Home Tin Tức Bình Luận Viết Về Một Người Tên Là Nguyễn Văn Bông

Viết Về Một Người Tên Là Nguyễn Văn Bông PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Tiến Đức   
Thứ Tư, 10 Tháng 11 Năm 2010 06:08

 Khi Giáo sư Nguyễn Văn Bông về làm Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành chánh thì tôi đã tốt nghiệp, đi làm rồi.

Tôi cũng không phải là đảng viên của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến nên không có dịp gặp gỡ ông. Thành ra không có ai giải thích cho tôi nghe tại sao tên ông lại là

 
Nguyễn Văn Bông.

Phải chăng cha mẹ ông thích con gái, mà lại đẻ con trai nên đặt tên cho có hơi hướm con gái ? Hay khi đẻ ra, ông trắng như bông ? Hay là vì nhà nghèo, nên khi sinh ra, ông nhẹ như bông ? Hay là, cha mẹ ông đặt tên cho ông theo âm của tiếng Pháp ? Bông là “Bon” là tốt, là được, như bên Mỹ bà con ta lúc này hễ làm gì được thì nói “good”.

Tôi mong rằng Bông là “bon”, là tốt, là được, là hay lắm, là good.

Để biết tại sao tôi tin như thế, xin hãy đọc cuốn Di Cảo. Cuốn sách dày 330 trang trong khi phần di cảo chưa tới 100 trang. Phần còn lại là phụ lục, gồm những bài ca ngợi Thầy Bông đủ mọi khía cạnh đến nỗi giờ đây, tôi không còn chữ nào để khen mà không bị qúi ông bà la lên “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Cho nên, tôi phải tìm cách khác để khen ngợi Giáo Sư Bông. Cách đó là tôi kể chuyện đời tôi.

Vâng, sau khi tốt nghiệp Học Viện Quốc gia Hành chánh, tôi được đưa về tỉnh Phú Yên. Khi tôi trình sự vụ lệnh thì ông Phó tỉnh đưa cho tôi tờ giấy, in roneo, bảo tôi ký. Tôi liếc mắt, thấy đó là đơn xin gia nhập Đảng Cần Lao. Tôi bèn nói : “Thưa ông Phó, cho tôi thời gian để suy nghĩ”. Thế là ông Phó giận. Ông thu lại tờ giấy, bỏ vào ngăn kéo và nói : “8 giờ sáng thứ hai, anh tới nhận nhiệm sở”.

Sáng thứ hai, tôi tới. Nhân viên Tòa Hành chánh trao cho tôi tờ vụ lệnh, cử tôi đi quận Tuy Hoà để “tăng cường nhân số”.

Hôm sau, tới trình diện quận, ông quận hỏi : “Trình độ học vấn của anh lớp mấy ?”.  Tôi đáp : “Tôi tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành chánh, ban Kinh tế Tài chánh, hiện là Phó giám sự tập sự”. Ông Quận có vẻ không hiểu, gật đầu nhắc lại “Học kinh tế tài chánh hả ? Thế thì xuống làm ở ban kinh tế nhé, trông coi thuế nông giang cho tôi”.

Tôi trình diện ông Trưởng Ban Kinh tế quận. Ông là một dân vệ biệt phái. Đó là ông sếp đầu đời của tôi.

Ngồi ở quận, đi thu thuế nông giang, tôi tự hỏi thế này là thế nào ? Không vô đảng mà bị trù dập vậy sao ?  Nước Việt Nam cộng hòa chủ trương tự do dân chủ mà sao chỉ có đảng Cần Lao mà không có các đảng đối lập ?

Rồi những bài học trong ba năm trời ở Học Viện, có điều nào giúp cho công việc thu thuế nông giang của tôi ? Có bài nào dạy cho tôi về tình hình nông thôn trong hoàn cảnh chiến tranh, khi người dân ở nhiều xã than thở đã phải đóng thuế cho “phía bên kia”, làm sao còn tiền đóng thuế cho “phía bên này ?” Có môn nào dạy cho sinh viên cách ứng xử với những thưọng cấp là nhà binh vốn đã quen chỉ huy bằng nòng súng.

Nhớ lại ngôi trường cũ, mang sứ mạng đào tạo các bộ lãnh đạo quốc gia, tôi thấy ở đó là một nơi yên ổn nhất trong lúc đất nước vừa chiến đấu vừa xây dựng. Đa số những bài vở, những thầy dạy là những bài vở, những thầy từ bên trường Luật. Suốt ba năm học, tôi chưa hề có cơ hội được gặp giáo sư Viện Trưởng trừ những buổi ngồi trong giảng đường, thầy thì đọc còn trò thì cắm đầu cắm cổ chép.

