Tiền - Quyền lợi Mỹ đứng trên hết. Chủ nghĩa tư bản không có chữ "Tín-Nghĩa" Ngay dòng chữ mở đầu cho bộ trường truyện Tam Quốc Chí, một trong tứ đại danh tác của văn học cổ Trung Hoa, nhà văn La Quán Trung đã khai bút rằng:
- “ Phàm thế cuộc trong thiên hạ, chia rồi lại hợp, hợp rồi lại chia…”!
Nếu ngộ từ cổ ý đó, mà lạm bàn cục thế của tam quốc Việt-Mỹ-Trung hôm nay. Thì e là: mấy chữ “chia rồi lại hợp, hợp rồi lại chia…” có thể như vận vào quốc mệnh Việt Nam là phải gắn bó với Hoa Kỳ! Bởi rằng “Mỹ đi, rồi Mỹ lại về…”!
Thật vậy! Sự kiện vừa rồi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hillary Clinton đến Việt Nam tham dự hội nghị Asean, và tiếp theo hàng loạt cuộc ngoại giao khiến Biển Đông cuộn sống, và chính trường Châu Á-Thái Bình Dương cũng phải chao đảo tiếp theo!
Nếu sự kiện này xảy ra ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới thì đó cũng chỉ là dòng tin bình thường! Nhưng việc ngưới đứng đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ đến Hà Nội vào ngày 21 tháng 7 đã khiến cho bao người Việt Nam phải suy luận!
Bởi lẽ! Hơn 56 năm trước, cũng vào ngày 20/7/1954, phái đoàn Mỹ cũng từng tham gia chứng kiến ký kết hiệp định Geneve chia đôi đất nước Việt Nam, và Hoa Kỳ chính thức can dự vào cuộc chiến Nam-Bắc từ độ đó.
Cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo dài hơn 20 năm khiến huyết lệ ngập đất, tang thương ngút trời!
Với người Miền Bắc thì hầu như trên bàn thờ của gia đình nào cũng có tấm bằng khen Thương binh hay Liệt sĩ. Vì thế, họ quyết tâm với khẩu hiệu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”!
Với người Miền Nam thì sự mất mát cũng chẳng kém gì! Nhưng nỗi đau lớn nhất là bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi những lời ngọt ngào cam kết. Vì thế, lời nguyền: “Mỹ là kẻ phản bội” cũng vang lên từ dạo ấy…!
Cuối cùng “Mỹ cút, ngụy nhào”…! Chiến tranh kết thúc…! Miền Bắc cắm cờ trên một thiên đàng… và… ngỡ ngàng.
Cũng từ đó, một thứ Ngụy mới chui lên nắm quyền với chí lớn: “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, và mục đích của họ đã “thành công”…! Khi nhà thờ Họ của ông Thủ tướng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn nhất nước, khi đường phố chật đầy dân oan la hét to hơn để van xin quan quyền đừng cướp ruộng vườn, và công lý mà nhà cầm quyền trả lời cho người dân là phát súng bắn lủng bụng bé trai 12 tuổi vì muốn níu giữ lại miếng đất thuộc quyền tư hữu của mình.
Thành quả của một cuộc “cách mạng” và “giải phóng” trong 36 năm qua là thế đó! Rất đủ và quá thừa để cho người Việt Nam tái xác định thế nào là bản chất chính trị của người Mỹ…! 2 CHỮ HOA KỲ TRONG TÂM LÝ CỦA NGƯỜI VIỆT
Giờ đây nghiệm lại, với người Miền Bắc thì ngậm ngùi hơn khi nhìn vào tấm bằng khen Thương binh hay Liệt sĩ mà hiểu ra rằng, bao máu xương của con em họ đổ xuống trong chiến tranh để cưỡng chiếm biển đảo hay các vị trí chiến lược quan trọng, thì nay đám “ cộng con” dâng hiến cho Trung Cộng, nhưng “ đau hơn bò đá” là bao góp ý – kiến nghị của các “ lão thành cách mạng” chẳng bao giờ được lớp “ cộng sản con” đoài hoài đếm xỉa..!
