Home Tin Tức Bình Luận Phim Hereafter : gọi hồn kẻ chết để an ủi người sống

Phim Hereafter : gọi hồn kẻ chết để an ủi người sống PDF Print E-mail
Tác Giả: Tuấn Thảo   
Thứ Sáu, 21 Tháng 1 Năm 2011 09:23

Nói chuyện với người chết : vận may hay tai họa ? 

 

 Đạo diễn Clint Eastwood thuộc vào hàng kỳ cựu của làng điện ảnh quốc tế. Trong số hơn 30 bộ phim mà ông đã quay, tác phẩm sau không hề giống tác phẩm trước.

Bộ phim "Hereafter" có tựa tiếng Pháp là "Au Delà" (Bên kia thế giới) DR

 Lần này với bộ phim Hereafter (Bên kia thế giới), ông dẫn dắt người xem vào cõi huyền bí tâm linh, gọi hồn người đã khuất để giải tỏa nỗi dằn vặt ray rức của kẻ còn sống.
Về mặt nội dung, bộ phim Hereafter không đơn thuần kể một câu chuyện mà lại kết nối đến ba câu chuyện khác nhau.

Về mặt cấu trúc, có thể gọi đây là một tác phẩm hợp xướng, cộng hưởng nhiều nhân vật và tình huống khác biệt. Trong thể loại này, các bậc thầy vẫn là Robert Altman và Woody Allen.

 Còn dưới ống kính của đạo diễn Clint Eastwood, bộ phim Bên kia thế giới đan xen và lồng ghép ba mảnh đời ở ba phương trời cách biệt (Pháp, Mỹ và Anh) để rồi ở đoạn cuối, hội tụ về cùng một nơi.

Nhân vật đầu tiên mở đầu bộ phim là cô Marie Lelay (do Cécile de France thủ vai), một phóng viên nổi tiếng của đài truyền hình Pháp. Cùng với người bạn trai, cô đi du lịch ở Thái Lan, vào thời điểm xẩy ra cơn sóng thần.

Từ căn phòng khách sạn ven biển, người ta thấy mực nước đột ngột rút lui, để rồi dâng cao lên cả chục thước, đổ ập vào đất liền. Trận sóng thần mãnh liệt dữ dội bứng gốc các cột đèn điện, quét sạch phiên chợ làng, cuốn trôi xe cộ nhà cửa.

Trong cảnh hoảng loạn, Marie tháo chạy không kịp nên bị nhấn chìm dưới nước. Cô tắt thở chết đuối trong vài phút, trước mắt bỗng hiện ra nhiều bóng người chập chờn trong đường hầm ánh sáng.

Trạng thái cận tử : người chưa tới số

Tuy được người khác làm hô hấp nhân tạo nhưng Marie vẫn không sống dậy. Đến khi toán cấp cứu tưởng chừng cô đã chết, quay lưng bỏ đi cứu giúp người khác, thì Marie mới ọc nước bừng tĩnh.

 Trời kêu ai nấy dạ. Nói theo người Việt, thì Marie đáng lẽ ra phải chết nhưng rốt cuộc vẫn chưa tới số. Còn nói theo người Âu Mỹ, thì cô đã trải qua trạng thái cận tử (Near Death Experience), một con người phàm trần về từ cõi chết.

Tuy bình an vô sự và được trở về Paris, nhưng tâm tính của Marie bỗng nhiên khác hẳn. Trong lúc làm việc, cô bỗng nhiên hoang mang thất thần như thể hồn vẫn chưa về xác.

 Bạn trai của cô khuyên Marie nên nghỉ ngơi dưỡng sức, tận dụng thời gian rảnh rỗi để viết sách, vì cho dù cơ thể lành lặn nhưng tâm hồn có thể bị chấn thương. Tưởng lầm rằng cô được nghỉ vài tuần để tĩnh dưỡng, nào ngờ Marie lại bị cho thôi việc nghỉ luôn. Nhưng kể từ khi cô trở về từ thế giới bên kia, sự nghiệp và danh vọng không còn là điều quan trọng.

Nhân vật chính thứ hai trong phim là George Lonegan (do Matt Damon đóng vai), một công nhân bốc hàng làm việc tại bến cảng San Francisco, Hoa Kỳ.

Thời niên thiếu, anh bị chứng viêm não nên buộc phải giải phẫu. Căn bệnh nan y khó giải, nên anh phải nằm trên giường mổ hàng tiếng đồng hồ. Sau nhiều ngày hôn mê bất tỉnh, George dần dần hồi phục sức khỏe. Tưởng rằng mọi chuyện đã bình thường, đâu ngờ bệnh viêm não lại biến chứng. Cậu thanh niên bị mất ngủ và nhức đầu kinh niên.

Mỗi khi phải thức trắng, George chỉ tìm thấy sự an ủi khi nằm yên trên giường, nghe đọc sách qua audio book, chủ yếu là các tác phẩm của nhà văn Charles Dickens. Nhưng trong số các biến chứng, lạ lùng hơn cả là anh có giác quan ngoại cảm : George không nhìn thấu quá khứ hay tương lai, mà lại có thể giao tiếp trò chuyện với linh hồn của người đã khuất. Cứ mỗi lần anh đụng chạm hay nắm tay người khác, là thân nhân quá cố của họ bỗng hiện về, nói cho anh nghe tất cả những điều bí ẩn, che giấu hay chôn kín ở trong lòng, mà chỉ có những người trong cuộc mới biết được.