Khi bước ra khỏi Học viện là thôi, giữa người cựu sinh viên và nhà trường coi như không còn sợi dây liên lạc nào.

Năm 1963, khi nghe tin ngôi trường thân yêu của tôi có Viện trưởng mới tên là Nguyển Văn Bông, tôi cũng chẳng quan tâm, kể cả cái mà người ta hay nói tới là ông Viện trưởng này là có bằng cấp cao nhất nước. Bởi vì ông Viện trưởng, các giáo sư thời tôi học cũng bằng cấp đầy mình chứ có thua kém ai đâu.

Nhưng ít lâu sau, bạn bè cho tin về ông Bông. Nào là ông ấy có tác phong một cán bộ chứ không phải một công chức chính ngạch. Nào là ông ấy thường xuyên sinh hoạt với sinh viên trong trường, kể cả các buổi đá banh đá bóng. Nào là ông ấy còn về các tỉnh thăm sinh viên đi thực tập, và gặp những cựu sinh viên đang làm việc ở địa phương để nghe ý kiến hầu bổ sung cho chương trình giảng huấn sát với thực tế của đất nước.

Vào năm 1968 tôi nghe tin ông thành lập một tổ chức chính trị đối lập là Phong Trào Quốc gia cấp tiến. Lúc đó thì tôi rất mong ông thành công để đất nước có dân chủ, không còn cái chế độ độc đảng đã tự tung tự tác .

Thế là tôi đặt niềm tin vào Giáo sư Bông. Ít ra, ông chủ trương đào tạo lớp sinh viên Quốc Gia Hành chánh trở thành cán bộ, trở thành những công bộc phục vụ dân chứ không còn là “phụ mẫu chi dân” như các thế hệ công chức trước.

Thế rồi đùng  một cái, tin ông bị ám sát và tử thương vang lên khắp Sài gòn.  Trong thời buổi chiến tranh, chết năm 42 tuổi có khi cũng đã là thọ rồi vì bạn bè tôi, có người chưa tới ba mươi đã sớm về nơi vĩnh phúc. Và cái chết trong chiến tranh hầu hết là những cái mất mát đột ngột, bất ngờ, bởi hễ gặp Việt cộng là coi như gặp tử thần rồi.

Bây giờ, đọc cuốn Di Cảo, tôi mới xúc động nhiều hơn về trường hợp Giáo sư Nguyễn Văn Bông.

Ông đã làm cho ngôi trường Hành chánh của tôi nhiều hơn những gì tôi biết. Ông đã có một chương trình đào tạo cho các sinh viên Hành chánh có một sứ mạng phục vụ rõ ràng. Ông đã cho những cựu sinh viên Hành chánh niềm hãnh diện về nơi mình xuất thân. Tóm lại, ông đã thổi một luồng sinh khi vào guồng máy hành chánh quốc gia với những người sinh viên Hành chánh là những cán bộ lãnh đạo của đất nước, không còn là những kẻ sớm vác ô đi tối vác về.
 

Phần trên đây, tôi phát biểu với tư  cách một cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh “nhớ ơn Thầy”.

Sang phần sau, tôi xin phát biểu với tư cách  một người viết tiểu thuyết, Lý do ? Bởi vì khi đọc cuốn Di  Cảo, tôi thích thú như khi xem cuốn phim Rashmon của Nhật thời xưa.

Tôi  xin trình bầy sau đây :

Trong cuốn Di Cảo có ba chủ đề chính :

1.- Ca ngợi tài năng đức độ của Giáo sư NguyễnVăn Bông

2.- Chứng minh cộng sản Việt Nam giết Giáo sư Bông.

3.- Tại sao cộng sản Việt Nam giết Giáo sư Nguyễn Văn Bông.

- Về ca ngợi tài năng đức độ, trong hầu hết các bài viết, tôi nghĩ không có gì để thêm cho hay hơn được nữa.

- Về cộng sản Việt Nam giết Giáo sư Bông, cũng không cần phải bàn, vì Việt cộng nó đã khoe họ là thủ phạm rồi.

- Về câu hỏi tại sao Cộng sản Việt Nam cố tình ám hại Giáo sư Nguyễn Văn Bông  thì trong sách Di Cảo, các bài viết nêu ra bốn nguyên nhân :

1.- Vì Giáo sư Bông sắp hay sẽ làm thủ tướng.