Với Miền Nam , một số người từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa được đồng minh “hối hận” và cứu giúp sang Mỹ định cư, nay họ thật sự được tự do sau nhiều năm tháng bị Việt cộng trả thù.
Người Miền Nam có còn cho Mỹ là kẻ phản bội không???
Có lẽ! Chỉ còn trên những dòng hồi ký đã viết ..đã qua! Bởi bức tường đá hoa cương khắc đậm tên tuổi của hơn 58 ngàn con em người Mỹ đã nằm xuống trên phần đất Việt Nam . Gần gủi hơn, họ là những cán chính, chiến binh từng cùng chiến tuyến với người Mỹ, và dễ dàng cảm thông để hiểu như thế nào là: “Lời hứa chính trị”…!
Còn người Miền Bắc có căm thù để “đánh cho Mỹ cút” nữa không???
Có lẽ cũng không! Vì họ đã nhận ra các chiêu bài “dân tộc” hay “giải phóng” chỉ là một “quả lừa lịch sử” do Hồ Chí Minh tạo ra, người ta càng chán ngấy 3 chữ “Đảng cộng sản” và sẵn sàng lật úp xe công an để biểu lộ lòng căm phẫn, hay hiên ngang tụ họp gần nửa triệu người để đòi công lý. Đặc biệt hơn, trí thức Miền Bắc nhận ra tổ quốc đang bị hiểm họa từ Trung Cộng, cũng từ hiểm họa này mà họ thấy ra được bản chất chính trị của Hoa Kỳ là không lấn chiếm lãnh thổ, và hủy diệt quyền tự do dân chủ của một ai. Sự đổi thay về quan niệm chính kiến này đã bộc lộ qua tâm lý mà bá tánh thiên hạ đều nghĩ rằng: “Cho con cháu đi du học ở đâu cũng không bằng nước Mỹ”…!
Phải chăng sự đổi thay trong tâm lý của người dân Việt, hay bao thao thức về vận nước lòng dân đang xảy ra, cũng như sự phân hóa bệ rạc của giới lãnh đạo Hà Nội đã cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ hiểu hơn, làm gì, để thích ứng hơn trong mối quan hệ Việt – Mỹ…???
Và liệu rằng sự trở lại Việt Nam thì Hoa Kỳ có thể làm thay đổi được cục diện chính trị tại đây??? Hay, có hoặc không một số dư luận cho rằng CS Việt Nam cũng muốn theo Hoa Kỳ, nhưng lời nguyền “Mỹ là kẻ phản bội” đã ám ảnh họ??? Nỗi lo sợ đó đúng hay sai???
Các câu hỏi trên thật khó trả lời, dù ai đó có tài thượng thông thiên văn, hạ thấu quỷ thần cũng không giải đoán được!
Tuy nhiên, tiến trình chính sách đối ngoại của bất cứ quốc gia nào cũng bắt đầu từ bước sơ đẳng như chiến thuật – chiến lược để phục vụ theo từng giai đoạn và kế hoạch, mà các hoạch định chính sách nằm trong phạm vi nhỏ hẹp hay quy mô, thì tất cả đều do con người vạch thảo ra rồi hành động. Cũng giống vậy, chủ trương chính trị trong sách lược đối ngoại của Hoa Kỳ vẫn không vượt ra ngoài lý luận nói trên!
