Home Tin Tức Bình Luận 65 Năm Dân Chủ Hay Làm Chủ Dân?

65 Năm Dân Chủ Hay Làm Chủ Dân? PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Trần   
Thứ Sáu, 20 Tháng 8 Năm 2010 06:34

Đảng Cộng sản đang tìm cách ném một hòn đá chết 2 con chim, nhưng  chưa con chim nào trúng đá thì đảng đã phải đương đầu với hai mũi tên dân chủ trá hình  và nhân quyền giả tạo.

 
Về chuyện dân chủ thì Nguyễn Trọng Phúc,  Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã làm rùm beng lên điều được gọi là "65 năm thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa" để tuyên truyền cho kỷ niệm Cuộc Cách mạng 19 tháng 8 năm  1945.

Phú khoe  trên Tạp chí Tuyên Giáo ngày 17-8 (2010) rằng:  "Những thành quả về dân chủ của nước Việt Nam độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong 65 năm qua là rất to lớn, thể hiện sự biến đổi về chất của xã hội, của thiết chế chính trị của Nhà nước cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ở Việt Nam, không tồn tại chủ nghĩa đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng đối lập, song nền dân chủ vẫn không ngừng phát triển hoàn thiện và thực chất, hướng tới vì nhân dân, vì con người."

Viết như thế nhưng Phúc không dám nói  dân chủ không do dân làm chủ mà  do đảng độc quyền nắm giữ. Từ vài năm nay, đảng chỉ cho phát triển  dân chủ   trong nội bộ  đảng mà chưa  dám thực hiện với dân.  Đảng Cộng sản Việt Nam quan niệm lạc hậu rằng nếu chưa có dân chủ trong đảng thì chưa thể  thực hành dân chủ ngòai xã hội nên họ đã cho thử nghiệm bầu trực tiếp một số chức vụ đảng cấp địa phương.

Nhưng tại sao đảng lại sợ dân có dân chủ đến thế ? Lý do dễ hiểu vì nếu dân có dân chủ thì đảng mất độc tài đảng trị như ghi trong Điều 4 Hiến pháp năm 1992 .

Đảng từng tuyên bố  được Quốc hội thay mặt nhân dân ủy quyền lãnh đạo, nhưng  Quốc hội lại do đảng lập ra và có tới 90 phần trăm Đại biểu Quốc hội là đảng viên do đảng chọn để cho dân bầu vào Quốc hội thì  việc cơ chế này   bỏ phiếu chấp thuận Điều 4 Hiến pháp  cho đảng cầm quyền là chuyện đương nhiên phải xẩy ra.

Do đó khi Nguyễn Trọng Phúc bảo  rằng  "nền dân chủ vẫn không ngừng phát triển hoàn thiện và thực chất, hướng tới vì nhân dân, vì con người" là nói dối, bởi vì vai trò của dân trong trường hợp này chỉ còn là "bù nhìn", là những "con thoi" hay "quân cờ" để cho nhà nước sử dụng, bởi vì tất cả các ứng cử viên Quốc hội đều phải được  Mặt trận Tổ Quốc của đảng chọn cho dân bỏ phiếu chứ người dân không được quyền tự chọn người mình muốn. Ngay cả quyền ứng cử người dân cũng không có nói chi đến quyền bầu  cử ?

Vậy mà Phúc còn ba hoa rêu rao rằng trong giai đọan từ 1954 đến 1975 ở miền Bắc "Quyền làm chủ của nhân dân bước đầu được phát huy, nhân dân hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cách mạng miền Nam. Chú trọng xây dựng con người xã hội chủ nghĩa có trình độ học vấn, sống có lý tưởng, nhân nghĩa "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người".

Nhưng có ai biết những con người thật của xã hội miền Bắc sau 20 năm cai trị của đảng CSVN  từ 1954 đến 1975  như thế nào không ? Đó là một  nhà nước  nghèo nàn, con người chậm tiến, kinh tế lạc hậu, kỹ nghệ thô sơ và là một xã hội đổ nát tòan diện từ vật chất đến tinh thần nếu so với nhân dân miền Nam.