2.- Vì giáo sư Bông là CIA của Mỹ.

3.- Giết Giáo sư Bông để gây nghi ngờ cho phe quân nhân cầm quyền, hậu qủa là gây chia rẽ quân dân, làm giảm khí thế chống cộng.

4.- Và, cộng sản Việt Nam giết giáo sư Bông vì ông từng theo Việt Minh, nhận học bổng  Hồ chí Minh, nay thành tài, Giáo sư Bông ly khai cộng sản.

Riêng bà Jackie Bông thì mới đây  xác nhận rằng CSVN đã thi hành cuộc thảm sát GS Nguyễn Văn Bông với hai lý do:

a) Loại trừ một đối thủ chính trị họ sợ hãi, cản trở tham vọng thôn tính Miền Nam Việt Nam của Ðảng CSVN.

b) Ly gián và gây chia rẽ hàng ngũ Quốc Gia Chống Cộng.

Làm sao biết sự thực về cái chết của Giáo sư Bông đây ? Phải chi tôi có thể nhờ một nhà ngoại cảm, gọi hồn giáo sư Nguyễn Văn Bông về để mở cuộc phỏng vấn thì hay biết mấy. Trong khi chờ đợi cơ hội ấy, bây giờ tôi xin đoán :

1.- Có phải Ông Bông chết vì sắp  hay sẽ làm thủ tướng không ?

Hầu hết những bài viết trong cuốn Di Cảo đều lập luận rằng Giáo sư Bông được mời làm Thủ tướng. Nhưng riêng tôi, tôi không tin.

Lý do thứ nhất : Ông Bông là một chính khách lớn. Ông theo học ngành công pháp, đậu bằng Thạc sĩ, rõ ràng là ông có lý tưởng làm chính trị. Mà người có lý tưởng lớn, học rộng như thế mà không lẽ chỉ mong làm thủ tướng sao ?

Tôi nghĩ ông có một kế sách hơi dài hạn, nghĩa là sau hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Thiệu, ông sẽ ra tranh cử tổng thống. Để yểm trợ cái kế sách dài hạn đó, ông đã xây dựng lực lượng chính trị của ông là Phong Trào Quốc gia cấp tiến, và xây dựng lớp cán bộ hành chánh vừa có khả năng vừa có lý tưởng quốc gia.

Lý do thứ hai : Ông Bông đang là lãnh tụ của phong trào đối lập chính trị  công khai, đầu tiên trên chính trường Việt Nam. Nếu ông nhận làm thủ tướng, dưới quyền ông tổng thống Thiệu, thì còn gì là phong trào đối lập nữa. Chính ông cũng nghe dư luận đã diễu rằng  Phong Trào Cấp Tiến là Cấp Tiền, ý nói được nhà nước cấp tiền để đối lập cuội.

Lý do thứ ba : Trong sách Di Cảo, có người còn viết là người Mỹ “đề nghị”, “muốn”, “giới thiệu” Giáo sư Bông với Tổng thống Thiệu để làm Thủ tướng, hầu được lòng dư luận Mỹ mà dễ xin viện trợ. Tôi nghĩ Giáo sư Bông khi còn sống, nghe dư luận này, ông sẽ khó chịu lắm. Bởi vì ông là một lãnh tụ của dân chúng Việt Nam. Nếu ông nắm được quyền lãnh đạo thì đó là do lá phiếu của nhân dân Việt Nam chứ không do người Mỹ sắp đặt.

Lý do thứ  bốn : Nếu ông Thiệu có mời Giáo sư Bông làm thủ tướng chăng nữa, tôi tin chắc là Giáo sư Bông sẽ khéo léo từ chối. Bỏi vì với con người đầy bản lãnh như ông, ông hẳn biết, khi ngồi ghế thủ tướng mà trên dưới, chung quanh ông toàn là lon lá cả, ông sẽ thi thố được cái gì ? Ai để cho ông tự ý thực hiện những cải tổ dân chủ hoá, dân sự hóa  và bài trừ tham nhũng ? Đút đầu vào rọ, thì chỉ một thời gian ngắn, ông sẽ bị tham nhũng thanh toán, hoặc ông phải xin từ chức, hoặc ông bị loại, thử hỏi sau đó nếu còn sống, ông đâu còn hình ảnh của một lãnh tụ mà toàn dân mong đợi nữa. Nói nôm na là ông đã bị cháy.