Do đó, nhằm xác định để thấy rõ bản chất chính trị của Washinhton là “chuyên môn phản bội đồng minh” hay không thì chẳng cần phải dùng triết lý cầu kỳ để minh định, hay khoa học rối rắm để phân tích. Mà hãy thử, rà xét tình hình chính trị của vài quốc gia mà hiện nay Hoa Kỳ đang can dự vào nội chính của đất nước họ. Từ đó, ít nhiều sẽ làm sáng tỏ cho vấn đề muốn đặt ra, đó là:
Trường Hợp PAKISTAN: Vì mục đích tiêu diệt khủng bố, Hồi quốc này đã trở thành đồng minh chí hữu của Hoa Kỳ. Nhưng ngay từ thời cựu tống thống Pervez Musharraf cũng như giới cầm quyền hiện nay, đều sử dụng số tiền viện trợ vào việc cũng cố quốc phòng ở vùng Kasmia, tức biên giới Ấn Độ–Pakistan, và tệ nạn tham nhũng cũng nảy sinh từ đồng tiền chống khủng bố. Trong khi đó, ngay cả Hoa Kỳ cũng không chắc chắn rằng tình báo Hồi quốc này đã biết ông trùm Bin Laden đang ở đâu, nhưng không chịu báo! Vì lẽ, bắt Bin Laden rồi là xem như nhân vật chính đã chết, thì “đứt phim”, đâu còn tiền viện trợ!
Vậy người Mỹ có còn chấp nhận hao tốn cho sự vô vọng nữa không???
Trường Hợp AFGHANISTAN : Tương tự như Hồi quốc nói trên, giới cầm quyền của tổng thống Kardai cũng mê chìm trong hối lộ, ngân quỹ viện trợ chống khủng bố chưa đến kịp thì dọa bỏ Mỹ theo Taliban. Bao nhiêu tiền của Hoa Kỳ bỏ ra nhưng Bin Laden vẫn ung dung nằm ngắm hoa “mùa xuân trên đỉnh bình yên”, trong khi tổng thống Obama bể hai cái đầu vì câu hỏi “giờ này anh ở đâu”. Vì đã 9 năm rồi, nhưng Taliban vẫn như con ma đêm hiện ngày trốn. Lính Mỹ đạp mìn liên tiếp.
Liệu rằng quốc hội hay dân chúng Mỹ chấp nhận kéo dài cuộc chiến này không?
Trường Hợp Iraq : Kết quả cuộc chiến đã rõ ràng. Dân chủ đâu chưa thấy nhưng mìn bom thì tự do nổ hằng ngày, bầu cử xong hơn 6 tháng rồi, nhưng ông nào đầu, bà nào đuôi, ai là khúc giữa cũng chẳng biết vì tranh nhau miếng ăn còn hơn Việt cộng!
Vậy chính phủ Hoa Kỳ có “chịu đời” nổi không???
Hiện tình đã trả lời cho 3 câu hỏi đi kèm vơí cục diện quân-chính của 3 quốc gia nói trên. Và dĩ nhiên, khi Hoa Kỳ ra đi, thì ắt rằng, cả 3 chính phủ thân Mỹ nói trên sẽ tự lực chống đỡ kẻ thù và nhất định sẽ la to: “Mỹ là kẻ phản bội”, dù rằng trước đó 2 bên đã có quy ước!
Đi ngược lại với 3 quốc gia nói trên cũng nằm trong chiến lược của Hoa Kỳ. Hãy lấy 3 quốc gia khác để soi rọi vấn đề, đó là: Nhật Bản – Nam Hàn – Đài Loan mà hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng các quốc gia này luôn được sự bảo trợ gần như tuyệt đối của Hoa Kỳ. Đặc biệt trong tình trạng Trung Cộng trỗi dậy như hiện nay thì chắc chắn mối quan hệ song phương của từng quốc gia này càng gắn bó với Hoa Kỳ hơn.
Tại sao có sự dị điểm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ?
Thật có quá nhiều cách lý giải để có câu trả lời xác đáng! Nhưng tựu trung một điểm lớn nhất mà ai cũng biết. Đó là tất cả sách lược mà Washington hoạch định ra nhằm phục vụ cho từng giai đoạn, mỗi chiến lược áp dụng vào một quốc gia hay khu vực ở mức độ ngắn hay dài, ôn hòa hay bạo lực, quy ước hay bất quy ước, chung thủy hay phản bội, thì mọi yếu tố căn bản này đều được Hoa Kỳ chủ động thực hiện trên nguyên tắc vì quyền lợi quốc gia là tối thượng!