Nói chuyện với người chết : vận may hay tai họa ? 

Đối với người thường, cái giác quan thứ sáu này có thể là một vận may, nhưng đối với George, thì nó chẳng khác gì một tai họa.

 Trong đời, anh đã nhiều lần giúp đỡ người còn sống nhắn nhủ tâm tình với người đã khuất. Nhưng cũng như anh nói : sống mà chỉ để nói chuyện người chết thì đâu phải là một cuộc sống thực thụ. Có lẽ cũng vì thế mà George chọn nghề bốc hàng thay vì kiếm tiền nhờ thuật gọi hồn. Cho dù được người anh trai vỗ về dỗ ngọt, nhưng George nhất quyết không muốn khai thác khả năng của mình để trục lợi. Đoạn tuyệt với quá khứ, George khăn gói lên đường rời nước Mỹ sang Anh.

Chính tại Anh Quốc, mà người xem mới khám phá câu chuyện thứ ba. Nhân vật chính là Marcus, một cậu bé 10 tuổi (do George McLaren đóng vai). Marcus sống cùng với người anh sinh đôi tên là Jason ở một khu phố nghèo. Cả hai đứa bé chẳng những mồ côi cha mà còn bị người mẹ bỏ bê, vì chứng nghiện rượu và ma túy. Tuy giống nhau như đúc, nhưng hai đứa bé lại có tánh tình rất khác biệt : thằng em càng nhút nhát rụt rè bao nhiêu, thì thằng anh càng lanh lợi tháo vát bấy nhiêu.

Một ngày kia, nhân viên trợ tá xã hội đến nhà gỏ cửa đòi bắt hai đứa nhỏ, đem giao cho người khác nuôi. Thằng anh mới lập mưu bày kế giúp mẹ và em trai thoát khỏi tình huống rủi ro. Chạnh lòng ân hận, bà mẹ thương con mới quyết định mua thuốc cai nghiện. Bà đưa tiền cho Marcus, bảo thằng em chạy ra phố mua thuốc tây về cho mẹ, nhưng rốt cuộc thằng anh lại đòi đi. Đến khi rời khỏi nhà, Jason bị một lũ du côn chặn đường ăn hiếp, thằng anh hoảng sợ băng qua đường tháo chạy, rủi thay lại bị xe cán nên chết ngay tại chỗ.

Kẻ khuất hộ mạng người sống

Sau tai nạn, người mẹ được đưa vào trung tâm cai nghiện. Marcus thì tạm thời được một gia đình khác nhận về nuôi. Thằng bé trở nên lầm lì ít nói, mỗi đêm trước khi đi ngủ lại nói chuyện một mình như thể anh trai vẫn còn sống và nằm trên giường bên cạnh.

 Sau đám tang, Marcus giữ lại làm kỷ vật cái nón lưỡi trai của Jason. Thằng bé bỏ nhà đi lang thang không phải để chơi bời phá phách mà lại đi tìm thầy bói để giúp nó liên lạc với người anh đã chết. Có một lần, nó vào trạm xe điện ngầm. Giờ cao điểm đông người nên hành khách chen lấn xô đẩy nhau, hất xuống đất cái nón lưỡi trai của thằng nhỏ. Vì đi tìm cái nón mà Marcus trễ mất một chuyến xe, nhưng cũng vì thế mà thoát chết trong đường tơ kẻ tóc vì chuyến xe thình lình phát nổ do bị cài bom, làm nhiều hành khách thiệt mạng.

Phải chăng do duyên kiếp tiền định mà cả ba nhân vật mà thoạt nhìn chẳng có liên hệ gì với nhau lại gặp mặt nhân kỳ hội chợ sách tại Luân Đôn. Trong lúc ký tặng quyển tự truyện, Marie chạm vào bàn tay của George nên anh biết ngay rằng cô đã từng chết đi rồi sống lại.

 Thằng bé Marcus lang thang giữa các gian hàng sách chợt nhận ra George là người có tài nói chuyện với người chết. Bởi vì nó đã từng thấy chân dung của anh trên mạng internet. Dù bị George xua đuổi cách mấy, nhưng thằng nhỏ vẫn nhất quyết chạy theo anh. Sau khi thấy Marcus đứng chờ trước khách sạn mấy tiếng đồng hồ, George mới xiêu lòng giúp đỡ vì tội nghiệp cho thằng bé.

Lúc đó, Marcus mới biết rằng người anh sinh đôi đã khuất vẫn che chở phù hộ cho mình. Nhờ vong linh của người quá cố, mà chiếc nón lưỡi trai bị rớt xuống đất, và như vậy Marcus thoát chết trong vụ khủng bố xe điện ngầm.