Vậy mà Nguyễn Trọng Phúc vẫn có thể nói như kẻ có mắt cũng như không khi viết về  giai đọan sau  ngày Quân đội Cộng sản vào Sài Gòn tháng 4-1975 : "Sau ngày miền Nam được giải phóng (30-4-1975), đất nước thống nhất và cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, càng có điều kiện để thực hiện và hoàn thiện nền dân chủ, chế độ làm chủ của nhân dân trên phạm vi cả nước."

Nói như thế là nói dối, nếu không muốn lên án là "nói láo" vì trong giai đọan 10 năm từ 1975 đến 1985, cả nước Việt Nam đã bị đảng CSVN phá hoại đến cạn  kiệt không còn sức gượng dậy chỉ vì  nhóm cấm quyền cực đoan, bảo thủ và giáo điều miền Bắc  đã tìm mọi cách áp dụng chế độ lao động  bóc lột  chỉ huy trên phạm vi cả nước.

Hậu qủa nhãn tiền là nạn đói hòanh hành, kinh tế sụp đổ vì kế họach tập trung, bao cấp và mất viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô cầm đầu. Nhiều chục ngàn dân cả hai miền Nam-Bắc đã tìm đường bỏ nước ra đi, mặc cho phải hy sinh để tìm tự do cứu mạng.

Do đó Phúc  đã gượng gạo  che tội cho đảng khi viết về quyết định chuyển hướng "đổi mới hay là chết" của Đảng năm 1986.  Phúc nói rằng : " Nhà nước đã lắng nghe ý kiến, sáng kiến của nhân dân, của các địa phương và cơ sở để từng bước khắc phục mặt hạn chế của cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp - một cơ chế đã phát huy vai trò nhất định trong thời chiến và đã trở thành sự cản trở cho sự phát triển.  Đảng, Nhà nước cùng với nhân dân đã từng bước khảo nghiệm để tìm con đường đổi mới."

Phát biểu như thế là Phúc đã  ma mãnh phủ nhận theo kiểu  vô ơn bạc nghĩa, ăn ốc đổ vỏ với một số  chuyên gia kinh  tế và thị trường và cả nông dân  người miền Nam lúc bấy giờ.

Trong số những người có công đầu của kế họach "Đổi Mới"  có cả  hai Tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo (cựu Phó Thủ tướng VNCH), Nguyễn Xuân Oánh (cựu Phó Thủ tướng VNCH), Nguyễn Văn Diệp (Cựu Bộ trưởng VNCH), Phan Chánh Dưỡng (chuyên viên khoa học-kinh tế) và khỏang 15 người thuộc nhóm chuyên viên được gọi là "Nhóm Thứ Sáu" .  Nhóm này là những chuyên viên tài chính,ngân hàng, thương mại, thuế vụ từng phục vụ các Chính phủ  dưới thời Việt Nam Cộng hòa.

Theo báo Tuần Việt Nam ngày 9-4-2010 thì  tên gọi này bắt nguồn từ chỗ họ gặp nhau định kỳ vào chiều thứ Sáu hàng tuần.

Cựu Thủ tướng CSVN  Võ Văn Kiệt,người miền Nam  lúc bấy giờ đang làm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước đã tiếp xúc với các chuyên gia này để  tìm cách cứu nguy kinh tế đang đi xuống vực thằm, sau 2 đợt đánh Tư sàn Mại Bản ở miền Nam của đảng.

Từ các cuộc họp bàn này mà quyết định phế bỏ  chính sách bao cấp, tập trung của miền Bắc  đã thành hình đưa đến quyết định "Đổi Mới" ra đời sau Đại hội đảng kỳ VI năm 1986.

Như vậy  thì các  lãnh đạo cực đoan miền Bắc lúc bấy giờ, đứng đấu bởi nhóm bốn người  Lê Duẩn-Trường Chinh-Phạm Văn Đồng-Lê Đức Thọ có công trạng gì mà Nguyễn Trọng Phúc dám dâng cho đảng những  công lao của các chuyên gia người miền Nam khi viết rằng : "Đảng, Nhà nước cùng với nhân dân đã từng bước khảo nghiệm để tìm con đường đổi mới" ?

Hành động  lấy áo gấm,  vòng  hoa của người khác trao  cho đảng  còn được  Phúc  vẽ cá thêm chân, vẽ rồng thêm cánh như thế này : " Trong công cuộc đổi mới,  Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ một trong những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo đổi mới là: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội."