Căn cứ vào hiện chính của các quốc gia có liên quan đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ như đã phân tích, có thể đã đầy đủ một phần nào để đặt ra câu hỏi mà đa chiều dư luận đang quan tâm, ấy là:
CÓ NÊN SỢ “MỸ PHẢN BỘI” KHÔNG?
Trước hết, lấy hoàn cảnh thực tế của 3 quốc gia: Pakistan – Iraq – Afghnistan có nhiều phương diện đang lệ thuộc Hoa Kỳ, nhất là 2 mặt quân sự và chính trị, mà xét đến Việt Nam thì có quá nhiều dị điểm, và chính các dị điểm này là thế lợi vô cùng to lớn đối với VN.
Vì rằng, VN không có chiến tranh như họ, không có nạn khủng bố trầm trọng bắt nguồn từ văn hóa và tôn giáo, nhất là thực dụng dân sinh tạm ổn. Hoặc dựa vào lịch sử cận đại VN để đi đến kết luận rằng: Đồng minh với Mỹ hôm nay có hoàn cảnh rất khác so với VNCH năm xưa từng đồng minh với họ! Bởi lẽ ngày đó, nhiều phương diện của chế độ đều bị phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Do vậy, tính tự chủ quốc gia của người lãnh đạo bị kìm hãm vì thái độ cực đoan “ai chi tiền thì người đó chỉ huy”! Để rồi cuối cùng: “Người Mỹ đã thất bại do chính người Mỹ gây ra”. Đó là nhận xét mới nhất từ cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henrry Kissinger trong Hội nghị: Kinh Nghiệm Của Hoa Kỳ Tại Đông Nam Á ( The American experience in Southeast asia ), vào ngày 29 và 30 tháng 9 năm 2010 vừa rồi.
Từ các dị điểm tạo thành thế lợi nói trên, thì VN có những đồng điểm như 3 quốc gia đang minh hữu hỗ tương với Hoa Kỳ là: Nam Hàn – Nhật Bản hay Đài Loan. Vì là: Mức độ và mật độ dân số vừa phải, hạ tầng cơ sở sẵn có, đặc biệt không xáo trộn chính trị và chiến tranh, ngoại giao quốc tế rộng, xã hội và con người năng động. Với các yếu tố căn bản này, nếu được Hoa Kỳ công nhận là đồng minh thì sự thăng tiến của VN là một điều hết sức khả thể!
Do vậy, để đạt được mức độ khả quan đó, thì nhu cầu đòi hỏi duy nhất là Việt Nam phải thay đổi thể chế, nhân sự lãnh đạo, cũng như chính sách và đường lối như 3 quốc gia nói trên, nhằm phù hợp với chủ trương chính trị của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các phân tích nhỏ nhoi trên đây cũng chỉ nằm trong khuôn khổ lý thuyết chính trị học!
Còn thực tế, trên bình diện quân-chính của Việt cộng hiện thời vẫn chưa có tín hiệu rời xa Trung Cộng, thành tâm theo Hòa Kỳ để giữ nước và phát triển dân tộc.
Bằng chứng, về đối nội thì trước ngày Đại hội đảng lần thứ XI, Việt cộng “giả chết” cho toàn dân “tha hồ góp ý” từ ngày 15 tháng 9 đến 31 tháng 10, về Đề cương chính trị của đảng là tiếp tục tiến lên theo con đường dao Mác-Lê lết, và ra sức “ phát huy” theo gương bác Hồ nhiều vợ…!
Trong khi đó, về mặt đối ngoại thì người đừng đầu nhà nước VN là Nguyễn Minh Triết tuyên bố như “đinh đóng cột” là:
- “… Chính sách của VN sẽ giữ nguyên không có thay đổi quan trọng nào, và chỉ thực hiện những thay đổi nào có ích cho việc cải thiện môi trường kinh doanh…”
Thế là hết! Ai mang “giấc mộng” Việt Cộng bỏ Trung Cộng theo Hoa Kỳ đã đổ vỡ tan tành. Nghĩa là, Việt Nam dưới sự cầm quyền của Triết hay người kế nhiệm thì vẫn duy trì: “Học thuyết: Vũ Như Cẫn”, tức vẫn như cũ..!