Đó là lần duy nhất nhưng cũng là lần cuối cùng hai anh em sinh đôi trò chuyện với nhau. Để tỏ lòng tri ân, thằng bé Marcus mới mách với George là cô Marie đang ở chỗ nào. Dù chỉ gặp mặt có một lần nhưng anh linh cảm là giữa hai người có một sợi dây vô hình nào đó gắn liền hai định mệnh. Trong đoạn cuối, dù khán giả không phải là tiên tri hay thầy bói nhưng họ cũng có thể đoán trước bộ phim kết thúc có hậu đến chừng nào.

Kịch bản : thắt nút chặt, tháo gỡ nhanh

Bộ phim Hereafter là tác phẩm thứ 31 của đạo diễn Clint Eastwood. Có thể xem đây là dấu gạch nối giữa cuộn phim Sixth Sense (Giác quan thứ 6) của Night Shyamalan và Tháp Babel của đạo diễn Alejandro González Inárritu.

Một bộ phim huyền bí tâm linh nhưng không ma quái kinh dị, một câu chuyện đa tầng nhiều lớp nhưng vẫn không trái ngược chồng chéo.

Về mặt diễn xuất, hầu hết các tài tử Hollywood nên học hỏi cách diễn xuất của Michael Caine trong bộ phim mang tựa đề Harry Brown. Còn về thủ pháp điện ảnh, các nhà đạo diễn trẻ nên học hỏi từ đạo diễn Clint Eastwood, vì cách quay phim của ông xứng đáng được xếp vào hạng thượng thừa. Hollywood đã từng quay nhiều bộ phim nói về thiên tai và ngày tận thế, nhưng không có phim nào sánh bằng cái cảnh sóng thần mở đầu bộ phim Hereafter.

Chỉ trong vòng 8 phút, nhưng Clint Eastwood xen kẻ lối quay toàn cảnh, quay nửa thân rồi cận ảnh và nhất là thủ pháp "ống kính chủ quan", tức là quay từ góc nhìn của người trong cuộc. Có lẽ cũng vì thế mà khán giả thật sự có cảm tưởng ngụp chìm trong trận sóng thần.

 Trong ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn Clint Eastwood dùng hàm ý và tỉnh lược để rút ngắn những đoạn không cần thiết, nhưng bên cạnh đó ông dùng những chi tiết rất phụ để làm giàu câu chuyện, không có chiếc nón lưỡi trai thì làm sao mà Marcus thoát chết, không mê truyện của Charles Dickens, thì nhân vật George sẽ không đời nào đi Luân Đôn.

Tuy nhiên, trên ba phần, bộ phim Hereafter chỉ đạt có hai. Đoạn yếu nhất là đoạn nói về cô Marie, từ cách xây dựng tâm lý nhân vật cho đến việc tái tạo môi trường làm việc của phóng viên người Pháp.

Trong phim, câu chuyện của ba nhân vật được phân đoạn một cách đồng đều. Nhưng thời lượng cân bằng dành cho mỗi nhân vật, lại tạo ra sự thiếu cân xứng về mặt trọng lượng vì ý nghĩa của mỗi câu chuyện không ngang tầm với nhau. Trong ba nhân vật, George có vẻ quan trọng hơn cả, anh không những là dấu gạch nối giữa cõi âm và cõi dương mà còn là người có thể giải đáp những khúc mắc của hai nhân vật kia.

Người đi lưu luyến cõi trần, kẻ ở ray rức nội tâm  

Không có giác quan thứ 6 của George, thì cậu bé Marcus sẽ không thể giao tiếp với người đã khuất, và cô Marie sẽ không thể nào trả lời cho câu hỏi : chết là dấu chấm hết hay lại là điểm khởi đầu cho một cuộc hành trình khác.

Bên cạnh đó, nhịp điệu của bộ phim cũng bị mất cân đối. Nếu như trong phần đầu của bộ phim, đạo diễn Clint Eastwood dành khá nhiều thời gian để kể câu chuyện của ba nhân vật, thì trong đoạn cuối, mạch phim bỗng nhiên tăng tốc : tuy không lạc điệu nhưng vẫn bị lệch nhịp. Có thể nói là kịch bản được thắt nút chậm mà chặt, nhưng sau đó lại tháo gỡ hơi vội vàng nên không tránh khỏi vài chỗ vụng về.

Nhìn lại, Hereafter không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Clint Eastwood, nếu phải so sánh với các tác phẩm trước của ông là Gran Torino, Mystic River hay The Bridges of Madison County.

 Dưới lớp vỏ tâm linh huyền bí, cốt lõi của bộ phim nói về nỗi ám ảnh của những người sống sót nhiều hơn là về cái chết. Cậu bé Marcus đau buồn trước cái chết của người anh sinh đôi và chỉ cảm thấy nguôi ngoai khi được nghe lời nhắn nhủ của Jason.

Cô Marie không hiểu vì sao mình thoát chết sau trận sóng thần, trong khi hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng. Marie bị ám ảnh và chỉ cảm thấy bình an hơn trong tâm hồn khi viết sách làm chứng. Kinh nghiệm cận tử lại đem lại cho Marie một lẽ sống mới.