Nhưng "dân chủ xã hội chủ nghĩa" là lọai dân chủ nào ? Nguyễn Trọng Phúc  giải thích kiểu bảo hòang hơn vua rằng : "Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, pháp luật, với ý thức trách nhiệm công dân. Dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng, mặt khác phải lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở phát huy dân chủ. Dân chủ với nhân dân nhưng phải nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân là mục tiêu quan trọng được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991. Hiến pháp 1992 khẳng định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và thể chế hoá quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, chú trọng quyền và lợi ích của nhân dân."

Lậy Trời,lậy Phật nếu  thật sự "tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân" thì nhân dân đã có đủ cơm ăn,  quần áo mặc,  con cái được học hành đến nơi đến chốn, có đấy đủ các quyền tự do và được sống hạnh phúc ngang tầm thời đại với nhiều dân tộc trên thế giới từ lâu rồi chứ đâu còn bị nghèo nàn, mạt rệp như bây giờ ?

Vì vậy mà dù  đến bây giờ,  sau 25 năm sau "Đổi mới"  đảng vẫn chưa biết  phải bắt dân "qúa độ lên chủ nghĩa xã hội"  đến bao giờ  hay  dân còn phải  đai lưng lao động nhiều năm nữa mà vẫn chưa biết  ngưỡng thiên đàng  của "xã hội chủ nghĩa"  ở đâu ?

Lãnh đạo của đảng CSVN  đã chứng minh họ rất mù mịt và ấm ớ về vấn đề này. Họ chỉ ba hoa rằng việc "quá độ lên xã hội chủ nghĩa" là hòan tòan mới, phải mất nhiều thời gian vì chưa có tiền lệ.  Họ mới phác họa được một  mốc thời gian phải  đặt  cho xong nển tảng của kế họach phát triển đất nước, xây dựng con người và hệ thống lãnh đạo vào giữa Thế kỷ 21. Sau đó sẽ tiếp tục "qúa độ" cho đến đích, nhưng ai không biết phải phiêu lưu cho đến bao giờ !

Có điều chắc chắn là cho đến bây giờ, sau 35 năm cai trị cả nước không một ai trong đảng CSVN dám cam kết khi nào thì dừng chân lại, không cần phải "qúa độ" lên xã hội chủ nghĩa nữa.

Một nhúm người bảo thủ  hàng đầu trong đảng CSCN bây giờ, trong đó có Nguyễn Đức Bình, nguyên Uỷ viên Bộ Chính Trị Trung ương Đảng vẫn mơ hồ khằng định rằng chế độ Xã hội Chủ nghĩa chứ không phải  Chủ nghĩa Tư Bản sẽ là con đường lý tưởng trong tương  lai của  cả nhân loại !

Ai cũng biết đường lối kinh tế được gọi là "theo dịnh hướng Xã hội Chủ nghĩa" hiện nay của Việt Nam là một bản sao kinh tế của Chủ nghĩa Tư bản, nhưng đảng và nhà nước CSVN không dám nhận như thế.

CHUYỆN NHÂN QUYỀN

Bây giờ đến chuyện Nhân quyền của Việt Nam thì Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã  cãi lý trên  Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2010 như thế này : "Những thành quả quan trọng mà Việt Nam đạt được qua hơn 20 năm đổi mới về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực quyền con người, là minh chứng rõ rệt cho chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Ðảng và Nhà nước Việt Nam."

Nhưng việc "bảo vệ" và "thúc đầy" quyền con người của đảng CSVN không có nghĩa quyền bình đẳng của mọi công dân, không phân biệt thành phần và khuynh hướng đã được đảng và nhà nước CSVN bảo đảm và nhìn nhận đúng với tiêu chuẩn của đại đa số các nước trên thế giới.

Minh viết : " Từ thực tiễn đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm rằng nhân quyền trước hết phải là quyền của mỗi người, mỗi dân tộc được thực hiện quyền tự quyết, được sống trong độc lập, tự do và được phát triển về mọi mặt; các quyền dân sự, chính trị phải đi đôi với các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; quyền và tự do cá nhân phải gắn với lợi ích chung của dân tộc và trách nhiệm đối với cộng đồng. Bảo đảm và thực hiện quyền con người trước hết là trách nhiệm quốc gia, không thể có sự áp đặt từ bên ngoài."