Hoặc để chứng minh giới đương quyền Hà Nội vẫn duy trì chế độ CS, và tiếp tục chính sách ngoại giao “Đu Dây”, thiếu thành thật với Hoa Kỳ, thì xin lấy vài chi tiết cụ thể trên hình thức lẫn nội dung của cuộc họp 10 nước Asia tại New York ngày 24-9-2010, để thấy.
Đó là ông Nguyễn Minh Triết “mừng hết lớn” vì cùng ngồi ghế Đồng chủ tịch với Tổng Thống Obama. Mà lẽ ra, Việt Nam đang là Chủ tịch luân phiên và có thể triệu tập hội nghị tại Hà Nội. Nhưng chỉ cần “đại gia” Obama lấy cớ bận bịu nên tổ chức tại New York . Trước là tỏ thế oai phong mình là “ Đại ca” tạo mặt mủi lòng tin cho em út, sau nữa là, “ dằn mặt” Trung Cộng đừng nghĩ “ mình là thiên triều”. Vì, chỉ cần “Hoa Kỳ ta đây” hú một tiếng thì… 10 đứa đàn em – hàng xóm của “chúng bay” đều về… “phe ta”!
Và cú “chơi xỏ” này theo tác giả Kavi Chongkittavorn, trong bài: “Chiến Lược Tam Giác: Mỹ – Trung – Asean” (US, China and Asean: A New Strategic Triangle), đã mô tả là toàn bộ nhân viên của bộ ngoại giao Trung Cộng phải túc trực suốt ngày đêm để theo dõi từng diễn biến của cuộc hội nghị, và đã khiến Bắc Kinh cay cú lên: “Mỹ đã đi quá xa và không có quyền can thiệp vào khu vực…”.
Nhưng Trung Cộng đã “hố” to…! Vì quan sát kỹ lưỡng toàn văn của bản Thông Cáo Chung mà Hoa Kỳ và khối Asian cùng đồng ý, tuy dài 5 trang với 25 điểm, nhưng chẳng có một chử nào mà Washington nhấn mạnh là sẽ can thiệp mạnh về sự vụ Biển Đông.
Tuy nhiên, qua sự kiện này cho thấy một lần nữa Hoa Kỳ cố tình tạo cho các lãnh đạo VN nên quyết định nhanh, để đi theo xu hướng chính trị dân chủ do họ vạch ra, nhưng dường như, giới lãnh đạo Hà Nội vẫn quyết tâm “giả bộ suy nghĩ” để kiếm củ Cà Rốt, vì cây Cà Rem mà lâu nay Mỹ cho chưa đủ!
Tại sao lại có nhận xét như thế???
Vì rằng, đại diện Việt Nam tức là ông Nguyễn Minh Triết đang Chủ tịch luân phiên khối Asean, nghĩa là ông phải Chủ tọa đoàn cuộc hội nghị, nhưng vì ông hoàn toàn không biết Anh Ngữ, và đã không biết ngoại ngữ thì Việt cộng đưa ông đi làm gì?
Để rồi quyền điều hành hội nghị phải nhờ qua đại diện của quốc gia khác, trong khi Anh Ngữ của ông Nguyễn Tấn Dũng là có thể, và đã từng giao tiếp được, vì có 2 phái bộ quốc gia khác đến tham dự mà đại diện của họ chỉ ở cấp ngoại giao, không là Tổng thống.
Từ đó cho thấy, Việt cộng sẵn sàng đánh mất danh diện quốc thể, mà không dám đụng chạm đến Trung Cộng nếu hội nghị có nêu lên vấn đề Biển- Đảo. Vì lý do quá hợp lý khi người ta không biết tiếng Anh thì làm sao mà nói; và đã không nói thì làm sao bị Trung Cộng trách phạt được!
