốc gia. Khi đắc cử lên cầm quyền, người ta lo phục vụ quốc gia, lo làm những điều ích quốc lợi dân, tôn trọng quyền đối lập của các đảng phái khác, không đàn áp, thủ tiêu hay bắt bớ, tù đày như ở Việt Nam từ trước đến giờ. Trong cuộc vận động bầu cử năm 2004 hai ông George w. Bush và John Kerry cũng đả kích, biếm nhẽ nhau nhưng khi ông Bush được đa số cử tri tín nhiệm, ông Kerry gửi lời chúc mừng và tuyên bố rằng tuy khác nhau về lập trường chính trị nhưng dù Bush hay Kerry đắc cử thì cũng đều đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết. Cuộc chiến ở Việt Nam trải qua ba, bốn ông Tổng thống Mỹ, Dân Chủ có, Cộng Hoà có nhưng chính sách hầu như không thay đổi. Người ta biết đặt quyền lợi tối thượng của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân hay đảng phái. Ngay trong nội bộ đảng của họ (tổ chức rất lỏng lẻo) cũng có những khác biệt về lập trường – cánh tả, cực tả; cánh hữu, cực hữu; cánh trung dung – nhưng sau khi họp đại hội hay bỏ phiếu nội bộ, cánh nào chiếm ưu thế nắm quyền lãnh đạo thì tất cả mọi người trong đảng tự ý tuân theo, phe thiểu số không ly khai như chúng ta thường thấy trong sinh hoạt cộng đồng hay đảng phái Việt Nam. Tại sao người ta như thế, chúng ta lại khác? Trong cuộc nồi da xáo thịt nấy chục năm vừa qua, có người cho rằng chúng ta có truyền thống chia rẽ. Ngay từ thời khai quốc chúng ta đã chia hai: 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi. Lại có người xót xa cho rằng vì ông cha chúng ta lấy đất của người Chàm và người Thủy Chân Lạp nên con cháu bị quả báo. Nhưng đọc lịch sử Trung hoa chúng ta thấy luôn luôn có phân ly, nội chiến tàn khốc hơn chúng ta nhiều. Không những họ bị chia 2 mà còn chia bảy, chia ba như trong thời Tam quốc giữa Tào Tháo, Lưu Bị và Ngô Quyền. Mới đây chiến tranh quốc, cộng giữa Tưởng giới Thạch và Mao trạch Đông tàn sát nhau khốc liệt bao nhiêu năm trời và hiện nay Trung Hoa vẫn còn chưa thống nhất hoàn toàn. Lục địa thỉnh thoảnh lại đe dọa tiến chiến Đài Loan bằng võ lực, hiện bên nào cũng canh tân và tăng cường máy bay, tàu thủy, hỏa tiễn nhằm thanh toán nhau một mất một còn. Như thế chứng tỏ sự chia rẽ giữa người Việt do những nguyên nhân khác, không phải do truyền thống (Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ chỉ là truyền thuyết mang tính thần thoại, không hẳn đã có thực cũng như người Nhật cho mình là con cháu của Thái dương thần nữ, dân tộc Pháp cho mình là dòng giống của con gà trống – gà trống đẻ ra con?), cũng không phải do qủa báo vì người Chàm, người Thủy Chân Lạp có lấy đất của ai đâu. Người Việt cùng một nòi giống, cùng một tiếng nói, cùng một văn hóa, khởi thủy cùng một tín ngưỡng (thờ cúng tổ tiên). Sau này đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho, đạo Thiên Chúa xâm nhập nhưng người Việt vẫn giữ tôn giáo gốc của mình là đạo thờ ông bà. Trong các gia đình, bên bàn thờ Phật, bàn thờ Chúa là bàn thở tổ tiên. Các tôn giáo không phải là nguyên nhân gây chia rẽ. Người Việt ăn uống giống nhau, những món chính là cơm, canh, dưa muối, thịt, cá được khắp nước chế biến, nấu nướng tương tự. Quần áo cũng vậ, hơi khác một chút về màu sắc, miền Bắc xưa đa số mặc áo nâu, quần nâu (đàn ông), váy đen (đàn bà), miền Trung miền Nam mặc quần đen, áo đen nhưng cả ba miền may cùng một kiểu cách. Lễ lạt, cưới xin thì nam, nữ mặc áo dài, nam thêm cái khăn đóng (khăn gõ). Phong tục tập quán như nhau: làng xã nào cũng có lũy tre xanh, có đình thờ thần hoàng, tự trị về tổ chức và tài chánh, có hương ước và tục lệ riêng. Chúng ta có cùng một tiếng nói, tiếng Việt. Tuy giọng nói hơi khác nhau chút ít tùy theo phong thổ nhưng từ Nam tới Bắc mọi người nghe nói đều hiểu, điều này khác với người Trung hoa có hàng trăm thứ tiếng nói: Bắc kinh, Tiều , Hẹ , Quảng… miền này không hiểu tiếng miền khác nên họ phải dùng chữ viết để nói chuyện với nhau gọi là bút đàm (nói chuyện bằng bút). Vậy sao lại có sự chia rẽ có thể nói là nặng nề hiện nay? Theo thiển ý, sự chia rẽ giữa người Việt với nhau do một số nguyên nhân xa và gần dưới đây: - Đầu Óc Thiển Cận, Hẹp Hòi: Như chúng ta đã biết, dân tộc Việt