Tính chính danh của Đại lễ Ngàn NămThăng Long |
Tác Giả: Nguyễn Phương Anh | |||
Thứ Sáu, 20 Tháng 8 Năm 2010 06:03 | |||
Phàm việc lễ lạt từ bé đến lớn từ xưa đến nay đều có cái tích của nó. Đại lễ mang tính chất kinh đô, thủ đô thì càng phải cẩn thận. Tính chính danh phải được đặt lên hàng đầu. Đâu phải kiểu thương vay khóc mướn mà được việc! Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội đã được duyệt và sẽ cử hành vào ngày 01 đến 10/10/2010 với lý do là vào năm 1010 vua Lý Công Uẩn đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La và sau đó đặt tên là Thăng Long. Xét về nội dung của chiếu dời đô: Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại , lấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế "long bàn, hổ cứ", chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Chiếu dời đô này hoàn toàn không thấy tinh thần độc lập dân tộc ở chỗ: Bản chiếu dời đô cũng không thấy sự xuất hiện của vị vua Việt Nam nào được vua Lý nêu tới để làm gương mà chỉ thấy chê bai nhà Đinh, nhà Tiền Lê. Lý Thái Tổ lấy việc làm của các triều đại của cường quyền đế quốc Trung Hoa để noi gương. Ông gọi đô hộ Cao Biền là Cao Vương, gọi thành Đại La là đô cũ. Điều này khiến “chiếu dời đô” không thể sánh được với “Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô Đại Cáo”. Từ đây suy ra việc dùng đại lễ từ 1-10/10/2010 với lý do chiếu dời đô, đổi tên Thăng Long là không có tính độc lập dân tộc. Nếu thực sự cần thiết phải dùng đại lễ vì sự tồn tại của Thăng Long đến nay là 1000 năm thì càng khiên cưỡng. Trong chiếu dời đô Lý Công Uẩn đã nói rõ là ông lấy thành Đại La làm kinh đô mới chứ không phải là ông phát minh ra vùng đất đó. Tính từ Đại La đến Hà Nội hiện nay sẽ nhiều hơn 1000 năm rất nhiều, tại sao lại không gọi đại lễ là Đại La - Hà Nội? Đại La cũng là nơi định đô của Phùng Hưng chứ đâu chỉ là phủ đô hộ? Kể cả khi coi thành Đại La là bất chính vì là do Cao Biền xây nên thì tại Hà Nội cũng có vô số kinh đô của các vị vua Việt đóng đô trước cả Lý Thái Tổ; như vùng Cổ Loa của An Dương Vương, Ngô Quyền; vùng Mê Linh của hai Bà Trưng... mà tính độc lập dân tộc luôn được chính danh. Chính Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa – Hà Nội là người đã đập tan quân Nam Hán và chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc. Có thể là đại lễ Cổ Loa – Hà Nội hay Mê Linh – Hà Nội hay không? Vì lẽ gì ta cứ phải lấy mốc là triều Lý? Đại lễ này có phải là lễ của riêng triều Lý? Chẳng thể vì một nhẽ là số 1000 vừa tròn vừa đẹp mà làm đại lễ cho số đó; tức là đại lễ MỘT NGÀN. Nếu vì sính chữ thấy Thăng Long mang nghĩa hay mà lờ đi chữ khác và lờ Cổ Loa đi vì dính đến con số 1000 nằm ở chỗ nhạy cảm để làm đại lễ lần này thì thử hỏi lịch sử Việt Nam đâu có còn là sử? Tính về việc trị vì thì nhà Lý ở Thăng Long cũng chỉ được có 216 năm; Cao Biền trước ở đó cũng chỉ được vài chục năm, đâu phải nhà Lý ở lâu mà phải làm lễ. Nhà Hậu Lê (Lê sơ và Lê trung hưng) cộng lại cũng hơn 356 năm và cũng đặt kinh đô ở Thăng Long sau khi dời từ Lam Kinh ra, tại sao lại không lấy mốc đó để làm đại lễ? Thời đó cũng nổi tiếng với Bình Ngô Đại Cáo và câu nói của vua Lê Thánh Tông "Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất 1 phân núi, 1 tấc sông do vua Thái Tổ để lại". Thời nhà Lê với nhiều bộ luật tiến bộ ra đời cũng như việc mở mang bờ cõi được phát huy mạnh mẽ vậy chẳng lẽ không bằng nhà Lý. Cách so sánh khác cũng thú vị, đó là nhà Lý thực chất không kinh qua chiến tranh vệ quốc mà cướp được ngôi vương của nhà tiền Lê từ tay Lê Ngoạ Triều. Nhà Hậu Lê có công đánh giặc ngoại xâm và giành ngôi vương trong cuộc chiến giành độc lập. Vậy tại sao không là Lam Kinh – Hà Nội? Nếu tính về tính xuyên suốt thì vùng đất Hà Nội cũng đâu có là nơi đặt kinh đô của triều Lê và Nguyễn? Triều Lê đã có kinh đô mới là Tây Đô còn triều Nguyễn là Huế. Rõ ràng tính xuyên suốt của việc kinh đô luôn nằm trên đất Hà Nội là khó chấp nhận được để làm đại lễ. Các triều đại phong kiến định đô rồi dời đô là chuyện thường tình, đâu vì lẽ nhà Lý dời đô đến khu đất cũ của "Cao Vương" mà lại được coi là việc tốt độc nhất vô nhị? Thăng Long thành cũng bị đốt phá bao phen; các vị vua cũng đã bao lần phải bỏ thành chạy giặc phương Nam lẫn phương Bắc đó thôi. Việc chọn thời gian để hành lễ cũng mang tính chất quá cẩu thả. Lý Công Uẩn viết chiếu dời đô vào mùa xuân năm 1010 và đến Tháng 7 thì dời đô. Ngày xưa cũng như nay việc lễ lạt, cúng bái tổ tiên... đều theo âm lịch và phải đúng ngày, việc chọn kỷ niệm vào Tháng 10 Dương lịch là hoàn toàn sai lệch về mặt tích cổ. Nên nhớ rằng cứ đến 10/3 âm lịch là dân ta nhớ đến giỗ tổ chứ không phải bất cứ ngày nào khác. Xét tất cả những yếu tố tích cổ và so sánh giữa các lý do để tổ chức đại lễ thì hoàn toàn không nên làm đại lễ Thăng Long- Hà Nội. Chỉ có một lý do duy nhất để làm đại lễ này ở 1000 năm, đó là đổi tên Hà Nội thành Thăng Long thì may ra mới hợp. Mặt khác, thời điểm nhạy cảm hiện nay với Trung Quốc về mặt toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới, biển, Hoàng Sa, Trường Sa… mà dựa vào bản “Chiếu dời đô” không có tinh thần độc lập dân tộc và lại tổ chức khai mạc vào 1/10 là ngày quốc khánh Trung Quốc thì thử hỏi có nên không?
|