Hay nói cách khác, tuy mang tiếng là hội nghị Asean theo lời mời của Tổng thống Mỹ, nhưng xét cho cùng, sự quan tâm nhiều nhất của Hoa Kỳ là đối với VN, bởi rằng sự có mặt của ông Obama tại Hà Nội chỉ làm cho quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng thêm, vì khác nào một “đại ca” từ chốn giang hồ xa xôi, nay xuất hiện để tranh giành đàn em và kiếm tiền bảo kê khu vực, điều đó làm sao Trung Cộng không giận dữ lên được vì miếng ăn sắp bị người ta đoạt mất!
Trái lại, Biển-Đảo của quốc gia do ông Nguyễn Minh Triết lãnh đạo đang bị Trung Cộng xâm chiếm, nay ông có cơ hội làm Chủ tọa đoàn mà không nêu lên để nhờ Mỹ giúp, thì ai là người nêu lên cho ông? Ở đời người ta thường nói “phải chỉ chỗ ngứa thì người ta mới biết gải đúng chổ ngứa cho mình”! Lý lẽ giản đơn đó làm sao Việt cộng không hiểu ra được! Nhưng mỗi khi, họ sắp xếp “người máy” Nguyễn Minh Triết đến dự hội nghị, thì chứng tỏ rằng họ vẫn đánh ván bài nước đôi. Đây là lối ngoại giao nằm trong “truyền thống ngoại giao lọc lừa-gian dối” của Phạm Văn Đồng hay Lê Đức Thọ truyền lại, mà lẽ ra, hiện tình của quốc gia đang cần người lãnh đạo minh bạch, thật tâm, nhất là trong lãnh vực bang giao quốc tế với một siêu cường lớn như Hoa Kỳ.
Kết quả đã là, vừa lừa vừa dựa vào Mỹ để trấn an dân, nhưng cũng giả vờ vừa đấm vừa xoa được Trung Cộng. Còn gì vui hơn; khi ông Triết về đến Hà Nội báo cáo với đảng là:
- “Cũng nhờ I do not have chút mô english, nên tôi đã thành công ngồi yên một chỗ như các đồng chí dặn. Thế là chúng ta yên tâm tiếp tục du dây để kiếm Cà Rem…”!
Ai nói ông Triết không “khôn như vợ thằng Đậu”?
Cho nên, mọi sự nói trên có thể đưa đến kết luận. Cho dẫu, người Mỹ có thiện chí mở ra một cơ hội tươi sáng cho dân tộc Việt Nam đến đâu! Nhưng giới đương quyền Việt cộng vẫn khăng khăng luận điệu tìm giải pháp Đa Phương, nhưng thực chất họ đã Song Phương với Trung Cộng. Với tình trạng này bị kéo dài thì kết quả đến với quốc gia là Vô Phương cứu chữa.
Với thái độ thiếu thành thật như thế, thì nỗi sợ “Mỹ Phản Bội” đã không cần lưu tâm đến!
Tuy nhiên, việc ngoan cố duy trì chế độ cộng sản sẽ không êm đềm như trước đây, mà các tác động khách quan và chủ quan vào cục diện quân – chính của Việt cộng hiện nay, đang cho phép lạm bàn đến câu hỏi quan trọng là:
CÓ SỰ PHẢN BỘI KHÔNG???
Nếu cách đây vài năm thì chẳng ai đặt ra câu hỏi này! Nhưng hiện tình Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ 2 siêu cường, và phía nào cũng muốn giới cầm quyền Hà Nội đi vào quỹ đạo của mình để tìm lợi ích riêng. Hai phía áp dụng 2 chiến lược trái ngược nhau, đó là:
- Một phía tìm quyền lợi trên tiến trình xây dựng dân chủ.
- Phía còn lại tìm quyền lợi trên kìm hãm và phá hoại.
