Home Tin Tức Bình Luận Liệu Hoa Kỳ có kiềm chế được Trung Quốc?

Liệu Hoa Kỳ có kiềm chế được Trung Quốc? PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 20 Tháng 6 Năm 2011 21:04

Việt Nam cho phép biểu tình chống Trung Quốc trong mấy tuần qua

 Hai người viết của phương Tây bất đồng về chuyện liệu Hoa Kỳ có thể kiểm soát được Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Thạc sỹ Eleni Ekmektsioglou, hiện là chuyên viên của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, hôm 20/6 có Bấm bài viết tới tựa đề:

 "Tại sao Hoa Kỳ Không thể Kiềm chế Trung Quốc?"

Trong khi đó một ngày trước đó cây viết Arthur Herman, có sách vào chung khảo giải Pulitzer 2009, lại Bấm có bài với dòng tít "Sự Ngang ngạnh của Bắc Kinh - Tại sao Việt Nam muốn chúng ta trở lại" nói về vai trò mà Hoa Kỳ có thể đảm đương ở Thái Bình Dương.

Eleni Ekmektsioglou nói môi trường chiến lược ở Đông Nam Á là "cực kỳ phức tạp" và bởi vậy không phù hợp với các chiến lược kiềm chế quy ước.

Một trong các lý do là tầm quan trọng của Trung Quốc về mặt kinh tế đối với Đông Nam Á. Bắc Kinh và khối các nước ASEAN thậm chí đã ký Hiệp ước Thương mại Tự do, vốn có hiệu lực từ đầu năm nay.

Bà Ekmektsioglou viết: "Đối với hầu hết các nước ASEAN, Trung Quốc thuộc nhóm năm bạn hàng lớn nhất. Còn đối với Trung Quốc, khối ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư".

Phân tích gia Ekmektsioglou cũng đưa ra một lý do mà bà cho là quan trọng hơn:

"Rào cản lớn nhất đối với bất kỳ cố gắng nào của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc là quan điểm khá nước đôi của các nước Đông Nam Á về sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực".

Ví dụ bà đưa ra là tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hồi tháng Bảy năm ngoái ở Hà Nội không chỉ bị Bắc Kinh phản đối mà cả một số nước Đông Nam Á.

Các nước ASEAN, theo Eleni Ekmektsioglou, không muốn bị kẹt vào tình huống giống thời chiến tranh lạnh khi họ phải chọn giữa hai siêu cường thế giới.

'Mạnh và tự tin'

Trong khi đó cây viết Arthur Herman nói các vấn đề trong nội bộ Trung Quốc đã khiến nước này "mạo hiểm và ngạo mạn" với thế giới bên ngoài.

Ông nhận định: "Bắc Kinh đã phô trương cơ bắp quân sự mới và các tham vọng địa chính trị đối với các nước láng giềng."

"Cùng với các vụ tin tặc toàn cầu, Trung Quốc trông không giống một siêu cường đang lên mà giống như một kẻ bắt nạt mất kiểm soát."

Arthur Herman nói thái độ của Việt Nam tạo cho Hoa Kỳ một cơ hội để khép lại cuộc chiến gây chia rẽ nhất và tìm cách tiếp cận thực tế hơn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo ông Herman, bản thân Trung Quốc đang có những vấn đề của họ với một loạt các vụ bạo lực, thậm chí cả các vụ nổ bom chống lại chính quyền trong thời gian gần đây.

Một Hoa Kỳ mạnh và tự tin có thể buộc Bắc Kinh thôi thói bắt nạt và tập trung vào cải cách ở trong nước trước khi kinh tế sụt giảm và bất ổn lan rộng. /Arthur Herman


Tổng số các vụ lộn xộn mà chính quyền gọi là "sự cố hàng loạt" đã tăng nhanh và chỉ riêng trong năm 2008 đã có 127.000 vụ như vậy.

Arthur Herman nhận định giá dầu tăng cao và lạm phát đang xóa đi nhiều thành tựu kinh tế của Trung Quốc sau giai đoạn tăng trưởng trung bình hơn 6% một năm về tổng sản phẩm quốc nội trong giai đoạn 1978-2003.

Người dân Trung Quốc, ông nói, hiện đang muốn sống theo cách của họ sau những năm tự do kinh tế.

Tác giả nói thêm: "Cuối cùng thì [Hoa Kỳ] đương đầu với Trung Quốc có thể là điều tốt nhất cho chính người Trung Quốc."

"Một Hoa Kỳ mạnh và tự tin có thể buộc Bắc Kinh thôi thói bắt nạt và tập trung vào cải cách ở trong nước trước khi kinh tế sụt giảm và bất ổn lan rộng. Đó là điều người Trung Quốc không muốn và chúng ta không cáng đáng nổi."