đã có chiều dày lịch sử (dù một phần là huyền thoại – có huyền thoại tức là đã có sự hiện diện của người Việt để tạo ra huyền thoại đó riêng cho mình), có một nền văn hoá trong đó tín ngưỡng (đạo thờ ông bà, tổ tiên, thành hoàng), đạo đức (đề cao nhân nghĩa , thật thà), luân lý (hiếu thảo, hòa thuận), phong tục (ăn trông nồi, ngồi trông hướng), tập quán (sểnh cha còn chú, sểnh mẹ bú dì)… được xây dựng thành những nguyên tắc sống vững vàng và truyền lại, không phải bằng chữ viết mà bằng một ngôn ngữ đặc biệt thể hiện qua những bài hát, những câu tục ngữ, ca dao có vần điệu, êm tai, dễ nhớ. Không người Việt Nam nào dù là thành thị hay thôn quê, có học hay không có học, không nhớ ít nhất vài chục câu tục ngữ, ca dao liên quan đến cuộc sống gần gũi hàng ngày. Với nền văn hóa ấy, trong gia đình thì hiếu thảo hòa thuận, nơi xã hội thì thương yêu đoàn kết, đùm bọc nhau. Vì thế khi người Tàu sang xâm chiếm, chúng ta đã được trang bị đầy đủ về vật chất và tinh thần (thơ, ca, chuyện cổ tích truyền miệng; nền tảng gia đình, xã hội đã dược tổ chức chặt chẽ) để chống lại những đợt đồng hóa dữ dội trong suốt hơn ngàn năm ngoại thuộc. Người Tàu thu sách, đốt sách vô ích, chúng ta duy trì nền văn hóa bằng cách truyền miệng cho nhau qua ca dao, tục ngữ. Người Tàu bắt chúng ta ăn mặc theo phong tục của họ, chúng ta bảo nhau chống lại không bằng sách vở, bích chương mà bằng miệng: Trèo lên trên núi mà coi, Mỗi gia đình là một thành trì chống ngoại xâm trong đó cha mẹ là người cầm đầu duy trì nền nếp của cha ông; mỗi thôn xóm là một phòng tuyến bảo vệ với những phong tục tập quán của tổ tiên để lại. Chính trong giai đoạn ngoại xâm, ông cha chúng ta đã phải tăng cường những kỷ luật, chế tài mạnh mẽ đối với những người trong gia đình, trong thôn xóm bằng cách xét nét, miệt thị, chê trách, khinh bỉ, tẩy chay, cô lập những kẻ phá hoại thuần phong mỹ tục hay theo giặc, lấy giặc: - Thằng Ngô, con đĩ. Cũng chính trong giai đoạn đó, ông cha chúng ta bảo vệ nhau bằng bất cứ giá nào. Trong gia đình, dù phải dù trái đối với quân thù, vợ chồng cha con phải che chở lẫn nhau. Gia đình là trên hết; ngoài xã hội cũng vậy, dân làng phải giấu giếm cho nhau. Dân làng là trên hết. Cái nào của ta cũng hay, cái nào của giặc cũng dở. Trong hơn một ngàn năm đối đầu với quân thù căng thẳng như thế, lối sống, lối suy nghĩ của chúng ta thành thói quen; người cha có uy quyền tuyệt đối để đối phó với bên ngoài làm chúng ta quen ham muốn quyền hành; chúng ta quen xét nét người khác, ít khoan dung hay chê trách, hay chửi bới, chỉ nghĩ đến bản thân, gia đình,thân thuộc. Do đó chúng ta có cái nhìn thiển cận, hẹp hòi, vụn vặt, quanh quẩn với quyền lợi riêng tư, tầm mắt không qua khỏi cái hàng rào của gia đình hay lũy tre xanh của thôn xóm. Vì vậy khi nắm quyền trong tay người ta lo vun vén cho bản thân, gia đình, thân thuộc. Đầu óc phe, đảng của các “lãnh tụ”cũng do từ lối sống hương đảng, xôi thịt ngấm vào xương tủy từ bao đời , tầm mắt chưa vươn tới tầm mức quốc gia do đó gây ra tình trạng chia rẽ. Có thể bạn đọc cho lý luận trên không có bằng cớ. Tôi xin lấy lịch sử dẫn chứng. Đời vua Kiến Võ nhà Đông Hán (khoảng năm 24 sau tây lịch), Nhâm Diên được cử làm Thái thú quận Cửu Chân thấy dân chúng nhiều người bị nghèo đói không có tiền làm lễ cưới, ông ta “bắt những thuộc lại trong Quận lấy một phần lương bổng của mình mà giúp cho nhưng kẻ nghèo đói để lấy vợ lấy chồng. ” (Trần trọng Kim, VN Sử Lược, Bộ Giáo Dục XB lần thứ I, 1971, QI, trang 38). Khi nghèo đói thì tâm lý chung là lo cho bản thân hay gia đình mình trước hết, lâu dần thành thói quen ích kỷ. Trong hơn một ngàn năm ngoại thuộc nhân dân ta được bao nhiêu năm sống dưới quyền cai trị tử tế của Nhâm Diên? Phần lớn quan lại Tàu sang vơ vét , bóc lột dân chúng đến cùng cực đến nỗi khi về nước đem không hết vàng bạc, châu báu phải tìm cách chôn giấu rồi cho con cháu sang lấy sau. Người ta nói con người là sản phẩm của xã hội và học giả Lê văn Siêu trong cuốn Văn Minh VN nói con người là sản phẩm của lịch sử. Điều đó chưa chắc đúng về phương diện cá nhân nhưng về số đông không hẳn là sai.
|