Do sự xung khắc của hai đường lối trái ngược này, nên mục đích bảo thủ chế độ độc tài của giới cầm quyền Hà Nội sẽ không còn hiệu quả, trước nhận thức và mưu cầu dân chủ để bảo quốc của khối đông đại đa số. Phương thức duy nhất cũng là cuối cùng để bảo vệ chế độ là đàn áp, với yếu lược mù quáng này sẽ đem lại đường nứt kẻ hở để tạo ra một thời thế mới cho các cá nhân có tham vọng chính trị đúng đắn, cũng như cơ hội hiếm hoi cho các khuynh hướng đối lập xuất hiện.
Vì thế có thể mạnh dạn đưa ra nhận định rằng. Nếu giới đương quyền Hà Nội cố hữu duy trì không thay đổi thể chế, thì chính họ phải đối diện với 3 yếu tố mà các chính trị gia giỏi ít khi phạm phải lỗi lầm này! Đó là:
A) Căn cứ vào lịch sử thế giới trong đó có Việt Nam đã từng chứng minh. Mỗi khi các quốc gia bé nhỏ có địa lý chính trị nằm vào tầm ngắm của các “Thế Lực Thù Địch” (xin lỗi bạn đọc, vì đoạn này tác giả (nên + phải) dùng cụm từ “mơ mơ màng màng” của Việt cộng), thì bao giờ Giải Pháp đầu tiên của nước lớn cũng dùng sách lược thiện chí và ôn hòa để hữu nghị. Nhưng khi không đạt được nhu cầu mà chiến lược đòi hỏi, thì lúc nào họ cũng sẽ sử dụng Biện Pháp để lộ trình chiến lược của họ được suôn sẻ thành công. Hiện nay, trường hợp của VN cũng không vượt thoát ra ngoài mục tiêu này!
Luận điểm trên gần như trở thành “nguyên tắc” chính trị của các nước lớn, mà nguyên tắc này không xa lạ gì với Việt cộng; khi chính họ cũng đã và đang áp dụng vào quốc gia nhỏ Campuchia lúc cuộc chiến Biên giới Tây Nam 1978 kết thúc. Hoặc để củng cố và làm sáng tỏ luận điểm này bằng một câu hỏi là: Ai đã đào tạo và dựng nên giới cầm quyền Campuchia hiện nay???
Đó là tác động ngoại chính mà Việt cộng đang phải đối diện.
B) Về nội chính thì đã phân tích phần tâm lý hiện nay của người dân Việt như ở phần trên, yếu tố này khá quan trọng để “diễn biến hòa bình” hay “bất hòa bình” sẽ nảy sinh. Vì rằng, quốc gia đang đứng trước nạn ngoại xâm, nhưng giới cầm quyền vẫn độc tài nhu nhược, do đó, khi có một lực lượng dân chủ hùng mạnh tác động vào, thì tự nó sẽ trở thành một sự cứu cánh cho cộng đồng- cá nhân đang mưu cầu để giải quyết vấn đề hiện thực.
C) Về nội bộ của giới cầm quyền, thì thà rằng, Việt cộng đóng cửa kín mít như Kim Jong II của Bắc Hàn, rồi ngồi khen ta chửi người như Iran hay Venezuela . Nhưng mỗi khi Việt cộng ham ăn Cà rem- Cà rốt, thích uống rượu Whisky, thích ngắm Nữ thần tự do, thích “ hớn hở” siết tay “ Đại Ca”.. .. thì e là, những cái “ thích” đó sẽ làm càn khôn xoay chuyển!
Bởi, dân gian Việt Nam đã có câu “Một khi tay phải nhúng chàm”, mà xà bông bột giặt còn rửa được vết chàm. Nhưng mỗi khi đã siết chặt tay nhau, mà bàn tay của “người ta” bao giờ lông lá cũng “rậm rạp” hơn “người mình”! Và biết đâu, cái thứ lông lá kia sẽ lây qua rồi mọc rễ cắm cội thành chân rết, lan truyền khắp bộ này đến phận khác. Để rồi một hôm, cả 3 yếu tố nói trên sẽ hội đủ các điều kiện để trả lời cho câu hỏi: Làm sao lật đổ một chế độ?
