Home Tin Tức Bình Luận Tôi không đồng ý với phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh

Tôi không đồng ý với phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hữu Quý   
Thứ Hai, 18 Tháng 10 Năm 2010 10:18

Thiết nghĩ, người Việt Nam hôm nay nên học người Nhật Bản trong ứng xử với TQ như đối với vụ tranh chấp tại đảo Senkaku vừa rồi; đó là một thái độ rõ ràng, dứt khoát… trong khẳng định chủ quyền dựa trên chứng cứ sự thật lịch sử.

15/10/2010

 
Ngày 12/10/2010 các báo nước ta đồng loạt đưa tin: “Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam”[1]; trong đó, theo nội dung đăng trên báo Sài Gòn Tiếp thị, thì: “Diễn biến vụ việc cụ thể như sau: ngày 11.9.2010, phía Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau khi nhận được thông tin nêu trên, các cơ quan chức năng Việt Nam đã xác minh và được biết tàu cá và 9 ngư dân nêu trên là của tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi đi đánh bắt, tàu cá nêu trên chỉ mang theo các ngư cụ đánh bắt thông thường như lưới, đèn soi cá...

Từ đó đến nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Ngày 21.9.2010, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã chính thức gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh việc lực lượng ngư chính Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc nhanh chóng thả vô điều kiện tàu cá và toàn bộ ngư dân nói trên”.

Nhưng cũng theo báo Sài Gòn Tiếp thị: “Trả lời câu hỏi về định hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, ông Thanh cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có chung biên giới trên bộ và trên biển. Quan hệ làm ăn của ngư dân hai bên không tránh khỏi những trường hợp xâm phạm vào vùng biển của nhau. “Do đó, chúng tôi đã có cơ chế tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc””.

Theo tôi, phát biểu trên đây của Đại tướng Phùng Quang Thanh là không phù hợp với tình hình thực tế của sự kiện nói riêng và với tình hình thực tế tại Biển Đông nói chung, rất dễ bị Trung Quốc lợi dụng, tạo tiền lệ nguy hiểm có lợi cho Trung Quốc về lâu dài, và đương nhiên bất lợi cho Việt Nam. Cụ thể là:

1. Riêng đối với sự kiện này:

Rõ ràng, việc “Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam”, là một việc làm mà ngay cả TQ cũng đã phải đuối lý và phải chấp nhận “thả vô điều kiện”; qua đó, khẳng định chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa; nhưng trong trả lời câu hỏi, ông Thanh nói: “Quan hệ làm ăn của ngư dân hai bên không tránh khỏi những trường hợp xâm phạm vào vùng biển của nhau”; theo tôi, ông Thanh phát biểu như vậy là không được; gián tiếp công nhận vùng biển QĐ Hoàng Sa là của TQ.

2. Đối với tình hình chung tại Biển Đông:

Việc phát biểu của ông Thanh như đã trích dẫn trên, vô hình dung công nhận vùng biển Hoàng Sa và đặc biệt là vùng biển Trường Sa cũng là của TQ; trong đó, ta biết rằng việc TQ có mặt tại Trường Sa là sau sự kiện xâm lược đảo Gạc Ma năm 1988, mà ta quen gọi là Hải chiến Trường Sa 1988 [2].

Thiết nghĩ, người Việt Nam hôm nay nên học người Nhật Bản trong ứng xử với TQ như đối với vụ tranh chấp tại đảo Senkaku vừa rồi; đó là một thái độ rõ ràng, dứt khoát… trong khẳng định chủ quyền dựa trên chứng cứ sự thật lịch sử.

Suy cho cùng, sự tôn trọng của nhân dân dành cho từng các nhân các vị lãnh đạo, cho dù ở bất kỳ cấp nào, là tùy thuộc vào việc làm của từng quý vị, thể hiện trách nhiệm trước vận mệnh của Dân tộc, mà đối với mỗi người Việt Nam là rất đỗi thiêng liêng và tự hào. Quyết không khoan nhượng trước kẻ thù, cho dù chúng là mạnh nhất, hung bạo nhất… và lịch sử đã chứng minh như vậy.

Ghi chú:

[1] Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam, bài trên báo SGTT ngày 12/10/2010.

http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_chi%E1%BA%BFn_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa_1988

[2] Theo sự kiện và theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc xung đột trên biển Đông năm 1988 giữa Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa với Hải quân Nhân dân Việt Nam để chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 mà kết quả thắng lợi thuộc về Trung Quốc, phía Việt Nam mất 3 hải vận hạm của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam đã hy sinh.

http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_chi%E1%BA%BFn_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa_1988

Trong các tài liệu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).