Nhưng có ai "áp đặt" ai nếu các quyền tự do của nhân dân Việt Nam được Nhà nước CSVN triệt để tôn trọng và áp dụng theo đúng với các Điều khỏan đã ghi trong Hiến pháp năm 1992 và nhiều Luật khác của Việt Nam.  Đằng  này không những nhà nước CSVN không thi hành như đã hứa mà con ban hành nhiều văn bản có tính pháp lý chồng chéo để có lợi cho nhà nước  và  dễ dàng  chống lại những ai không đồng ý với chính sách của đảng.

Phạm Bình Minh biện bạch : " Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: chúng ta "chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người"; "sẵn sàng đối thoại với các nước, các tố chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề quyền con người", đồng thời "phải kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "tôn giáo" hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thố, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam".

Chỉ thị 12 (1992) của Ban Bí thư về "Quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta" cũng nêu "sẵn sàng tỏ thiện chí hợp tác trong quan hệ quốc tế vì quyền con người, đồng thời đấu tranh với những âm mưu lợi dụng vấn đề này để chống phá ta".

Lập luận của Phạm Bình Minh giống như kẻ lấy bùn đổ sang ao khi tìm cách cãi lý quanh co để  chống lại các lập luận lên án Việt Nam không ngừng vi phạm quyền con người được  phát biểu và quyền được  phản ứng bất bạo động của những người bất đồng ý kiến với nhà nước

Minh giải thích về lập trường của Việt Nam như thế này : "Tuy nhiên, ta cũng khẳng định rõ việc thực hiện các quyền và tự do của mỗi cá nhân đều phải trong khuôn khổ pháp luật và không ai có quyền đứng trên pháp luật. Những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đều bị xét xử theo pháp luật, đây là việc làm bình thường của mọi quốc gia trên thế giới trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền. Đối với các đối tượng mà Mỹ và các nước phương Tây quan tâm, ta chủ động đưa ra những bằng chứng vi phạm pháp luật, khẳng định đây không phải các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền mà là những cá nhân được sự hậu thuẫn của một nhóm nhỏ người Việt ở nước ngoài tìm cách lật đổ Chính phủ Việt Nam, hằn học với những thành tựu của đất nước, đi ngược lại mong muốn chung của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. "

Bằng chứng "tìm cách lật đổ Chính phủ Việt Nam"  của các nhóm "người Việt ở nước ngoài" là nằm trong kế họach "diễn biến hòa bình" rất mơ hồ ø ư, hay đó chỉ là một cách nói để chụp mũ  những người  bất đồng chính kiến mà không cần phải chứng minh ?

Riêng đối với quan điểm về nhân quyền của Hoa Kỳ đối với Việt Nam thì Phạm Bình Minh bảo : " Với Mỹ, đối thoại nhân quyền gắn với tiến trình quan hệ chính trị Việt - Mỹ theo từng giai đoạn.  Khó khăn trong đối thoại còn xuất phát từ việc phe cực hữu và số Việt kiều phản động ở Mỹ luôn luôn tìm cách gây sức ép, cản phá quan hệ hai nước và thúc đẩy các ý đồ xấu chống ta."

Khi nói như thế thì Phạm Bình Minh có sờ lên gáy xem đảng và nhà nước CSVN đã đối xử với những người bất đồng chính kiến hay  đòi được  quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí và tự do hội họp đã bị đàn áp như thế nào từ 1975 đến nay ?

Những trí thức như các ông Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Quảng Độ hay Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Tòan  cho đến  các trí thức trẻ như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy v.v… đã có âm mưu lật đổ chính quyền như thế nào với hai bàn tay trắng mà họ vẫn bị đàn áp trong bao nhiêu năm qua ?

Như vậy thì khi phô trương thành tích dân chủ của 65 năm từ Cuộc Cách mạng tháng 8/1945 cho đến việc xuyên tạc  quyền đòi  nhân quyền và các quyền tự do của người dân có đem lại lợi ích gì cho đất nước không, hay chỉ làm cho bộ mặt Việt Nam xấu xa thêm trước thế giới văn minh ở Thế kỷ 21 ?

Phạm Trần