Và chính nó sẽ tạo thành tiếng điện thoại giữa đêm reo lên:
- “Thưa ông Đại sứ, ông đã nghe tiếng động gì chưa?”
- “Vâng! Thưa Thủ tướng và ông Chủ tịch, tôi đang nghe rất nhiều tiếng súng trên đường phố Hà nội, chuyện gì đã xảy ra thưa quý ngài?”
- “Một bọn Tướng lãnh và Bộ đội đang làm phản. Ông có cách nào giúp đở chúng tôi không?”
- “Thưa 2 Ngài, đây là chuyện nội bộ của quý quốc. Tôi phải giữ đúng “chính sách vô tư”. Tuy nhiên, chúng tôi có thể giúp các ngài vào tòa đại sứ lánh nạn, hoặc có thể sắp xếp phương tiện tối tân để đưa các ngài ra ngoại quốc một cách an toàn!”
Thế rồi, sáng hôm sau, trên mọi đường phố của Huế – Sài Gòn – Hà Nội, quốc dân nâng ly chúc mừng khi báo chí tràn ngập tin tức và hình ảnh ông Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch bị giao nộp vì sức ép của “Hội Đồng Cách Mạng”!
Câu chuyện ngắn ngủi trên, nghe thật quen quen phải không Bạn đọc!
Liệu chuyện này sẽ xảy ra không?
Có lẽ! Sẽ có 2 sự trả lời là: CÓ, hoặc: KHÔNG. Song hiện thực, tình hình chính trị VN đang đứng trước 2 lựa chọn là:
1) Giới lãnh đạo phải thay đổi tư tưởng.
2) Hay là phải thay đổi giới lãnh đạo.
Cũng ngộ từ cổ ý của người xưa. Để kết thúc bài này, tác giả xin gởi đến phần lý luận của Cố vấn Ngô Đình Nhu về nan đề trên, ông lý rằng:
cố vấn Ngô Đình Nhu
“…Kinh nghiệm chỉ rằng không bao giờ người lãnh đạo thay đổi tư tưởng trong lúc đang ở trong không khí hành động, bởi một lẽ rất dễ hiểu là họ phải mất nhiều thì giờ nghiền ngẫm mới đi đến triết lý chính trị mà họ chủ trương. Nay nếu nó không phù hợp với hoàn cảnh, họ phải có đủ thì giờ để một là xét vì sao triết lý ấy không phù hợp, hai là để tìm triết lý khác thay thế vào. Điều mà họ không thể làm được nếu họ vẫn bị hành động lôi cuốn. Vì vậy cho nên yêu cầu một người lãnh đạo thay đổi tư tưởng của họ đang khi hành động là một việc không bao giờ thực hiện được. Giả sử mà họ có thể thay đổi được thì, việc lãnh đạo sẽ gặp một nguy cơ lớn hơn nữa. Bởi vì thay đổi hấp tấp và không suy nghiệm như vậy, người lãnh đạo không còn chính là họ nữa. Và đương nhiên hiệu quả trong hành động của họ sẽ kém bội phần
Như vậy chỉ còn cách là phải thay đổi người lãnh đạo…” (trích từ CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM ).
Với lý luận của Ngô tiên sinh đúng như hiện trạng Việt Nam . Nay quốc gia đang đứng trước nguy cơ Hán hóa của Trung Cộng, thì e rằng, lý luận này rất và đang phù hợp với tâm lý của người Việt, cũng như chiến lược của các “ thế lực đối địch”, để câu chuyện ngắn kể trên sẽ được xảy ra?
Rất tin tưởng sự hiểu của Đọc giả bao giờ cũng như đại dương, còn chút biết của tác giả chỉ là giọt nước. Do đó, câu hỏi to như “ông trời” kia, xin kính nhường bạn đọc.
|