Vậy thì tại sao có nhiều tin đồn rằng ông Bông sẽ hay sắp làm thủ tướng ? Tôi đoán, đoán thôi nhé, tin ông Bông sẽ hay sắp làm thủ tướng là do phe của ông tung ra. Nhất là sau khi ông đã mất rồi. Để làm gì ? Để đánh bóng lãnh tụ. Để gợi niềm cảm hứng cho một số người mà xin gia nhập lực lượng của ông.

Tôi nhắc lại, theo “kịch bản” của tôi thì mộng của ông Bông là làm Tổng thống, thay thế chế độ quân nhân Nguyễn Văn Thiệu. Nói ông Bông làm thủ tướng là có hơi hạ giá ông ấy đấy.

Thế thì tại sao Việt cộng ám hại giáo sư Bông ?

Trước hết, theo cuốn Di Cảo  thì Việt cộng mưu sát Giáo sư Bông ít nhất là hai lần nếu không kể còn những vụ “khủng bố” lai rai như khủng bố tại Hội Việt Mỹ, nơi phu nhân Giáo sư Bông làm việc. Và theo ông Triệu Huỳnh Võ thì gia đình ông còn bị Việt cộng xông thuốc mê vào năm 1970 tại tư gia của ông ở đường Phan Thanh Giản. Có điểm mà ông Triệu Huỳnh  Võ, một cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh, có thời làm Phụ tá tổng trưởng Thông tin, viết rằng kẻ gian đột nhập vào nhà, lục soát vứt tung toé, mà không lấy theo tài sản nào cũng như không ám hại gia đình Giáo sư Bông.  Năm 1968, ông bị ám sát hụt ngay tại Học Viện Quốc gia Hành chánh. Lúc này tên tuổi của Giáo sư Bông chưa nổi lắm, chưa có những tin đồn làm Thủ tướng, thế thì Việt cộng giết ông với mục tiêu gì ?

Trở lại cuốn Di Cảo, tôi chú ý tới bài viết của một đàn anh Quốc gia Hành chánh là ông Hoàng Xuân Hào. Ông là cựu giáo sư Tiến sĩ, cựu nghị sĩ chủ tịch Ủy ban Tư Pháp Thượng viện. Ông tự nhận là môn đệ của Giáo sư Nguyễn Văn Bông.

Ông Hào đưa ra một giả thuyết lấy từ nhiều nguồn tài liệu, nói rằng ông Bông “có thể”  là cựu Việt cộng. Ông đã được học bổng Hồ chí Minh để đi du học Ba lê (trang 187). Một ký giả cộng sản người Ý là Tiziano Terzani cũng viết : “Nguyễn Văn Bông là cựu cán bộ Việt Minh, đã tham gia tình báo CIA khi đảng cộng sản Việt Nam gửi ông đi công tác (đi học) ở Ba Lê”.

Rõ ràng là Nghị sĩ Hoàng Xuân Hào rất dè dặt, rất e ngại dư luận sẽ bảo ông Bông đã từng theo Việt Minh.

Vì thế nghị sĩ Hào bào chữa rằng chuyện ông Bông là cựu cán bộ Việt Minh “đều là những lời đồn đại và phỏng đoán, thiếu kiểm chứng, không có tinh xác thực”.

Dù thế, cuối cùng thì Nghị sĩ Hào cũng hạ bút rằng : “Nếu lúc trước ông có thực sự tham gia Việt Minh đi nữa thì ông vẫn là một người quốc gia yêu nước”.

Vâng, cũng như ông Hào, tôi không thể kiểm chứng được chuyện này. Thế nhưng chết nỗi, tôi lại hào hứng với sự kiện này. Bèn làm một scenario hư cấu như sau :

Cậu bé Nguyễn Văn Bông thời ở Gò C ông, vùng quê nghèo khổ và cũng là vùng đất của kháng chiến đấu tranh chống thực dân Pháp. Cụ Đốc phủ sứ Hồ Biểu Chánh đã kích thích lòng yêu nước của lớp thanh niên qua những cuốn tiểu thuyết viết về nạn cường hào ác bá, lợi dụng và làm tay sai cho các quan Tây. Quan tây và tay sai của Tây khi tá điền nạp đủ thuế thì gật gù nói “Bông ! Bông !”.  Trong số những người ý thức về thân phận của một dân tộc bị trị, bị bóc lột, có cậu học sinh Nguyễn Văn Bông nghèo khó, phải vừa học vừa lao động kiếm cơm ăn và kiếm tiền mua sách.

Cậu đã được phe kháng chiến tuyên truyền, đã được đọc chuyện Hồ Chi Minh xuống tầu thủy làm bồi bàn, sang Pháp để tìm đường cứu nước.

Trong Di Cảo tôi còn thấy chi tiết này : Cậu Nguyễn Văn Bông được học bổng để học tiểu học. Rồi học bổng để học trung học. Tôi không hiểu học bổng này là cửa ai ?

Tiếp theo, năm 1949, dù chưa có bằng tú tài, tiền bạc không có, Nguyễn Văn Bông cũng quyết tâm xuống tầu, sang Pháp. Phải chăng cậu Bông noi guơng họ Hồ và cũng nuôi mộng trở thành một lãnh tụ ngang tầm hoặc hơn họ Hồ ?

Trong lúc bơ vơ nơi đất khách quê người, Nguyễn Văn Bông tiếp tục được phe Việt Minh móc nối. Họ cấp học bổng cho cậu với một số tiền tượng trưng. Chung quanh cậu, lúc đó khá đông trí thức Việt Nam ủng hộ Việt Minh vì tưởng Việt Minh là chống thực dân giải phóng tổ quốc. Không ít người đã trở về miền Bắc sau khi Việt Minh chiếm được Hà Nội như Luật sư Trần Đức Thảo, như Nguyễn Mạnh Tường..

Nhưng chàng thanh niên Nguyễn Văn Bông đã sớm nhìn ra bản chất của cộng sản ẩn núp đằng sau phong trào yêu nước kháng chiến.

Và người có công giúp chàng thanh niên NguyễnVăn Bông nhận được bộ mặt thật của Hồ chí Minh là ông Nguyễn Ngọc Huy. Hai người gặp nhau trên đất Pháp.

Khi thành tài về nước, Nguyễn Văn Bông đã có một con đường, đó là phải xây dựng Miền Nam Việt Nam thành một nước thực sự tự do, thực sự dân chủ để đưa dân tộc ra khỏi vòng nghèo đói và lạc hậu. Nghĩa là phải loại bỏ cộng sản.

Cộng sản đã tìm cách móc nối, chiêu dụ Giáo sư Bông hoạt động cho chúng.  Nhưng ông khảng khái từ chối.

Năm 1968, cộng sản đặt chất nổ tại Học viện Quốc gia Hành chánh. Đây chỉ là đòn đe dọa vì nếu muốn giết ông, cộng sản sẽ  hoặc là để một lượng chất nổ lớn hơn, hoặc là, nếu đã vô tới sát phòng của ông đặt chất nổ thì cũng có khả năng đột nhập phòng làm việc của ông, kết liễu đời ông bằng một phát đạn.

Tuy bị dằn mặt, cảnh cáo nhưng Giáo sư Bông không sợ. Nghĩa là ông dứt khoát không những từ bỏ mà còn chống cộng sản. Đó là lý do ông càng tăng tốc, càng hăng say hai công tác mà ông đang làm là Phát triển Phong trào Quốc gia cấp tiến, và càng mở rộng chương trình huấn luyện tại Học Viện Quốc gia Hành chánh lên mức cao học, mỗi khoá thu nhận nhiều sinh viên hơn. Thời tôi theo học, một khoá có năm bẩy chuc người, thời Giáo su Bông có khoá lên tới hai trăm người, mục đích để cung cấp cho guồng máy hành chánh đầy đủ nhân sự và là những nhân sự tốt.

Vì thái độ dứt khoá của Giáo sư Bông khiến cộng sản phải quyết định.

Đó là vụ ám sát ngày 10 tháng 11, 1971.

Tôi nhắc lại, trên đây chỉ là một chuyện phim của một đạo diễn điện ảnh. Nếu tôi có tiền bạc, có hoàn cảnh, tôi sẽ thực hiện một cuốn phim với nội dung  tạm gọi là giả tưởng như thế.

Bởi vì tôi muốn độc giả của tôi biết một điều cần phải biết về Giáo sư Nguyễn Văn Bông. Đó là Ông không chết vì cái ghế Thủ tướng.  Mà cái ghế Thủ tướng cũng không phải là mục tiêu của đời ông. Cái chết của ông mang tính khí phách và lý tưởng hơn nhiều, đó là ông đã nhìn rõ bản chất phi nhân của cộng sản nên dứt khoát đương đầu với cộng sản. Ông không sợ bạo lực cộng sản dù chúng đã đe dọa sinh mệnh ông. Nghĩa là dù có phải chết, ông vẫn giơ cao và bảo vệ ngọn đuốc tự do dân chủ để  các môn sinh Quốc Gia Hành chánh của ông tiếp nối soi sáng cho quê hương Việt Nam.